Tiến sĩ Đào Lê Na là một trong những tiến sĩ trẻ nghiên cứu về lĩnh vực điện ảnh và cải biên học. Không những nghiên cứu, cô còn giảng dạy nghề biên kịch cho những bạn yêu thích viết kịch bản và thực hiện nhiều kịch bản hài, tiểu phẩm, phim ngắn,… Với kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và trực tiếp làm nghề, chắc chắn cô có rất nhiều điều thú vị và bài học bổ ích để chia sẻ cho những bạn muốn trở thành một nhà biên kịch trong tương lai. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của cô về nghề
Suy nghĩ của cô về thị trường kịch bản phim Việt Nam hiện nay và tương lai của nghề?
Hiện nay, thị trường kịch bản phim Việt Nam đang rất khởi sắc. Mỗi tháng, có 2-3 phim Việt ra rạp. Điều này đồng nghĩa với tính cạnh tranh của thị trường phim Việt đang ngày một cao và đòi hỏi người biên kịch phải liên tục trau dồi kỹ năng lẫn kiến thức mới có thể viết được những kịch bản tốt và có khả năng được các nhà sản xuất chú ý. Rõ ràng, ngành biên kịch đã và đang là một ngành rất hấp dẫn hiện nay bởi vì phim Việt Nam vẫn còn nhiều đề tài chưa được khai thác. Bên cạnh đó, người biên kịch còn có thể viết kịch bản cho phim quảng cáo, hài kịch tình huống, các chương trình truyền hình, các MV ca nhạc…
Theo cô, một nhà biên kịch cần có những yếu tố, yêu cầu nào để hoạt động trong nghề?
Một nhà biên kịch cần phải thực sự yêu thích điện ảnh, có đam mê với nghề và có khả năng nghiên cứu, có sự nhạy bén và tinh tế với những vấn đề trong đời sống. Đôi khi, chúng ta viết kịch bản xuất phát từ hứng thú cá nhân nhưng nếu chúng ta không hiểu về nhân vật của chúng ta thì khán giả sẽ không tin vào những gì chúng ta viết. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã làm ra một bộ phim thất bại. Do vậy, theo tôi khả năng nghiên cứu của người biên kịch phải được đặt lên hàng đầu mới có thể làm ra được những tác phẩm hay và sâu.
Tiến sĩ Lý luận Điện ảnh Đào Lê Na chia sẻ tại Talkshow Từ Truyện Đến Phim
Người viết kịch bản hay nhà biên kịch có cần phải trải qua một khóa học bài bản để hành nghề hay không?
Theo tôi, người biên kịch nên theo một khoá học biên kịch nào đó. Khi chúng ta đọc sách, có thể chúng ta hiểu những gì giáo trình dạy biên kịch truyền đạt. Tuy nhiên, khi chúng ta bắt tay vào viết, nếu không có người góp ý, chỉnh sửa cho chúng ta thì chúng ta không biết mình sai chỗ nào và làm thế nào để tiến bộ.
Việc chuyển thể từ sách, truyện thành phim ngày càng xuất hiện nhiều. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ điển hình cho thành công của các nhà làm phim chuyển thể. Theo cô, nhà biên kịch cần dựa vào những yếu tố nào để lựa chọn tác phẩm chuyển thể và họ cần làm gì để phim chuyển thể có thể vừa sáng tạo vừa không làm thay đổi bản gốc?
Việc chuyển thể từ sách, truyện thành phim có một lợi thế đó là khi người ta yêu thích tác phẩm văn học thì người ta sẽ chờ đợi được xem nó trên phim. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trường hợp như vậy. Để lựa chọn tác phẩm chuyển thể thành công thì cần phải tuỳ vào trường hợp, người làm phim muốn làm một bộ phim nghệ thuật hay phim thương mại. Nếu làm phim thương mại thì cần chú ý đến tính đại chúng của tác phẩm văn học. Điều này có nghĩa là nhà làm phim nên chọn một tác phẩm best seller, được nhiều người yêu thích. Yếu tố thứ hai là tác phẩm đó phải có câu chuyện rõ ràng. Nếu không có câu chuyện rõ ràng, thì khi làm phim thường sẽ bị rối và không biết nên lựa chọn mạch nào cho phù hợp. Yếu tố thứ ba là tác phẩm đó nên giàu hình ảnh. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tác phẩm gợi cảm hứng cho các nhà làm phim phải lựa chọn bối cảnh đẹp như những gì mà tác phẩm văn học đã miêu tả. Hình ảnh đẹp cũng sẽ kích thích người xem và tạo hứng thú, dễ dàng lôi kéo họ đến rạp.
Tiến sĩ Đào Lê Na cùng nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiệu và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ tại talkshow Từ Truyện Đến Phim
Trong quá trình chuyển thể, người biên kịch cần nắm được tinh thần tác phẩm để đưa tác phẩm văn học lên phim. Cái mà người biên kịch cần chuyển thể là tinh thần của tác phẩm chứ không phải trung thành những chi tiết trong tác phẩm bởi khi chuyển thể nghĩa là người biên kịch phải sáng tạo, phải kể lại câu chuyện văn học sao cho nó phù hợp với ngôn ngữ và hình thức điện ảnh.
Tiến sĩ Đào Lê Na
Học vị: Tiến sĩ
Chuyên môn: Biên kịch điện ảnh, Lý thuyết nghệ thuật, Nghệ thuật điện ảnh.
Từ tháng 10/2016, giảng dạy chuyên ngành Biên kịch tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình
Hiền Đặng