Đội ngũ làm phim chuyên nghiệp – Bao gồm những ai? - Comic Media Academy

Đội ngũ làm phim chuyên nghiệp – Bao gồm những ai?

25/04/2016

học làm phim chuyên nghiệp

Một đoàn làm phim hay đội ngũ làm phim chuyên nghiệp là một nhóm người được thuê bởi một công ty sản xuất cho mục đích sản xuất một bộ phim, có thể là phim điện ảnh, phim truyền hình hoặc phim hoạt hình. Khái niệm đoàn làm phim được mô tả ở đây không bao gồm dàn diễn viên hay đội ngũ những người lồng tiếng cho bộ phim. Một đoàn làm phim được chia phân chia theo các lĩnh vực khác nhau, chuyên về một khía cạnh cụ thể của sản xuất.

1. Biên kịch (Script Writer):

woody-nha-bien-kich-noi-tieng
Woody Allen – nhà biên kịch nổi tiếng

Không phải ngẫu nhiên mà nhà biên kịch lại là người đầu tiên trong danh sách này. Đây là người sáng tạo ra ý tưởng, viết nên kịch bản chi tiết bao gồm cốt truyện. Biên kịch có thể tạo nên kịch bản nhờ vào sự sáng tạo ngẫu nhiên. Nó có thể đến bất chợt từ một cái tên, một câu chuyện, một mẫu tin, một bài báo, thậm chí là một con vật,…Biên kịch cùng với kịch bản của họ là điều kiện cần hàng đầu để có một tác phẩm hay.

>>> Tìm hiểu thêm: Lớp Nghệ thuật sáng tạo kịch bản

>>> Tìm hiểu thêm: Các loại kịch bản phổ biến

2. Tổ sản xuất (Product team):

Khi nhắc đến tổ sản xuất ta có thể liệt kê các chức danh sau: Executive Producer (Giám đốc sản xuất), Producer (Người chịu trách nhiệm sản xuất), Line Producer (Chịu trách nhiệm dây chuyền sản xuất), Production Manager (Quản lý sản xuất), Production Coordinator (Chuyên viên điều phối tổ chức sản xuất), Co-Producer (đồng sản xuất),…

Tổ sản xuất là “bầu show” của phim, có chức năng tạo mọi điều kiện để bộ phim được thực hiện. Tổ sản xuất thường phải theo sát quá trình sản xuất phim, từ khâu phát triển ý tưởng, xây dựng kịch bản cho đến công đoạn hoàn thiện và phát hành phim. Tổ sản xuất phải quản lý các vấn đề sản xuất thực tế, bao gồm việc tổ chức nhân sự, thiết bị quay, kỹ thuật, kinh phí, lịch quay, tổ chức việc hậu cần, …

3. Đạo diễn (Director):

Đạo diễn được xem là “thầy phù thủy” của bộ phim. Chịu trách nhiệm tổng quát về mặt sáng tạo của bộ phim, bao gồm kiểm soát nội dung phim, nhịp phim, lựa chọn bối cảnh, cảnh quay, quản lý ánh sáng, tính toán thời gian…những yếu tố quyết định đến giá trị nghệ thuật – thẩm mỹ của bộ phim.

Trong giai đoạn trước, đạo diễn thường phải làm nhiều công việc như: chỉ đạo diễn xuất, làm hậu kỳ,…nhưng hiện nay, để chuyên nghiệp hóa các công đoạn làm phim, dần xuất hiện các chức danh như: đạo diễn hình ảnh, đạo diễn âm thanh, chỉ đạo diễn xuất,…trong đoàn làm phim.

Director Martin Scorsese arrives at The Royal Premiere of his film Hugo at the Odeon Leicester Square cinema in London
Martin Scorsese – đạo diễn tài ba

4. Trợ lý đạo diễn (Assistant Director):

Trợ lý đạo diện là người hỗ trợ công việc cho đạo diễn trong suốt quá trình sản xuất phim…Trợ lý đạo diễn bắt buộc phải nắm bắt chính xác thời gian, công việc trong từng giai đoạn đối với từng bộ phận khác nhau.

Trợ lý đạo diễn cần báo cáo lịch quay hàng ngày, lịch nghỉ ngơi tới các bộ phận, phân công nhiệm vụ, những gì cần chuẩn bị cho cảnh quay, sắp xếp cảnh quay,…

Nếu bạn muốn trở thành một đạo diễn giỏi thì hãy đảm nhiệm công việc của trợ lý đạo diễn.

5. Thư kí trường quay (Script Supervisor):

Thư kí trường quay là người am hiểu cách thức vận động của các bộ phận kỹ thuật trong quá trình sản xuất phim. Công việc của thư kí trường quay là biên chép các thông số về ống kính, tiêu cự, độ dài, âm thánh, ánh sáng, bố cục quay, số cảnh quay,…Những biên chép đó sẽ có ích cho những bộ phận dựng phim.

Mặt khác, thư ký trường quay phải theo dõi xem phần nào của kịch bản đã được quay và ghi chú các khác biệt của cảnh quay và kịch bản.

Thư kí trường quay đòi hỏi phải có khả năng tập trung và ghi nhớ tốt để đảm bảo mọi ghi chép đều chính xác.

6. Tổ quay phim:

Nhân sự trong tổ quay phim thường bao gồm: Giám đốc hình ảnh (DP – director of photography), Quay phim (Camera Operator),…

DP là người đứng đầu tổ quay phim và ánh sáng của một bộ phim. Cũng là người có quyền quyết định về về ánh sáng và khung hình của mỗi cảnh phim. DP được coi là cánh tay phải của đạo diễn.

Nhiều đạo diễn chỉ thích làm việc với một số DP thân thiết, chẳng hạn khi nói đến phim của đạo diện Steven Spielberg, người ta nghĩ ngay đến DP Janusz Kaminski, người đã quay tất cả bộ phim của Spielberg. Hay nói đến thành công của đạo diễn Vương Gia Vệ, người hâm mộ sẽ nghĩ ngay dến Christopher Doyle. Ngay cả ở Việt Nam cũng có “cặp bài trùng” đạo diễn Lê Hoàng – quay phim Phạm Hoàng Nam.

dao-dien-le-hoang-va-quay -phim-pham-hoang-nam
Đạo diễn Lê Hoàng và quay phim Phạm Hoàng Nam

7. Dựng phim (Editor):

Người dựng phim là người tổng hợp tất cà các cảnh quay (chưa qua chỉnh sửa) sau khi đoàn làm phim đóng máy. Giờ đây các số liệu ghi chép của thư kí trường quay sẽ giúp người dựng phim trong việc sắp xếp các cảnh quay theo trình tự. Sau đó, người dựng phim sẽ tiến hành ghép nối, chỉnh sửa, tạo hiệu hứng để cho ra đời một bộ phim thật sự.

Quỳnh Như tổng hợp
(Nguồn: Filmmaking.com.vn / light-shape.com)