Khi bạn sáng tác câu chuyện, trong câu chuyện luôn có nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn. Nhân vật này ắt hẳn là nhân vật chính phải không nào? Người mà bạn sẽ theo chân anh ta đi suốt chiều dài câu chuyện và có ý nghĩa đối với bạn nhất?
Không, người đó chính là nhân vật phản diện.
Nhân vật phản diện không chỉ truyền cảm hứng, mà còn cho phép bạn đi sâu khám phá những góc khuất đen tối trong tâm hồn con người để từ đó cho ra đời những nhân vật xấu xa, độc ác đến khó tưởng.
Sau đây là 9 yếu tố giúp bạn xây dựng nhân vật như vậy:
1. CÁI BÓNG CỦA NHÂN VẬT CHÍNH
Mối quan hệ giữa nhân vật chính và nhân vật phản diện đóng vai trò chủ đạo trong câu chuyện, vì nó là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn. Nhân vật chính sẽ không có cơ hội tỏa sáng nếu như không có nhân vật phản diện gây rắc rối cho anh ta. Không vướng vào rắc rối, nhân vật chính sẽ khó lòng nhận ra điểm yếu của bản thân và tìm cách khắc phục. Nhân vật phản diện là hiện thân cho điểm yếu “chí mạng” của nhân vật chính. Nhân vật phản diện là CÁI BÓNG của nhân vật chính – tấm gương phản ánh chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhân vật chính lầm đường lạc lối. Cả hai nhân vật cùng đối mặt với một vấn đề, nhưng theo cách khác nhau. Ví dụ, nhân vật phản diện Darth Vader là cái bóng của người hùng Luke.
2. THỦ ĐOẠN TẤN CÔNG
Trong nỗ lực ngăn cản nhân vật chính đạt được mục tiêu, nhân vật phản diện sẽ ra sức tấn công nhân vật chính trên ba cấp độ: 1) quan hệ cá nhân 2) quan hệ xã hội và 3) tinh thần. Ở cấp độ quan hệ cá nhân, nhân vật phản diện sẽ tấn công bạn bè, người thân,… của nhân vật chính. Ở cấp độ quan hệ xã hội, nhân vật phản diện sẽ tấn công cộng đồng của nhân vật chính. Ở cấp độ tinh thần, nhân vật phản diện sẽ bạo hành tinh thần nhân vật chính. Vì là người chuyên tấn công điểm yếu “chí mạng” của nhân vật chính, nhân vật phản diện phải có thủ đoạn tấn công trên ít nhất hai cấp độ.
3. ĐIỂM YẾU
Nhân vật phản diện tất nhiên cũng phải có điểm yếu, nhưng điểm yếu ở đây không đại loại là “Anh ta khoái hành hạ rùa trước mỗi bữa ăn sáng,” “Anh ta có sở thích ướp bướm khô,” hoặc “Anh ta thích giết người.” Đây là những hành động độc ác, CHỨ KHÔNG PHẢI điểm yếu. Lấy ví dụ trong phim, nhiều nhân vật phản diện làm việc xấu mà không cần lời giải thích lý do TẠI SAO. Họ làm vậy vì lý do khá đơn giản: điểm yếu của con người! Những hành động độc ác của họ – từ nhỏ nhặt như trộm cắp đến kinh thiên động địa như tàn sát cả hành tinh – đều bắt nguồn từ ĐIỂM YẾU CỦA CON NGƯỜI. Cùng như nhân vật chính, nhân vật phản diện cần có những khiếm khuyết trong tâm hồn. Ví dụ, tiên hắc ám Maleficent tuy thuộc chủng tộc rồng, nhưng vẫn có điểm yếu như con người.
4. MỤC TIÊU
Cũng như vật vật chính trong câu chuyện, nhân vật phản diện cần có những mục tiêu cho riêng mình: ngăn cản nhân vật chính đạt được mục tiêu hoặc cố đạt mục tiêu khác với nhân vật chính. Nhân vật phải là trở lực lớn nhất đối với nhân vật chính, khiến nhân vật chính phải vất vả, khó khăn lắm mới đạt được điều mình muốn.
5. ĐỘNG CƠ BÊN NGOÀI
Nhân vật phản diện sở dĩ được nhiều người ủng hộ là vì anh ta chẳng bao giờ nói ra động cơ thật sự của mình. Anh ta luôn tạo bức bình phong che đậy con người thật của mình. Anh ta muốn tỏ vẻ như mình là người tốt. Anh ta bóp méo khái niệm thiện ác để bao biện cho động cơ xấu xa của mình. Anh ta không coi những việc làm xấu xa của mình là trái luân thường đạo lý. Anh ta khiến khiến mọi người lầm tưởng là người tốt. Ví dụ, Gothel là bà mẹ yêu thương, bảo bọc con gái, nhưng như bạn biết đấy, bà chính là hung thủ đâm trọng thương Flynn.
Động cơ bên ngoài tuy không đứng vững dưới góc độ lôgic và đạo đức, nhưng nó cho nhân vật phản diện cái lý để làm những việc trái luân thường đạo lý – và điều này góp phần tăng thêm sức lôi cuốn, hấp dẫn cho câu chuyện.
6. CÁI LÝ CỦA KẺ XẤU
Nhân vật chính cần nghiệm ra chân lý nào đó để giúp anh ta điều chỉnh cuộc sống, khắc phục điểm yếu, và xua tan bóng ma quá khứ. Đó là chân lý về “cách sống tốt” – điều bạn muốn chứng minh qua câu chuyện của mình. Nhân vật phản diện có suy nghĩ khác hẳn. Anh ta không đồng tình với chân lý đó và đưa ra cái lý của mình, “sống là phải biết hưởng thụ.” Ví dụ, Voldmort nói, “Không có thiện ác, chỉ có quyền lực, và những kẻ quá nhu nhược mới không mưu cầu quyền lực.”
Mặc dù cái lý của Voldmort không mang tính thuyết phục cho lắm, nhưng nó phản ánh đúng suy nghĩ trong đầu kẻ xấu.
7. VẺ NGOÀI
Vẻ ngoài của nhân vật phản diện được phản ánh qua diện mạo, cách ăn nói, cách hành xử, địa vị và quyền lực. Nhân vật phản diện muốn phô trương cho cả thế giới thấy vẻ bề ngoài và ra sức thao túng cảm nhận của người khác về mình. Tuy nhiên, theo thời gian, độc giả và nhân vật khác sẽ dần phát hiện ra những ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài ấy. Ví dụ, Gothel bề ngoài là một bà mẹ yêu thương, bảo bọc con gái Rapunzel, nhưng ẩn chứa đằng sau vẻ ngoài là…
8. ĐỘNG CƠ BÊN TRONG
Động cơ bên trong là động cơ thật sự của nhân vật phản diện. Nó bắt nguồn từ niềm tin lệch lạc, sự ích kỷ, và điểm yếu của nhân vật. Nhân vật phản diện luôn lấy động cơ bên ngoài làm bình phong để che đậy động cơ bên trong.
9. BÓNG MA QUÁ KHỨ, SỰ BIỆN MINH, NỖI ÁM ẢNH
Bóng ma quá khứ, sự biện minh, và nỗi ám ảnh có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên được gộp chung làm một. Nhân vật phản diện cũng có BÓNG MA QUÁ KHỨ giống như nhân vật chính – bi kịch xảy ra trong quá khứ làm đảo lộn thế giới quan của nhân vật, khởi đầu cho điểm yếu của anh ta, và ám ảnh anh ta đến tận hiện tại. Nhân vật phản diện vốn ban đầu hiền lành, tốt bụng; nhưng sau khi trải qua bi kịch, anh ta dần chuyển sang đóng vai ác trong câu chuyện. Bi kịch thường nghiệt ngã và đáng cho người ta động lòng thương cảm; nó cũng giống như bóng ma quá khứ của nhân vật chính. Ví dụ, thuở nhỏ Voldemort sống trong trại mồ côi, không có ai để bầu bạn ngoài bầy rắn.
Tuy nhiên, giữa nhân vật chính và nhân vật phản diện có CÁCH ĐỐI DIỆN rất khác nhau với bóng ma quá khứ. Cả hai cùng chịu đựng như nhau, nhưng cách họ đối mặt với nỗi chịu đựng này rất khác nhau. Nhân vật phản diện bị quá khứ dày vò, bị ám ảnh bởi chuyện bị hành hạ ngược đãi xưa kia (có thật hoặc tưởng tượng ra), lấy chuyện quá khứ là kẻ bị hại để biện minh cho hành động tội lỗi hiện nay và phủi sạch trách nhiệm. Ví dụ, nhân vật phản diện nói mình trở nên tệ hại như ngày nay là vì đã trải qua thời thơ ấu bất hạnh, bị những đứa trẻ khác bắt nạt.
Nhân vật phản diện không ngừng hãm hại nhân vật chính, nhưng vẫn nghĩ mình mới là kẻ bị hại. Anh ta hết đổ lỗi cho bóng ma quá khứ, xã hội, hoặc hoàn cảnh, lại chuyển sang đổ lỗi cho nhân vật chính – người được anh ta xem là nhân vật phản diện.
Vậy tại sao nhân vật phản diện lại như thế?
Nỗi ám ảnh. Nhân vật phản diện dành hết thời gian và tâm trí cho những toan tính đen tối, nên khó lòng nhìn thấy sự mê muội đằng sau mỗi hành động của mình. Nếu như tinh thần dám nghĩ dám làm là đặc điểm nổi bật của nhân vật chính, thì nỗi ám ảnh là đặc điểm chung của mọi nhân vật phản diện.
Khi bạn muốn có người hãm hại nhân vật chính trong câu chuyện, hãy xây dựng nhân vật phản diện theo cách trên, bảo đảm nó sẽ hiệu quả lắm đó.
* Nguồn: thatkatiecooney
*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy