9 gợi ý nhỏ giúp bạn vẽ minh họa tốt hơn - Comic Media Academy

9 gợi ý nhỏ giúp bạn vẽ minh họa tốt hơn

23/03/2022
“BELLE” ©2021 CHIZU – Aliya Chen

Tận dụng hình mẫu!

Đừng vừa vẽ vừa đoán khi bạn không biết cách vẽ một cái gì đó. Tuy có vẻ tẻ nhạt và mất thời gian, nhưng về lâu dài việc xây dựng kiến thức sẽ giúp bạn vẽ nhanh và hiệu quả hơn, và cùng với kinh nghiệm vẽ của mình, bạn sẽ tích nhặt được một thư viện hình ảnh phong phú trong đầu để có thể vẽ trực tiếp từ trí tưởng tượng. 

Cho dù bạn có vẽ cách điệu đi chăng nữa thì trước khi phá luật bạn vẫn nên biết luật. Thay vì chỉ vẽ theo một hình mẫu duy nhất, hãy cố gắng tìm một vài hình mẫu cho cùng một sự vật hoặc tình huống để bạn có thể hiểu được cấu tạo của sự vật hoặc tình huống đó – Tôi thích tự mình chụp hình mẫu khi có thể, và tôi cũng lưu vài bảng trên Pinterest để có thể lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau.    

——

Lời khuyên từ Aliya Chen
Aliya Chen là một họa sĩ vẽ minh họa trẻ đầy triển vọng tại Los Angeles. Sau khi đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Illustrators of the Future, cô gia nhập Netflix Animation với vai trò họa sĩ thiết kế trực quan (visual development).

_____________________________________________

‘Swirling fields’ – Andreas Rocha

Dành thời gian phân tích tác phẩm 

Hãy phân tích thật kĩ tác phẩm của bạn! Từ khi bắt đầu trang Patreon cách đây 6 năm, tôi đã quay lại quá trình vẽ cho hầu hết tác phẩm của mình. Không phải lúc  nào tôi cũng chắc chắn là  bức tranh tôi sáng tác sẽ thành công, nhưng nếu may mắn “trúng số”, tôi rất vui khi có thể  nhìn lại từng bước trong quá trình vẽ để xem mình đã làm tốt những điểm nào.

Ngược lại cũng thế. Tôi có thể phân tích những tranh không tốt và rút ra được bài học về những điều không nên làm.

Cách tốt nhất để quay lại quá trình vẽ là sử dụng OBS Studio. Sau khi vẽ xong, tôi sẽ tạo một thư mục mới với 10-15 hình JPG từ bức phác thảo đầu tiên cho đến tác phẩm hoàn chỉnh. Bằng cách dùng một trình xem ảnh như XnView, tôi có thể nhanh chóng điểm lại tất cả các bước và quan sát xem tranh của mình tiến triển như thế nào. Việc này rất hữu ích nếu bạn muốn phân tích quy trình làm việc của mình.  

——

Lời khuyên từ Andreas Rocha
Andreas là một họa sĩ vẽ concept freelance từ Lisbon, Bồ Đào Nha. Anh chuyên vẽ thể loại giả tưởng và khoa học viễn tưởng, thường xuyên làm việc với các khách hàng như Epic Games, LEGO, Wizards of the Coast.

_____________________________________________

‘Saturday’ – Felicia Chen

Vẽ những gì mình thích là điều tốt, nhưng đừng quên điểm yếu của bạn!

Khi bạn đam mê điều gì đó, nó sẽ được thể hiện rõ trong tác phẩm của bạn và đó là một điều tốt. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có thể dễ dàng rơi vào vùng an toàn và chỉ vẽ những gì mình đã quá quen thuộc.

Nếu bạn bắt gặp bản thân đang làm điều này, đừng ngại việc đầu tư cải thiện những điểm mà bạn còn yếu, và thử những phong cách vẽ hoàn toàn lạ lẫm đối với bạn!

Nếu bạn chuyên vẽ phong cảnh, luyện vẽ chân dung vẫn sẽ giúp bạn hiểu được hình thể của sự vật. Nếu bạn chuyên vẽ nhân vật, luyện vẽ phong cảnh sẽ giúp bạn cải thiện bố cục tranh. Hoặc bạn có thể thử nghiệm các loại ánh sáng, phối cảnh và chủ đề khác nhau bằng chính phong cách vẽ của mình. Cuối cùng, cho dù bạn không áp dụng một kỹ thuật vẽ mới nào thì những trải nghiệm này nhất định sẽ mở rộng tầm hiểu biết của bạn.

——

Lời khuyên từ Felicia Chen

Felicia Chen là một họa sĩ thiết kế trực quan người Mỹ gốc Hoa hiện đang làm việc tại DreamWorks. Cô lớn lên ở Sacramento, California với chị sinh đôi Aliya trước khi quyết định cùng nhau theo đuổi ngành visual development.

_____________________________________________   

‘Evergreen’ – Vanessa Morales

Thử thách chính mình bằng cách thay phiên vẽ digital và vẽ truyền thống

Một cách tuyệt vời để duy trì động lực và sự nhất quán trong khi vẫn thử thách bản thân là quay về nguồn cội và vẽ tranh truyền thống như một bài luyện tập hằng ngày. Dù tôi chỉ vẽ nhanh hay dành cả ngày để vẽ thì quá trình vẽ, sự hài lòng và thậm chí cả sự thất vọng đi kèm theo đó sẽ giúp tôi tìm ra những cách mới để giải quyết vấn đề hoặc áp dụng kiến thức mới vào việc vẽ digital. 

Nếu bạn từng thấy tranh truyền thống của tôi, bạn sẽ biết tôi thường sử dụng rất nhiều chất liệu. Quy trình vẽ cho từng loại chất liệu rất khác nhau. Ví dụ, khi vẽ màu nước, bạn sẽ đi từ nhạt đến đậm, nhưng khi vẽ màu acrylic hoặc gouache, bạn có thể đi từ đậm sang nhạt, v.v… Tôi đã học cách áp dụng các quy trình này và những kết quả đạt được vào tranh digital, nên việc này thực sự có lợi!  

——

Lời khuyên từ Vanessa Morales

Vanessa Morales là một họa sĩ vẽ concept và minh họa freelance với tình yêu sâu sắc dành cho thiên nhiên, những điều kì lạ và viễn tưởng. 

_____________________________________________       

‘Forgotten’ – Yvette Chua

Kỹ thuật và ý tưởng dựng bố cục

Tôi thường rất thích thử nghiệm với nhiều loại bố cục để khiến cho tranh minh họa của mình trở nên thu hút hơn. Điều này thách thức bạn giải quyết những khuyết điểm trong tranh và làm cho tranh của bạn trở nên thú vị và sống động hơn về mặt thị giác. Các kỹ thuật dựng bố cục thường được sử dụng trong phim ảnh nhưng cũng có hiệu quả cho việc vẽ minh họa, game và truyện tranh.

Có nhiều dạng bố cục khác nhau như: Quy tắc một phần ba (Rule of Thirds), Xoắc ốc vàng (Golden Spiral), Khối lượng tiêu điểm (Focal Mass), Phần xoắn ốc (Spiral Section), Tam giác hài hòa (Harmonious Triangles), v.v… Vì vậy, để học và áp dụng được các kỹ thuật này, điều quan trọng là phải phân tích chúng cho phù hợp. Mỗi loại bố cục đem lại hiệu quả khác nhau và giúp bạn hình dung ý tưởng một cách chính xác hơn.

Trước khi bắt đầu vẽ một tranh minh họa, hãy viết ra ý tưởng của bạn, vẽ nháp một vài bố cục và sau đó hoàn thiện nó một khi bạn tìm được bố cục mình mong muốn. Sử dụng mẹo này đúng cách sẽ giúp cho tác phẩm của bạn trở nên nổi bật và mang tính thẩm mỹ cao hơn.

——

Lời khuyên từ Yvette Chua

Yvette Chua là một họa sĩ vẽ minh họa tại Singapore. Cô hiện đang vẽ tiểu thuyết bằng tranh đầu tiên của mình (Cánh đồng hoa hướng dương – Field of Sunflowers).

_____________________________________________       

‘I heard the sky is still blue’ – Nadaskii

Câu trả lời đôi khi thật đơn giản!

Mỗi khi bạn sắp bắt đầu vẽ gì đó, trước tiên hãy thử phân tích nó thành những hình dạng (shape) đơn giản nhất, cho dù bạn đang vẽ bất cứ vật thể hay phong cách nào.

Khi vẽ, tôi thích chia các hình dạng thành ba nhóm lớn, vừa và nhỏ. Ban đầu tôi cố gắng không quá bận tâm đến những tiểu tiết như ô cửa sổ nhỏ hay lá cây vì tôi biết rằng một khi các hình dạng lớn đã được vẽ xong và tôi dần chuyển sang vẽ chi tiết, mọi thứ sẽ trở nên bớt choáng ngợp hơn. 

Điều này dạy cho tôi cách nhìn nhận tổng thể một bức tranh; nếu không, nó sẽ giống như làm việc với một chiếc kính hiển vi chỉ phóng to vào đúng một điểm, và khi thu nhỏ lại bạn sẽ hiếm khi nhận được kết quả tốt. Chính vì lí do này, tôi luôn thích mở tab thứ hai với một phiên bản tranh đã được thu nhỏ để có thể bao quát bố cục tổng thể của tranh. 

——

Lời khuyên từ Nadaskii

Nadaskii là một họa sĩ vẽ minh họa, cô bắt đầu tự học vẽ digital khi sống ở Morocco vào năm 2015. Kể từ đó, cô đã tìm được phong cách thích hợp cho mình bằng cách tập trung kể chuyện bằng hình ảnh và ghi lại những cảm xúc tinh tế thông qua ánh sáng và màu sắc trong tranh.

_____________________________________________       

“Fall Bakery” – Maxine Vee

Lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau và mở rộng tầm nhìn ra khỏi chuyên ngành của bạn

Hãy tập thói quen bước ra khỏi chuyên ngành của bạn và lấy cảm hứng từ những sở thích khác. Mỗi khi cần tìm cảm hứng, tôi thích lấy ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau.

Một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi là nhiếp ảnh. Tôi dành thời gian tìm hiểu cách các nhiếp ảnh gia yêu thích của mình làm việc; cách họ thể hiện ánh sáng và khắc họa lại đối tượng trong ảnh. Tôi thích áp dụng một vài yếu tố học được từ họ vào trong tranh của mình. 

Nhìn ra bên ngoài lĩnh vực của bạn và xem bạn có thể làm cách nào để đưa các sở thích khác nhau vào tác phẩm của mình – điều này không chỉ đem lại những cách thức mới mẻ cho quá trình sáng tạo mà còn giúp bạn nổi bật hơn! 

——

Lời khuyên từ Maxine Vee

Maxine Vee là một họa sĩ và nhà thiết kế đến từ Toronto, Canada. Cô điều hành một cửa hàng online của riêng mình và thích vẽ tranh minh họa, phong cảnh và nhân vật với phong cách bay bổng.

_____________________________________________       

‘The Passion of Joan of Arc’ poster – Zi Xu

Sự khác biệt của bạn chính là điều khiến bạn trở nên độc đáo

 Có những họa sĩ vẽ minh họa cảm thấy ngại ngùng vì sở thích của bản thân hoặc những điều ảnh hưởng đến tác phẩm của họ. Theo tôi, những điều bạn thích khiến bạn khác biệt so với người khác. Nếu bạn kết hợp những trải nghiệm từ chính cuộc sống của riêng bạn, từ thế giới quan và sở thích của mình, thì điều đó sẽ khiến tầm nhìn của bạn trở nên độc đáo – và mọi người thích như vậy. 

Tất cả chúng ta đều có một bản năng sâu trong tiềm thức – nó nhận thức được đâu là nghệ thuật xuất phát từ sự thành thật với bản thân; chúng ta  cần thực tâm vun đắp cho nó. Trở thành bậc thầy trong nghề đòi hỏi bạn phải đi tìm lại chính mình (“quay về nguồn cội”) và trải qua nhiều kinh nghiệm sống. 

Thật tốt khi bạn luôn tò mò và khao khát được cải thiện, nhưng bạn cũng nên biết tận hưởng bản thân một chút. 

——

Lời khuyên từ Zi Xu

Zi Xu là một họa sĩ vẽ minh họa và vẽ bìa, từng vẽ poster chính thức cho nhiều tác phẩm điện ảnh. Khách hàng của cô bao gồm Adobe, DC Comics, Disney, Lionsgate, Lucasfilm, Marvel, Metallica, và Warner Brothers. 

_____________________________________________       

Key art for Life is Strange 2 (tập 4) – Edouard Caplain

Đặt bút xuống và nghỉ ngơi

Có những bức tranh cần nhiều thời gian để hoàn tất. Khi thời gian trôi qua quá nhanh và phải căng mắt nhìn vào cùng một hình ảnh trong nhiều giờ, bạn dễ dàng bị “quen” với những lỗi sai trong tranh đang vẽ.

Sau khi tắt máy vào buổi tối và đi ngủ, khoảng thời gian nghỉ ngơi này của bạn có thể vẫn không đủ để phát hiện ra lỗi sai. 

Vì vậy, đừng ngần ngại để tranh sang một bên trong một thời gian. Hãy bước ra ngoài và ngắm nhìn những sự vật khác như tranh ảnh, kiến trúc, thiên nhiên – biết đâu bạn sẽ được truyền cảm hứng trước khi quay lại bản vẽ của mình với một cái nhìn hoàn toàn mới, và bạn sẽ bắt đầu nhìn ra những thứ mà có lẽ bạn đã không nên mất quá nhiều thời gian cho chúng, cùng với những điểm mà bạn đã quên chăm chút.

——

Lời khuyên từ Edouard Caplain

Edouard Caplain là một họa sĩ vẽ concept và giám đốc nghệ thuật tại Paris, Pháp. Anh nổi danh nhờ làm việc trong series Life is Strange, với vai trò họa sĩ concept chính và là người khiến Học Viện Blackwell trở nên sống động trong phần một (ra mắt vào năm 2015). 

Nguồn: Perephoneia

Người dịch: Xuân Chiêu