Làm thế nào để vẽ đẹp hơn không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, ngoài kia có nhiều nguyên tắc cơ bản và bài tập hữu ích đối với bạn. Sau đây là 5 hoạt động giúp bạn cải thiện kỹ năng vẽ.
Mở đầu bài viết là cách chuẩn bị và thực hành bố cục. Bước quan trọng này sẽ giúp bạn vẽ đẹp và tránh “hội chứng trang trắng”. Sau đó, bài viết sẽ trình bày phương pháp chung và đưa ra bài tập phối cảnh đơn giản giúp bạn làm quen với các nguyên tắc. Cuối cùng, bài viết sẽ kết thúc bằng những điều cần ghi nhớ để trở thành họa sĩ giỏi.
1. Động não
Đầu tiên, khách hàng của bạn sẽ đưa ra yêu cầu, hay còn được gọi là “brief”. Ý tưởng của họ có thể mơ hồ (ví dụ, hiệp sĩ) hoặc cụ thể (hiệp sĩ bóng đêm, mắt xanh, giáp vàng, cầm thanh kiếm diệt quỷ). Cả hai trường hợp đều có ưu và nhược điểm riêng. Về mặt chuyên môn, “hội chứng trang trắng” không phải là một sự lựa chọn. Nhiệm vụ của bạn là biến ý tưởng thành hình ảnh minh họa. Động não là công cụ tuyệt vời giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ này.
Viết ra chủ đề chính, rồi đánh dấu nó là thành phần quan trọng. Sau đó, đưa ra những ý tưởng phù hợp với chủ đề này. Viết chúng ra giấy sẽ bảo đảm bạn không quên bất cứ điều gì, cũng như giúp bạn lập bản đồ những gì muốn vẽ. Ví dụ, bạn chọn chủ đề “phù thủy hươu”, rồi giải mã thông tin được đề cập trong brief. Mỗi câu chữ là một nguồn cảm hứng. Liên kết chúng với nhau để xây dựng câu chuyện và phát triển chủ đề. Bắt tay vào phác thảo một khi có đủ các thành phần trên bản đồ.
Lấy sổ vẽ (sketchbook) làm nơi thí nghiệm nghệ thuật. Thú vị, hỗn độn, sống động. Vẽ bất cứ thứ gì bạn muốn nếu cảm thấy thích nó. Đó có thể là con phố thân quen, đôi tình nhân ngồi trước mặt bạn trong nhà hàng, vật dụng thường ngày, bản phác thảo trong dự án,… Trong trường hợp này, nó sẽ là bản phác thảo “phù thủy hươu.”
Bước chuẩn bị cũng đồng nghĩa với khâu thu thập tài liệu tham khảo. Tìm kiếm trên mạng những hình ảnh phù hợp với ý đồ của bạn nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm. Mục tiêu của việc này không phải là sao chép, mà là lấy cảm hứng. Ví dụ, bạn không sao chép con hươu từ ảnh chụp, mà sử dụng hình ảnh thầy tu và hươu thật để giúp xây dựng nhân vật. Lấy ảnh chụp làm tài liệu tham khảo thay cho hình vẽ để tránh bị ảnh hưởng bởi chúng.
Brief: bản tóm tắt
2. Bố cục
“Bố cục” là những sợi chỉ được bạn kéo căng ra để điều khiển hướng nhìn của người xem và khơi dậy cảm xúc trong họ. Quy tắc một phần ba được áp dụng rất nhiều. Và bạn hẳn sẽ thấy có nhiều tài liệu nói về nó. Tuy nhiên, xin cảnh báo rằng “quy tắc” thô thiển này thường tạo ra sự dư thừa trong bố cục. Thay vào đó, bạn áp dụng ba nguyên tắc cơ bản trong bố cục: độ tương phản, chi tiết và đường trục dáng.
Độ tương phản đánh dấu sự khác biệt giữa các thành phần. Sự khác biệt càng lớn càng thu hút sự chú ý của người xem. Ví dụ, chấm trắng trên trang giấy đen sẽ lập tức thu hút sự chú ý giống như ánh sáng trong bóng tối. Theo bản năng, chúng ta nhìn vào các góc tối nếu ánh sáng mạnh hơn. Điều này cũng đúng đối với con người. Chúng ta sẽ nhìn vào đứa trẻ đứng một mình giữa đám đông người lớn. Tương tự, chúng ta cũng hướng ngay sự chú ý vào người lớn trong vườn trẻ. Hình minh họa ở đây có màu tối, nên mọi ánh mắt đổ dồn vào những điểm sáng.
Chi tiết cũng là kỹ thuật giúp thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, ngay cả chi tiết cũng đặt ra vấn đề về sự tương phản. Đôi mắt nhân vật phải được xử lý khéo léo nếu bạn muốn làm nổi bật khuôn mặt. Nếu khung cảnh chứa đựng quá nhiều chi tiết, hãy để điểm nhấn có chỗ để thở.
Cuối cùng, đường trục dáng là yếu tố tưởng tượng. Nếu nhiều đường trục dáng hội tụ tại một điểm, điểm đó chắc chắn thu hút mọi ánh nhìn. Lưu ý những đám mây và phối cảnh trong hình minh họa ở đây hướng về phía nguồn ma thuật như thế nào.
Muốn tìm hiểu những khái niệm trên, bạn nhìn vào tác phẩm nghệ thuật yêu thích (tranh minh họa, truyện tranh, storyboard,…) Sau đó, trả lời câu hỏi sau:
+ Chỗ nào tương phản, và chúng tương phản ra sao?
+ Các chi tiết tập trung ở đâu?
+ Đường trục dáng nằm ở đâu?
Phân tích tác phẩm của những họa sĩ yêu thích. Phát triển phong cách diễn đạt của riêng mình. Tập thói quen tự đặt câu hỏi. Xem xét tác phẩm của mình dưới góc nhìn của người ngoài cuộc. Cảnh xa hay gần?
Tạo bố cục thu nhỏ (kích thước 5 cm) để giúp tập trung vào những thành phần quan trọng. Nếu phiên bản thu nhỏ có tác dụng, nó cũng tác dụng trên quy mô lớn hơn.
Ở đây áp dụng bố cục gần cho phù thủy hươu để tạo ấn tượng về sức mạnh của ma thuật. Không có khái niệm “tốt” hay “dở” khi nói đến ý tưởng. Chỉ cần tự hỏi bố cục có đáp ứng yêu cầu được nêu trong brief hay không. Áp dụng theo sở thích cá nhân khi cần.
3. Dựng hình
Bố cục là một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo. Bạn cần dựng cảnh theo đúng bố cục thông qua đường trục dáng và khối lượng. Bước này cần thực hành phối cảnh trên sổ vẽ phác thảo. Chọn một vật dụng hàng ngày, gần gũi với bạn, chẳng hạn như bàn ghế, ca uống nước,… Khi đã quen với đồ vật đơn giản, bạn chuyển sang đồ vật phức tạp như đèn đường, bộ điều khiển trò chơi điện tử,…Mục tiêu là tái cấu trúc đồ vật thành hình học cơ bản. Cố gắng thể hiện nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong một số trường hợp, đơn giản hóa đối tượng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Làm cho dễ dàng bằng cách sử dụng hình khối, hình chữ nhật, hình chóp, hình trụ, hình cầu,…
Phối cảnh và bố cục sẽ không còn là bí mật nếu bạn thử thách bản thân từng ngày.
4. Tìm hiểu về giải phẫu học
Bắt tay vào vẽ khi dựng hình xong. Vốn kiến thức về giải phẫu học và thiết kế sẽ hữu ích đối với bạn trong phần này.
Thiết kế được hiểu là cách mọi thứ được xây dựng và tương tác với nhau. Ví dụ, cách gắn cửa vào một vật nào đó sẽ giúp ngăn ngừa lỗi mở cửa, hoặc sai sót về tỷ lệ với nhân vật.
Giải phẫu học là phần thú vị và quan trọng nhất trong học vẽ. Việc nắm vững giải phẫu người cuối cùng sẽ dẫn đến nhân hóa và thiết kế sinh vật.
Bạn nên bắt đầu từ việc phân tích tỷ lệ và cơ chế vận động của xương người. Quan sát kỹ từng xương xem chúng vận động như thế nào, bắt đầu từ xương sọ và xương hàm. Nếu bạn vẽ được đầu người theo đúng tỷ lệ dưới nhiều góc độ khác nhau, thì vẽ những xương còn lại sẽ dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên, bạn không nên đánh giá thấp hình dạng đặc biệt của xương chậu, vì đây là một trong những dấu hiệu nhận biết giới tính. Ngoài bộ phận sinh dục, sự khác biệt chính giữa nam và nữ nằm ở tỷ lệ xương. Vì vậy, trong mọi trường hợp, bạn nên học vẽ xương một cách chính xác.
Sau xương, nghiên cứu cơ sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn. Tưởng tượng cơ bắp là những sợi dây được kéo căng để kích hoạt cơ chế vận động của xương. Hiểu được cơ chế này sẽ giúp giải thích tại sao cơ bắp nằm ở đó. Cố gắng vẽ giải phẫu người hoặc thiết kế nhân vật theo đúng tỷ lệ. Nhân vật sẽ đáng tin cậy nếu vẽ đúng.
5. Tô màu
Trước khi tô màu, nên đặt câu hỏi: nguồn sáng sẽ nằm ở đâu? Đây là câu hỏi phổ biến, thậm chí trở thành meme trên Internet.
Vẽ phối cảnh như đã giải thích ở trên. Nguồn sáng là điện thoại thông minh hay đèn pin. Đặt nguồn sáng gần đối tượng và quan sát ánh sáng. Lưu ý độ sáng của đối tượng thay đổi tùy theo vị trí đặt nó trước nguồn sáng. Ví dụ, ánh sáng thường trải đều trên bề mặt phẳng, nhưng biến thiên trên vật tròn.
Ngoài ra, cũng cần am hiểu lý thuyết màu sắc. Nếu bạn so sánh hai bức vẽ, bức vẽ màu thường sẽ nổi bật hơn. Quy trình vẽ minh họa sau đây sẽ giúp bạn hiểu phần nào về lý thuyết màu sắc. Đầu tiên, bạn tô đầy các hình bằng tông màu tối, thể hiện màn đêm. Sau đó, vẽ ánh sáng cường độ cao (lớp: chế độ Normal) và bóng tối (lớp: chế độ Multiply). Bạn phải hoàn thành hai mục tiêu khi tạo mảng sáng tối.
Đầu tiên, thiết lập bầu không khí. Trong trường hợp này là bầu không khí huyền bí. Thứ hai, thể hiện khối lượng của các thành phần. Đối với người mới bắt đầu, bước này giống như trò chơi ghép hình. Bạn nên rèn luyện bản thân với đồ vật nhỏ độc lập thay vì cảnh hoàn chỉnh để tiến bộ nhanh hơn. Bạn sẽ yêu thích bước này sau khi luyện vẽ với những đồ vật nhỏ.
Tóm tắt
Sau đây là tóm tắt những điều bạn cần ghi nhớ trong bài viết này để giúp cải thiện kỹ năng vẽ:
+ Đừng cầm bút lên vẽ ngay! Hãy dành chút thời gian để động não. Nó sẽ giúp bạn tìm kiếm ý tưởng thú vị hơn nữa để phát triển. Đừng quên sưu tầm tài liệu tham khảo cho dự án.
+ Lấy một cuốn sổ vẽ (sketchbook) và vẽ thường xuyên trên đó. Thiết thực và thú vị. Bạn sẽ cải thiện kỹ năng vẽ một cách nhanh chóng!
+ Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật yêu thích. Tái cấu trúc chúng thành những hình đơn giản để luyện vẽ bố cục. Bạn có thể học hỏi được rất nhiều điều thông qua sao chép.
+ Thể hiện những vật đơn giản dưới nhiều góc độ khác nhau để luyện vẽ phối cảnh. Một khi nắm vững lý thuyết về phối cảnh, bạn chuyển sang vẽ chi tiết hơn và thêm bóng đổ.
+ Tìm hiểu về giải phẫu học. Nghiên cứu xương trước khi vẽ cơ.
Vẽ mở ra cánh cửa cho chuyến hành trình dài, thú vị, không bao giờ kết thúc. Hãy kiên nhẫn và khiêm tốn. Cố gắng mỗi ngày cải thiện từng chút một. Chia sẻ tác phẩm và tiếp thu ý kiến phê bình càng nhiều càng tốt để tiến bộ. Đừng sợ dư luận; cho dù nó đôi khi khắc nghiệt, nhưng sẽ giúp bạn trở thành họa sĩ giỏi.
Nguồn: Art Rocket
Dịch: Toàn Vũ