4 mẹo chuyển thể kịch bản phim sang kịch bản tiểu thuyết hình ảnh - Comic Media Academy

4 mẹo chuyển thể kịch bản phim sang kịch bản tiểu thuyết hình ảnh

31/10/2019

Bạn là nhà biên kịch phim giàu kinh nghiệm, và giờ muốn chuyển thể kịch bản phim sang kịch bản tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel). Bốn mẹo hay trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện việc đó.

Ghi chú: Trường hợp không tự mình chuyển thể kịch bản phim sang kịch bản tiểu thuyết hình ảnh, bạn có thể thuê họa sĩ chuyển thể kịch bản phim sang ảnh tĩnh. Tuy nhiên, trông cậy vào họa sĩ đồng nghĩa với việc bạn phải trả thêm tiền và đặt hết niềm tin tưởng vào quyết định của người cộng tác.

 1. Mỗi lần chỉ miêu tả một action

Kịch bản tiểu thuyết hình ảnh tuy không có định dạng chuẩn, nhưng chung quy có hai loại chính: Full Script và Marvel Method. Kịch bản phim giống như Full Script chưa hoàn chỉnh. Do đó, chúng ta sẽ chuyển thể kịch bản phim sang Full Script.

Giữa kịch bản phim và kịch bản tiểu thuyết hình ảnh có một điểm khác biệt quan trọng. Kịch bản phim miêu tả ảnh động, còn kịch bản tiểu thuyết hình ảnh miêu tả ảnh tĩnh.

Trong quá trình chuyển thể, bạn nhớ mỗi lần chỉ miêu tả MỘT action mà thôi.

Ví dụ:

Ông nhấc điện thoại lên.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG: Hello?

Có vẻ sai sai, vì nhấc điện thoại lên và nói vào ống nghe là HAI action, không phải MỘT.

Action phải được viết như sau:

Ông nhấc điện thoại lên.

Ông áp điện thoại vào tai, cầm ngược đầu, nói vào ống nghe.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG: Hello?

Khi trong một khoảnh khắc có hai action trở lên, họa sĩ sẽ phải chọn lựa giữa hai action, hoặc thêm khung hình không cần thiết vào kịch bản.

Mẹo đơn giản là tưởng tượng mỗi khung hình truyện tranh là một ảnh tĩnh. Giống như truyện tranh, ảnh tĩnh mỗi lần chỉ ghi lại một khoảnh khắc. Mẹo ám chỉ chuyển động tuy có (chẳng hạn như bộ lọc Blur trong Photoshop,…), nhưng đừng áp dụng chúng. Từng hình đứng yên đúng thời điểm sẽ tốt hơn.

Tách riêng từng action sẽ giúp bạn nhận diện những action cần thiết để thúc đẩy câu chuyện, đồng thời làm rõ những gì bạn muốn họa sĩ vẽ.

Về mặt kỹ thuật, một khung hình có thể có nhiều action. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng công cụ kể chuyện này, vì nó làm cho việc phân chia action trở nên khó khăn hơn. Bạn đừng nhồi nhét quá nhiều action vào khung hình, dẫn đến sự rối rắm không cần thiết.

Nếu mới hợp tác sáng tác truyện tranh, bạn hãy để họa sĩ tự phân chia action trong khung hình.

2. Ngắn gọn (<25 từ/khung hình)

Hầu hết độc giả căn cứ vào chất lượng hình ảnh để lựa chọn tiểu thuyết hình ảnh muốn đọc – giống như chúng ta đánh giá cuốn sách qua trang bìa vậy. Vì vậy, bạn cần dành càng nhiều càng tốt đất diễn cho họa sĩ.

Để làm được điều này, bạn viết không quá 25 từ cho phần thoại trong mỗi khung hình. Họa sĩ sẽ có ít đất diễn nếu bạn viết nhiều hơn con số đó.

Ví dụ: Khung hình dưới đây mới có 16 từ mà đã bắt đầu thấy không đủ chỗ để vẽ rồi.

Ví dụ: Như bạn thấy, khung hình này có 31 từ. Họa sĩ phải thu nhỏ nhân vật trong khung hình mới có đủ chỗ để chèn chữ.

Mẹo không có ý nói rằng bạn không được phép viết quá 25 từ/khung hình; tuy nhiên, bạn cần lưu ý là viết càng nhiều, bạn càng khiến họa sĩ gặp khó khăn trong việc cung cấp hình ảnh lôi cuốn, hấp dẫn. Độc giả tiểu thuyết hình ảnh yêu thích hình ảnh lôi cuốn, hấp dẫn.

Hãy viết càng ngắn càng tốt để dành không gian quý giá cho phần hình ảnh.

Nói về độ dài của kịch bản. Truyện tranh thật sự “ngốn” rất nhiều thời gian và công sức của họa sĩ. Hầu hết tiểu thuyết hình ảnh mất 3 – 4 năm mới ra lò SAU KHI nhà xuất bản mua kịch bản – nguyên nhân thường là do phải vẽ quá nhiều. Kịch bản truyện tranh 100 trang chứa ngót nghét 500 bức vẽ.

Họa sĩ sẽ phải phác thảo, chỉnh sửa, biên tập, vẽ mực, chèn chữ, tô màu,… Do đó, khung hình càng nhiều, thời gian sản xuất sẽ càng lâu. Thời gian sản xuất càng lâu, họa sĩ và/hoặc nhà xuất bản càng mất thêm thời gian theo đuổi dự án.

Để tạo điều kiện cho họa sĩ gật đầu nhận lời, bạn cắt bớt số trang mà vẫn bảo đảm truyền tải được câu chuyện muốn kể, cắt bớt số action mà vẫn bảo đảm câu chuyện xuyên suốt, cắt bớt càng nhiều càng tốt số dòng thoại, cũng như số từ trong mỗi dòng thoại.

3. Chỉ miêu tả những gì người đọc có thể nhìn thấy

Nhà biên kịch thường tiếp thu bài học này nhanh hơn tiểu thuyết gia, nhưng khi bắt tay vào viết tiểu thuyết hình ảnh, họ thường miêu tả quá mức. Họ không quen miêu tả những gì đưa cho họa sĩ vẽ, nên họ không biết cái gì là quá ít, cái gì là quá nhiều để có bức vẽ như ý. Họ thường miêu tả quá nhiều cho chắc ăn.

Chỉ cần miêu tả những gì người đọc có thể nhìn thấy.

Truyện tranh là phương tiện trực quan (visual medium). Nếu người đọc không nhìn thấy cái gì đó, tức là nó không thực sự tồn tại.

Ví dụ: Cậu bé nằm trên giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà. Cậu cau có vì nghĩ mẹ không công bằng. Trần sập không phải lỗi tại cậu.

Trong ví dụ trên, chúng ta thấy cậu bé nằm trên giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà. Cậu đang cau có. Cảm xúc của cậu cần được chuyển thể thành hình ảnh, hoặc cắt bỏ khỏi kịch bản. Hãy cắt bỏ những gì không thể nhìn thấy.

Tuy đúng là họa sĩ cần nắm vững mọi khía cạnh của khoảnh khắc, nhưng họ vốn rất thông minh, họ sẽ cảm thấy không được tôn trọng nếu cái gì bạn cũng viết ra cho bằng hết. Hãy để họa sĩ tự lên tiếng về những gì họ cảm thấy chưa rõ.

4. Dựa vào hành động, phản ứng, và cử chỉ. Không dựa vào biểu cảm trên gương mặt.

Thông thường, người viết sẽ sử dụng biểu cảm trên gương mặt làm công cụ miêu tả khoảnh khắc tràn đầy cảm xúc.

Tiếc thay, trong truyện tranh, hình vẽ khuôn mặt lại mang tính trừu tượng và/hoặc cường điệu, nên cảm xúc cũng cần mang tính trừu tượng và/hoặc cường điệu. Cảm xúc đơn giản dễ vẽ hơn, và chúng cũng làm tốt nhiệm vụ như cảm xúc phức tạp, vì trong ngữ cảnh của drama, người đọc ngầm hiểu “cau mày” có nghĩa là gì.

Cảm xúc phức tạp trên khuôn mặt không dẫn đến nhân vật phức tạp hoặc giàu tình cảm. Nhân vật được thể hiện qua hành động và phản ứng. Bằng không, họa sĩ sẽ phải giản lược biểu cảm trên khuôn mặt nhân vật giùm bạn.

Trong truyện tranh, hành động, phản ứng, và cử chỉ là công cụ đáng tin cậy hơn biểu cảm trên khuôn mặt.

*Nguồn: timstout 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy