Biên kịch là một nghề đòi hỏi kỹ năng cao. Đằng sau một kịch bản thành công là tâm huyết, sự kiên trì, thời gian công sức mà nhà biên kịch bỏ ra để nhào nặn, sắp xếp các tình tiết thành câu chuyện hoàn chỉnh hấp dẫn. Không ai có thể viết ra một kịch bản hay chỉ sau một đêm. Đó là kết quả của nhiều năm tích lũy, rèn luyện tay nghề mới có được.
Nguồn: news.zing.vn
Nếu bạn đang ấp ủ giấc mơ theo đuổi nghề biên kịch cũng như biến những ý tưởng của mình thành một kịch bản hoàn chỉnh thì bạn nên tham khảo 20 bước hướng dẫn viết kịch bản sau đây:
1. Xem thật nhiều phim
Bạn hãy xem thật nhiều phim, càng nhiều càng tốt. Phim cũ, phim mới, phim hay, phim dở, cũng như đủ mọi thể loại khác nhau. Hãy đề ra cho mình mục tiêu xem tất cả phim trên đời. Ngoài việc giành được danh hiệu “Trùm xem phim”, bạn còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, biết cách phân biệt cốt truyện, diễn biến, phân đoạn, cách chuyển cảnh trong phim. Sau một thời gian, có thể bạn sẽ bị mắc bệnh nghề nghiệp như hễ bắt đầu xem phim là canh đồng hồ, rồi nghiên cứu, mổ xẻ chi tiết nội dung phim… Nhưng nếu bạn xem một bộ phim mà bị cuốn hút đến nỗi chẳng màng suy nghĩ nữa, chỉ đơn giản ngồi xem từ đầu đến cuối thôi, thì có nghĩa là kịch bản bộ phim ấy thành công đấy, nên học hỏi đi nhé.
Nguồn:signature-reads.com
2. Đọc thật nhiều kịch bản
Bạn nên đọc càng nhiều kịch bản càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cấu trúc kịch bản, thấy được cách chuyển từ nội dung trên giấy lên màn ảnh. Bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều phong cách viết kịch bản, cách kể chuyện khác nhau. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn sẽ học được cách hành văn sao cho thật sáng sủa, súc tích, tối ưu hóa phân cảnh từ những ý tưởng thật đơn giản. Việc không lệ thuộc quá nhiều vào kịch bản giấy, chừa những khoảng trống cho sự sáng tạo là điều rất quan trọng trong hoạt động nghệ thuật. Bạn có thể vào các trang SimplyScripts hoặc DailyScript để tải hàng tá kịch bản về xem miễn phí.
3. Tích lũy thật nhiều ý tưởng
Bạn nên tập tích lũy ý tưởng, càng nhiều càng tốt. Hãy sáng tạo ra những ý tưởng thật mới mẻ, độc nhất. Càng có nhiều ý tưởng xuất sắc thì bạn sẽ càng tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình. Xong kịch bản này thì bắt đầu kịch bản kia ngay lập tức. Hãy giữ mình luôn trong guồng sáng tạo. Nghĩ mà xem, ví dụ 1 năm bạn viết 1 kịch bản, thì sau 10 năm (nghề này thường tốn chừng đó năm để thành công), bạn sẽ có 10 kịch bản được hoàn thành và cơ hội để 1 hay nhiều trong số đó đạt được thành công rực rỡ là rất lớn. Hollywood sống được là nhờ những ý tưởng gốc đầy mới mẻ như vậy đấy.
Nguồn: nyfa.edu
4. Hãy tập thói quen viết lách thường xuyên
Ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn giúp bạn có vóc dáng cân đối. Biết tiết kiệm, tránh tiêu pha hoang phí thì bạn sẽ không bị nợ nần đến nỗi phải tán gia bại sản. Nếu bạn tự nhận mình là một nhà biên kịch, thì bạn cũng cần biết điều hòa công việc của mình như vậy. Hãy tập thói quen viết lách cũng như đề ra thời gian biểu cho mình, biến nó thành một công việc thường nhật và tuân thủ thật nghiêm túc. Chuyện viết lách, dù được trả công hay không, thì vẫn là nhiệm vụ, là nghề của bạn, cho nên hãy có trách nhiệm với nó. Hãy ngồi lên bàn và viết mỗi ngày nhé!
5. Khơi nguồn sáng tạo từ chính mình
Mỗi người ai cũng có một câu chuyện riêng về cuộc đời mình. Cho nên hãy “viết những gì bạn biết”, vận dụng chính các trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân vào nội dung câu chuyện của mình. Nhưng cũng đừng quên “viết những gì bạn thích” nữa nhé. Muốn viết hay, bạn phải có cảm hứng. Nếu ngọn lửa nhiệt huyết không bùng cháy bên trong tâm hồn bạn, thì những gì bạn viết ra sẽ không có sức lay động người khác. Cho nên, cách tốt nhất để khơi nguồn sáng tạo và giữ được cảm hứng, đó là biết mình là ai và biết mình muốn gì.
6. Sáng tạo ra những nhân vật thật đáng nhớ
Một câu chuyện chỉ thật sự hay khi nhân vật trong đó hấp dẫn. Nhân vật của bạn không nhất thiết phải hoàn hảo, nhưng cần phải vượt trội, nổi bật và dễ nhớ. Khi thiết kế nhân vật (nhân vật chính, nhân vật phụ hoặc nhân vật theo motif…), bạn nên bắt đầu bằng cách lập bảng câu hỏi phát thảo về nhân vật, cũng như luyện tập vẽ nhiều kiểu nhân vật khác nhau. Khi bạn tưởng tượng ra được mối quan hệ giữa các nhân vật – giữa cha mẹ và con, giữa anh em, giữa đồng nghiệp với nhau thì cũng là lúc thế giới trong câu chuyện của bạn được mở rộng và bắt đầu.
7. Phát triển câu chuyện sao cho thật lôi cuốn
Một câu chuyện hay thường kể về một nhân vật thú vị nào đấy, mong muốn một điều gì đó, và phải vất vả vượt qua thử thách để đạt được điều ấy. Công thức như sau: (Nhân vật + Ước vọng) x Thử thách = Câu chuyện. Nhưng câu chuyện của bạn không chỉ dừng lại ở việc bám sát công thức trên. Bạn nên lập ra một bảng câu hỏi phát thảo cho câu chuyện, vì dù bạn có kể lại một câu chuyện có sẵn nữa, thì bạn cũng phải tự tạo ra bối cảnh riêng cho câu chuyện như Nơi diễn ra (thế giới trong câu chuyện), Số lượng nhân vật (mục tiêu của nhân vật chính, những xung đột, sự thay đổi, trưởng thành của nhân vật) và Tình huống (Tính hợp lý của hoàn cảnh, hành động của nhân vật, chướng ngại, thử thách).
Nguồn:zen.com
8. Hãy nắm rõ chủ đề của mình
Dù cho câu chuyện của bạn có dàn nhân vật tuyệt vời và tình tiết hấp dẫn đi nữa, nếu câu chuyện đó không mang đến một ý nghĩa nào đó, thì việc viết kịch bản của bạn cũng xem như thất bại. Người ta sẽ hỏi bạn: “Vậy rốt cuộc bạn kể câu chuyện ra để làm gì?”. Chủ đề là nền tảng quan trọng bậc nhất cho kịch bản của bạn. Chủ đề và sự xung đột thường đi chung với nhau, mà xung đột thì thường nảy sinh từ mục đích của nhân vật chính, cho nên bạn nên tập trung tìm hiểu và nắm bắt nhân vật chính của mình. Nhờ đó bạn sẽ khám phá ra chủ đề là gì.
9. Hãy lập dàn ý trước khi bắt đầu viết
Nếu bạn đưa cho người thợ mộc một đống dụng cụ và một đống gỗ, có thể anh ta sẽ làm ra cho bạn cái gì đó. Nhưng nếu bạn đưa anh ta một bản thiết kế chi tiết, kết quả bạn nhận được sẽ tuyệt vời hơn nhiều. Việc viết kịch bản cũng vậy, dàn ý chính là bản thiết kế của bạn. Nó giúp bạn tập trung vào vấn đề. Về cơ bản, dàn ý bao giờ cũng phải có 5 yếu tố quan trọng như sau:
1. Nhân vật chính và mục tiêu/ước mơ
2. Dàn nhân vật phụ và mục đích của họ
3. Phần mở đầu và phần kết thúc
4. 5 sự kiện chính phải diễn ra
5. Thứ tự của các sự kiện
10. Hãy lập cấu trúc truyện thật chặt chẽ
Khung sườn câu chuyện nên chia thành 3 hồi. Mỗi hồi sẽ có câu chuyện diễn ra ở những thế giới (vật chất hoặc giả tưởng) khác nhau, độc lập với các hồi khác, nhưng khi được kết nối, chúng sẽ tạo nên một câu chuyện thống nhất. Mỗi hồi nên chia thành nhiều nhịp (có câu chuyện nhỏ với tình tiết, xung đột riêng). Bạn không nhất thiết phải theo cấu trúc 3 hồi 8 nhịp. Tuy nhiên nếu bạn đang tập làm quen với việc viết kịch bản thì luyện tập viết theo cấu trúc này sẽ là một bước khởi đầu rất hữu ích.
11. Đừng quên phát triển phong cách riêng
Hầu hết các câu chuyện hay đều có phong cách kể chuyện đặc trưng, mang dấu ấn tinh thần của người viết. Cụ thể phong cách đó sẽ là cách bạn diễn tả các hành động, các từ ngữ bạn chọn, nhịp điệu hành văn, cách bạn hướng sự chú ý của độc giả, cách bạn trò chuyện cùng họ… Thật sự thì việc tìm ra một kịch bản hay với văn phong độc đáo, phong cách đáng nhớ không phải là dễ, cho nên nếu bạn làm được điều này thì sẽ rất tốt, vì dù cho kịch bản của bạn không được duyệt đi nữa, người ta cũng sẽ nhớ đến bạn nhiều hơn.
12. Hãy thành thục các quy tắc viết kịch bản
Biên kịch, hiểu theo một nghĩa nào đó, là cách mà bạn làm ra một bộ phim bằng câu chữ trên giấy. Tuy vậy việc biên kịch lại khó hơn vì những quy tắc khắt khe của nó, mà nếu bạn không tuân thủ thì chắc chắn kịch bản của bạn sẽ thất bại. Ví dụ như bạn phải viết theo thì hiện tại (present tense trong tiếng Anh) để khán giả dễ nắm bắt. Cách hành văn của bạn phải rõ ràng, súc tích và sáng tạo. Khi viết mô tả cảnh hay hội thoại của nhân vật bạn cũng phải có cơ cấu hợp lý. Biết cách sử dụng các khoảng trắng để biểu đạt cũng là một kỹ năng cần thiết.
13. Nắm bắt những thể loại phim khác nhau
Khi đi xem phim, dù ở bất kỳ thể loại nào đi nữa, thì khán giả cũng không kỳ vọng câu chuyện sẽ mang lại quá nhiều bất ngờ. Họ biết rõ các nhân vật anh hùng luôn sống sót, một cô gái sẽ luôn lấy được người mình yêu, hoặc kẻ ác luôn phải đền tội. Tuy trong thực tế, tình yêu không chỉ có màu hồng, và có lúc kẻ ác lại chiến thắng, nhưng trong phim, tình yêu luôn là cứu cánh, và anh hùng luôn thành công. Hầu hết các kịch bản đều đi theo các motif như vậy. Để viết ra một kịch bản có thể bán chạy, bạn cần nhất thiết phải nắm bắt được các thể loại phim khác nhau, cũng như hiểu được kỳ vọng của khán giả với thể loại phim đó.
14. Hãy kết nối với khán giả của mình
Nếu xem phim mà khán giả không thể hiểu được câu chuyện, không quan tâm đến nhân vật, không đồng cảm, không khám phá, không mong đợi, không dự đoán, không rút ra được gì, thì bạn gặp rắc rối to rồi! Hãy nhớ, trên cương vị là người biên kịch, bạn bán cho khán giả câu chuyện của bạn. Họ là tất cả những gì bạn có. Bạn viết cho họ xem, khiến họ cười, khóc, sợ hãi và hi vọng. Nhưng cũng đừng ép buộc họ đón nhận mọi thứ. Khán giả của bạn rất thông minh. Bạn không nên chỉ tập trung kể, hãy cho khán giả xem, và giúp họ tham gia vào câu chuyện. Điều đó sẽ làm họ rất thích thú.
15. Cố gắng viết những phân cảnh thật hay
Phân cảnh là phần rất quan trọng của phim. Nói cho đúng thì một bộ phim đơn giản chỉ là tập hợp nhiều cảnh quay khác nhau để tạo nên một câu chuyện có ý nghĩa. Để viết được những phân cảnh hay, bạn phải tự đặt câu hỏi, luyện tập viết nhiều cảnh khác nhau, học hỏi cách phân loại các cảnh, và sắp xếp cách cảnh với nhau. Đưa cảnh cao trào vào phút cuối rồi chuyển ngay sang cảnh khác. Kịch bản cần phải súc tích, nên khi viết phân cảnh, bạn nên viết sao cho rõ ràng, khúc chiết, đồng thời kết hợp giữa việc phát triển câu chuyện/giới thiệu nhân vật với việc gây cho người đọc sự hồi hộp, mong chờ vào nội dung tiếp theo.
16. Hãy luyện cách truyền tải hội thoại thật linh hoạt
Các đoạn hội thoại của kịch bản đều theo nhịp điệu để dễ phát âm. Chúng thường nhanh, ngắn gọn, chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, khẩu khí cũng đổi từ bên này sang bên khác, cho đến khi ai đó giành được thỏa hiệp cuối cùng. Chúng phản ánh rất nhiều sự xung đột. Các nhân vật cũng ít khi nói thẳng ra những điều họ nghĩ. Tất cả lời hội thoại đều chứa ẩn ý, và chỉ được bộc lộ ra khi cần thiết bằng các hình ảnh thị giác. Ngoài ra cũng nên tránh việc phải diễn dịch, giải thích các hội thoại đó trừ khi bạn muốn nhấn mạnh để làm cho kịch bản hay hơn.
17. Hãy rèn luyện sự bền bỉ
Nếu muốn trở thành nhà biên kịch, bạn nhất thiết cần có một trong những đức tính sau: Tận tụy, Quyết tâm, Kiên trì. Biên kịch là một nghề “làm không ngơi tay”, nhưng nếu bạn làm việc có kế hoạch, đồng thời cố gắng dung hòa các yếu tố “3C” (clear – rõ ràng, concise – súc tích, creative – sáng tạo) hoặc “3 góc tam giác” (người viết – câu chuyện – khán giả), thì bạn sẽ sống sót với nghề này. Mọi sự dũng cảm, nỗ lực chịu đựng khi phải đối mặt nhiều thử thách trong lúc viết kịch bản sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Nếu bạn cứ tiếp tục cố gắng, cố gắng, cố gắng như vậy, thì có thể sau đó (10 năm), tôi tin bạn sẽ thành công rực rỡ.
Nguồn:wix.com
18. Nên nhớ: Viết lại cũng là viết
Thực tế cho thấy, một số nhà văn mới vào nghề có thể viết được một kịch bản chất lượng, ví dụ như Jon Favreau trong “Swingers”, hoặc Diablo Cody trong “Juno”. Nhưng họ đều là trường hợp ngoại lệ. Nói cách khác thì Lance Armstrong không thể vô địch giải Tour de France nếu đó là lần đầu ông ấy đi xe đạp. Viết là cả một quá trình, không thể một sớm một chiều mà thành công được. Bạn không nên tự thỏa mãn với những gì mình viết. Viết, rồi viết lại, rồi viết lại lần nữa. Một tác phẩm chỉ có thể hoàn thiện nếu bạn miệt mài viết rồi sửa, viết rồi sửa, sao cho thật hay mới thôi. Viết lại cũng là viết, bạn nhé.
19. Đừng quên lắng nghe những lời góp ý
Khi viết xong kịch bản, bạn bắt đầu chuỗi ngày hồi hộp, lo lắng chờ đợi nhận xét của người khác. Công sức bỏ ra mà không có góp ý, nhận xét thì thật là vô nghĩa đúng không. Nhưng đừng chỉ gửi bản thảo cho ba mẹ bạn đọc. Cái bạn cần là sự góp ý, phê bình thẳng thắn từ các nhà văn khác. Vì sao ư? Vì họ cũng từng phải ngụp lặn trong nghề, trải qua những khó khăn giống như bạn, cho nên họ sẽ quan tâm đến tác phẩm của bạn nhiều hơn những người khác. Cách tốt nhất là bạn hãy lập ra một hội viết văn, với số thành viên lý tưởng là 6 người, bao gồm cả nam lẫn nữ. Nếu bạn họp nhóm mỗi tháng một lần, thì trong một năm cơ hội bạn tiếp cận với ý tưởng mới sẽ tăng gấp đôi! Không tồi đâu nhỉ?
20. Hãy mở rộng mối quan hệ nhiều nhất có thể
Người ta nói, “thành công không phải chỉ nhờ vào năng lực của bạn, mà còn nhờ vào sự hỗ trợ của người khác”. Cộng đồng Hollywood cũng hoạt động với cơ chế như thế: tất cả đều dựa vào Quan hệ. Vậy làm sao bạn mở rộng mối quan hệ của mình? Hãy bắt đầu bằng việc tham gia một hội viết văn. Nếu bạn không tìm được hội nào thích hợp, hãy tự lập ra cho mình. Tham gia vào các nhóm làm phim độc lập – với sinh viên hoặc các dự án kinh phí thấp – cũng là một cách hay để xây dựng quan hệ. Bạn không biết được dòng đời sẽ đẩy đưa bạn đến đâu đâu, cho nên bạn luôn phải chuẩn bị 2 thứ sẵn sàng: kịch bản và chính bản thân bạn.
Người dịch: Cao Vy
Nguồn:http://thescriptlab.com/screenwriting-101/screenplay/what-is-a-screenplay/1018-20-steps-to-screenwriting-success?showall=1