15 mẹo hay thiết kế sinh vật - Comic Media Academy

15 mẹo hay thiết kế sinh vật

04/03/2020

Sáng tạo nghệ thuật nói chung và thiết kế sinh vật nói riêng cũng giống như chơi thể thao. Bạn cần khổ luyện mới mong tiến bộ. Qua kiên trì thực hành mỗi ngày, tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy vẽ và sketchbook, bạn dần sẽ nắm được một số mẹo thiết kế sinh vật dễ dàng, hiệu quả hơn.

Vẽ mọi thứ. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn, và bộ não của bạn sẽ trở thành kho tài liệu tham khảo. Một số mẹo cơ bản có lẽ không xa lạ với bạn, nhưng tốt nhất cứ xem lại một lần nữa, chẳng hạn như mẹo tạo độ tương phản, đường trục dáng, chuyển động, phối cảnh,… Áp dụng kết hợp những mẹo này với nhau để làm cho sinh vật trở nên sống động, đầy cá tính.

Bài viết dưới đây trình bày 15 mẹo hay thiết kế sinh vật. Nếu muốn tìm đọc thêm về thiết kế nhân vật nói chung, bạn có thể xem “30 mẹo hay thiết kế nhân vật” tại đây

1. Phác thảo nhanh hình thu nhỏ

Khởi đầu tiến trình thiết kế sinh vật bằng bước tạo hình bóng đơn giản.

Hãy xem bước phác thảo nhanh hình thu nhỏ (thumbnail) là bài tập khởi động hữu ích. Tuy nhiên, có vài điều cần ghi nhớ. Luôn cố gắng thiết kế càng đơn giản càng tốt. Hình bóng cần rõ ràng, dễ nhận biết. Sử dụng màu thuần (solid colour), thỉnh thoảng điểm thêm chút tông màu đậm. Tập trung vào tạo hình sinh vật đa dạng. Tự do sáng tạo, kết hợp yếu tố con người và động vật.

2. Đừng quên tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo cần thiết cho thiết kế sinh vật.

Nếu chưa biết lấy cảm hứng từ đâu, bạn hãy tìm đến tài liệu tham khảo. Bạn sẽ tìm kiếm những đối tượng mà mình có thể sử dụng làm một phần của sáng tác, hoặc chỉ lấy nó làm điểm xuất phát. Tài liệu tham khảo chủ yếu là truyện thần thoại, động vật, thiên nhiên. Vẽ đồ vật (mặt nạ, ký hiệu thần bí, cái vạc,…) và động vật bằng những đường nét nguệch ngoạc trên sketchbook, rồi từ đó có thể dễ dàng biến chúng thành một phần của thiết kế sinh vật.

3. Sử dụng hình vẽ đơn giản

Những hình vẽ đơn giản có thể biến thành nhân vật phức tạp.

Nếu khởi đầu tiến trình thiết kế nhân vật bằng những hình vẽ cơ bản thì sẽ thế nào? Chúng có thể biến thành sinh vật được không? Bạn có thể nghĩ đây là sự hạn chế, nhưng nó cũng buộc bạn phải sáng tạo thêm. Mẹo này áp dụng được cho thiết kế nhóm nhân vật, chẳng hạn như nhóm siêu anh hùng. Những hình vẽ này chỉ là một cách để bắt đầu tiến trình thiết kế. Thỉnh thoảng, bạn phá vỡ hình bóng bằng cách điểm xuyết thêm chi tiết, hoặc chừa khoảng trống.

4. Kết hợp những hình vẽ cơ bản

Cách phát triển mẫu thiết kế bằng hình vẽ đơn giản thành sinh vật.

Mẹo này có thể dẫn đến kết quả thú vị. Hình thumbnail là sự kết hợp của hình tam giác, hình tròn, và hình chữ nhật. Trong quá trình vẽ phác thảo lên hình thumbnail, bạn thấy hình ảnh chiến binh thỏ mang khiên và nến dần hiện ra trước mắt. Bạn khởi đầu với nét vẽ nguệch ngoạch, đơn giản ở thang độ xám, rồi điểm xuyết chi tiết trong bản vẽ màu. Mẹo này giúp phá vỡ tính đối xứng, và làm cho nhân vật trở nên lôi cuốn, hấp dẫn hơn.

5. Vẽ không có mục đích

Để tài liệu tham khảo sang một bên và bắt tay vào vẽ phác thảo.

Vẽ không có mục đích cũng là mẹo hữu ích cho bước khởi đầu. Và bạn cần để tài liệu tham khảo sang một bên khi thực hiện việc này. Bạn không mong cho ra đời tuyệt tác nghệ thuật theo cách này, nhưng nó có thể truyền cảm hứng cho dự án tương lai. Một ngày nào đó, bạn sẽ để mắt đến những bản phác thảo này, và những ý tưởng mới mẻ sẽ lóe lên trong đầu. Đây cũng là cách hay để giúp họa sĩ tháo gỡ bế tắc.

6. Cân nhắc ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể có thể truyền tải nhiều điều về nhân vật.

Nếu muốn nhân vật có sức biểu cảm, bạn cần tìm hiểu về giải phẫu học và ngôn ngữ cơ thể. Sáng tác của bạn sẽ trở nên sinh động hơn nhờ kết hợp hai chủ đề quan trọng này. Bạn cần hiểu rõ cơ thể biểu lộ cảm xúc như thế nào. Bạn có thể tìm tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn: phim ảnh, bạn bè, mẫu thật, soi gương, hoặc chụp ảnh. Đây là bước quan trọng. Là họa sĩ thiết kế nhân vật cartoon, bạn thường phóng đại biểu cảm cơ thể thông qua nét vẽ rõ ràng, nổi bật hơn.

7. Sử dụng đường trục dáng

Đường thẳng có thể đơn điệu; vì vậy, hãy thử nghiệm với đường cong tương phản.

Đường trục dáng (line of action) là đường xác định chuyển động của sinh vật. Chúng thay đổi tùy theo tâm trạng và hoạt động của sinh vật. Đường thẳng làm cho hình vẽ trở nên “cứng” hoặc tẻ nhạt; do đó, bạn nên sử dụng đường cong tương phản, vì cho phép tạo dáng bắt mắt hơn. Cần tạo dáng “động”, do đây là cách hữu ích để kiểm tra tỷ lệ kích thước và giải phẫu học của sinh vật.

8. Tiếp tục thử nghiệm

Thử nghiệm một số biến thể khác nhau của sinh vật trước khi hài lòng với mẫu thiết kế cuối cùng.

Duy trì sự sáng tạo bằng cách xem lại mẫu thiết kế cũ, rồi tạo ra những biến thể phù hợp. Giữ nguyên hình vẽ cơ bản và tỷ lệ kích thước cho các biến thể. Màu sắc và chất liệu cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu nhân vật mang mái tóc pha lê thay vì lá cây thì sẽ thế nào? Hoặc có ngọn lửa trên đỉnh đầu? Những biến thể này góp phần làm phong phú mẫu thiết kế ban đầu. Những chọn lựa khác bao gồm thay đổi kích thước, giới tính, hoặc tuổi tác của nhân vật.

9. Thêm sự tương phản

Lưu ý sự tương phản giữa sinh vật thẳng và sinh vật cong.
Thêm sự tương phản về biểu cảm khuôn mặt.

Tương phản là khái niệm cơ bản, cần ghi nhớ khi thiết kế sinh vật. Tương phản này có thể là về màu sắc, hình dáng,… Nhớ xét đến sự tương phản trong mỗi giai đoạn thiết kế.

Sự tương phản sẽ biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn phác thảo. Sinh vật này thẳng, sinh vật kia cong. Giai đoạn phác thảo không cần miêu tả chi tiết.

Kế đến, bạn điểm thêm chi tiết như dây thừng và cây cối vào bản phác thảo. Bạn có thể nhấn mạnh tính cách sinh vật bằng cách tạo thái độ tương phản. Trong trường hợp này, quái vật vui vẻ cõng đầu đá nghiêm nghị. Tạo màu sắc tương phản. Tăng hiệu ứng hình ảnh, biến chúng thành nhân vật bổ sung cho nhau.

Tạo tương phản thông qua màu sắc và kết cấu.

Bước cuối cùng là điểm thêm chi tiết như kết cấu, bóng đổ, và background. Giờ là lúc vẽ đầy đủ. Kết cấu góp phần nhấn mạnh tính cách và mang lại cái hồn cho sinh vật. Background là một phần của câu chuyện; vì vậy, bạn vẽ thêm con đường và đồi núi theo phong cách thủy mặc Trung Quốc.

10. Thêm đạo cụ

Bạn có thể tiết lộ nhiều điều về sinh vật qua đạo cụ nó đang mang.

Đạo cụ là cách củng cố hiệu quả nhất mẫu thiết kế sinh vật. Đạo cụ giúp nhấn mạnh tính cách và sức hấp dẫn của sinh vật, cũng như làm phong phú câu chuyện. Sinh vật mang cái gì? Tại sao? Sinh vật mang hành lý hay lồng đèn để soi đường đi vào khu rừng bí ẩn? Tùy theo đạo cụ sinh vật mang trên lưng hay cầm trên tay, bạn có thể xác định vai trò, nhiệm vụ của sinh vật trong câu chuyện.

11. Thử nghiệm nhiều biểu cảm khuôn mặt khác nhau

Lấy khuôn mặt của mình làm tài liệu tham khảo khi thử nghiệm biểu cảm khuôn mặt trên mẫu thiết kế sinh vật.

Không chỉ điệu bộ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt cũng đóng vai trò quan trọng trong lột tả cảm xúc sinh vật. Thử nghiệm một số cảm xúc cơ bản như vui mừng/giận dữ, rồi đến những cảm xúc ít phổ biến hơn. Bằng cách đặt gương soi gần khu vực làm việc, hoặc sử dụng camera điện thoại, bạn có thể lấy bản thân làm tài liệu tham khảo. Nghiên cứu chuyển động của cơ mặt. Về cơ bản, lông mày và miệng sẽ là bộ phận chuyển động nhiều nhất. Cân nhắc điều chỉnh đôi tai trong lúc co giãn phần đầu để nhấn mạnh cảm xúc của sinh vật hư cấu.

12. Sử dụng phối cảnh

Cố gắng hạn chế tính đối xứng, vì nó thường đơn điệu.

Thêm phối cảnh cũng là một cách cải thiện mẫu thiết kế sinh vật. Tính đối xứng vốn dĩ rất đơn điệu, và tư thế đơn giản, nhìn từ phía trước, có thể không gây ấn tượng với người xem. Do đó, bạn cần tạo không gian, chiều sâu, và chuyển động cho sinh vật. Hãy thử nhiều góc độ khác nhau trong quá trình phác thảo nhân vật, và tìm tài liệu tham khảo nếu gặp khó khăn. Tăng độ dày nét vẽ cho những chỗ nằm gần người xem để tạo ấn tượng về chiều sâu cho sinh vật.

13. Tạo điểm nhấn

Thu hút sự chú ý của người xem.

Chỉ bằng vài nét vẽ định hướng đơn giản, bạn có thể tạo điểm nhấn trong bức vẽ và hướng sự chú ý của người xem vào đúng nơi mình muốn. Bạn thậm chí có thể tạo nhiều điểm nhập khác nhau, và có nhiều cách thực hiện việc này. Khuôn mặt và bàn tay có sức biểu cảm cao, nên hãy tập trung sức lực vào đây. Màu sắc và ánh sáng cũng hữu ích. Tăng độ sáng hoặc độ bão hòa tại nơi bạn muốn thu hút sự chú ý của người xem.

14. Kể câu chuyện

Thêm bối cảnh cho mẫu thiết kế sinh vật bằng những chi tiết và đạo cụ.

Sinh vật có câu chuyện đằng sau hay không? Và bạn kể như thế nào? Thái độ và hành động của sinh vật sẽ đóng vai trò quan trọng cho dù sinh vật đang nhìn hay đang đứng yên. Môi trường cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nó giúp giải thích chuyện gì xảy ra với sinh vật. Thêm đạo cụ và chi tiết củng cố câu chuyện và tính cách nhân vật.

15. Tạo bầu không khí

Tạo bầu không khí cho tác phẩm bằng màu sắc, ánh sáng.

Màu sắc và ánh sáng là thành phần không thể thiếu khi vẽ sinh vật. Bạn cần tạo bầu không khí lôi cuốn người xem bằng xử lý màu sắc, ánh sáng. Chọn nguồn sáng và áp dụng đúng sắc độ sẽ cho phép làm nổi bật thành phần chính của mẫu thiết kế. Đừng quên màu sắc, ánh sáng chỉ là một phần của câu chuyện. Đưa ra các chọn lựa củng cố câu chuyện thay vì “dìm hàng” nó. Kiểm tra màu sắc xem màu nào tối ưu.

* Nguồn: creativebloq 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy