Truyện tranh có ý nghĩa như thế nào với bạn? Đối với một số người, nó là “sự phóng đại về mặt cảm xúc” (những ai thường xuyên xem anime/manga chắc sẽ hiểu khái niệm này), với một số khác thì nó lại gợi lên những kỷ niệm thông qua các chuyển động trong phim hoạt hình.
Những người đã thổi hồn vào các bộ anime không ai khác chính là những họa sĩ với tài năng tuyệt vời. Bài viết này sẽ giới thiệu 11 họa sĩ mà bạn có thể noi gương để học tập theo trên con đường sự nghiệp.
1/ Viorie
Rose Benjamin, hay được biết đến với nghệ danh Viorie, là họa sĩ đã sáng lập ra một tài khoản mạng xã hội với đông đảo fan hâm mộ. Với hơn 150.000 người theo dõi trên Instagram, chắc chắn rằng phong cách vẽ và biểu cảm, màu sắc của các nhân vật mà cô ấy tạo nên sẽ không làm bạn thất vọng.
Rose Benjamin cho biết: “ Tôi tự học và nghiên cứu mọi thứ thông qua các tác phẩm hội họa của các họa sĩ mà tôi yêu thích trên mạng, đa phần là những người vẽ anime/hoạt hình”.
2/ Toni Infante
“Tôi đã mê đắm manga và anime từ những năm 90” – Toni Infante cho biết. Anh là người đã tạo ra nhiều tác phẩm bao gồm hình minh họa và ảnh bìa cho các “ông chủ” lớn như: Warner Bros, Marvel va Apple.
Nói về những nguồn cảm hứng, anh cho biết bộ phim hoạt hình Dragon Ball có ý nghĩa rất lớn đối với anh. Bên cạnh đó, phong cách vẽ của Akira Toriyama cũng cuốn hút Toni, là động lực giúp anh cố gắng học tập bằng cách sao chép những pose (dáng) từ các nhân vật của Akira Toriyama.
3/ Linnea Kataja
Họa sĩ Linnea Kataja đến từ New York, cô bắt đầu theo đuổi sự nghiệp vẽ minh họa manga kể từ khi tốt nghiệp từ trường Nghệ thuật. Với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, cô đã chia sẻ những tác phẩm của mình đến các fan hâm mộ (hiện cô có hơn 60.000 người theo dõi).
Truyện của cô, A Maid Story, đã giành được giải thưởng trong cuộc thi Comic Grand Pix năm 2019. Cô nói: “Tôi bị thu hút vào việc đọc manga vì sự dễ thương cũng như thế giới đầy màu sắc cùng các nhân vật hư cấu trong đó.”
4/ Laia López
Là họa sĩ minh họa người Tây Ban Nha, cô phát triển phong cách nghệ thuật của riêng mình từ khi theo học ngành Mỹ thuật tại Đại học Barcelone. Ngoài việc được truyền cảm hứng từ các họa sĩ yêu thích, các bộ phim anime và tác phẩm hoạt hình của Disney cũng là động lực của Laia. Cô nói rằng: “Tôi là một fan hâm mộ lớn của các manga shoujo, và tôi rất thích cách các nhân vật thể hiện cảm xúc và tính cách chỉ thông qua các biểu cảm được vẽ trên trang giấy.”
5/ B.c.N.y
Như nhiều họa sĩ truyện tranh khác, họa sĩ người Đài Loan Han Yuan Yu – được biết đến với cái tên B.c.N.y – đã theo đuổi loại hình nghệ thuật này khi xem anime và manga lúc còn nhỏ.
Anh minh họa nhân vật cho các công ty game và cung cấp các tác phẩm cho các hội nghị truyện tranh lớn ở Đài Loan. Tác phẩm của anh cũng được trưng bày trong các viện bảo tàng và phòng trưng bày trên khắp thế giới.
6/ Mina Petrovic
Petrovic sinh ra ở Serbia, làm việc ở Studio Mistiqarts. Là một người đam mê manga, cô điều hành một ngôi trường dạy về manga và đã xuất bản một cuốn sách đồng chủ đề: Manga Crash Course (Khóa học manga vỡ lòng).
Cô thường vẽ lại các nhân vật nổi tiếng theo phong cách manga. Tác phẩm (hình bên trên) được lấy cảm hứng từ Alice in Wonderland, nhưng được vẽ lại với phong cách manga.
7/ Alexa Pásztor
Mặc dù làm việc với tư cách là một nhà thiết kế đồ họa, song Pásztor vẫn luôn dành niềm đam mê cho vẽ minh họa và truyện tranh, cô luôn khao khát một ngày nào đó có thể tạo ra thu nhập bằng chính công việc này. Trong lúc rảnh rỗi, cô tham gia sáng tạo nghệ thuật với bút danh Lüleiya, Pásztor đã tham gia vào khá nhiều dự án về sách nghệ thuật và tuyển tập truyện tranh. Cô luôn đề cao phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình, được gọi là “sự pha trộn giữa chủ nghĩa bán thực và manga”.
8/ Timothy Kong
Timothy Kong là một họa sĩ độc lập, tự học hoàn toàn và sống ở Anh Quốc. Anh kết hợp niềm đam mê của mình với manga phương Đông và phong cách hội họa Old Master. Anh từng làm việc tự do với tư cách là một họa sĩ vẽ game và thiết kế đồ họa, hiện anh vẫn đang giữ nguyên công việc vẽ tranh minh họa freelance đó với toàn thời gian làm tại nhà.
9/ Laica Chrose
Chrose là một họa sĩ có triển vọng rất cao. Cô sinh ra ở Brazil và học thiết kế ở Tokyo, hiện cô đang làm việc tại Hongkong. Chrose chuyên sử dụng các phương tiện kỹ thuật số cho công việc cũng như các dự án cá nhân như vẽ manga.
10/ Jessica Prando
Prando đã yêu thích thể loại kỳ ảo – giả tưởng từ khi cô còn nhỏ. Cô chia sẻ: “Nghệ thuật là một chút ma thuật… chỉ cần cầm bút chì lên và làm phép! Đó là phương châm sống của tôi”. Cô học thiết kế đồ họa trước khi tự học vẽ sơn dầu và vẽ lại các nhân vật trong bộ anime yêu thích của mình – Dragon Ball.
Tuy nhiên, cô đã chuyển sang làm việc bằng kỹ thuật số sau nhiều năm làm việc với các phương pháp truyền thống.
11/ Jodie Snow
Được biết đến với cái tên Kit Jo Yuki trong Comic Con, Snow chuyên vẽ tranh về phụ nữ. Phần lớn các tác phẩm của cô được tạo ra hoàn toàn bằng kỹ thuật số, sử dụng Wacom và phần mềm Photoshop. Cô chia sẻ: “Trong khi tôi thích vẽ những bức tranh đầy màu sắc, huyền ảo về các quý cô, thì tình yêu thiên nhiên đã khiến tôi mở rộng tầm mắt hơn với vẽ tranh phong cảnh và động vật”.
* Nguồn: creativebloq.com
* Người dịch: Minh Thanh