10 cách giúp bạn tìm được nguồn ý tưởng sáng tạo - Comic Media Academy

10 cách giúp bạn tìm được nguồn ý tưởng sáng tạo

20/10/2020

Sẽ có những ngày, bạn vẫn ngồi tại góc nhỏ của quán cà phê quen thuộc, nhưng không tài nào tìm được nguồn cảm hứng nào cả, không gì tạo cho bạn động lực để sáng tạo được. Quả thực, tìm được nguồn cảm hứng đôi lúc cảm giác còn khó khăn hơn việc chèo một chiếc xuồng nhỏ băng qua Đại Tây Dương.

Cảm giác đơn độc cũng là một cảm giác mà đa số nghệ sĩ đều phải trải qua. Thực ra, tìm được nguồn cảm hứng để sáng tạo không hề khó, thức bạn cần chỉ là một chút động lực, một đòn bẩy đẩy bạn thẳng đến những ý tưởng mà bạn cần. Sau đây là 10 mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng để tìm ra những nguồn cảm hứng ấy:

1/ SÁNG TẠO MỖI NGÀY

Nghe thì dễ đấy, nhưng phải làm sao khi tâm trạng bạn đang không tốt và cảm thấy chẳng có hứng thú để sáng tạo? Mẹo ở đây là bạn phải nhìn nhận những tình huống này theo một cách khác: Nếu bạn chủ động sắp xếp thời gian mỗi ngày để làm một thứ gì đó – bất cứ thứ gì mà bạn muốn – dần dần nó sẽ hình thành một thói quen. Chẳng hạn, bạn hãy thử dành 15 phút mỗi ngày, vẽ nguệch ngoạc bất cứ thứ gì lên một mảnh giấy thử xem. Sau một khoảng thời gian, thói quen này sẽ trở nên rất khó bỏ. Dần dần bạn sẽ mong chờ đến khoảng thời gian đã định sẵn trong thời gian biểu mỗi ngày bạn đã vạch ra để sáng tạo nghệ thuật, và từ đó bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn bạn tưởng đấy.

Trong một bài viết nói về nghệ thuật cắt dán, Robyn McClendon đã nói về những lợi ích khi cô đã tự thử thách bản thân mình với việc đều đặn mỗi ngày phải tạo ra một sản phẩm cắt dán. Cô cho hay : “Dự án kéo dài 365 ngày này của tôi đã khiến tôi cảm thấy rất sũng mãn và hầu như không bao giờ tôi bị cạn kiệt ý tưởng. Mỗi ngày, mỗi trang giấy, tôi đều tìm thấy được những góc nhìn sáng tạo, và cho đến cuối năm thì tôi đã có cho mình 365 ý tưởng khác nhau, và từ đó đôi khi chúng lại giúp tôi nảy ra thêm ý tưởng đấy!”

Thành quả của Robyn McClendon – Nguồn : Sharon White Photography

2/ LẬP RA MỘT DANH SÁCH

Không phải ai cũng là một người hay viết lách, nhưng những gì bạn đã ghi chép đôi khi có thể trở thành những chất xúc tác tuyệt vời để sáng tạo nghệ thuật đấy. Ngoài chất xúc tác, những danh sách mà bạn lập ra cũng có thể trở thành bàn đạp tuyệt vời để khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật. Nhà văn Dina Wakely chia sẻ rằng : ”Những danh sách có nhiều dấu gạch đầu dòng là một trong những thứ mà cô thích viết nhất.” Cô còn cho biết thêm, lập ra những danh sách là một điều rất dễ làm, không tạo áp lực như việc phải viết một đạon văn dài dòng và mang lại sự thoả mãn tức thời. Dưới đây là ý tưởng về những danh sách mà bạn có thể lập, được trình bày khéo léo bằng cách gạch đầu dòng, là những gợi ý sáng tạo tuyệt vời :

 – Những điều làm tôi hạnh phúc trong ngày

 – Những điều xảy ra trong ngày mà tôi biết ơn

 – Những thứ ngẫu nhiên xảy ra trong ngày

 – Những điều tôi đã làm đủ trong ngày

 – Những khoảng lặng trong ngày

3/ HÃY VỨT BỎ NHỮNG THỨ KHÔNG CẦN THIẾT

Sẽ thật kì quặc khi yêu cầu một người nghệ sĩ phải vứt bỏ một vật tư, công cụ và vật liệu mà họ dùng để sáng tạo. Nhưng cách bố trí không gian làm việc là một phần rất lớn trong cách bạn hoạt động là một nghệ sĩ. Một studio bừa bãi sẽ không thể nào thu được những bản nhạc hay. Nghệ sĩ Julie Fei-Fan Balzer đã nêu trong bài viết của cô rằng: ”Hãy dọn dẹp thường xuyên. Đúng vật, chúng ta là những nghệ sĩ hoạt động đa nền tảng, và đúng vậy, dường như chúng ta có thể dùng bất cứ thứ gì để tạo nên nghệ thuật, nhưng để không gian làm việc là một studio chuyên nghiệp chứ không phải là một kho chứa đồ, không gian đó chỉ nên chứa những thứ bạn thực sự cần đến. Nếu không thể chịu nổi cảm giác phải vứt bỏ một thứ gì, hãy nghĩ đến cách tặng nó cho một ai đó bạn tin tưởng. Hoặc, bạn cũng có thể đóng hộp những thứ ấy và cất chúng ở đâu đó không phải là nơi làm việc của bạn. Ghi rõ thời gian mà bạn quyết định cất chúng đi trên bìa của hộp, nếu bạn không sốt sắng đi tìm những thứ ấy trong một thời gian dài, hãy vứt chúng đi.”

“Một cái đầu lạnh và tỉnh táo sẽ giúp bạn sáng tạo hơn khi không phải để tâm đến những thứ không cần thiết”
Tác phẩm của Julie Fei-Fan Balzer – Nguồn : Larry Stein

4/ ĐỪNG SỢ PHẠM SAI LẦM

Thông thường, những điều cản trở một người nghệ sĩ tìm ra nguồn cảm hứng chính là nỗi sợ phạm phải những sai lầm – kể cả những lỗi nhỏ nhặt nhất. Điều này hoàn toàn đúng, khi chúng ta không ai muốn phả huỷ những thứ mà ta đã gây dựng nên. Ta không muốn đặt cược vào những gì mang lại hiểu quả thấp. Nhưng, nghệ sĩ Seth Apter nói rằng, nỗ lực vượt qua nỗi sợ hãi còn giúp bạn cảm thấy tràn đầy cảm hứng hơn trước. Ông đã viết trong bài báo của mình rằng : ”Trí sáng tạo sẽ bị kìm hãm nếu một người nghệ sĩ tiếp cận với một phong cách nghệ thuật với tâm lý sợ hãi khi mắc sai lầm. Những tiềm năng và lựa chọn của bạn cũng sẽ bị nỗi sợ ấy mang đi. Đã có những lúc tôi sợ hãi việc một nét vẽ sai duy nhất cũng có thể huỷ hoại một tác phẩm mà tôi đặt nhiều tâm huyết vào, khiến nhiều tác phẩm của tôi vẫn còn dang dở. Nỗi sợ ấy đôi lúc đã kìm hãm tôi khỏi việc vượt qua giới hạn của bản thân và bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình, từ đó không thể mang nghệ thuật của mình lên một tầm cao mới… Nghệ thuật đòi hỏi sự mạo hiểm. Sự sáng tạo không nên bị ràng buộc. Chấp nhận những sai lầm đã phạm phải sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến những tiềm năng vô tận.”

5/ DÀNH THỜI GIAN ĐỂ CHƠI ĐÙA

Có thể bạn đã dành thời gian cho nghệ thuật một cách nhất quán, nhưng giờ đây bạn cảm thấy thời gian ấy phải được dành cho những việc quan trọng hơn. Đó có thể là viết nên những trang nhật ký nghệ thuật thật hay, hoặc luyện những nét chữ bay bướm mà ai đọc cũng phải lác mắt. Điều ấy hoàn toàn sai, thời gian cho những dự án thực tế và chơi bời đều quan trọng như nhau. Không gì giải toả những áp lực và thư giãn cơ bắp bằng việc nô đùa và vui vẻ cả. Trong một cuốn sách mang tên “Creative Strength Training” của Jane Dunnewold, nghệ sĩ Sandy Kunkle đã đón góp những chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của cô về những lợi ích của việc nô đùa đã giúp cô cảm thấy được truyền cảm hứng hơn. Cô bắt đầu bằng một chiếc hộp chứa những mảnh vỉa vụn cùng với keo hồ dễ chảy, dùng bàn là ủi chúng xuống một mặt giấy tạo thành những trang giấy bé bé xinh xinh. “Việc nô đùa và vui chơi nhiều khi đã mang tôi đến những không gian mà tôi mất khái niệm về thời gian. Làm việc bằng trực giác dường như đã giải phóng cho trí tưởng tượng của tôi” – cô cho hay.

Nguồn : Jane Dunnewold

6/ ĐỪNG QUÁ DỰA DẪM VÀO INTERNET

Tìm kiếm ý tưởng trên mạng internet không phải là một ý tồi – nơi chứa tất cả những gì mà con người có thể nghĩ đến. Nhưng rồi với một đống ý tưởng vừa tìm được, liệu bạn có biết phải bắt đầu từ đâu với chúng không? Liệu bạn có thể biến tấu những gì của người khác thành của mình không? Nghệ sĩ Tiffany Teske cho rằng khái niệm về quá tải nguồn cảm hứng là hoàn toàn có thật. Cô kể rằng :” Khi phải dành thời gian để nuôi dưỡng con nhỏ, tôi chỉ có thể đọc về kỹ năng và xem qua tác phẩm của những nghệ sĩ khác. Tôi cảm thấy như bản thân đang chìm đắm trong những ý tưởng, nhưng không tài nào hiểu được chúng. Tôi đã rơi xuống một vực thẳm, cảm thấy bị tê liệt bởi những tiềm năng mà mình không biết phải phát huy ra sao. Nhưng khi tôi chỉ tập trung vào một kỹ năng, thứ sở trường của tôi, tôi đã thoát khỏi những xiềng xích ấy và một lần nữa, tôi có thể sáng tạo.”

“Bạn có thể tìm kiếm ý tưởng trên mạng internet, nhưg đừng quá thừa thãi”
Nguồn : Tiffany Teske

7/ HÃY LẤY NGUỒN CẢM HỨNG TỪ NHỮNG GÌ BẠN YÊU QUÝ

Nhà văn và hoạ sĩ Cathy Johnson đã bật mí cho người đọc một nguồn cảm hứng vô tận trong cuốn sách Artist’s Sketchbook của cô. Tấ nhiên, mẹo nhỏ này không chỉ có thể tạo cảm hứng về phác thảo mà còn có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh nghệ thuật khác. Cathy cho hay : “Hãy tìm ra một thứ gì đó mà thực sự thu hút được sự chú ý của bạn. Hãy cố chọn thứ mà bạn yêu quý, thứ gì đó có thể chạm đến trái tim nghệ sĩ và kích thích trí tò mò của bạn. Sau đó, hãy phác thảo nhanh thứ ấy, và nếu bạn có thời gian rảnh, sao không thử biến bản phác thảo ấy thành một tác phẩm hoàn chỉnh? Tôi đảm bảo với bạn một điều, trong một khoảnh khắc ấy, bạn sẽ cảm giác như bạn thực sự đang sống, và dù ngắn hay dài hạn, bạn sẽ ghi nhớ được khoảnh khắc ấy.” Bạn không vẽ ư? Không sao mà, bạn luôn có thể tìm đến những điều khác – cắt dán, viết lách thậm chí là thêu dệt. Bằng việc bắt đầu bằng một hoạt động mà bạn đã yêu mến sẵn, hẳn bạn sẽ có nhiều cơ hội tìm được nguồn cảm hứng hơn.

Nguồn : Cathy Johnson

8/ LẶP LẠI

Một người nghệ sĩ luôn muốn tìm đến những khía cạnh khác, những điều mới mẻ về nghệ thuật mà họ nên thử. Tìm đến những phong cách nghệ thuật xa lạ không phải lúc nào cũng là một điều tốt. Julie Fei-Fan Balzer còn cho rằng, nếu không thể tìm được cảm hứng ở đâu khác, tại sao không nhìn lại những tác phẩm cũ của bạn? “Không có gì đáng xấu hổ khi tái hiện một ý tưởng tốt,” cô cho hay, “ Có rất nhiều nghệ sĩ đã có một sự nghiệp thăng hoa, dù chỉ với một ý tưởng cốt lõi và lặp đi lặp lại nó. Tại sao không lục lại những bản phác thảo cũ của bạn, và không suy nghĩ lúc vẽ nó, bạn đã nghĩ đấy là một ý tưởng tuyệt vời? Thêm vào đó một vài thứ, và từ đó, bạn đã thổi hồn vào một ý tưởng cũ và biến nó thành một tác phẩm hoàn toàn mới đấy.”

9/ HÃY SÁNG TẠO BẰNG TRỰC GIÁC

Nhiều khi, bạn có quá nhiều thứ phải suy nghĩ trong đầu và không tài nào tìm được lối ra, ta phân tích quá mức về từng dấu ấn, từng nét vẽ, từng thứ phù du mà thứ duy nhất mà ta không nghĩ ra, chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật. Crystal Neubauer đã viết trong cuốn “The Art of Expressive Collage”(tạm dịch: Nghệ thuật Cắt dán biểu cảm), rằng nếu làm việc bằng trực giác, chúng ta có thể dễ dàng bỏ ra những kỳ vọng, những dự định mà chỉ tập trung hoàn toàn vào sáng tạo nghệ thuật. Cô viết rằng :”Khi tôi ngồi xuống và làm việc, ngoài những mảnh vụ giấy trải ra trước mặt tôi, tôi không ý thức được gì khác ngoài không gian ấy…Khi tôi xáo những mảnh giấy đấy, tôi đang cố mở rộng tâm hồn của tôi, cố gắng nghe lấy giọng nói sâu thẳm trong tôi, một sự chấp thuận.” Chúng ta chỉ cần lắng nghe tiếng nói của bản thân, âm thanh của nghệ thuật và nó sẽ dẫn lối cho ta đến những nguồn cảm hứng.

“Làm việc bằng trực giác sẽ giúp bạn thoát khỏi sự gò bó”
Tác phẩm “Morning Glory” của Crystal Neubauer – Nguồn : Sharon White Photography

10/ TÌM ĐẾN NHỮNG GÌ THIÊN NHIÊN BAN TẶNG

Dù đang ở nơi đâu, một chút gì đó đến từ thiên nhiên cũng có thể đánh thức những “tế bào” sáng tạo của bạn – kể cả một cốc cà phê nặng. Thậm chí, ngay cả khi bạn không định vẽ một bông hoa, chỉ cần ngắm nhìn vào một bông hoa cũng có thể rất truyền cảm hứng đấy. Nếu không có cơ hội để đi bộ trong rừng hay dạo quanh bãi biển, bạn vẫn luôn có thể ngắm nhìn cây cối xung quanh, những đám mây trên bầu trời, sức sống mãnh liệt của những cây cỏ dại vươn lên từ những vết nứt trên vỉa hè. Trong cuốn “Storytelling with Collage” (tạm dịch: Kể chuyện bằng Nghệ thuật Cắt dán), Roxanne Evans Stouts viết rằng :” Tôi rất thích đi ra ngoài sân vườn của nhà tôi, nhặt một ít hoa và lá. Tôi có thể đặt chúng vào chậu nước hay chỉ để chúng một góc cho chúng trở nên khô héo, quan sát và tìm ra vẻ đẹp trong quá trình biến đổi của chúng. Cũng nhờ vậy, mà tôi tìm được cảm giác tôi có sự gắn bó với Mẹ Thiên nhiên, rằng tôi thuộc về thế giới này, và nhắn nhủ tôi tìm ra những cái đẹp trong từ chi tiết nhỏ.”

“Những lời động viên đi kèm những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp”
Nguồn : Lesley Riley

Hi vọng bài viết này đã có ích với các bạn. Chúc các bạn luôn tìm được nguồn cảm hứng để có thể tiếp tục trên con đường nghệ sĩ của mình.

 * Nguồn: artistsnetwork.com

 * Người dịch: Khôi Nguyên