14 Bước Để Cải Thiện Kỹ Năng Biên Kịch

14 Bước Để Cải Thiện Kỹ Năng Biên Kịch

23/07/2024

Biên kịch là nghề lý tưởng đối với những ai đam mê kể chuyện, muốn thấy “đứa con tinh thần” của mình được đưa lên màn ảnh truyền hình. Biên kịch dựa vào tài nghệ kể chuyện điêu luyện của mình để sáng tác câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp, bạn cần hiểu rõ vai trò và cách thức rèn luyện kỹ năng viết lách. Trong bài viết này, chúng ta sẽ định nghĩa biên kịch là gì, mô tả những phẩm chất của một biên kịch chuyên nghiệp và trình bày các bước rèn luyện nâng cao kỹ năng viết.

Biên kịch là gì?

Biên kịch là người viết kịch bản cho các sản phẩm truyền thông đại chúng như phim ảnh, chương trình truyền hình và video game. Biên kịch viết câu chuyện gốc hoặc chuyển thể, mang tính giáo dục, giải trí, truyền cảm hứng cho người đọc. Nhiều người làm việc tự do (freelancer), chào bán kịch bản cho các hãng phim hoặc nhà sản xuất – người sẽ mua bản quyền và đưa kịch bản vào sản xuất. Nhiều biên kịch làm việc độc lập, nhưng cũng có người làm việc trong phòng biên kịch, nơi nhóm biên kịch cùng nhau viết kịch bản.

Những phẩm chất cần có của một biên kịch chuyên nghiệp

Biên kịch cần phát triển kỹ năng sáng tác và tiếp thị nội dung trong ngành công nghiệp giải trí. Sau đây là những phẩm chất cần có của một biên kịch chuyên nghiệp:

+ Tính sáng tạo: Biên kịch thường là người giàu sức sáng tạo, sử dụng trí tưởng tượng để phát triển nhân vật, thiết lập bối cảnh và kể câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn trong kịch bản của mình. Tính sáng tạo giúp họ sáng tạo ra nội dung độc đáo, mới lạ, phản ánh các vấn đề phức tạp thông qua nhân vật và cốt truyện, kể câu chuyện sống động, gắn kết với người đọc. Tính sáng tạo là kỹ năng không thể thiếu đối với biên kịch. Nó giúp phát triển ý tưởng độc đáo, mới lạ, viết cái kết viên mãn cho câu chuyện.

+ Tính chuyên nghiệp: Tính chuyên nghiệp là phẩm chất quan trọng của một biên kịch chuyên nghiệp, vì công việc thường đòi hỏi họ phải gặp gỡ nhà sản xuất. Thái độ làm việc chuyên nghiệp giúp biên kịch ghi điểm trong mắt chuyên gia đầu ngành. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua giao tiếp tử tế với người khác, đúng giờ trong các cuộc họp, tôn trọng đồng nghiệp.

+ Tính kỷ luật: Mỗi biên kịch chuyên nghiệp có một quy trình làm việc khác nhau. Nhiều người có thói quen thực hành hàng ngày, đặt ra mục tiêu nâng cao kỹ năng viết và hoàn thành dự án. Ngoài ra, biên kịch phải có khả năng hoàn thành công việc đúng thời hạn. Vì vậy, tính kỷ luật là kỹ năng quan trọng đối với biên kịch.

+ Tính kiên trì: Con đường trở thành biên kịch chuyên nghiệp đòi hỏi thời gian và đức tính kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy, biên kịch mới bước vào nghề cần liên tục mở rộng mạng lưới quan hệ, phát triển nghề nghiệp và nắm bắt cơ hội làm việc với chuyên gia có uy tín trong ngành.

14 bước để trở thành biên kịch chuyên nghiệp

Muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp, bạn cần phát triển kỹ năng viết, tìm hiểu các thông lệ trong ngành. Sau đây là các bước phát triển kỹ năng và khẳng định mình trong ngành truyền thông đại chúng:

1. Tìm hiểu các nguyên tắc kể chuyện cơ bản

Bạn cần nắm vững nguyên tắc kể chuyện để viết kịch bản lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Sau đây là những nguyên tắc kể chuyện cơ bản:

+ Tạo nhịp độ cho câu chuyện

+ Phát triển câu chuyện

+ Xây dựng giọng văn rõ ràng, dễ hiểu

+ Xác định bối cảnh câu chuyện

+ Xây dựng nhân vật đáng nhớ

+ Tạo mâu thuẫn, xung đột trong câu chuyện

+ Tìm hiểu các thể loại, phép chuyển nghĩa, và đối tượng độc giả

2. Tham gia khóa học biên kịch

Nếu bạn là biên kịch mới bước vào nghề, tham gia khóa học biên kịch là cách tuyệt vời để làm quen với các nguyên tắc biên kịch cơ bản. Mặc dù biên kịch có thể không cần trải qua trường lớp đào tạo chính quy để thành công trong nghề, nhưng tham gia khóa học sẽ cung cấp cho bạn kiến thức cơ bản về biên kịch, tạo cơ hội thực hành, giúp bạn giao lưu, gặp gỡ những biên kịch khác. Tham gia lớp học của giáo viên có kinh nghiệm làm biên kịch cũng đồng thời giúp bạn kết nối với người cùng nghề.

3. Nghiên cứu nội dung sáng tạo

Để tạo ra nội dung chất lượng, bạn có thể nghiên cứu các tác phẩm hiện có. Sách báo, phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, video game và các tác phẩm nghệ thuật thị giác đều có thể là nguồn cảm hứng. Chủ động nghiên cứu các phương tiện truyền thông đại chúng này. Ghi chép, phân tích các yếu tố kể chuyện trong lúc xem phim, nghe nhạc, hoặc đọc sách. Cảm hứng có thể đến từ bất cứ đâu. Vì vậy, bạn cần cởi mở, trải nghiệm chúng.

4. Phát triển thói quen viết

Bạn cần phát triển thói quen viết lách để cải thiện năng suất và khả năng sáng tạo. Viết là một kỹ năng mà biên kịch cần phát triển thông qua quá trình học tập, thực hành và cống hiến. Bạn có thể thử nhiều cách khác nhau để tìm ra cách nào phù hợp với mình nhất. Ví dụ, một số người đặt chỉ tiêu về số lượng từ viết mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Duy trì thói quen viết sẽ giúp bạn tối ưu hóa thời gian của mình.

5. Viết câu chuyện bạn quan tâm

Bạn biết loại nội dung nào được ưa chuộng trong lĩnh vực mà bạn định dấn thân vào, nhưng thường thì sáng tác câu chuyện mà bạn thấy hứng thú còn quan trọng hơn. Nó không chỉ thúc đẩy bạn thực hiện dự án, mà còn giúp tạo nội dung hấp dẫn hơn. Khi hứng thú với câu chuyện mình viết, bạn sẽ dành nhiều thời gian, tâm huyết để tạo ra nội dung chất lượng.

6. Hoàn thiện kịch bản

Việc có bản thảo hoàn chỉnh của một kịch bản là bước quan trọng để tiến tới sản phẩm hoàn thiện. Kịch bản hoàn chỉnh giúp bạn nhìn thấy bức tranh tổng thể của câu chuyện, cũng như những gì cần chỉnh sửa trong bản thảo tiếp theo. Nếu bạn là biên kịch mới vào nghề, việc hoàn thành dự án đầu tay có thể được xem là một thành tựu giúp bạn tự tin hơn trong những dự án sau này.

7. Định dạng kịch bản

Kịch bản thường tuân theo định dạng cụ thể. Bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, chú ý đến từng chi tiết và sự tận tâm với công việc thông qua việc dành thời gian định dạng kịch bản theo đúng chuẩn. Muốn học cách định dạng kịch bản theo đúng chuẩn, bạn tham gia khóa học biên kịch, hoặc nghiên cứu kịch bản hiện có từ các nhà biên kịch nổi tiếng.

8. Tìm người cố vấn

Cố vấn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực biên kịch có thể giúp bạn trau dồi kỹ năng, tạo dựng mối quan hệ trong nghề. Họ cung cấp phản hồi về tác phẩm, giúp bạn chuẩn bị pitching, quảng bá tác phẩm của bạn đến với người khác. Ngoài ra, họ cũng có thể giúp bạn chạy deadline và đưa ra lời khuyên mang tính chuyên ngành. Bạn có thể nhờ giảng viên hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nghề làm cố vấn cho bạn.

9. Tìm hiểu về ngành biên kịch

Nhờ nắm rõ các kỳ vọng của ngành biên kịch, bạn cảm thấy vững tin hơn trong việc chuẩn bị pitching và tạo dựng mối quan hệ. Bạn tìm hiểu về ngành biên kịch bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm gặp gỡ chuyên gia, xin việc – kể cả công việc không liên quan đến biên kịch – đăng ký nhận ấn phẩm chuyên ngành, nghiên cứu kịch bản hiện có.

10. Tạo dựng mối quan hệ

Bạn cần xây dựng mối quan hệ với các nhà biên kịch khác. Việc quen biết với nhà sản xuất và đạo diễn sẽ giúp tăng cơ hội tìm được người chịu đọc và chấp nhận kịch bản của bạn. Ngoài tự mình xây dựng mối quan hệ, một số biên kịch còn làm việc với người đại diện – người chịu trách nhiệm quảng bá nội dung và giám sát công việc của họ.

11. Chuẩn bị pitching

Đối với dự án bạn hy vọng bán được, hãy chuẩn bị pitching sao cho thật hiệu quả, kể cho nhà sản xuất nghe về câu chuyện của bạn. Trong bài pitch, hãy cố gắng thu hút nhà sản xuất vào cốt truyện, nhân vật, bối cảnh và xung đột chính của câu chuyện. Chuẩn bị và tập dượt trước để giúp chỉnh sửa bài pitch và lấy thêm tự tin khi trình bày.

12. Chuẩn bị tâm lý chuyển nhà

Muốn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh truyền hình, bạn cần sống ở nơi có các công ty truyền thông như Hà Nội hoặc TP.HCM. Nhiều hãng phim, nhà sản xuất, người đại diện đặt trụ sở tại những thành phố lớn. Vì vậy, bạn nên cân nhắc chuyển nhà đến nơi này nếu dự định dấn thân vào ngành sản xuất truyền thông.

13. Tham gia nhóm biên kịch

Tham gia nhóm biên kịch sẽ giúp bạn tìm thấy người có chung mục tiêu, chí hướng. Gặp gỡ người khác để thảo luận về ý tưởng cho câu chuyện, tiếp nhận phản hồi về tác phẩm. Nhóm này cũng có thể giúp bạn hoàn thành mục tiêu, chạy deadline, hỗ trợ bạn phát triển nghề nghiệp, chuẩn bị pitching và trau dồi kỹ năng chuyên môn để thành công trong ngành.

14. Tạo portfolio

Cân nhắc duy trì phiên bản vật lý hoặc trực tuyến của portfolio. Porfolio giúp bạn sắp xếp, trình bày dự án với người khác nếu họ muốn xem tác phẩm của bạn. Ngoài ra, nó còn giúp bạn xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp hoặc sự hiện diện trên mạng để mọi người dễ dàng tìm thấy tác phẩm và thông tin liên hệ của bạn.

Nguồn: Indeed

Dịch: Toàn Vũ