Làm Thế Nào Để Bước Chân Vào Ngành Công Nghiệp Truyện Tranh?

Làm Thế Nào Để Bước Chân Vào Ngành Công Nghiệp Truyện Tranh?

05/06/2024

Bất kể mục tiêu là sáng tác truyện tranh siêu anh hùng hay tiểu thuyết hình ảnh, bạn cần nắm vững kỹ thuật kể chuyện bằng hình ảnh nếu muốn bước chân vào ngành công nghiệp truyện tranh.

Truyện tranh bắt nguồn từ đâu?

Truyện tranh là một loại hình nghệ thuật kể chuyện mang tính thương mại. Nó bao gồm nhiều thể loại và phong cách khác nhau, từ truyện tranh siêu anh hùng của Steve Ditko (đồng tác giả của Spider-Man) cho đến tự truyện Smile của Raina Telgemeier và manga Lone Wolf and Cub của Goseki Kojima. Tất cả truyện tranh đều có một điểm chung. Chúng kể câu chuyện bằng hình ảnh nối tiếp nhau. Đây là lý do tại sao thuật ngữ “kể chuyện tuần tự” (sequential storytelling) thường dùng cho loại hình nghệ thuật này. Ngay cả khi mục tiêu là vẽ bìa truyện tranh, bạn vẫn cần học các quy tắc kể chuyện và rèn luyện kỹ năng nếu muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này.

Những điều cơ bản

“Truyện tranh có thể được chia thành ba lĩnh vực khác nhau cho bạn tiện nghiên cứu,” giảng viên kiêm họa sĩ truyện tranh Phillip Sevy giải thích. “Giải phẫu cơ thể người, phối cảnh và kể chuyện bằng hình ảnh.” Trước khi gửi tác phẩm cho các nhà xuất bản truyện tranh như Marvel và DC Comics, bạn cần trau dồi kỹ năng trong ba lĩnh vực trụ cột này.

Các lớp dạy vẽ người (figure drawing) và vẽ từ cuộc sống (life drawing) là cách tuyệt vời để nâng cao kỹ năng vẽ giải phẫu cơ thể người – kỹ năng bắt buộc phải có khi kịch bản yêu cầu bạn vẽ người bay lượn, chạy nhảy, trò chuyện,… Tuy nhân vật truyện tranh có thể được cường điệu như trong truyện tranh kinh điển của Jack Kirby (đồng tác giả của Captain America), nhưng tỷ lệ chính xác vẫn rất cần thiết và nó sẽ được các biên tập viên xem xét kỹ lưỡng trong tác phẩm của bạn.

Ngoài ra, họa sĩ truyện tranh cũng cần có khả năng vẽ đường phố, phòng thẩm vấn và thậm chí cả trạm không gian theo yêu cầu của câu chuyện, rồi đặt nhân vật trong bối cảnh đó. Bạn phải thực hiện việc này đúng thời hạn. Những ứng dụng vẽ như Adobe FrescoAdobe Photoshop Sketch có công cụ Perspective Grid cho phép bạn thêm phối cảnh khi vẽ. Đây là cách hiệu quả để rèn luyện kỹ năng vẽ phối cảnh. “Hãy sử dụng hình ảnh tham khảo,” họa sĩ Jen Bartel gợi ý. “Trong quá trình sáng tác truyện tranh, họa sĩ sẽ vẽ các phần của bối cảnh – làm bất cứ việc gì để giúp đẩy nhanh tiến độ công việc”.

Xem họa sĩ Kyle T. Webster sử dụng lưới phối cảnh để vẽ robot.

Kể chuyện là quan trọng nhất

Trong truyện tranh, câu chuyện được kể thông qua công cụ có tên là “khung hình”. Khung hình chứa đựng từng khoảnh khắc của cảnh truyện. Ngay cả comic strip 3 khung đơn giản cũng phản ánh diễn biến câu chuyện dưới dạng hình ảnh từ đầu chí cuối. Trong hoạt hình, từng khung hình được sử dụng để phản ánh từng giây chuyển động. Lần đầu tiên ngồi sáng tác truyện tranh, bạn sẽ thấy chọn lựa nằm ở việc vẽ bao nhiêu giữa hai khung hình mà không gây nhầm lẫn cho độc giả. Độc giả không cần xem nhân vật đi từ gọi món đến ngồi vào bàn để hiểu diễn biến câu chuyện. Nhưng nhân vật đi từ Trái Đất lên Mặt Trăng trong hai khung hình thì lại gây nhầm lẫn.

“Điều khiến họa sĩ truyện tranh trở nên nổi bật hơn người nằm ở khả năng truyền tải câu chuyện dễ dàng”.

Andy Schmidt, cựu biên tập viên của Marvel Comics, nhà sáng lập trường Comics Experience, cho biết, “Điều khiến họa sĩ truyện tranh – ngay cả khi người đó là họa sĩ minh họa thực thụ – trở nên nổi bật hơn người nằm ở khả năng truyền tải câu chuyện dễ dàng”. Khả năng kể chuyện mang tính nghệ thuật được thể hiện qua cách phân khung trang truyện và cách vẽ nhịp điệu câu chuyện trong những khung hình này. Họa sĩ truyện tranh sử dụng storyboard (bảng phân cảnh) trong giai đoạn đầu của quy trình. Nhờ đó, họ có thể trau chuốt câu chuyện trước khi diễn họa nhân vật và background. Trau chuốt xong câu chuyện, họa sĩ chuyển bản phác thảo thành trang minh họa đầy đủ.

Cần chọn lựa hình ảnh trong từng khung hình. Chọn lựa đúng sẽ giúp làm rõ vị trí của các nhân vật trong mối tương quan với nhau. Ngay cả khi họa sĩ thay đổi góc nhìn, chúng ta vẫn thấy nhân vật trong suốt cảnh truyện. Nghiên cứu truyện tranh của các bậc thầy như Frank Miller, Walt Simonson, Marie Severin và Stan Sakai sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc về những gì được xem là hiệu quả. Wally Wood’s 22 Panels that Always Work là tài liệu tham khảo tuyệt vời đối với họa sĩ truyện tranh mới vào nghề.

Bước chân vào ngành công nghiệp truyện tranh

Với việc mỗi bộ phim Avengers mới đều lập kỷ lục phòng vé và hàng chục tiểu thuyết hình ảnh được chuyển thể thành chương trình truyện hình, tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực truyện tranh ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dấn thân vào bất kỳ lĩnh vực mới mẻ nào cũng đòi hỏi sự chuyên cần, nhẫn nại – có thể mất nhiều năm để có chỗ đứng trong nhà xuất bản lớn và thêm hàng chục năm nữa trước khi bạn được thuê vẽ nhân vật mang tính biểu tượng như Wonder Woman. Truyện tranh đầu tay của bạn rất có thể là truyện ngắn tự xuất bản, nhưng mỗi trang truyện hoàn chỉnh sẽ làm dày thêm CV của bạn.

Sau đây là những điều cần cân nhắc khi bước chân vào ngành công nghiệp truyện tranh:

+ Hiện diện trên mạng. Để được tuyển dụng hoặc kết nối với cộng tác viên sáng tạo, bạn cần quảng bá tác phẩm của mình. Tạo profolio trực tuyến nhằm giới thiệu các tác phẩm hay nhất, cũng như cho biết mong muốn sáng tác truyện tranh theo phong cách nào. Tạo tài khoản mạng xã hội. Tham gia cộng đồng như Behance để đưa tác phẩm đến với nhiều độc giả hơn.

+ Mạng lưới kết nối. Sống ở New York City đem lại nhiều lợi thế cho họa sĩ truyện tranh, do Marvel và DC Comics đều đặt trụ sở tại đây. Mạng xã hội, email và lễ hội truyện tranh ngày càng phát triển, mang đến cơ hội cho họa sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Nếu bạn không đủ khả năng ra ngoài để kết nối, phương tiện kỹ thuật số là trợ thủ đắc lực, đặc biệt khi nhiều họa sĩ truyện tranh hiện nay là freelancer. Biên tập viên và nhà xuất bản tạo nhiều mối liên kết kinh doanh trực tuyến.

+ Đánh giá portfolio. Tại một số lễ hội, nhà xuất bản sẽ đưa ra đánh giá về portfolio của các họa sĩ. Trước khi nắm bắt cơ hội này, bạn mang portfolio đi lấy ý kiến phản hồi để nâng cao chất lượng tác phẩm. Đánh giá portfolio là cơ hội tuyệt vời để tiếp nhận phê bình và tạo mối quan hệ với biên tập viên, nhưng trước tiên bạn cần bảo đảm giải quyết xong mọi vấn đề. Schmidt nói, “Bạn muốn có portfolio với những trang nghệ thuật tuần tự – trang kể chuyện – cho thấy bạn có khả năng kể chuyện. Tốt nhất là nên có kịch bản đi kèm để người đánh giá portfolio bảo đảm rằng bạn là người kể chuyện”.

+ Tự xuất bản. Họa sĩ muốn bước chân vào ngành công nghiệp truyện tranh cần sáng tác truyện tranh và sử dụng nó để đi xin việc. Biên tập viên đánh giá khả năng của bạn thông qua xem xét toàn bộ câu chuyện. Bạn tự sáng tác truyện tranh kỹ thuật số, hoặc hợp tác với biên kịch để kể câu chuyện. Những nỗ lực này thậm chí mang lại thu nhập nhờ huy động vốn cộng đồng. Huy động vốn cộng đồng đã dẫn đến nhiều tuyển tập truyện tranh tự xuất bản. Đây cũng là con đường để bạn quảng bá và xuất bản tác phẩm của mình.

Những nghề khác trong lĩnh vực truyện tranh

Ngoài kể chuyện tuần tự trên từng trang truyện tranh hay tiểu thuyết hình ảnh, bạn có thể theo đuổi nghề khác trong lĩnh vực truyện tranh.

+ Họa sĩ vẽ bìa. Truyện tranh là một ngành mà bạn không thể áp dụng khái niệm “đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó.” Truyện tranh cần hình ảnh lôi cuốn, bắt mắt để nổi bật giữa đám đông. Bố cục là yếu tố then chốt trong hình ảnh. Vì vậy, hãy học cách tạo hình ảnh hấp dẫn với điểm nhấn rõ ràng. Bartel cho biết, “Tôi mê vẽ bìa truyện tranh. Vì vậy, tôi cố gắng vẽ hình ảnh minh họa giống như trang bìa”.

+ Họa sĩ vẽ mực. Trong xuất bản truyện tranh truyền thống, họa sĩ vẽ chì sẽ phác thảo trang kể chuyện, rồi giao cho họa sĩ vẽ mực hoàn thiện chúng. Họa sĩ chuyên nghiệp cần rèn luyện kỹ năng vẽ mực chồng lên nét chì để hiểu quá trình vẽ mực làm thay đổi tông màu và bầu không khí như thế nào.

+ Họa sĩ tô màu. Chuyên gia mang lại sự sống động hay u ám cho trang truyện. Họa sĩ tô màu điểm xuyết thêm màu sắc cho từng trang truyện tranh đen trắng, kể cả trang bìa. Họ là “mắc xích” không thể thiếu trong mỗi dự án, góp phần nâng tầm tác phẩm của họa sĩ truyện tranh – đây là lý do tại sao họa sĩ tô màu giỏi luôn được săn đón.

+ Họa sĩ viết chữ. Chịu trách nhiệm điền vào bong bóng lời thoại đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Họa sĩ viết chữ là bậc thầy viết tay, xây dựng phong cách cho từng dự án bằng font chữ do mình tạo ra. Ngoài ra, họ còn chịu trách nhiệm thêm hiệu ứng âm thanh vào truyện tranh – “SNIKT”, “THUD” và “THWAP” trong truyện tranh kinh điển Wolverine.

+ Họa sĩ thiết kế. Mỗi cuốn truyện tranh hay tiểu thuyết hình ảnh đều cần đến yếu tố thiết kế đồ họa trên trang bìa và những trang bên trong, từ logo đến phần credit đầy phong cách. Truyện tranh cần cất cao tiếng hát và họa sĩ thiết kế là người biến điều đó thành hiện thực.

Truyện tranh luôn có chỗ cho bất kỳ phong cách nào. Cải thiện kỹ năng trong giải phẫu cơ thể người, phối cảnh và kể chuyện bằng hình ảnh sẽ giúp bạn tìm thấy chỗ đứng cho phong cách nghệ thuật của mình.

Nguồn: Adobe

Dịch: Toàn Vũ