HỌA SĨ THIẾT KẾ NHÂN VẬT KOJIMA AYAMI - Comic Media Academy

KOJIMA AYAMI – SỰ HÒA HỢP CỦA NHỮNG BIẾN ĐIỆU BẤT HÒA

25/02/2021

Một trong hai nghệ sĩ thiết kế nhân vật và artwork cho video game tiêu biểu nhất tại Nhật Bản, nếu Yoshitaka Amano gắn liền với series Final Fantasy, thì Kojima Ayami được biết đến nhiều nhất cùng với series Castlevania. Là một trong số ít họa sĩ tự đào tạo, nhưng Kojima Ayami lại định hình cho mình một phong cách và bút pháp hội họa vô cùng có một không hai.

Castlevania là dòng game hành động phiêu lưu mang đậm chất Trung cổ, với bối cảnh là lâu đài của bá tước Dracula và xoay quanh cuộc chiến của dòng họ Belmont với vị vua ma cà rồng xuyên suốt mười thế kỷ từ thế kỷ XI đến XXI. Do đó, không khó để thấy rõ yếu tố ảnh hưởng từ nghệ thuật Gothic và tân Cổ điển (Neoclassicism) tới Kojima Ayami, từ cách tạo hình nhân vật hào hoa, phục trang tinh tế, hậu cảnh u ám cho tới chủ đề nghệ thuật giàu phúng dụ. Một ảnh hưởng khác tới cô là niềm yêu thích phim kinh dị, giải phẫu học và… truyện tranh shounen.

Castlevania: Symphony of the Night (1997), artwork
Castlevania: Harmony of Dissonance (2002), artwork
Castlevania: Lament for Innocence (2003), artwork

Về phương diện kỹ thuật, phong cách hội họa độc đáo của Kojima Ayami bắt nguồn từ việc ưa thích sử dụng màu acrylic gouache, vốn là một chất liệu phổ biến được nhiều họa sĩ Nhật Bản sử dụng nói chung, bởi nó hội tụ ưu điểm của hai loại màu acrylic lẫn gouache, ở màu mịn và độ che phủ tốt, đồng thời có thể vẽ trên mọi bề mặt với tốc độ khô nhanh. Ban đầu khi còn đi học và mới đam mê hội họa, Ayami xuất phát từ màu nước và màu chì bất chấp chưa hề có bất kỳ kiến thức gì về màu sắc, nhưng sau một quá trình thử và sai lâu dài, cô đã tìm đến acrylic gouache. Ngoài ra, cô còn vận dụng kết hợp nhiều chất liệu khác như keo tạo hình (molding paste), sáp màu conté crayon, mực Tàu, dung môi gloss polymer.

Quá trình thực hiện một tác phẩm của mình, Ayami cho biết, cô thường bắt đầu phác họa bằng sáp conté hoặc pastel, sau đó đổ bóng thêm bằng conté và mực Tàu. Phối cảnh chiều sâu và những chi tiết của hậu cảnh thường được bổ sung bằng cách loang keo tạo hình bằng dao trộn màu, đem đến hiệu ứng ba chiều. Kế đến là màu cơ bản được tạo ra bởi acrylic được pha loãng. Sau khi màu sắc chủ đạo đã hiện lên, họa sĩ dùng ngón tay để day màu nhằm tạo hiệu ứng ánh sáng. Cuối cùng, tác phẩm được hoàn thiện bằng sơn màu kim loại và phủ bằng gloss polymer.

Chủ đề chính của Santa Lilio Sangre (2010), một cuốn art book dày 200 trang của Kojima Ayami, dường như bắt nguồn từ nhị nguyên luận (dualism) và thuyết hai bản thể (hay hai thực chất/substance), của tôn giáo. Cụ thể hơn, đó là phạm trù song trùng nhị nguyên: giữa hai bản thể linh hồn ma và thần trong triết lý âm dương Trung Hoa cổ đại, giữa nephesh và ruach trong Do Thái giáo, giữa Angra Mainyu (quỷ dữ) và Spenta Mainyu (Thánh linh) trong tín ngưỡng Ba Tư, giữa pneuma và psyche ở triết học Hy Lạp, giữa hình tượng thiên thần-Chúa và quỷ dữ-Satan trong quy điển Kitô giáo phương Tây. Và phạm trù tương phản mà Ayami lựa chọn, là giữa ánh sáng và bóng tối, được biểu kiến thông qua màu sắc, đổ bóng và ảnh tượng thiên thần lẫn quỷ dữ được đẩy lên cực độ.

Những họa phẩm của Ayami là sự đan quyện của nhiều thuộc tính phối ngẫu độc đáo: giữa đường nét diễm lệ của hội họa cổ điển, đặc biệt là Gothic, và biểu đạt hình tượng mang thần thái đặc trưng shounen của Nhật Bản; giữa quy điển mang màu sắc tôn giáo Tây phương và âm hưởng liêu trai cổ phong Á Đông. Nói khác, phong cách của Kojima Ayami chính là sự hòa hợp của những biến điệu bất hòa (harmony of dissonance).

(Cre: Phạm Minh Quân, group Mê Tranh)