Một cái nhìn tổng quan về webtoon– Phần 1 của “Series: Webtoon- hình thức truyện tranh mới” đã giúp độc giả hiểu được khái quát về webtoon. Trong bài viết này, Comic Media Academy hân hạnh được cùng quí vị tiếp tục tìm hiểu về webtoon.
1.2. Giải thích khái niệm Webtoon.
Webtoon – từ ghép của “web” (mạng) và “cartoon” (truyện tranh) – là thuật ngữ do người Hàn Quốc nghĩ ra để chỉ truyện tranh mạng. Ban đầu, họ sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ truyện tranh đăng trên các website ở Hàn Quốc. Webcomic – từ ghép của “web” và “comic” – là một ví dụ, nhưng nó sớm bị thay thế bởi webtoon. Năm 2000, Ch’ŏllian khai trương website mới mang tên “Webtoon” trên Cổng thông tin điện tử Hàn Quốc – Naver. Tuy nhiên, hầu hết truyện tranh đăng trên website này đều theo định dạng truyền thống, nghĩa là chúng vẫn giữ nguyên layout như trên trang in. Webtoon có thời được dùng để chỉ flash animation nhưng sau không còn mang nghĩa đó nữa. Ngày nay, người ta hiểu webtoon như là một thuật ngữ chỉ những truyện tranh có quy chuẩn chung và có nguồn gốc từ Hàn Quốc.
Khác với truyện tranh giấy, truyện tranh mạng được bố cục theo chiều dọc (vertical layout). Trước khi webtoon xuất hiện, các tác giả quen bố cục trang truyện theo chiều ngang do màn hình máy tính có thiết kế nằm ngang mỗi lần chỉ cho phép hiển thị 1/2 trang truyện, rồi đăng tác phẩm lên các website như N4 và Comics Today. Webtoon vừa ra đời đã được nhiều họa sĩ học tập cách bố cục mới lạ của nó và tạo nên trào lưu hot nhất hiện nay.
Được phát hành định kỳ trên Cổng thông tin Daum của Hàn Quốc (2002), Pape and Popo’s Memories của Sim Sŭnghyŏn là webtoon đầu tiên áp dụng bố cục dọc, độc giả có thể xoay nút cuộn chuột để đọc truyện. Cũng được phát hành định kỳ trên Daum (2003), webtoon Sunjŏng manhwa (Truyện tranh lãng mạn) của họa sĩ nổi tiếng Kang P’ul khơi mào trào lưu bố cục trang truyện theo chiều dọc.
Nhằm mục đích cải thiện lưu lượng truy cập, các tác giả truyện tranh khác cũng chạy theo trào lưu trên, áp dụng bố cục dọc vào tác phẩm của mình trên Cổng thông tin điện tử như Daum và Naver.
Bên cạnh bố cục dọc, webtoon còn đóng vai trò quan trọng trong sáng tác và phát hành đa phương tiện, đa nền tảng. Bản thân webtoon cũng là nền tảng cho sự kết hợp nhiều phương tiện với nhau để tạo hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo và thể loại mới. Thông qua đề cập khía cạnh đa phương tiện, đa nền tảng của webtoon, bài viết hé lộ những nét đặc trưng, riêng biệt của ngành công nghiệp webtoon ở Hàn Quốc.
Bố cục dọc đầy màu sắc tuy thống trị thị trường truyện tranh mạng Hàn Quốc, nhưng nó không phải là trào lưu tại những thị trường khác. Ví dụ, tại Nhật Bản, truyện tranh mạnga thường là trắng đen và vẫn giữ nguyên bố cục như trên trang in. Tương tự, tại Mỹ, truyện tranh mạng thường được bố cục giống như comic strip hoặc truyện tranh giấy. Nói cách khác, tại Nhật Bản và Mỹ (phần sau sẽ trình bày chi tiết hơn), truyện tranh mạng không tạo nên trào lưu hot từ khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, mặc dù các tác giả và họa sĩ đã có nhiều đổi mới trong sáng tác của mình. Webtoon ở Hàn Quốc có vẻ đoạn tuyệt với bố cục truyền thống nhanh hơn truyện tranh mạng ở những nơi khác.
Qua so sánh trào lưu truyện tranh mạng tại Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ, chúng ta thấy webtoon là phương tiện truyền thông mới làm thay đổi diện mạo truyện tranh và nó khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Dự đoán, xu hướng lan rộng của webtoon sẽ không ngừng lại.
Đón đọc: Phần 2- “Bố cục dọc trong webtoon”.
CMAVN dịch, XVI- biên tập.