Sáng 6/4, học viên lớp Nghệ thuật Sáng tạo Kịch bản đã có buổi giao lưu, chia sẻ thú vị cùng đạo diễn Đinh Thái Thụy tại cơ sở 2 Viện Truyện tranh và Hoạt hình, 147 Pasteur, Q.3, TPHCM.
Buổi chia sẻ của đạo diễn Đinh Thái Thụy cùng học viên lớp Nghệ thuật sáng tạo Kịch bản
Tại buổi chia sẻ, đạo diễn Đinh Thái Thụy đã có khoảng thời gian nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề và những trải nghiệm mà nghề mang đến. Theo đạo diễn, để có một đề tài, cách viết một kịch bản hay, chúng ta cần biết rằng:
– Đề tài kịch bản đều có thể xuất phát từ những điều ở ngay bên cạnh mình, từ những thứ đơn giản, những cái gần gũi với mình nhất.
– Các thông tin truyền thông, tư liệu báo chí, truyền hình là một trong những nguồn thông tin giúp chúng ta nảy sinh ra đề tài.
– Bài viết trên các phương tiện truyền thông sẽ giúp chúng ta phát hiện những điều thú vị, tiếp thu và kế thừa từ đó sáng tạo cho ra tác phẩm của mình.
– Quan sát cuộc sống xung quanh, chúng ta đồng cảm với điều gì đó, đặt ra câu hỏi về vấn đề bạn bắt gặp trong cuộc sống từ đó nảy sinh ra chủ đề, vấn đề cho kịch bản của mình.
Mỗi tác phẩm hay đều phải chạm đến xúc cảm của công chúng. Để làm được điều này, bạn cần:
– Đọc nhiều, xem nhiều, trải nghiệm và đặt ra nhiều câu hỏi cho từng vấn đề
– Khi đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống, bạn sẽ biết cách phát triển câu chuyện, đề tài của mình
– Khi đặt câu hỏi, bạn phải biết hỏi theo định hướng và đường dây chung
Đạo diễn Đinh Thái Thụy chia sẻ về một số kỹ năng trong nghề
Là một đạo diễn, biên kịch chuyên về các bộ phim lịch sử, một thể loại phim còn kén người xem nhưng Đinh Thái Thụy cũng biết cách để làm cho kịch bản của mình được các nhà đầu tư chấp thuận. Chia sẻ về kỹ năng trao đổi, trình bày dự án trước các nhà đầu tư, đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết:
– Tác phẩm có khác biệt với nhu cầu chung, thị hiếu của khán giả hiện tại nhưng không phải vì vậy mà tác phẩm của mình không có cơ hội.
– Bạn phải làm sao để cách trình bày dự án, bản thảo kịch bản của mình có đủ sức hấp dẫn với các nhà sản xuất, làm cho họ chấp nhận đầu tư cho tác phẩm của mình.
– Các nhà sản xuất thường đi theo thị hiếu của công chúng. Chính vì vậy, nếu muốn tác phẩm của mình có cơ hội đầu tư thì bạn cần nắm bắt nhu cầu của nhà sản xuất và công chúng, định hướng thị trường để đưa ra chủ đề cho tác phẩm của mình
– Trong trường hợp, bạn là người sáng tác tự do, chưa có mối quan hệ trong nghề, bạn cần biết cách tóm tắt nội dung tổng thể, cốt truyện, nội dung tóm tắt từng tập và mang đến phòng sản xuất, nói rằng mình có một kịch bản cần trao đổi với nhà sản xuất. Đi từng bước nhỏ bạn sẽ thành công
Đặc biệt, đạo diễn Đinh Thái Thụy nhấn mạnh khi đi với dòng đề tài chính thống, tác giả, đạo diễn cần phải rất thận trọng, đặc biệt là đề tài về văn hóa. Các nhà sử học, chuyên môn đều quan tâm bạn truyền tải những gì trong tác phẩm.
Học viên tập trung lắng nghe những chia sẻ của đạo diễn Đinh Thái Thụy
Một vấn đề mà bất kỳ nhà biên kịch, kịch tác gia đều quan tâm, chính là tác quyền. Tác quyền là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác quyền thường được gọi là bản quyền tác giả. Có thể thấy được tầm quan trọng của vấn đề tác quyền đối với những người sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là trong thời điểm xâm phạm bản quyền xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì vậy, các bạn học viên lớp Nghệ thuật kịch bản cũng có những băn khoăn, lo lắng về tác quyền. Đạo diễn Đinh Thái Thụy chia sẻ “Mỗi một tác giả đều mong muốn tác phẩm của mình được an toàn. Ban đầu, vấn đề quan tâm của họ chính là tác quyền. Đây là một điều lo lắng bình thường và hiển nhiên trong mỗi tác giả có tuổi nghề còn trẻ. Tuy nhiên, sau khi đã có một nền tảng, mối quan hệ nhất định trong nghề thì vấn đề đó không còn quan trọng hàng đầu nữa. Vấn đề lúc này là mình có thể làm ra một tác phẩm tốt hay không, nhà sản xuất có duyệt tác phẩm hay không?”
Hiền Đặng