Truyện tranh Cửa Sổ viết về phố cổ Hà Nội

Truyện tranh Cửa Sổ viết về phố cổ Hà Nội

05/05/2015

Truyện tranh Cửa Sổ giống một trang nhật ký bằng tranh của một cậu bé mười tuổi, sống trong khu phố cổ Hà Nội. Như bao trẻ em khác thời bấy giờ, cậu chỉ đi học một buổi, buổi còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ yên tâm đi làm. Và trong căn phòng tù túng, cậu luôn muốn bắc ghế trèo lên cửa sổ để nhìn khoảng không bên ngoài.

tahuylong-pchn

Truyện tranh Cửa Sổ của họa sĩ Tạ Huy Long là một tác phẩm đặc biệt so với những cuốn truyện tranh thường thấy trên thị trường Việt Nam. Tác phẩm độc lập dài 82 trang này là những bức tranh màu, trong đó mỗi trang là một tác phẩm hội họa chất lượng.

Tạ Huy Long sinh năm 1974, là một trong những họa sĩ vẽ truyện tranh ở Việt Nam hiện nay. Anh là biên tập viên của NXB Kim Đồng, là tác giả của một số tác phẩm như Ngày xưa có một con nghê, minh họa cho cuốn Dế mèn phiêu lưu ký, Vẽ cho Sự tích chú Cuội Cung trăng, Đam Dông, Bộ tranh truyện Lịch sử Việt Nam, Lịch sử nước Việt bằng tranh, Lá cờ thêu 6 chữ vàng…

Cửa Sổ giống một trang nhật ký bằng tranh của một cậu bé mười tuổi, sống trong khu phố cổ Hà Nội. Như bao trẻ em khác thời bấy giờ, cậu chỉ đi học một buổi, buổi còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ yên tâm đi làm. Và trong căn phòng tù túng, cậu luôn muốn bắc ghế trèo lên cửa sổ để nhìn khoảng không bên ngoài.

pchn2

Tình cờ, cậu phát hiện ra có chú châu chấu đi theo mình. Trong giấc mơ (mà cũng có thể là hiện thực), chú châu chấu khổng lồ có đầu người đã tới đón cậu, đưa cậu vượt ra khỏi cửa sổ và bay bổng trên bầu trời đêm. Cửa sổ không chỉ là cánh cửa thông với không gian bên ngoài, mà nó trở thành một cánh cửa hứa hẹn về một thế giới khác. Phần kết câu chuyện là cảnh cậu bé trở về căn phòng mình, mọc thêm đôi cánh, như một ngụ ý cho trí tưởng tượng đã được chắp cánh.

Nếu như nhiều người cho rằng truyện tranh là sách dành cho thiếu nhi, thì Cửa sổ thay đổi hẳn quan điểm này. Truyện tranh là tác phẩm mà độc giả nào cũng có thể tìm thấy ý nghĩa trong đó. Người yêu Hà Nội có thể đồng cảm với tình yêu, với hoài niệm về phố cổ. Trẻ em có thể tìm thấy những trò chơi, ước mơ, khát vọng tuổi thơ. Người ưa truyện kỳ ảo sẽ được thỏa mãn với chi tiết mang yếu tố tâm linh là con châu chấu mặt người, và sự gặp gỡ của cậu bé với linh hồn cậu.

pchn3

Lấy bối cảnh Hà Nội những năm 1980, Cửa sổ của Tạ Huy Long đầy ắp hình ảnh thủ đô thời bao cấp. Ở đó, người đọc sẽ thấy lại những căn phòng chật hẹp có cửa sổ trổ tít trên cao, người mẹ may máy khâu hàng đêm, chiếc bếp dầu đun nấu… Chi tiết người dân kháo nhau về việc Phạm Tuân bay vào vũ trụ tiết lộ thời điểm, bối cảnh xảy ra câu chuyện. Những ai từng sống trong phố cổ Hà Nội sẽ bắt gặp ký ức của mình qua những trang vẽ của Tạ Huy Long. Những bức tranh vẽ phố nhấp nhô mái ngói nâu của các ngôi nhà theo kiến trúc cũ, hình ảnh tàu điện, cầu Long Biên… hiện lên sống động.

Tạ Huy Long cho biết một phần Cửa sổ là câu chuyện có thật của chính anh. Tác giả kể, nhà anh xưa trên phố Hàng Bồ. Căn phòng ở tối tăm, tù túng đến mức cha mẹ anh phải xin phép mãi mới trổ được cái cửa sổ ở tít trên cao. Như bao đứa trẻ khác, Tạ Huy Long cũng bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm. “Tuổi thơ trên phố của tôi vừa có phần tù túng lại vừa có ánh sáng lung linh của trí tưởng tượng. Cái cửa sổ mà tôi không thể biết bên ngoài nó chứa thứ gì càng khiến tôi tò mò và nghĩ ra đủ thứ quanh nó. Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải dài bên dưới” – tác giả kể.

Bởi thế, Tạ Huy Long đã vẽ truyện tranh này bằng những cảm xúc, những ký ức đầy trìu mến về căn nhà mà anh từng sống. Anh bảo anh không định kéo mọi người về hoài niệm, hay đưa ra bài học gì, mà chỉ mong người đọc tìm được chút đồng điệu cảm xúc.

CMA – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM