Bộ truyện Harry Potter của nhà văn JK Rowling đang được chuyển thể thành truyện tranh tại Nhật Bản – đất nước mà ngôi trường Hogwarts và thế giới pháp thuật có vẻ như vẫn còn giành được sự hâm mộ cuồng nhiệt.
‘Thương hiệu’ Harry Potter đã trở nên cực kì nổi tiếng tại Nhật kể từ khi tập phim chuyển thể đầu tiên ra mắt vào năm 2001.
>>> Có thể bạn quan tâm: Lớp học vẽ truyện tranh chuyên nghiệp
Doanh thu phòng vé, lượng tiêu thụ sách cao kỉ lục cùng với đó là một công viên giải trí mang tên Harry Potter đã chứng minh sức hút của bộ truyện này chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt tại xứ sở hoa anh đào.
Cũng trong tuần này, mẹ đẻ của Harry Potter – nữ văn sĩ JK Rowling – đã chọn một hòn đảo xa xôi tại miền Nam nước Nhật làm địa điểm cho một trong bốn ngôi trường pháp thuật quốc tế.
Thế nhưng giờ đây câu chuyện phiêu lưu đậm chất Anh này đã được mang một diện mạo mới rất ‘Nhật Bản’ với việc phát hành một series truyện tranh về Harry, Hermione Granger, Ron Weasley và nhiều nhân vật khác.
13 nhân vật, gồm cả Hiệu trưởng trường Hogwarts – cụ Albus Dumbledore, Giáo sư Snape và Hedwig – con cú của Harry, đều do một công ty thiết kế của Nhật kết hợp với xưởng phim Sochiku sáng tạo nên.
Bộ truyện tranh sẽ chỉ được bán tại Nhật với sự cho phép của Warner Bros.
Một bộ sưu tập gồm 13 tập hồ sơ tương ứng với 13 nhân vật, với hình nhân vật đại diện ở bìa trước và các bản vẽ về bốn nhà Hogwarts ở bìa sau, đã được bày bán trên mạng vào tháng trước. Các sản phẩm khác như con dấu cao su, huy hiệu và móc khóa sẽ sớm có mặt trên thị trường.
Các nhân vật trong Harry Potter dưới bàn tay của các họa sĩ Nhật đều sỡ hữu những đặc điểm cơ thể đặc trưng của truyện tranh Nhật như: mái tóc sáng bóng, đôi mắt to quá cỡ và bàn chân bé xíu.
Trang Kotaku và nhiều trang khác cũng nhấn mạnh rằng sớm muộn gì các fan của Harry Potter cũng sẽ ‘kêu gào’ nhà sản xuất phải cho ra mắt một series truyện tranh hoàn thiện hay thậm chí là cả một bộ phim hoạt hình hẳn hoi trong tương lai gần.
‘Thương hiệu’ Harry Potter tiếp tục gặt hái những thành công khổng lồ tại Nhật Bản, dù đã 15 năm kể từ ngày công chiếu phần phim đầu tiên – Harry Potter và Hòn đá Phù thủy.
Tại Nhật, cả bảy tập phim đã thu về hơn 893 triệu đô la Mĩ và thu hút hơn 78 triệu người đến rạp. Thêm vào đó, ‘Harry Potter và Hòn đá Phù thủy’ cũng chính là bộ phim ăn khách thứ tư mọi thời đại tại xứ sở mặt trời mọc.
Năm 2007, thủ đô Tokyo đã được chọn làm nơi công chiếu mở màn phần 5 ‘Harry Potter và Mệnh lệnh Phượng Hoàng’, cùng với đó công viên giải trí ‘The Wizarding World of Harry Potter’ (tạm dịch: Thế giới Pháp thuật của Harry Potter) đã được mở cửa tại Universal Studios Japan ở Osaka vào tháng 7 năm 2014 và đã ghi nhận số lượng kỉ lục du khách ghé thăm.
Ngay cả cách trừng phạt đối thủ theo kiểu phù thủy cũng được Nhật viện dẫn trong các hoạt động ngoại giao. Vào năm 2014, đại sứ Nhật Bản tại Anh, ông Keiichi Hayashi, đã so sánh Trung Quốc giống như Chúa tể Voldemort trong suốt quá trình tranh chấp về chủ quyền biển đảo và lịch sử chiến tranh với Bắc Kinh.
Đó chính là đòn đáp trả của ông tới người cùng cấp bên phía Trung Quốc, ông Liu Xiaoming – đại sứ Trung Quốc tại London – người trước đó đã mô tả Yasukuni* – ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi của Nhật tại Tokyo – là “kiểu như Trường Sinh Linh Giá, đại diện cho phần u tối nhất của linh hồn (Nhật Bản)”.
*Yasukuni: Đền Yasukuni là nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng. Hiện nay, đền Yasukuni trở thành một địa điểm gây tranh cãi không chỉ trong xã hội Nhật Bản và cả ở một số quốc gia đã từng bị Nhật Bản xâm lược vì trong 2.466.532 người lính trên có cả những người tham gia lực lượng phát xít Nhật và những tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. (Theo Wikipedia Việt Nam)
Tú Uyên (theo The Guardian)