Tôi yêu thích công việc của mình. Chừng nào những câu chuyện của tôi còn hấp dẫn độc giả, tôi sẽ còn tiếp tục vẽ và viết. – Albert Uderzo
Năm nay đã 88 tuổi, thế nhưng họa sĩ Albert Uderzo vẫn tràn đầy sinh lực với mong muốn tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới. Điều gì có thể khiến cho ông giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề lâu đến như vậy?
[spacer]
Khởi đầu trầm lắng
Albert Uderzo tên thật là Alberto Aleandro Uderzo, sinh ngày 25/4/1927 ở Fismes, Marne, Pháp.
Thuở nhỏ, ước mơ của Albert là trở thành kĩ sư hàng không, mặc dù vậy thiên hướng bẩm sinh về hội họa của ông đã sớm bộc lộ. Từ việc đặc biệt yêu thích chú chuột Mickey, ông đâm ra say mê cả nền truyện tranh thời ấy. Với niềm đam mê lớn dần từng ngày, khi mới 13 tuổi, ông đã xin vào làm việc cho nhà xuất bản Société Parisienne với hi vọng có thể học nghề truyện tranh. Albert từng bước làm quen với công việc vẽ minh họa cho các bài báo, chỉnh sửa hình ảnh và dàn trang. Tác phẩm đầu tay của Albert Uderzo là loạt tranh biếm họa Le Corbeau et Le Renard (Quạ và Cáo), câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của đại văn hào La Fontaine.
Sau một chuyến đi Anh, Albert Uderzo trở về phụ việc cho một thợ làm đàn ở Paris. Năm 1945, ông cùng làm việc với Renan de Vela trong dự án truyện tranh Clic-Clac. Giai đoạn kế đó, ông vẽ Flamberge, tham gia cuộc thi vẽ truyện tranh của nhà xuất bản Cây Sồi với album đầu tay Chuyến phiêu lưu của Clopinard (16 trang truyện ngắn) 1 năm sau đó.
Năm tiếp theo, Albert vẽ thêm nhiều nhân vật khác như Arys Buck, hoàng tử Rollin, hợp tác vòng vòng với mấy tờ báo Pháp, minh họa cho Captain Marvel Junior và Belloy, cộng tác với World Press, làm quen các họa sĩ cùng thời… Sự nghiệp của Albert Uderzo vô cùng trầm lắng, cho đến khi ông gặp một người đặc biệt: René Goscinny!
Albert Uderzo và René Goscinny (Ảnh: Internet)
[spacer]
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Năm 1951, ngay trước cửa tòa soạn báo Le Monde đã chứng kiến một cuộc gặp gỡ của chí lớn, giữa Albert Uderzo và René Goscinny. Đây hẳn không phải một cuộc gặp gỡ bình thường, họ nhìn nhận được năng lực của nhau và có chung một tham vọng cách tân thể loại truyện tranh hài hước dành cho giới trẻ, bằng cách rũ bỏ những hình tượng đang nổi. Họ đề xuất làm cho truyện tranh hài trở nên lớn mạnh và hướng đến tính hài hước tinh tế hơn, mang phong cách và có giọng điệu riêng.
Tháng 11, họ cùng nhau viết bài cho Bonnes Soirées, sau đó là cùng sáng tác nhiều tác phẩm khác nhau, như: Jehan Pistolet, Luc Junior, Pistolin, Oumpah pah… Tuy nhiên, thành công vẫn chưa đến với họ, khi mà độc giả Pháp và Mỹ không tỏ ra mặn mà gì cho lắm…
Bộ ba Albert Uderzo, Charlier và René Goscinny (Ảnh: Internet)
Năm 1955, cùng cảnh ngộ với Charlier và Jean Herbard, Albert và Réne bị sa thải đồng loạt vì dám rục rịch thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi cho họ. Bộ tứ quyết định sáng lập 2 tờ Edifrance và Edipress chuyên quảng cáo − thời sự; nhưng vẫn không sống nổi dù được hãng chocolate Pupier tài trợ.
3 năm sau ngày bị sa thải, đôi bạn Albert − René đã tạo ra rất nhiều nhân vật cho tờ La Libre Belgique và tuần báo Tintin. Và cái tên Albert Uderzo lại xuất hiện lòng vòng các báo khác như ngày trước.
Năm 1959, với sự đóng góp không nhỏ của Albert Uderzo, tạp chí Pilote ra đời. Trong khi chuẩn bị nhân vật cho số tháng 10/1959, thì đã có kẻ chuyển thể Ronart ra truyện tranh. Chỉ một chút chậm tay so với nhịp thị trường, hai chàng họa sĩ truyện tranh đã phải vắt óc suy nghĩ tìm hướng đi mới, để rồi thất vọng, và đứng trước nguy cơ ngậm ngùi bỏ cuộc. Đúng lúc đó…
– Này cậu, ở trường, bọn trẻ học lịch sử là học những gì thế?
– À, về người tiền sử nè, người Gaulois nè…
– Khoan! Người Gaulois?! Tại sao không nhỉ…?
– Ha ha! HU RA… A… A… NGƯỜI GAULOIS!!
Chỉ vậy thôi! Chỉ với một câu hỏi đơn giản, cực kì đơn giản và bất ngờ, Astérix đã xuất hiện! Với làng truyện tranh, cặp bài trùng Albert−René đã tạo nên một kì tích mà chính họ cũng không thể ngờ tới…
[spacer]
“Astérix sẽ sống mãi cùng tôi!”
Albert Uderzo cùng với nhân vât trong bộ truyện Astérix le Gaulois nổi tiếng của mình (Ảnh: Internet)
Albert Uderzo đã lớn tiếng tuyên bố chắc nịch như thế! Và sự thật còn vang dội hơn thế!
Ngày 29/10/1959, chuyến phiêu lưu đầu tiên của Astérix và anh bạn to béo Obélix xứ Gaulois, những năm 50 tr.CN ra lò, hết veo 6.000 bản vì những tiếng cười sảng khoái và thú vị. Số ấn bản tăng lên vùn vụt theo từng số xuất bản. Tiêu biểu là Astérix tập 33, Le ciel lui tombe sur la tête (Trời sập xuống đầu), ra mắt ở Bỉ và đạt doanh số phát hành cực kì lí tưởng, hơn 800.000 bản trong vòng có… 3 ngày!
Trong nhiều thập kỉ sau đó, Astérix le Gaulois là một trong những bộ truyện best-seller của comic Pháp. Với hơn 40 thứ tiếng được dịch ra trên thế giới, lượng fan cuồng nhiệt của Astérix không hề nhỏ chút nào. Những năm 2000, 53% người Pháp cho rằng Astérix là nhân vật yêu thích nhất của họ. Cũng từ năm này, Albert đã hủy bỏ toàn bộ các series và dự án truyện tranh khác để tập trung hoàn toàn vào việc sáng tác Astérix.
Astérix le Gaulois (Ảnh: Internet)
7 năm sau, René Goscinny và Albert Uderzo cùng thành lập Studios Idefix. Thế rồi René đột ngột qua đời (1977), mọi người lo sợ Astérix sẽ chết theo. Nhưng Albert đã có quyết định lớn nhất đời mình: từ bỏ Dargaud, về mở nhà xuất bản riêng: Albert-René và đảm đương luôn cả phần việc của René, tiếp tục sự nghiệp Astérix!
Mất đi tài năng dẫn dắt truyện của René Goscinny, lớp họa sĩ trẻ và báo chí đả kích mạnh mẽ vì nghi ngờ Astérix sẽ biến thành một cỗ máy không còn sự lôi cuốn (une mécanique sans charme). Vượt qua tất cả những nghi kị đó, Albert Uderzo vẫn kiên trì đeo đuổi sự nghiệp. Ông làm việc tại nhà, và cứ tuần tự 9 tháng (3 tháng viết nội dung và 6 tháng để vẽ tranh), ông lại cho ra đời một tập Astérix mới. Các tập từ sau năm 1977 hoàn toàn do Albert viết và vẽ, đã thu về thành công vang dội không kém gì khi còn hợp tác chung như trước kia. Đặc biệt hơn nữa, bên cạnh tên mình, Albert luôn vẽ hình con thỏ trắng thay cho chữ kí của René, để tưởng nhớ người bạn quá cố thân thiết của mình…
Có thể nói Albert Uderzo là một họa sĩ tài năng xuất chúng khi ông vẽ được rất nhiều phong cách khác nhau, từ phong cách hiện thực như trong Những cuộc phiêu lưu của Tangui và Laverdure cho đến kiểu hí họa như trong Asterix xứ Gaulois. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thiên tài hội họa này lại bị chứng mù màu. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ coi đó là khiếm khuyết của mình. Ngay từ nhỏ, Uderzo đã học cách đối mặt với nó. “Tôi chỉ vẽ với cây bút chì. Tôi đã không tô màu từ lâu rồi”. Và những họa phẩm của ông dù không màu sắc vẫn luôn sống động và hấp dẫn mọi độc giả khắp hành tinh.
Albert Uderzo (ảnh: abc.net.au)
[spacer]
Hồ sơ:
– Albert Uderzo bị mắc bệnh mù màu (không phân biệt được giữa màu xanh và đỏ).
– Ông sinh ra với 12 ngón tay (6 ngón/bàn tay).
– Em trai Marcel cũng là một vẽ tranh biếm hoạ.
– Tập truyện Asterix and the Falling Sky được sáng tác để dành riêng cho người anh trai quá cố Bruno (1920–2004).
– Năm 1934, gia đình trung lưu gốc Ý của cậu mới được nhập quốc tịch Pháp. Trong giai đoạn Thế chiến II (1939 − 1945), họ di tản về phía Tây, nơi cậu giúp đỡ người cha thợ mộc trong một nông trại thuộc vùng Brittany. Chính sự gắn bó tuổi thơ với ngôi làng gần biển này mà Albert đã chọn Brittany là làng quê của Astérix, thay vì làng của René Goscinny như dự định ban đầu.
– Hiện tại, Albert vẫn sống khỏe mạnh ở Paris cùng vợ Ada và con gái Sylvie Uderzo.
[spacer]
Giải thưởng:
1985: The Knight of the Legion of Honour.
2005: Được đưa vào the Eisner Award Hall of Fame, U.S.
2007: The Knight of the Order of the Netherlands Lion.
4/2008: ông được biết tới là tác giả Pháp có số tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng đứng thứ 10 trên thế giới (sau René Goscinny và Hergé).
>>> Tìm hiểu thêm: Becky Cloonan – Nữ họa sĩ đầu tiên vẽ truyện Batman
Như Hoàng dịch & tổng hợp