Để ăn mừng Ngày Truyện Tranh (4 tháng 5) chúng ta hãy cùng xem thử xem công việc của một hoạ sĩ thiết kế bìa cho những đầu truyện nổi tiếng nhất thế giới thì như thế nào nhé!
Chúng tôi trò chuyện cùng hoạ sĩ vẽ bìa kỳ cựu David Nakayama , người đã thiết kế bìa cho Marvel, Hasbro, DC, WB, Capcom, Valiant và Fantasy Flight Games, và những truyện khác. Trong bài phỏng vấn hôm nay, anh chia sẻ về bí quyết tạo nên những bìa truyện tuyệt vời và tầm quan trọng của portfolio, một ngày làm việc của anh và những thứ thú vị khác.
Con đường dẫn tới công việc hôm nay của anh là gì?
Ngay cả khi tôi còn bé, tôi luôn thích vẽ để giải trí. Đầu tiên những nhân vật như Garfield, rồi những nhân vật Nintendo Entertainment System như Mega Man và cuối cùng thì tôi khám phá ra truyện tranh. Vào đầu những năm 90, hàng xóm của tôi đọc những truyện như Uncanny X-men và đặc biệt nét vẽ của Jim Lee đã cuốn hút tôi. Tôi cho rằng đó là thứ tuyệt vời nhất mình từng nhìn thấy và lập tức tôi trở thành một độc giả truyện tranh và một họa sĩ. Với tôi, đó là một bước ngoặt thay đổi cuộc đời. Có lẽ đó là lúc tôi bắt đầu cuộc hành trình luyện vẽ 15 năm của mình, theo học trường nghệ thuật và giới thiệu portfolio của mình tại các triển lãm, hội thảo truyện tranh đến khi được thử sức với công việc.
Điều gì khiến một bìa truyện bắt mắt?
Nghiên cứu thật kỹ lúc nào cũng có ích. Tôi thích xem lại tất cả bìa truyện trong catalog previews mỗi tháng để xem mọi người đang làm gì và chưa làm gì. Một số palette và bố cục được sử dụng lại ở khắp nơi và tôi tránh lặp lại những điều này. Những concept sáng tạo, hài hước và suy nghĩ mới mẻ cũng vô cùng có ích. Nhưng quan trọng nhất vẫn là điểm nhấn. Cái gì nổi bật? Đặc biệt đối với truyện tranh, tôi luôn cố để tìm cách bùng nổ nhất để diễn tả nhân vật. Vì vậy tôi thiên về những kỹ thuật như phối cảnh rút ngắn, sự tương phản gia tăng, những chi tiết đồ hoạ nhỏ như đường gạch hay hoạ tiết sự phối hợp giữa các màu sáng cạnh nhau. Khi vẽ hình một anh hùng, tôi luôn đặt câu hỏi: ‘Liệu hình này in lên áo phông nhìn có đẹp không?’
Hình bìa tôi vẽ cho trò chơi Spider Man PS4 (Series SPIDER-GIDEON của Marvel) có vẻ được mọi người yêu thích. Đó là hình siêu anh hùng đơn lẻ bắt trọn khoảnh khắc cuối cùng của một cú đu mình. Peter dường như đang hít một hơi sâu trước khi trọng lực kéo cậu xuống. Bức tranh nắm bắt được cảm xúc chăng? Tôi nghĩ tôi đã sử dụng không gian bố cục khá tốt và tôi thích cách nhân vật nổi bật hẳn khỏi thành phố nhìn như một tấm áp phích và hình nền đỏ phẳng lỳ phía sau. Đơn giản nhưng hiệu quả. Những tác phẩm yêu thích khác của tôi thường có một điểm nhấn hay hiệu ứng hình ảnh gì đó nhưng bức tranh này thì không cần thêm bất kỳ yếu tố nào.
Một ngày làm việc bình thường của anh diễn ra như thế nào và quá trình sáng tạo của anh ra sao?
Tôi không phải là con người của buổi sáng nên tôi thường bắt đầu ngày làm việc của mình với việc đọc email. Khi não tôi đã được khởi động, tôi lao ngay vào những dự án cấp bách nhất và tôi thường cố làm được gì đó trước giờ nghỉ trưa. Xuyên suốt một ngày tôi thường cố làm một đến hai tiếng và nghỉ ngơi. Buổi tối khi con tôi đi ngủ và ngôi nhà trở nên yên lặng tôi thường có hai đến ba tiếng vô cùng năng suất trước khi đi ngủ.
Về quá trình, gần đây tôi thường làm việc hoàn toàn 100% với Photoshop và màn hình Cintiq cỡ vừa. Tôi luôn thử nghiệm với quá trình làm việc của mình nhưng bây giờ thì phương pháp của tôi thường là: Bố trí thumbnail, phác thảo sơ, đi nét, lên mảng màu, đi lớp màu tối và sáng, cuối cùng là kết hợp chúng lại và tô lại lớp màu trên cùng.
Theo anh tầm quan trọng của portfolio như thế nào đến việc được nhận việc?
Đối với tôi thì portfolio là vô cùng cần thiết. Thành thật thì rất nhiều khách hàng lớn của tôi – những công ty lớn mà tôi chắc chắn rằng bạn đã từng nghe tên – đã tìm ra tôi từ portfolio ArtStation của tôi. Đây không phải là quảng cáo và tôi không được trả tiền để nói điều này, vì đó là sự thật. Những nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Twitter, Behance cũng giúp ích nhưng hầu hết những Giám đốc nghệ thuật nghiêm túc với những công việc tốt nhất sẽ nhìn vào portfolio ArtStation. Hồi tôi làm giám đốc nghệ thuật cho video games và cần tuyển người, đó là cách tôi đã làm.
Những họa sĩ trẻ không biết rằng tìm việc bây giờ dễ dàng biết bao! Những năm trước, khi tôi có công việc chuyên nghiệp đầu tiên tại một triển lãm truyện tranh, tôi phải trình bày những tác phẩm của mình trên giấy cho mọi người xem trực tiếp. Nhưng bây giờ, nếu như bạn biết tận dụng internet, người ta sẽ tìm đến bạn. Quả là một sự xa xỉ!
Anh nghĩ sao về những yếu tố cần thiết để trở thành một họa sĩ vẽ bìa truyện tranh tuyệt vời?
Rất nhiều thứ. Sự thạo nghề, hợp thời, kỹ năng con người và khả năng tiếp nhận nhận xét. Nhưng trên hết, tôi nghĩ bạn nên có khiếu hài hước, khả năng kể chuyện, trân trọng sự quyến rũ, dùng những mánh lới đồ hoạ và / hoặc suy nghĩ đường vòng mỗi khi có thể.
Nhiều khi một công việc vẽ hình bìa chỉ đơn giản là anh hùng A đấm kẻ xấu B và tất cả những gì bạn có thể làm là tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ nhất cho hình vẽ, và đôi khi như vậy cũng vui. Nhưng những hình bìa tôi thích nhất là những hình khiến độc giả hào hứng, phản ứng và chia sẻ với bạn bè. Thường những tình huống như vậy đều nhờ ý tưởng và thực thi kết nối được với độc giả.
Đâu là những thử thách khó khăn nhất mà anh phải trải qua với công việc này?
Thường thì là khả năng đa nhiệm, làm nhiều việc cùng lúc. Tôi là freelancer và làm việc với nhiều khách hàng khác nhau trong một tháng. Bất lợi của công việc này là bạn phải làm việc với nhiều deadline trùng nhau. Lý tưởng nhất thì tôi thường thích tập trung cho một dự án từ đầu đến cuối trong 2-3 ngày liên tục, nhưng với freelance, nhiều khi điều đó là không thể. Đôi khi bạn phải bảo đảm rằng khách hàng A có bản thảo họ cần để xét duyệt trong khi khách hàng B bất ngờ cần bản thảo gấp trong khi bạn đang định tô màu cho khách hàng C.
Một điều nữa là khả năng quản lý thời gian. Khó thể biết chính xác rằng công việc của bạn sẽ tốn chính xác là bao lâu nên nhiều khi tôi gặp khó khăn hoàn thành đúng lịch. Ngày tháng trôi qua rất nhanh và đuổi theo thì thật là căng thẳng. Bằng một cách kỳ diệu nào đó thì rốt cuộc mọi việc đều ổn nhưng tôi vẫn chưa biết phải làm thế nào để hết căng thẳng. Đến một vài năm trước thì tôi vẫn vắt kiệt bản thân mình bằng những ca làm việc miệt mài và những đêm thức trắng, nhưng cơ thể tôi không chịu nổi nữa. Giờ thì tôi thấy rằng chậm mà chắc thì tốt hơn là nhanh và bị rút cạn sức lực.
Ngoài ra còn thuế má và các thể loại kinh doanh và tiền bạc khác cần phải quan tâm, càng ít nói về chúng càng tốt. Chúng không phải là lý do người ta bắt đầu làm nghệ thuật nhưng chúng cần thiết.
Anh có lời khuyên nào dành cho các họa sĩ trẻ không?
Internet là một nơi tuyệt vời để chia sẻ các tác phẩm của bạn! Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi vì bây giờ bạn sẽ phải cạnh tranh với họa sĩ trên toàn thế giới cho cùng một công việc. Điều đó có nghĩa là môi trường cạnh tranh sẽ vô cùng khắc nghiệt và chất lượng tác phẩm sẽ quyết định mọi thứ, vậy làm thế nào để tốt hơn? Trừ khi bạn là trường hợp thiên tài có-một-không-hai trong thế hệ này thì bạn cũng như bao người bỏ bỏ công sức ra để tập luyện và học hỏi nếu bạn muốn giỏi một thứ gì đó.
Frank Cho từng nói tôi rằng sao chép bìa của sách giải phẫu học hai lần để đưa thông tin đó vào đầu, và cách học đó hiệu quả đối với tôi. Nó khó khăn và đau khổ nhưng nó có tác dụng. Tôi đề xuất quyển sách Figure Drawing For All It’s Worth của Andrew Loomis để luyện cách bạn suy nghĩ về giải phẫu học và The Human Figure của David Rubins để học sơ đồ cấu tạo của các nhóm cơ. Người ta hay nói nếu bạn thật sự muốn cái gì, bạn sẽ làm được, và đó là sự thật!
* Nguồn: ArtStation Magazine
* Biên dịch: LIT