Cảnh báo: bài viết này có thể tiết lộ trước một số nội dung trong phim. Nếu bạn không muốn bị mất hứng xin vui lòng đừng đọc!
Viện Truyện tranh và Hoạt hình lược dịch từ bài viết Review – STAR WARS: THE FORCE AWAKENS của Tom McLean.[spacer]
Viết review cho một bộ phim Star Wars là một việc đầy thử thách. Serie phim này có thể xem là một trong những biểu tượng văn hóa lớn nhất lịch sử điện ảnh thế giới (dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề này). Các nhà phê bình vốn khá khó tính đối với các bộ phim mới ra mắt, cũng phải đưa ra nhiều lời khen ngợi đối với các phim Star Wars.
Đây có lẽ là một trong những bài review sớm nhất về phim Star Wars: The Force Awakens từ một trong những người may mắn được xem bộ phim trước hàng trăm triệu khán giả toàn thế giới. Vì thế, đúng như lời cảnh báo đầu bài, việc có tiếp tục đọc hay không là tùy thuộc ở bạn.[spacer]
Quay trở lại vấn đề, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về sau nhưng cảm nhận đầu tiên về The Force Awakens là tương đối tốt. Có khá nhiều điểm sáng trong bộ phim kéo dài 136 phút này. Tuy vậy với các fan gạo cội trông chờ vào một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, đem lại sự phấn khích cao độ như lần đầu được giới thiệu thế giới Star Wars thông qua bộ 3 phim đầu tiên sẽ có đôi chút thất vọng.
Sẽ rất khó để review phim mà không bàn đến cốt truyện. Tôi cũng không muốn phá hỏng niềm vui xem phim của bất kì ai, vì vậy những điểm quan trọng xin phép không nhắc tới, tuy vậy vẫn có nhiều chi tiết cần được đem ra phân tích để đánh giá liệu bộ phim có thành công.[spacer]
The Force Awakens đưa cao trào là cuộc hành trình dài tìm kiếm Luke Skywalker, người đã biến mất từ lâu và số phận không biết ra sao trong thời gian dài. Với tư cách là Jedi cuối cùng, tung tích của Luke được quan tâm bởi cả 2 thế lực The First Order – tập hợp những tàn tích cũ của Galactic Empire, và đối trọng của nó là Resistance, tiền thân là Rebel Alliance.
Nhìn vào tổng thể câu chuyện, chúng ta thấy có sự tái xuất của các nhân vật cũ và sự phát triển các nhân vật mới tốt một các đáng ngạc nhiên. Khán giả sẽ rất thích thú khi thấy những biểu tượng một thuở tái xuất trong phần mới này như Han Solo, Chewbacca, Công chúa Leia và bộ đôi robot vui nhộn C-3PO cùng R2-D2.
Diễn xuất của cặp Harrison Ford và Carrie Fisher xuất sắc như thể chưa từng có khoảng thời gian hơn 30 năm họ không thủ vai Han và Leia vậy. Những cảnh tái hiện con tàu Millennium Falcon và các cảnh hỗn chiến trên không giữa các chiến đấu cơ TIE Fighters và X-Wing cũng làm các fan gạo cội nhất thấy nghẹn ngào cảm xúc – đặc biệt là các cảnh lướt, lượn, bay thẳng về màn hình với kỹ xảo điện ảnh cực kỳ hoành tráng.[spacer]
Nhưng thực sự, theo cảm nhận của tôi, cái hay của The Force Awakens lại nằm ở các nhân vật mới, cụ thể là Rey (Daisy Ridley thủ vai) và Finn (John Boyega)
Ridley chính là điểm sáng lớn nhất của bộ phim, màn diễn xuất của cô thật sự vượt trội trong số hàng nghìn diễn viên đã đóng dòng phim này. Ridley thể hiện nhân vật dễ mến, thuyết phục, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đương đầu nhiều thử thách và quyết đoán trong hành động dẫn đến việc cuốn hút được khán giả. Nhân vật Rey chính là hình mẫu nữ anh hùng thông minh, cá tính mà các fan Star Wars hằng mong mỏi sau thành công của hình tượng công chúa Leia ngày nào. Có thể nói Rey chính là tâm điểm của bộ phim và Ridley đã thể hiện vai diễn này vô cùng xuất sắc.
Boyega cũng thể hiện khá tốt vai diễn của mình, mặc dù nhân vật của anh mang sắc thái hơi mập mờ một cách có chủ đích. Finn là một lính Stormtrooper đào ngũ sang phe Resistance, anh ta xuất hiện ở khắp mọi nơi! Việc đi theo nhiều hướng khác nhau khiến bản thân nhân vật này thật sự là một ẩn số, khó mà nói được anh ta thật sự là ai và có ý định là gì.
Finn đóng vai trò là nhân vật hài hước và có phần tinh tướng trong phim, có thể xem là như vậy. Những tình huống hài hước của anh ta cũng tạo được tiếng cười, nhưng đôi lúc anh ta lại đóng vai trò một nhân vật chính trực gây đôi chút khó hiểu. Tuy vậy nếu ta tạm thời bỏ qua những thiếu sót nho nhỏ đó, nhân vật này cũng khá dễ mến và sự hòa hợp giữa Boyega và bạn diễn Ridley trong phần lớn thời gian bộ phim cũng tạo ra được sự hứng thú.[spacer]
Với việc Hoàng đế Palpatine và Darth Vader không còn, trọng trách nhân vật phản diện chính của phim dồn lên vai nhân vật Kylo Ren của Adam Driver. Giữ nguyên hình tượng Sith Lord nguyên bản, Kylo Ren mang phong cách u tối trong trang phục, mang mặt nạ che mặt, sử dụng Mặt ác của Thần lực và chỉ trả lời một người sư phụ bí ẩn xuất hiện qua ảnh chiếu 3 chiều.
Câu chuyện xuất thân của Ren là một trong những plot twist chính trong cốt truyện nhưng giá như tác giả kịch bản tập trung hơn trong việc xây dựng nhân vật thuyết phục hơn một chút thì bộ phim đã hay hơn rất nhiều. Theo cảm nhận của tôi, Ren dường như được nhồi nhét vào câu chuyện một cách khá là vụng về. Hắn ta tồn tại đến cuối phim như một dạng nhân vật phản diện mà những việc làm độc ác, xấu xa xem chừng quá cỏn con so với tầm vóc thật sự của một kẻ đại gian hùng.[spacer]
Poe Darmon (Oscar Issac đóng) cũng là một nhân vật chiếm được nhiều thiện cảm, mặc dù các khán giả sẽ không thấy nhiều đất diễn của nhân vật này trong phim. Hy vọng là phim tiếp theo sẽ có nhiều không gian hơn dành cho anh.
Robot BB-8 thì lại là một thành công lớn và dễ dàng gây ấn tượng trong vai diễn phụ của mình với nhiều phần “diễn xuất” rất tốt và khá nhiều chiêu trò ấn tượng.[spacer]
Và cũng như các phim trước, cốt truyện của The Force Awakens cũng có những phần gợi lại diễn biến trong các tuyến thời gian trước đó. Khi nhà làm phim có thể lồng ghép một số yếu tố mang tính biểu tượng của các phim trước vào các phim nối tiếp, nó sẽ tạo ra sự gắn kết trong tuyến tính thời gian và lôi kéo được các khán giả trung thành.
Tiếc là The Force Awakens lại hơi lạm dụng yếu tố này. Có quá nhiều yếu tố được lặp lại khiến bản thân bộ phim gần như không có đóng góp gì đáng kể vào câu chuyện chung của thế giới Star Wars. Cốt truyện của phim cũng có hơi nhiều những sự “trùng hợp ngẫu nhiên” hơi bị thuận tiện cho các nhân vật chính. Mặc dù chúng ta chấp nhận sự xuất hiện kịp thời và đúng lúc của các anh hùng trước đây là để khán giả thêm phần phấn khích nhưng đôi lúc nó tạo ra sự phi logic cho bộ phim.
Tất cả những vấn đề trên tựu chung lại một điểm trừ lớn cho The Force Awakens: Bộ phim dường như không có đủ tham vọng xứng tầm với cái tên Star Wars. Nó hơi thiếu chiều sâu và tính hoành tráng về nội dung để tạo ra dấu ấn rõ nét tiếp theo cho dòng phim kinh điển này.[spacer]
Tuy vậy cũng có thể thấy dụng ý rõ ràng của đạo diễn J.J. Abrams khi đi sâu vào số phận và tính cách của nhân vật hơn so với George Lucas trước đây, điều đó khiến cho cảm giác mênh mông rộng lớn của thế giới Star Wars và ý nghĩ rằng thế giới này thực sự khổng lồ hơn những gì chiếu trong phim (điểm quan trọng để khai thác các sản phẩm ăn theo như truyện tranh, hoạt hình, game, phim ngắn không chính thức…) đã bị mất đi phần nào.
Bộ phim này rõ ràng được làm ra để trả lời các fan tỏ ý không thích 3 phần prequel. Nó sẽ được yêu thích bởi các fan mong muốn tìm lại ánh hào quang của 3 phần nguyên gốc đầu tiên. Tuy vậy với nhiều điểm hạn chế như tôi đã phân tích, tôi thực sự mong rằng các phim tiếp theo sẽ rút kinh nghiệm và làm xuất sắc hơn bộ phim này.
Tom McLean – biên tập viên Animation Magazine