Phỏng vấn người chiến thắng thử thách thiết kế nhân vật thời phong kiến Nhật Bản - Comic Media Academy

Phỏng vấn người chiến thắng thử thách thiết kế nhân vật thời phong kiến Nhật Bản

18/05/2019

 

Đến với thử thách thiết kế nhân vật thời phong kiến Nhật Bản do ArtStation tổ chức, các thí sinh được yêu cầu sáng tạo 8 nhân vật khác nhau – mỗi nhân vật cần gắn liền với một câu chuyện, một kiểu trang phục, một cách trang điểm riêng, phù hợp với triều đại, con người, và hoàn cảnh xã hội thời đó (1185 – 1603).

Phụ nữ Nhật trong thời kỳ phong kiến không đơn thuần chỉ là gheisha, họ còn giữ nhiều địa vị cao như shogun, samurai, ninja, và Thiên hoàng. Vì vậy, thí sinh tham gia thử thách có thể thiết kế nhân vật nam hay nữ tùy thích. Tác phẩm dự thi được đánh giá dựa trên hai tiêu chí: tính sáng tạo và tính kể chuyện, cùng những chi tiết như cấu trúc cơ thể, ánh sáng, tính cách, và hình bóng.

Trong bài phỏng vấn dưới đây, ba người chiến thắng thử thách Hua Lu, Servane Altermatt, và Thomas Chamberlain – Keen chia sẻ bí quyết và lời khuyên bổ ích cho những ai có ý định tham gia trong tương lai.

Anh/chị thích thiết kế nhân vật nào nhất cho thử thách này và tại sao?

Hua: Tôi thích thiết kế nhân vật samurai và nông dân. Nhân vật samurai là chiến binh can trường. Và tôi nghĩ nhân vật nông dân cũng thú vị không kém.

Servane: Tôi yêu thích nhân vật như nông dân hoặc shinobi, nhưng thích nhất vẫn là yokai. Tôi từng tìm hiểu sâu về những sinh vật truyền thuyết Nhật Bản, và thật sự có hứng thú sáng tác nhân vật tuy đáng sợ nhưng cực cute này.

Thomas: Tôi khai thác triệt để mô típ côn trùng trong thiết kế tạo hình nhân vật shogun. Kết quả là những nhân vật nữ shogun của tôi đều trông lộng lẫy, đài cát, thanh lịch không ngờ.

Xin anh/chị tiết lộ bí quyết hoàn thành tác phẩm đúng hạn?

Hua: Đây quả thật là một cuộc chạy đua! Bí quyết của tôi là sau khi vẽ xong hết các bức phác thảo, tôi mới hoàn thiện chúng. Bên cạnh đó, tôi cũng đi vào cụ thể hóa ở bước phác thảo nhằm tránh sự mơ hồ, khó hiểu sau này.

Tôi lấy samurai làm chuẩn mực cho các khía cạnh như màu sắc, mức độ chi tiết,… Việc này giúp tạo nhân vật khác một cách hiệu quả, nhất quán hơn.

Servane: Thử thách lần này thật sự khó nhằn. Trước tiên, tôi lên kế hoạch sơ bộ cho từng tuần làm việc, mỗi tuần tương ứng với một công đoạn trong quy trình sáng tạo. Tuần đầu tiên, tôi tập trung vào nghiên cứu. Tôi tìm đọc tài liệu về thiết kế nhân vật, về thời kỳ mạc phủ ở Nhật Bản.

Tuần thứ hai, tôi tập trung vào phác thảo. Tôi bắt đầu xem xét từng nhân vật và câu chuyện đi kèm, cố gắng khám phá yếu tố tạo nên nét độc đáo, mới lạ cho chúng. Tuần thứ ba, tôi thiết kế chi tiết từng nhân vật. Và tuần cuối cùng, tôi tô màu hoàn thiện nhân vật. Do thời gian gấp rút, tôi phải lựa chọn kỹ thuật tô màu vừa hiệu quả, vừa không mất quá nhiều thời gian thực hiện.

Thomas: Cứ đi, đừng nhìn lại. Chỉ có một vài thiết kế là tôi thật sự làm lại mà thôi, còn thì tôi cứ tiếp tục phát triển, vì biết thời gian dành cho diễn họa đang cạn dần.

Theo anh/chị, cái khó nhất của thử thách này là gì?

Hua: Tôi thiết nghĩ cái khó nhất là tạo được nét độc đáo, nổi bật cho nhân vật shogun, vừa nhìn vào là có thể nhận ra ngay.

Servane: Quản lý thời gian là khó nhất. Tôi phải làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ suốt cả tháng trời. Đến cuối cùng, tôi gần như kiệt sức, nhưng cảm thấy rất vui vì đã hoàn thành thử thách. Những ý kiến phản hồi tích cực từ ArtStation là nguồn động lực thúc đẩy tôi bước tiếp trên con đường chinh phục thử thách. Tôi cảm ơn họ rất nhiều.

Thomas: Tìm kiếm phương pháp diễn họa vừa giúp truyền tải ý tưởng, vừa cho phép hoàn thành tác phẩm đúng hạn thật không dễ chút nào. Tôi phải sử dụng ảnh chụp để tạo texture như ý muốn, rồi nhờ đó mới tìm ra phương pháp diễn họa hiệu quả.

Anh/chị có lời khuyên nào cho những người có dự định tham gia thử thách hay không?

Hua: Thật là một trải nghiệm tuyệt vời, thú vị khi làm việc với nhiều họa sĩ tài năng. Chuẩn bị tâm lý cho những tình huống khác nhau. Càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, bạn xử lý tình huống càng suôn sẻ bấy nhiêu. Sắp xếp các bước thực hiện sao cho hợp lý. Bám sát kế hoạch. Đây là chìa khóa để hoàn thành thử thách đúng hạn.

Servane: Lên kế hoạch ngay từ khi bắt đầu tham gia thử thách. Đặt ra deadline cho từng công đoạn sáng tạo. Cần thiết kế tất cả nhân vật cùng một lúc để dễ gộp chung lại với nhau. Thường xuyên tham khảo tác phẩm của thí sinh khác và chia sẻ ý kiến phản hồi với họ. Học hỏi quy trình sáng tạo của họa sĩ khác và chia sẻ với cộng đồng là cách hữu ích nhất để giúp duy trì động lực.

Thomas: Lên kế hoạch trước. Cố gắng xác định mỗi công đoạn, mỗi nhân vật sẽ cần mất bao lâu để hoàn thành. Trong quá trình sáng tạo, bên cạnh việc quản lý thời gian, hãy tận dụng diễn đàn làm nơi tìm kiếm, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của người khác.

 

*Nguồn: Artstation-Feudal Japan Challenge: Character Design Winners Interview