Nhà Văn Thượng Hồng - Người Viết Truyện Ma Nhiều Nhất Việt Nam - Comic Media Academy

Nhà Văn Thượng Hồng – Người Viết Truyện Ma Nhiều Nhất Việt Nam

14/05/2015

Từ giữa cho đến cuối những năm thập niên 1960, độc giả Việt Nam dường như lên cơn sốt với loạt truyện tranh ma “Con quỷ truyền kiếp” (do Nguyễn Thọ vẽ) và “Con quỷ một giò” (do Trường Tồn vẽ, nay đã đổi bút danh thành Chinh Phong). Có người còn ví vui, “song quỷ” (hai con quỷ) đã làm mưa làm gió thị trường truyện tranh một thời.

>>> Họa sĩ Kim Khánh – Người vẽ truyện tranh nhiều nhất Việt Nam

Và không thể phủ nhận rằng, chưa bao giờ lại có hiện tượng bộ truyện tranh Việt nào đạt được tiếng vang  như “Con quỷ truyền kiếp” –  có thể giành trọn chiến thắng trong việc chinh phục độc giả hơn hẳn các bộ truyện tranh nước ngoài đang lan tràn.

Gây sốt và có số lượng phát hành thuộc hàng “best seller”, hiển nhiên là “Con quỷ truyền kiếp” bị mổ xẻ và phê bình không ít.

Trò chuyện cùng nhà văn Thượng Hồng – với bút danh Người Khăn Trắng, được coi là “người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam”, cũng là người từng viết kịch bản cho truyện tranh liên hoàn “Con quỷ truyền kiếp” này, TTV hy vọng được biết hơn về những thăng trầm một chặng đường trong lịch sử truyện tranh Việt.

nha-van-thuong-hongNhà văn Thượng Hồng (Ảnh: Internet)

TTV: Thưa nhà văn Thượng Hồng, lý do ra đời của loạt truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” là gì ạ? Và dư luận xung quanh như thế nào?

NV.Thượng Hồng: Lúc đó, truyện tranh nước ngoài xâm nhập thị trường truyện tranh nhiều quá. Nhất là truyện tranh Tàu như Chú Thoòng.  Các anh em cùng làm truyện tranh thấy rằng cần phải làm một cái gì đó để vượt qua được, cần có tác phẩm truyện tranh Việt thu hút độc giả. Người khai sinh ra “Con quỷ truyền kiếp” là anh Bạch Vân, làm xuất bản. Tôi đến với việc viết truyện ma cũng là một cơ duyên. Anh Nguyễn Thọ, lúc đó được coi là “trùm vẽ ma”, vẽ truyện này.

Thời điểm ấy việc làm truyện tranh còn manh mún và tự phát lắm. Nên thành công trong bộ truyện này rất bất ngờ. Không thể tưởng tượng nổi là nếu như “Chú Thoòng” in 10.000 cuốn/ tập bán hết vèo trong vòng 1 ngày, thì “Con quỷ truyền kiếp” in 20.000 cuốn/ tập cũng bán vèo trong vòng 1 ngày là hết ngay. Lần đầu tiên, truyện tranh Việt có thể đương đầu với truyện tranh nước ngoài. Trong vòng 3-4 năm liền, trước cổng trường nào cũng thấy tràn ngập truyện tranh và trẻ em cầm cuốn đó trên tay.

Thu hút độc giả là vậy nhưng “Con quỷ truyền kiếp” cũng bị phân tích và phán xét những cái tội như gieo những cái hoang đường, ghê rợn vào đầu óc trẻ thơ. Nhưng cũng không hẳn, vì nhờ bộ truyện này mà truyện tranh trong nước không bị lấn át bởi truyện tranh nước ngoài. Và có thể coi khoảng thời gian 1968-1973 là khoảng thời gian cực thịnh của truyện tranh Việt.

Không phải do tôi viết truyện ma mà tôi bao biện. “Con quỷ truyền kiếp” mà anh Bạch Vân là người khai sinh ra vừa có công, vừa có tội. “Con quỷ truyền kiếp” vẫn có tính nhân văn cao. Cái tội chẳng qua là vì những người làm truyện tranh phải tìm lấy một con đường sống, nên nét vẽ truyện tranh thời đó hơi phóng túng, hơi quá.

TTV: Được biết là “Con quỷ một giò” do họa sĩ Chinh Phong vẽ ra từ cuối 1960, tại sao đến khoảng 1969-1973 mới góp phần “gây sốt” ạ? Trong khoảng thời gian cực thịnh đó thì ngoài “song quỷ” thì còn có những truyện tranh nào nữa? Và với số lượng phát hành như thế thì chắc là đời sống của họa sĩ truyện tranh rất ổn?

NV.Thượng Hồng: “Con quỷ một giò” dựa trên một câu chuyện thật, là một người phụ nữ bị Tây bắn què giò rồi chết đi. Truyện hư cấu cho hồn ma người phụ nữ thành quỷ một giò trở về báo oán. Đây cũng là tính nhân văn của tác phẩm. Những người thấp cổ bé họng khi còn sống bị ức hiếp không báo thù được, khi chết thì báo thù. Thể loại truyện này tuy hơi tiêu cực nhưng là một cách để chống lại cường hào, ác bá ngày đó.

Năm 1960, anh Chinh Phong làm bộ truyện tranh này mà chưa được đón nhận nhiều. Năm 1968, truyện tranh bị đình bản hầu hết. Năm 1969, tức là một năm sau, thì khôi phục lại.  1969-1973 là thời điểm vàng của truyện tranh. Thấy bộ truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” được đón nhận, anh Chinh Phong tung ra lại bộ truyện “Con quỷ một giò”. Và “song quỷ” đã là hai bộ truyện tranh làm mưa làm gió lúc đó.

Ngoài hai bộ truyện tranh Việt này thì còn lại hầu hết là truyện tranh nước ngoài can lại, nên có thể nói đó là thời kỳ mà nhà văn làm truyện tranh chứ không phải họa sĩ làm truyện tranh.

Nói về đời sống, họa sĩ truyện tranh mà sống được thì có Nguyễn Thọ và Chinh Phong. Còn họa sĩ ngày xưa sống được chủ yếu nhờ vẽ minh họa.

oan-tinh-ut-lieu( Ảnh: internet )

TTV: Cái khó khăn của truyện tranh Việt vào thời điểm đó là gì ạ? Và theo anh, có cơ hội nào cho sự phát triển truyện tranh Việt bây giờ? Và một số nhận định cho rằng thị hiếu kém dần khi ưa thích manga, anh nghĩ sao ạ?

NV.Thượng Hồng: Ngày xưa kỹ thuật in kém lắm. Phải in bản gỗ khắc, in ty-pô chứ chưa có kỹ thuật in ốp-sét (offset) như bây giờ. Nhớ lại giai đoạn đó, tôi thấy phục các anh em, cái khó ló cái khôn, nhờ làm và cải tiến dần dần mà kỹ thuật ngày càng tốt hơn.

Nhiều khi các anh em tôi ngồi ưu tư về các vấn đề làm sao để phát triển truyện tranh. Truyện tranh Việt Nam hay, có điều là cần phải có người dũng cảm để làm. Ví dụ như bộ truyện Thần Đồng Đất Việt, thời điểm ra đời,  Phan Thị đã gồng mình để đưa lên và đứng vững được trong thị trường truyện tranh Việt là rất giỏi. Cách đi như Phan Thị cũng là con đường đấy. Có thể nói nhu cầu đọc truyện tranh của trẻ em Việt Nam không thua bất cứ nước nào. Các em say mê truyện tranh vô cùng.

Về nội dung truyện tranh, phải tìm hướng đi và luôn sáng tạo. Về nội dung như lịch sử chúng ta chưa khai thác hết. Và về hình thức, thì đừng ngại bị chê trách giống manga, manga cũng từ comic mà phát triển lên. Có điều là đừng bắt chước y hệt, phải sáng tạo dựa trên những cái đã có.

TTV: Với sự thăng trầm như thế, Việt Nam đã thực sự có nền truyện tranh? Và là người viết, anh nghĩ sao về  nội dung truyện tranh ma đối với độc giả?

NV. Thượng Hồng: Nền truyện tranh Việt Nam nói thật ra là chưa có. Những truyện tranh nãy giờ tôi kể cũng là ăn theo thị hiếu thôi. Nhưng truyện ma của tôi được nhiều người nhắc tới, cuộc sống tôi sống được vì có độc giả ủng hộ. Tôi viết không hổ thẹn lương tâm vì tôi viết không đầu độc độc giả và tác phẩm luôn có tính nhân văn.

TTV: Thực sự cảm ơn anh đã cho độc giả TTV được hiểu hơn những bước thăng trầm trong một giai đoạn của truyện tranh Việt. Kính chúc anh sức khỏe và mọi điều tốt lành.

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM

Theo TruyentranhViet.vn