Tôi vẫn có nhớ như in đó là một ngày đẹp trời khoảng cuối năm 2005, tôi không thể ngừng được nụ cười mỉm có phần ngớ ngẩn trên môi mình khi tôi được dẫn lối đi vào tầng hầm tối thui tại trụ sở của studio Bethesda Softworks. Và khi được chỉ cho thấy cái góc nhỏ xíu, nơi mà tôi sẽ ngồi làm việc mỗi ngày, trái tim của gã nghiện máy tính này lại muốn sổ lồng vì sung sướng.
Nơi ấy trông hệt như khu trò chơi bắn súng laser; trần nhà thật cao và sơn màu đen, các bức tường xám xịt, toát lên nét đặc trưng của tổng công ty Zenimax Red. Tôi và người hướng dẫn sải bước lần lượt qua bàn làm việc của các lập trình viên, phòng họp kiểu hội nghị bàn tròn, bàn làm việc của các nhà thiết kế đồ họa và các họa sĩ dựng hình thế giới cho game, mãi rồi chúng tôi cũng đến được dãy bàn cuối: Góc thiết kế nhân vật. Và ở đó, tại buồng làm việc hình hộp nằm tuốt trong cùng, có 1 mảnh giấy dán lên vách với cái tên Jonah Lobe. Tôi ngồi xuống, cảm thấy hơi choáng váng và sững sờ, trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong một sự nghiệp kéo dài 7 năm tại Bethesda.
Nhưng đây lại không phải câu chuyện về sự nghiệp của tôi. Điều tôi muốn kể là câu chuyện của người đàn ông ngồi ở cái buồng ngay sau lưng tôi, tên anh ấy là Adam Adamowicz.
Mặc dù anh ấy ngồi làm việc ở góc xa nhất, tối tăm nhất Bethesda Softworks, nhưng sức ảnh hưởng của Adam lại lan tỏa khắp cái studio này. Những điều mà Adam giáo huấn tôi và những người khác tại Bethesda – về tính sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp, luôn được chúng tôi thuộc nằm lòng suốt từ đó đến giờ.
Ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với mọi người những kỷ niệm đáng nhớ về Adam, nhà phát triển và game thủ gạo cội có ảnh hưởng nhất nhì thế giới game trong nhiều năm (với quan điểm của riêng Jonah). Và ở thời điểm nay khi Fallout 4 sắp sửa ra mắt chính thức, đây sẽ là thời điểm thích hợp để chia sẻ những điều này.
Adam Adamowicz là 1 nghệ sĩ chuyên về concept. Khi tôi bắt đầu làm việc, anh ấy là concept artist DUY NHẤT tại Bethesda, ngay ở thời điểm mà studio này đã tạo được ít nhiều tiếng tăm khắp nước Mỹ!! Góc làm việc của anh ấy chỉ bé tí tẹo, và nó còn có vẻ tí hon hơn nữa khi bạn biết được sự vĩ đại của người đàn ông đang làm việc ở đó. Các bức vách của anh ấy đính đầy tầng tầng lớp lớp các bản phác thảo và bản vẽ minh họa.
Trong cái thánh đường của công nghệ đồ họa này, tôi không thể tưởng tượng nổi Adam làm tất cả mọi thứ 1 cách thủ công. Bạn có tin nổi anh ấy chỉ sử dụng bút chì, bút mực, bút lông, chì màu và sơn hay không?? Và điều khiến tôi không thể ngừng kinh ngạc là hiệu sức sáng tạo không giới hạn nằm trong 4 bức vách nhỏ bé này.
Những ý tưởng của Adam, được vạch ra rất nhanh và táo bạo, gần như sổ ra ngoài các trang giấy. Anh ấy quả là một kho tàng di động về nguồn cảm hứng bất tận. Một mình anh ấy tạo ra con người, quái thú, phong cảnh, trang phục và vũ khí. Những tác phẩm này không chỉ tinh xảo, hoàn mỹ mà còn được đặt những cái tên khiến bạn phải ôm bụng cười lăn lộn như kiểu: “dép sandals ngày tận thế” hay “đống nôn mửa của hệ tiêu hóa nằm bên ngoài cơ thể khốn khổ” hoặc “’Cái này hả? Nó chỉ là cái nồi cơm điện cho phi hành gia thôi mà Jimmy!’”
Adam Adamowicz rất khác lạ và đầy màu sắc. Bên ngoài, anh ấy là một gã cao lêu nghêu và rất ưa nhìn, khỏe mạnh, “đẹp giai 6 múi” với bờ vai rộng, đôi mắt xanh và mái tóc vàng nhạt. Anh ấy thường mặc những cái áo thun không cổ với quần jean, không có nhãn hiệu và cũng không theo một khuôn khổ thời trang nào cả. Mặc cho cái vẻ bụi bặm, cá tính và hấp dẫn đó, gã này “khùng” lắm đấy! (Dĩ nhiên là không phải kiểu bệnh nhân tâm thần!) tuy vậy ánh mắt của Adam toát lên cái nhìn châm biếm sắc sảo, và những lời anh ấy thốt ra thì không thể lường trước được, toàn là những suy nghĩ quái gở, nhưng hài hước và cực kỳ thông minh. “Cậu có lường trước được không? Con chuột trũi kia đang muốn đào một cái lỗ xuyên qua cậu và chơi trượt máng xối qua cái lỗ ấy đấy” hoặc theo kiểu “Hôm trước tôi gặp 1 gã trông như Boris Karloff với đôi mắt cua lồi ra khỏi hốc mắt ấy” “bệnh” đến thế là cùng!
Năm 2006, trong lúc cả studio đang bận rộn hoàn thành bản mở rộng cho Oblivion sẽ ra mắt 2007 với tên gọi Shivering Isles. Adam đã tự mình bắt tay vào làm Fallout 3, thành quả của 1 MÌNH ANH ẤY là bộ concept art đẹp mê người và tiềm năng mở rộng khủng khiếp nhất tôi từng thấy. Bản thân tôi là họa sĩ thiết kế nhân vật. Công việc của tôi là biến hình mẫu 2D thành nhân vật 3D cho game. Chuyên môn của tôi là về các con quái vật. Nhờ có Adam mà tôi tạo ra được các quái thú lừng danh như Deathclaws, Feral Ghouls, Radscorpions, và Mirelurks với tính bi hùng và tạo cảm xúc mãnh liệt hơn bất cứ thứ gì tôi có thể tự làm ra. Với mỗi hình mẫu quái vật, Adam cung cấp cho tôi từ 3 đến 30 bản vẽ khác nhau, từ phác thảo đến hoàn chỉnh, lên màu đầy đủ ở tất cả các góc nhìn!! Không thể tin được!! Anh ấy làm 1 mình thôi đấy!!
Trong quá trình chuyển hóa concept của Adam thành các hình mẫu 3D, tôi cho anh ấy thấy từng bước làm. Trong thâm tâm tôi không chỉ cần những ý kiến thảm mỹ của anh ấy mà còn thầm mong một lời khen, lời công nhận tôi làm tốt. Những phản hồi của anh ấy khiến tôi rất ngạc nhiên. Dường như anh ấy đọc được ý nghĩ của tôi vậy! Ánh ấy luôn nói những điều tích cực dù nhiều lúc tôi không nghĩ là Adam đã hài lòng với việc tôi làm. Lúc đầu việc đó khiến tôi áy náy, nhưng sau vài năm cùng làm việc, tôi dần hiểu ra không chỉ là Adam tin tưởng hoàn toàn vào tôi trong việc chuyển tải ý tưởng của anh thành sản phẩm mà quan trọng hơn là Adam cũng cảm thấy vui khi những gì anh làm truyền cảm hứng cho tôi làm việc hết mình, với anh đó mới là điều quan trọng.
Với Adam, concept art không hoàn toàn đặt nặng về tính thẩm mỹ mà quan trọng là ý tưởng (dẫu vậy concept art của anh vẫn đẹp mê hồn!). Anh ấy xem các tác phẩm của mình như những mũi khoan mở đường. Adam cố gắng thu thập thật nhiều nguồn nguyên liệu ý tưởng vào đầu, sau đó vắt kiệt bộ não để hình thành nên các concept nhiều nhất có thể. Mục tiêu của anh không phải là tạo nên các bản vẽ hoa mỹ. Sản phẩm của anh luôn có tính mở để có thể phát triển thêm. Adam có thể pha trộn và gán ghép thật khớp các ý tưởng khác nhau với một tần suất đáng kinh ngạc và hơn thế nữa anh không bao giờ chỉ dừng ở mức “chấp nhận được”. Ai lại có thể nghĩ đến việc ghép 1 mô hình máy bay ném bom B29 Enola Gay lên đầu 1 đầu đạn hạt nhân mini? Hoặc đặt 1 cái khuôn bào phô mai lên nón bảo hộ của 1 gã Supermutant? Adam không quan tâm đến việc phi logic. Adam không hề sợ bất cứ điều gì. Qua nhiều năm, anh ấy đã tạo ra số concept gấp 10 lần số chúng tôi có thể dùng hết công suất. Anh chăm chỉ làm, làm và làm. Đổi lại được gì?
Ồ chẳng có gì đâu. Chỉ là tựa game đình đám thế giới Fallout 3 mà thôi.
Và vài năm sau đó, chúng ta có Skyrim.
Vì công việc ở Bethesda là lần đầu tiên tôi dấn thân vào nền công nghiệp này, phải mất 1 thời gian tôi mới nhận ra Adam là 1 trong những người giỏi nhất cái ngành này. Các sản phẩm của anh chính là xương sống cho những bom tấn về game cứ ra mắt liên tục và liên tục, biến Bethesda thành studio lừng danh thế giới. Nhưng những lời có cánh và thành công về mặt thương mại hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến Adam. Anh ấy chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc tại “xưởng sản xuất quái vật.” Anh ấy nghịch phá trong các buổi họp nhóm và la lớn “vé mua bia!” vào ngày lĩnh lương. Adam là tấm gương về tính khiêm tốn và nhã nhặn. Anh chẳng bao giờ phàn nàn, chẳng bao giờ xưng hô trịch thượng, và anh không bao giờ để bụng những lần bị phản bác ý tưởng.
Nhưng bài học quan trọng nhất từ Adam là gì? Anh ấy luôn xem mình như 1 người học việc, anh ấy học hỏi không ngừng từ mọi người, làm đi làm lại, học tiếp những cái sai và cố gắng để tiến bộ không ngừng. Tinh thần cầu thị chính là điểm đáng quý nhất ở anh. Góc làm việc của Adam chứa cả núi sách: từ giải phẩu học, các công nghệ trong thập niên 50, kiến trúc và thiết kế…. Adam là loài ăn tạp khi nói về kiến thức. Anh ấy hấp thụ tất cả mọi thứ và sau khi sàng lọc qua cái mê cung phức tạp và rối rắm trong não, các thành quả cứ tuôn ra – chỉnh chu và hoàn mỹ – trên các trang giấy.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chương trình học thiết kế game đa ứng dụng
Anh ấy làm điều đó như thế nào?
Có một lần tôi mạn phép hỏi Adam về thời khóa biểu thường ngày của anh. Nó đơn giản và kỷ luật đến ngạc nhiên! Mỗi sáng, anh đến công sở bằng xe bus, trên đường đi anh hí hoáy vẽ phác thảo những hành khách xung quanh, những cảnh anh đi qua hoặc vô số những ý tưởng điên rồ và sáng tạo vụt sáng trong óc. Khi đến nơi, anh làm một cốc café đầy (tình yêu của Adam với café gần như sắp trờ thành 1 thứ tôn giáo vậy), ngồi vào bàn và bắt tay ngay vào công việc, không xao nhãng. Mặc dù được xem như thánh sống ở Bethesda, anh ấy vẫn giản dị, ăn trưa tại bàn vì háo hức quay trở lại làm việc. Anh ấy làm việc cả ngày,nạp năng lượng bằng ít kẹo bánh và cafe, Sau đó trên đường đi xe bus về nhà, anh lại vẽ nữa. Buổi tối, Adam đến phòng gym (việc tập thể dục rất quan trọng với Adam vì anh cần sức khỏe để làm việc, cái thứ nghiện công việc này!!), anh tự làm bữa tối, rót một ly rượu vang và lại đắm mình vào các project các nhân,vẽ vời và nặn tượng.
“Đừng bao giờ sợ hãi sự hoàn hảo,” Dali từng phát biểu như thế, “Các bạn sẽ chẳng bao giờ rớ đến nó được đâu.” Adam đã thuộc nằm lòng bài học này. Anh không sợ những trang giấy trắng; Anh không sợ thất bại. Những gì anh muốn là học hỏi, là trưởng thành hơn nữa. Không thể tin được, đã giỏi đến như thế rồi mà trong suốt thời gian làm việc tại Bethesda, Adam lại càng ngày càng tiến bộ hơn
Và rồi, một chiều thu 2011, vài năm sau khi chúng tôi không còn làm việc chung 1 góc nữa, tôi tình cờ đi ngang Adam trong lúc làm việc. Chúng tôi dừng lại, trò chuyện thân tình như mọi khi, tôi hỏi anh dạo này như thế nào, anh phàn nàn về cái vai đau, gây cản trở công việc. Thật lạ lùng vì phàn nàn chưa bao giờ là tính cách của Adam, tuy vậy tôi đã không để ý nhiều (tôi rất hối hận vì điều này!). Adam là một gã lực lưỡng, 43 tuổi và cực kì năng động, một cái vai đau thì nghĩa lý gì?
Vài tuần sau đó, Adam xin nghỉ ốm. Nhiều tuần trôi qua, rồi hàng tháng, tôi cứ thập thò ở phòng họa sĩ, hồi hộp, nôn nóng được gặp anh, được chào mừng anh quay lại làm việc. Nhưng ánh đèn bàn làm việc của Adam không bao giờ sáng nữa. Những thứ đồ chơi trên bàn Adam – “chút chít sẵn sàng làm việc!” nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn, lặng lẽ, không một tiếng chút chit nào. Tôi nghe loáng thoáng về “bệnh ung thư”.
Vài tháng sau đó, tin dữ vang đến Bethesda, Adam đã qua đời!
Chúng tôi không dọn bàn làm việc của anh ấy. Tôi còn không chắc là có ai dám đả động gì đến chuyện đó. Chúng tôi chỉ để yên nó, như một thánh đường nhỏ, nơi tôn thờ đấng sáng tạo.
Thời gian trôi qua, các bức vách nơi Adam từng ngồi vẫn ghim đầy những bức vẽ, tuyệt vời đáng kinh ngạc như thường lệ – ngoại trừ 1 điều, không có gì thay đổi hoặc thêm mới. Ánh đèn vẫn không sáng. Điều duy nhất khác biệt là bồn cá và chậu cây của anh trở thành 1 vũng chết (hệt như haong mạc của Fallout) vì không ai dọn dẹp, chúng tôi đều nhất trí sẽ không động vào vì đó hẳn cũng là điều mà Adam muốn.
Tôi rời Bethesda vào mùa thu 2012
Ở thời điểm đó, Skyrim đã leo lên dẫn đầu các bảng xếp hạng về doanh thu cũng như danh tiếng, và Fallout 4 cũng đã sằn sàng ra mắt. Nói theo ngôn ngữ nhà nghề, tôi cảm thấy tự hào về những gì làm được và muốn ra đi khi còn trên đỉnh cao. Vợ sắp cưới của tôi đang học năm thứ 3 trường luật tại New York. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho cô ấy, và tôi cũng muốn theo đuổi ước mơ trở thành 1 cây viết. Tôi muốn phát triển theo những hướng mà mình chưa từng nghĩ đến trước đó, để 1 lần nữa được đắm mình vào nghệ thuật sáng tạo, tự mình xây dựng một thế giới từ những bản nháp.
Vậy thực sự thì sáng tạo nghĩa là gì?
Đã 3 năm từ ngày tôi rời Bethesda, tôi có dư dả thời gian để nghĩ về câu hỏi đó. Sáng tạo là một thứ gì đó vô cùng khó để nắm bắt, và càng khó hơn để nuôi dưỡng. Làm thế nào để truyền đạt từ bộ não người này sang người khác, những kinh nghiệm và ký ức rồi từ đó nghĩ ra một nguyên bản mới? Adam làm được việc đó suốt đấy. Vậy điều gì khiến anh ấy khác biệt?
Steve Jobs từng nói “Sự sáng tạo đơn giản là kết nối nhiều thứ với nhau” Mặc dù tôi không tin Adam là fan của Apple—Tôi còn chưa từng thấy anh ấy sở hữu 1 chiếc điện thoại di động— Tôi vẫn nghĩ câu nói ấy miêu tả chính xác nhất những gì Adam đã làm. Lật lại những công việc của anh ấy, tôi luôn thấy choáng ngợp bởi tập hợp bong bóng đa dạng các chủ đề, một hỗn hợp táo bạo những ý tưởng khác nhau. Anh ấy tạo ra các tác phẩm bằng những vật dụng thủ công như bút mực, bút lông, màu sáp. Thế mà các tác phẩm ấy là một bộ sưu tập của những ý tưởng độc đáo và không thể tách rời. Khi thiết kế 1 khẩu sung chẳng hạn, Adam không chỉ tập trung vào nghiên cứu kiểu dáng súng mà còn cả các lõi điện tesla, các dụng cụ công nghiệp viễn tưởng hoặc các sản phẩm phòng thí nghiệm. Khi thiết kế trang phục, Adam nhìn đến những món đồ chơi, bao tay bếp lò, radio và miếng lót silicát. Sản phẩm cho ra là những mẫu vật quái lạ, hỗn tạp nhưng nguyên bản không đụng hàng.
Sức sáng tạo của Adam còn vượt xa những thiết kế thông thường. Chính Adam là người dạy cho tôi rằng các nhân vật sẽ gây ấn tượng hơn với các sắc thái không tưởng: sự đáng sợ sẽ tăng gấp bội nếu được pha thêm chút hài hước; sự ghê tởm sẽ càng thêm buồn nôn nếu được điểm xuyến với cái đẹp theo một cách bệnh hoạn. The Draugr (xác sống các chiến binh cổ đại trong Skyrim) không chỉ là các xác ướp đơn thuần, họ là những chiến binh danh giá trong bộ dạng những miếng khô bò. The Feral Ghouls (quái vật là con người nhiễm phóng xạ trong Fallout) vừa đáng sợ vừa đáng thương. The Deathclaws (quái thú 1 táng chết ngay trong Fallout) là những con báo, mảnh mai nhanh nhẹn và rất đói khát. Supermutants trong Fallout 4 không chỉ là những gả khổng lồ đầu đất đội lồng đèn lên đầu, mà còn là những binh sĩ có kỷ luật quân đội với cơ bắp biến dị do phóng xạ nhìn như những bị thịt gớm ghiếc.Thấu hiểu được các tầng lớp nghĩa đi chung với nhau về ngoại hình và cảm xúc khiến tôi nhận ra rằng những thiết kế này mang tính nguyên bản và độc nhất, hơn bất cứ thứ gì tôi có thể tự mình làm ra. Và tôi nhận ra rằng chính những chi tiết không tưởng ở các sinh vật này mới là cái khiến tất cả chúng ta LUÔN NHỚ VỀ CHÚNG.
Tựa game Bethesda cuối cùng mà tôi chơi với tư cách không phải nhà thiết kế nhân vật là Morrowind. Tôi so sánh những quái vật trong game này với những Supermutants và Deathclaw trong Fallout 4, dù cũng nhưng con người ấy thực hiện nhưng sao mà khác biệt nhau quá. Các đồng nghiệp cũ của tôi, những người làm việc đêm ngày muốn rục xương với tựa game này, rất hào hứng với nó. Fallout 4 chính là sản phẩm của tâm huyết và tình yêu dành tặng Adam. Dù anh không còn nữa, Adam vẫn để lại dấu tay của mình đầy trên nó. Anh chính là tác giả của hàng trăm concepts art cho tựa game mới cáu này. Những cống hiến của anh cho tựa game, cho đội ngũ Bethesda và cho chính các bạn, những người chơi là bền bỉ vô tận, hệt như thuở ban đầu. Anh ấy vẫn miệt mài dù đang nằm trên giường bệnh. Ánh ấy làm việc đến tận hơi thở cuối cùng.
Tôi hiện đang giữ một bức tranh do Adam vẽ, món quà mẹ anh trao cho tôi theo di nguyện của Adam. Bức tranh vẽ một người phụ nữ, cô ấy có làn da màu ngà, mái tóc đen tuyền. Cô ta cầm một gậy phép bằng vàng, tương tự như gậy phép của Thầy tu Rồng (trong Skyrim), và choàng lên người bộ áo chùng phù thủy màu đỏ thẫm. Với người khác, đây có thể là trò vẽ vời trẻ con nhưng bức họa này với tôi là vô giá.
Khi ai đó mất đi, họ sẽ để lại cho đời những mảnh vụn vặt của chính họ. Những gì chúng ta làm với những mảnh vụn đó sẽ trở thành di sản của người đã khuất. Và tôi dự định sẽ luôn trân trọng và bảo tồn di sản của Adam.
Vì thế tôi chăm tập thể dục. Tôi viết lách 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sau đó tôi vẽ, hoặc sơn, hoặc dựng mẫu vật hoặc có thể viết thêm gì đó. Tôi cùng vợ ăn tối ở nhà, ngủ 1 giấc, sáng hôm sau lại tiếp tục làm như thế. Tôi sẽ cố gắng vượt qua nỗi sợ những trang giấy trắng. Tôi sẽ cố vượt qua những lần thất bại. Tôi sẽ học hỏi, trưởng thành dần lên vì tôi là một người học việc, và tôi sẽ mãi là như thế, cũng như Adam vậy.
Vì vậy giờ đây tôi sẽ ăn trưa tại bàn, háo hức quay lại viết tiếp quyển sách của mình…
6/11/2015
Jonah Lobe (Nhà văn, cựu nhân viên thiết kế nhân vật studio Bethesda)
Như Hoàng dịch