Là fan chân chính của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật, bạn luôn thắc mắc truyện tranh và phim hoạt hình Nhật phát triển ra sao kể từ Thế chiến thứ hai? Ai đã làm thay đổi bộ mặt truyện tranh và phim hoạt hình Nhật? Chiến tranh ảnh hưởng như thế nào đến truyện tranh và phim hoạt hình Nhật? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa những thắc mắc trên.
Lịch sử phát triển
Nếu từng xem qua những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Sailor Moon, Dragonball Z, Voltron, Gundam Wing, Speed Racer, Digimon, và Pokemon, bạn hẳn nhận thấy nhân vật trong phim có thiết kế độc lạ: nhân vật nữ có cặp mắt cực to, mái tóc cực dày, và thân hình siêu gợi cảm; nhân vật nam thường sở hữu ngoại hình lực lưỡng, cuồn cuộn cơ bắp (như trong Dragonball Z và GT), đôi khi mang hình hài robot khổng lồ như trong Robotech và Gundam Wing.
Muốn biết những bộ phim hoạt hình kể trên có xuất xứ từ đâu? Bạn phải tìm đến đất nước Nhật Bản – cái nôi của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật, cội nguồn của mọi điều điên rồ khó tin.
Phim hoạt hình Nhật (anime) được ưa chuộng tại Nhật Bản, và du nhập vào Mỹ từ rất sớm. Giữa phim hoạt hình Mỹ và phim hoạt hình Nhật có một điểm khác biệt lớn: trái ngược với phim hoạt hình Mỹ chỉ dành riêng cho trẻ em, phim hoạt hình Nhật được phần đông người lớn ưa thích. Đối tượng xem phim hoạt hình Nhật không chỉ bao gồm trẻ em mà còn cả thanh thiếu niên và người lớn. Tất nhiên, điều này cũng đúng với truyện tranh Nhật (manga).
Ngành công nghiệp truyện tranh và phim hoạt hình Nhật phát triển mạnh mẽ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính phủ Nhật huy động toàn dân đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến. Người dân buộc phải tuân theo, nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Theo ghi chép trong sách Manga Manga: The World of Japanese Comics của Frederik Scholdt, người bất hợp tác bị bắt bớ, giam cầm, cấm hoạt động, cách ly khỏi xã hội; người quy thuận được trọng đãi… họa sĩ từng một thời chỉ trích gay gắt chính phủ giờ quay sang ca ngợi hết lời chủ nghĩa quân phiệt.
Khoảng năm 1940, nhiều hội họa sĩ được thành lập, trong đó có New Cartoonists Association of Japan (Shin Nippon Mangaka Kyokai) và New Cartoonists Faction Group (Shin Mangaha Shudan). Trong giai đoạn này, một số ít họa sĩ được miễn nghĩa vụ quân sự hoặc không bị chính phủ cấm hoạt động. Họ được nhà cầm quyền sử dụng làm công cụ tuyên truyền. Artwork và comic strip do họ sáng tác tràn ngập nội dung tuyên truyền, đả kích kẻ thù của Nhật Bản.
Phim hoạt hình Mỹ
Ở bên kia địa cầu, họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới Walt Disney – cha đẻ của hãng phim hoạt hình Walt Disney – đang chật vật với nghề làm phim hoạt hình. Ông khởi nghiệp vào những năm 1920 qua việc ra mắt hai tác phẩm đầu tay Alice’s Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) và Oswald the Lucky Rabbit (Chú thỏ may mắn Oswald). Ngày 16/11/1928, ông cho ra đời nhân vật chuột Mickey và gặt hái thành công vang dội tại Mỹ. Sau chuột Mickey, ông quyết định bắt tay vào thực hiện dự án phim hoạt hình Snow White and the Seven Dwarfs (Bạch Tuyết và bảy chú lùn). Bộ phim được công chiếu năm 1937, và lập tức chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Công việc làm ăn của ông diễn ra suôn sẻ cho đến khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tuy nhiên, bất chấp chiến tranh, ông vẫn tiếp tục ra mắt tác phẩm Pinocchio (Cậu bé người gỗ) và Fantasia. Tuy cả hai tác phẩm được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, nhưng ông lỗ nặng vì mất trắng thị trường nước ngoài do chiến tranh gây ra. Ông làm phim Dumbo (Chú voi biết bay Dumbo – 1941) và Bambi (Chú nai Bambi – 1942) trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Do làm nhiều bộ phim tốn kém trong thời chiến, ông sa cảnh thua lỗ triền miên và bắt đầu đánh mất vị thế số 1 trên thị trường.
Trong thời gian chiến tranh, ông tung ra thêm hai bộ phim Saludos Amigos và The Three Cabelleros tại khu vực Nam Mỹ. Ông chú trọng vào làm phim tuyên truyền và huấn luyện quân sự. Sau chiến tranh, ông chật vật tìm lại ánh hào quang xưa, sản xuất nhiều series phim hoạt hình ngắn như Make Mine Mine Music và Melody Time. Đến năm 1950, thành công lại mỉm cười khi ông ra mắt hai bộ phim Treasure Island (Đảo châu báu) và Cinderella (Cô bé lọ lem).
Không hài lòng với tất cả những gì đạt được, ông ấp ủ kế hoạch xây dựng công viên chuyên đề để người lớn và trẻ em có nơi vui chơi, giải trí. Công viên Disneyland khai trương năm 1955 sau thời gian dài xây dựng và mở rộng, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù khá bận rộn với công việc điều hành công viên Disneyland, ông vẫn cùng ê-kíp phát hành những tác phẩm giải trí chất lượng như 20,000 Leagues Under Sea (Hai vạn dặm dưới đáy biển), Shaggy Dog (Điệp vụ chó xù), Zorro, và Mary Poppins. Ông không may ra đi vào ngày 15/12/1966, bỏ lại phía sau những kế hoạch còn dang dở. Hãng phim hoạt hình tiếp tục tồn tại dưới sự dẫn dắt của anh trai ông, Roy Disney. Những bộ phim hoạt hình The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh – 1967), The Love Bug (1969), và The Aristocrats (Gia đình mèo quý tộc – 1970) lần lượt ra đời dưới thời của Roy Disney. Đến năm 1971, Roy Disney qua đời. Ê-kíp xưa kia được anh em nhà Disney đào tạo lên nắm quyền điều hành hãng Disney suốt nhiều năm sau đó.
Người làm thay đổi bộ mặt truyện tranh và phim hoạt hình Nhật
Trở lại Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, họa sĩ trẻ giàu nhiệt huyết Osamu Tezuka ra mắt tác phẩm đầu tay Shin Takarajima (New Treasure Island – Tân hòn đảo châu báu). Thuở nhỏ, Tezuka là fan cuồng phim hoạt hình Disney. Ông có phong cách sáng tác độc đáo, ấn tượng; tuy nhiên, mãi đến khi ra mắt tác phẩm Tetsuwan Atomu (Astro Boy – Siêu nhí Astro), ông mới được nếm vị ngọt của thành công. Ông được mệnh danh là cha đẻ của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật.
Cha đẻ của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật ( Osamu Tezuka )
Sau khi có chỗ đứng trong nghề, ông tự mình thành lập hãng phim hoạt hình Mushi Productions (1962) và phát hành phim hoạt hình Astro Boy. Bộ phim được nhiều người công nhận là mang phong cách độc đáo, mới lạ chưa từng thấy: nhân vật được ông vẽ theo phong cách điện ảnh, nên giàu sức biểu cảm và sinh động vô cùng; câu chuyện tuy trải dài mấy trăm trang, song vẫn lôi cuốn, hấp dẫn người xem. Đến năm 1963, Astro Boy vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trình chiếu trên đài truyền hình Mỹ NBC, và được khán giả Mỹ đón nhận nhiệt tình.
Sau thành công của Astro Boy, ông ra mắt tác phẩm Jungle Taitei (Kimba the White Lion – Sư tử trắng Kimba). Bộ phim The Lion King (Vua sư tử) do Disney phát hành sau đó làm dấy lên làn sóng tranh cãi vì nhân vật “Chúa tể rừng xanh” của Tezuka và “Vua sư tử” của Disney có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Mặc dù hãng Disney một mực phủ nhận chuyện này, song nhiều người vẫn tin họ đã “đạo” ý tưởng từ phim hoạt hình Nhật kể trên.
Astro Boy
Kimba the White Lion
Năm 1973, tức 2 năm sau khi Roy Disney qua đời, Mushi Productions phá sản. Tezuka chuyển sang công ty mới, nhưng vẫn không từ bỏ sáng tác truyện tranh và làm phim hoạt hình. Ông luôn ví truyện tranh là “vợ”, phim hoạt hình là “người tình” của mình. Trong số tác phẩm do ông sáng tác phải kể đến Buddha, Hi no Tori (Phoenix – Phượng hoàng lửa), và Back Jack (Bác sĩ quái dị). Ông chẳng những là họa sĩ truyện tranh và hoạt hình, mà còn là bác sĩ có bằng cấp của đại học y khoa Osaka. Điều này lý giải tại sao nhiều tác phẩm của ông mang đậm tính nhân văn, quý trọng cuộc sống… và thường thiên về chủ đề khoa học hoặc y khoa.
Những cột mốc đáng chú ý trong lịch sử truyện tranh và phim hoạt hình Nhật
1914 – Họa sĩ Nhật Bản nằm trong số những người đầu tiên thử nghiệm làm phim hoạt hình.
1918 – Momotaro (Cậu bé anh đào) của Kitayama Seitaro trở thành bộ phim hoạt hình Nhật đầu tiên vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp truyện tranh Nhật vẫn chậm phát triển.
1932 – Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Seitaro phát hành phim hoạt hình Chikara To Onna No Yononoka.
1941 – Họa sĩ hoạt hình được nhà cầm quyền sử dụng làm công cụ tuyên truyền, đả kích kẻ thù của Nhật Bản.
1947 – Sau Thế chiến thứ hai, Osamu Tezuka bước chân vào nghề họa sĩ hoạt hình, ra mắt tác phẩm đầu tay Shin Takarajima.
1951 – Osamu Tezuka cho ra đời bộ truyện tranh nổi tiếng Tetsuwan Atom (Astro Boy). Sau này, ông trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình, góp phần đưa truyện tranh và phim hoạt hình Nhật lên tầm quốc tế.
1956 – Hiroshi Okawa thành lập hãng phim hoạt hình Toei Animation, ra mắt tác phẩm đầu tay The Tale of White Serpent.
1958 – Lĩnh vực hoạt hình cho Tezuka cơ hội phát huy tối đa tài năng.
1961 – Tezuka thành lập hãng phim hoạt hình Mushi Productions.
1962 – Manga Calendar là phim hoạt hình đầu tiên được phát sóng trên truyền hình.
1963 – Astro Boy của Tezuka được trình chiếu trên đài truyền hình Mỹ NBC.
thập niên 70 – Trào lưu phim hoạt hình mecha (nhân vật trong phim là những robot khổng lồ) trở nên thịnh hành với G-Force, Battle of the Planets, Great Mazinger, và Star Blazers.
1979 – Mobile Suit Gudam, phiên bản gốc của phim hoạt hình Gundam Wing hiện nay, được công chiếu, gặt hái thành công lớn, khiến khán giả cả nước phát cuồng.
1986 – Họa sĩ Akira Toriyama phát hành tác phẩm Dragon Ball (7 viên ngọc rồng), một trong những series phim hoạt hình được yêu thích nhất tại Nhật Bản. Những series sau này mang tựa đề Dragon Ball Z và Dragon Ball GT.
Dragon Ball Z.
1988 – Phim hoạt hình mang đậm màu sắc bạo lực Akira gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
1995 – Phim hoạt hình Sailor Moon (Thủy thủ mặt trăng) được phát sóng tại Mỹ.
1997 – Cartoon Network phát sóng chương trình Toonami – chương trình chiếu phim hoạt hình không phải do Mỹ sản xuất, nhưng rất đáng xem.
1999 – Pokemon tạo cơn địa chấn tại Mỹ. Cũng trong năm này. Miyaki ra mắt phim Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) với sự hỗ trợ của hãng Disney.
Công chúa Mononoke.
2000 – Những bộ phim hoạt hình Gundam Wing, Tenchi Muyo, Card Captors, Blue Submarine 6, và Vision of Escaflowne nối tiếp nhau ra đời.
2001 – Outlaw Star (Hiệp sĩ vô pháp) được chiếu trên kênh Cartoon Network tại Mỹ.
* Nguồn: novaonline.nvcc.edu
* Biên Dịch: Comic Media Academy