Khác với lớp dạy vẽ thiếu nhi hay truyện tranh cấp tốc, lớp Nghệ thuật kịch bản là nợi hội tụ của những con người muốn dùng ngòi bút, câu chữ của mình để “vẽ” ra những câu chuyện rất khác lạ, có kết cấu hoàn chỉnh. Dù ở những độ tuổi khác nhau, có trẻ trung, có lớn tuổi nhưng nhìn chung họ vẫn là những người trẻ, trẻ trong suy nghĩ, trẻ trong đam mê và khát vọng về hoài bão của bản thân.
>>> Có thể bạn quan tâm: [Hình ảnh] Tổng kết lớp Nghệ thuật kịch bản Khóa 2
Những thay đổi sau 3 tháng
Nghề biên kịch đòi hỏi cần phải có khả năng trong cách sử dụng ngôn từ, cũng như trau dồi vốn từ cho bản thân. Để có điều này, đọc sách và viết lách thường xuyên chính là cách luyện tập tốt nhất. Thế nhưng, đối với những người làm công việc kỹ thuật hay sử dụng máy móc như La Ái Anh là một việc khá khó khăn. Song, kết thúc 3 tháng học tại lớp Nghệ thuật kịch bản, La Ái Anh đã có những thay đổi tích cực. Bạn chia sẻ: “Trước đây, mình là một người rất lười đọc sách. Bởi, từ khi theo học thiết kế, sử dụng máy móc khá nhiều khiến cho việc dành thời gian để đọc sách khó khăn hơn. Tham gia khóa học kịch bản của CMA, mình đã cải thiện được thời gian đọc sách của mình. Không những vậy, mình còn viết lách thường xuyên hơn. Trước đó, do phải sử dụng công nghệ và máy móc phục vụ việc học chuyên ngành, mình không được viết lách nhiều. Đến khi viết pitching, treatment, mình đã phải thức đến 5h sáng để viết. Vì vậy có thể nói đây là môi trường rất tốt để mọi người có thể rèn kỹ năng viết và sáng tạo kịch bản.”
Trong khi đó, Hà Thái Hiền cho biết: “Trước khi đến với khóa học, em có viết truyện nên tự tin của em là tự tin về sử dụng ngôn từ thôi. Nhưng em chưa có đủ tự tin để viết ra một kịch bản phim. Em viết một cách rất bản năng. Sau khi tham gia khóa học, em biết về 3 hồi 8 nhịp, cấu trúc kịch bản, cách pitching với nhà sản xuất thì sự tự tin đó nó có tăng lên và đi đúng hướng hơn. Nhưng mà để nói tự tin hoàn toàn mang kịch bản đến các nhà sản xuất thì chắc em cần phải học thêm khóa 2 và khóa 3 của chương trình mình.”
Nếu như khóa học đã làm cho Hà Thái Hiền tự tin viết kịch bản, cho La Ái Anh một môi trường tốt để rèn kỹ năng viết, thì đối với Đinh Thúy Quỳnh, Nghệ thuật kịch bản đã giúp cho ước mơ của bạn trở nên rất khác. Bạn cho biết: “Mình vẫn muốn trở thành một người có thể được câu chuyện của riêng mình. Nhưng cái nhìn với nghề của mình hiện tại đã rõ ràng hơn, đã cảm nhận được những trở ngại trong nghề. Trước đây, chỉ nghĩ đơn giản là mình phải sáng tạo, biết cách kể câu chuyện. Nhưng sau khi tham gia khóa học, đi vào chi tiết trong nghề, mình mới biết có những cái sẽ khiến cho mình cảm thấy khó khăn hơn nữa và lúc đó mình phải quyết tâm, kiên trì hơn để vượt qua.”
Ước mơ có thể xa vời nhưng không phải là không thể
Để trở thành nhà biên kịch không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Đó là cả một quãng đường dài và khổ luyện. Thế nhưng, muốn bước qua những trở ngại trên con đường này, trước hết bạn cần phải có ước mơ, những dự định rõ ràng cho nghề nghiệp của bản thân. Đừng nên chỉ yêu thích mà không cố gắng tạo cơ hội và rèn luyện. Các học viên của lớp Nghệ thuật kịch bản cũng đã có hình dung rõ nét hơn về nghề sau khi kết thúc cấp độ đầu tiên của khóa học. Không những vậy, các bạn cũng đã vạch ra hướng đi chắc chắn cho tương lai với nghề biên kịch.
Đối với học viên Lê Nguyễn Hồng Việt, viêc ấp ủ về kịch bản hiện tại đã được thay thế bằng những ấp ủ về nghề. Bạn đã biết cách đi theo lý tưởng như thế nào cũng như cách bám trụ với nghề. Chia sẻ về bài pitching cuối khóa, Hồng Việt cho biết: “Mình hài lòng với bài pitching. Nhưng mình nghĩ sẽ phải sửa nữa. Vì mỗi lần cô góp ý, mình sẽ nhận ra một khuyết điểm trong kịch bản. Theo mình biết, kịch bản từ lúc ấp ủ ý tưởng đến lúc ra phim phải sửa rất nhiều lần, có thể cả trăm lần. Mặc dù khó khăn nhưng mình nghĩ ‘từ từ rồi cháo nó cũng nhừ’.”
Trong khi đó, 3 tháng đã qua là một chặng đường không ngắn cũng không dài đối với Phan Bảo Hoàng Phúc. Bạn tâm sự: “Điều mình chưa làm được có thể là về từ ngữ. Vốn dĩ mình không giỏi cách dùng từ và mình viết cũng không hay lắm. Đồng thời, mình cũng chưa từng sử dụng các phần mềm để viết kịch bản. Vì vậy, mình hy vọng sẽ khắc phục những yếu điểm của mình trong khóa 2. Còn nói về tương lai, dù mình chưa thể sớm thực hiện ước mơ biên kịch nhưng mình tin sẽ có một thời điểm mình làm được.”
Những điều đặc biệt hội tụ trong một lớp học
Đối với các thành viên trong lớp Nghệ thuật kịch bản 02, mỗi giờ học là một điều thú vị. Thú vị từ cách giảng dạy của thầy cô đến sự sôi động trong thảo luận của các bạn học. Chắc hẳn mỗi buổi học sẽ là một kỷ niệm khó quên trong các học viên.
Với người lần đầu tiên tham gia một lớp học về biên kịch như bạn Phạm Thị Hoa thì có lẽ mọi cảm nhận sẽ rất đặc biệt. Hoa cho biết, kịch bản là bộ môn lần đầu tiên bạn tìm hiểu và tham gia học ngoài chuyên ngành. Những bất ngờ dần dần được hé lộ trong mỗi buổi học. Hoa chia sẻ: “Khi vào học, mình cảm thấy có rất nhiều cái mới lạ và bất ngờ. Cái đầu tiên có thể nói tới là kiến thức mới mà lần đầu mình nghe đến như hình ảnh, biên kịch, làm sao để viết kịch bản hay, cách tạo ra một kịch bản như thế nào. Cái thứ hai là, các thầy cô rất trẻ trung, vui tính. Khi tham gia học với các thầy cô thì cũng có nhiều điều vui ví dụ như các thầy cô tham gia rất nhiệt tình những buổi đi ăn sau giờ học. Đó là cái gây hứng thú, tăng niềm yêu thích khi tham gia học. Cảm ơn các thầy cô và Viện đã tạo cơ hội để mình có thể tham gia những khóa học như thế này.”
Lớp Nghệ thuật kịch bản 02 đặc biệt không chỉ đến từ người lần đầu tiên tiếp cận với lớp biên kịch như Hoa, mà còn đến từ cách học viên gắn kết với nhau như một gia đình. Trong đó, có thể nói chị Lê Nguyễn Hồng Việt là một nút thắt quan trọng. Được hỏi về việc kết nối các thành viên trong lớp, chị Việt cho biết: “Thật ra các bạn tự gắn kết với nhau. Mình chỉ đề nghị đầu tiên là xếp bàn để nhìn mặt nhau thôi. Cái buổi đầu tiên, mọi người ngồi theo lớp học bình thường. Đến buổi thứ 2, mình đã đề nghị các bạn xếp bàn đối mặt với nhau. Từ lúc nhìn mặt nhau, cười với nhau thì mọi người bắt đầu thảo luận, xem phim chung, bàn luận. Như vậy, lớp càng ngày càng thân thiết với nhau hơn.”
Điều đặc biệt tiếp theo có thể nhắc đến là ý tưởng kịch bản của La Ái Anh đã nhận được đánh giá cao và có cơ hội phát triển thành dự án điện ảnh trong thời gian sắp tới. Đó là câu chuyện đã xảy ra trong buổi pitching dự án và đồ tốt nghiệp của khóa 02 với sự tham gia của đạo diễn Văn Công Viễn. Những cố gắng của La Ái Anh trong 3 tháng đã được công nhận. Chứng tỏ, mọi ước mơ đều có thể đạt được nếu như bạn nỗ lực không ngừng.
Khép lại hành trình 3 tháng cho cấp độ 1, các bạn học viên sẽ bước đến cấp độ 2 với những trải nghiệm về nghề rõ ràng hơn và cả những câu chuyện mới sẽ được viết ra. Cùng chờ đón điều đặc biệt nào sẽ xảy ra ở cấp độ 2 nhé!
>>> Xem thêm: Ý tưởng của học viên lớp Nghệ thuật kịch bản được phát triển thành dự án điện ảnh
H.Đ