Vẽ manga thực sự đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và kỹ năng hội họa. Nhưng bạn đừng vì thế mà vội nản lòng. Bạn phải bắt đầu từ đâu đó.
Bài viết này sẽ hướng dẫn các bước lên kế hoạch trước khi bắt tay vào vẽ manga, cũng như một số mẹo hay trong quá trình vẽ manga.
Bước 1 – Xác định câu chuyện bạn muốn kể
Trước tiên, xác định thể loại manga bạn muốn vẽ. Lát cắt cuộc sống, giả tưởng, khoa học viễn tưởng, lịch sử,…
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng lại rất quan trọng trong việc xác định nhân vật và bối cảnh muốn đưa vào câu chuyện.
Bước 2 – Viết tóm tắt nhanh câu chuyện
Viết tóm tắt sơ lược câu chuyện, mô tả những tình tiết chính. Câu chuyện không nhất thiết phải hoàn toàn mới, nhưng giúp làm nổi bật điều gì đó, theo một cách nào đó.
Nếu ý tưởng của bạn quá phổ biến và chung chung, thì nó ít có khả năng cuốn hút người đọc.
Bước 3 – Viết profile nhân vật và thiết kế nhân vật
Viết profile cho từng nhân vật chính. Mô tả ngoại hình, tính cách và tiểu sử của nhân vật. Tương tự như câu chuyện, bạn không nên tạo nhân vật quá chung chung, không sử dụng nhân vật lấy từ manga hiện có (trừ khi tác giả cho phép).
Bạn lấy cảm hứng từ tác phẩm của người khác. Không sao cả, nhưng đừng sao chép mà không xin phép.
Về thiết kế nhân vật theo phong cách manga hay anime, bạn tham khảo thêm bài viết 4 Bước Quan Trọng Để Vẽ Manga Hay Anime Cho Riêng Mình.
Bước 4 – Xác định bối cảnh
Xác định câu chuyện sẽ diễn ra ở đâu. Ví dụ, nếu đó là thế giới giả tưởng, thì nó được gọi là gì? Nó có những đặc điểm chính nào? Những địa điểm chính nằm ở đâu?
Cần lưu ý là ngay cả câu chuyện không thuộc thể loại giả tưởng hay khoa học viễn tưởng (sci-fi) vẫn có thể lấy bối cảnh hư cấu (quốc gia và/hoặc thành phố không tồn tại ngoài đời thực).
Bạn cần phác họa nơi diễn ra những tình tiết chính trong câu chuyện.
Nếu câu chuyện lấy bối cảnh giả tưởng, bạn vẽ một phần hoặc toàn nơi diễn ra câu chuyện. Bạn có thể sử dụng biểu tượng để thể hiện các địa điểm khác nhau. Và ghi chú kế bên cho từng biểu tượng.
Trong manga không thuộc thể loại giả tưởng, bạn có thể bỏ qua bản đồ thế giới. Thay vào đó, bạn vẽ bản đồ các thị trấn trong câu chuyện. Ngoài ra, bạn cũng có thể vẽ bản đồ thị trấn cho manga giả tưởng.
Đối với bản đồ thị trấn, bạn vẽ những thứ như nhà nhân vật chính, nhà bạn bè anh ta, đường đến trường hoặc đến nơi làm việc, những địa điểm chính xung quanh thị trấn nơi diễn ra câu chuyện,… Sử dụng biểu tượng đơn giản khi vẽ bản đồ và chỉ dùng cho địa điểm liên quan đến câu chuyện.
Nếu muốn lấy thị trấn có thật ngoài đời làm bối cảnh cho manga, bạn nên sử dụng bản đồ thật của thị trấn đó và chụp ảnh những địa điểm có thật.
Tiếp theo, bạn vẽ phác thảo các địa điểm. Ví dụ, quang cảnh đường phố xung quanh nhà nhân vật chính, trường học,…
Cuối cùng, bạn phác thảo một số nội thất quan trọng ở nơi sẽ diễn ra câu chuyện, chẳng hạn như lớp học hoặc phòng của nhân vật chính. Điều này giúp bạn xác định vị trí của đồ vật chính (giường tủ, bàn ghế,…) trong phòng.
Lý do cho phác thảo kiểu này là để tránh sự không nhất quán khi vẽ manga và cũng đồng thời giúp bạn hoạch định câu chuyện. Ví dụ, bạn biết rằng nhân vật cần đi qua cửa hàng tiện lợi để ra bãi biển. Vì vậy, bạn cho nhân vật mua đồ ăn nhẹ trên đường đi. Bên cạnh đó, bạn cũng tránh được những sơ suất như quên vị trí cửa hàng tiện lợi và cho nhân vật đi qua nó để ra công viên trong chương khác.
Bước 5 – Xác định độ dài của manga
Xác định mỗi chương truyện sẽ dài bao nhiêu.
Viết ghi chú dưới dạng tóm tắt những tình tiết chính trong chương truyện và nhân vật sẽ góp mặt trong chương truyện đó.
Ví dụ về ghi chú dưới dạng tóm tắt ý chính
+ Nhân vật chính thức dậy và ăn sáng.
+ Nhân vật chính ghé qua nhà bạn thân và họ cùng nhau đi bộ đến trường.
+ Trên đường đến trường, nhân vật chính và bạn thân nói về…
+ Khi lớp học bắt đầu, giáo viên giới thiệu một học sinh mới chuyển đến.
+ v.v…
Tất nhiên, bạn sẽ muốn sử dụng tên thật của nhân vật trong ghi chú.
Ghi nhãn rõ ràng cho từng ghi chú như “Chương 1, Chương 2,…” Nếu đặt tên cho chương truyện, bạn ghi tên phía sau con số. Ví dụ, Chương 1 – Tên Chương. Bạn muốn duy trì sự ngăn nắp.
Bước 6 – Hoạch định trang manga
Hoạch định từng trang truyện bằng cách phác thảo sơ bộ. Cách để thực hiện việc này hiệu quả là sử dụng giấy in. Nó khá rẻ và bạn dễ dàng loại bỏ nếu vẽ sai. Nhớ đánh số trang trong quá trình vẽ để tránh nhầm lẫn sau này.
Bạn đẩy nhanh tiến độ hoạch định trang manga bằng cách vẽ nhân vật chibi cho phần này. Đầu to, thân nhỏ và không quá nhiều chi tiết.
Về vẽ nhân vật chibi, bạn tham khảo thêm bài viết Hướng Dẫn Cách Vẽ Nhân Vật Chibi Siêu Dễ Thương.
Ngoài ra, bạn cũng nên đưa lời thoại vào từng trang manga.
Bản phác thảo có thể khá thô. Ý đồ là thiết lập nhanh diễn biến trong từng khung hình sao cho hợp lý. Lưu ý bạn có khi phải điều chỉnh kích thước khung hình trong manga, do kích thước các trang có thể khác nhau (xem giải thích trong bước tiếp theo). Tuy nhiên, bạn vẫn nên giữ nguyên số lượng khung hình và cách vẽ layout trong manga.
Bước 7 – Lên kế hoạch in trước khi vẽ manga
Sau đây là một số điều cần lưu ý trước khi bắt tay vào vẽ manga.
Nếu dự định mang manga đi in ấn, bạn nên tìm hiểu kích thước in tiêu chuẩn cho chúng. Còn nếu vẽ manga với mục đích tập luyện và in ấn tại nhà, bạn có thể làm bất cứ điều gì trong khả năng xử lý của máy in gia đình. Dẫu vậy, tốt hơn hết là vẫn nên vẽ manga với kích thước chuẩn ngay cả khi tập luyện.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng kích thước chuẩn cho manga tại quốc gia như Nhật Bản có thể khác với kích thước chuẩn cho truyện tranh ở quốc gia khác. Vì vậy, nhớ chọn kích thước in phù hợp.
Nếu muốn in manga, bạn cần làm quen với khái niệm “live area”, “bleed” và “trim”.
Live Area
Đây là phần trang mà bức vẽ sẽ không bị cắt mất một phần.
Trim
Đây là vị trí sẽ cắt bỏ khu vực xung quanh.
Bleed
Khu vực vượt ra ngoài khu vực bị cắt bỏ. Lý do là để bảo đảm không có viền hoặc đốm trắng trên mép giấy. Nếu muốn màu nền hoặc hình vẽ tràn lề, bạn cần vẽ vượt ra ngoài khu vực bị cắt bỏ đến tận mép giấy.
Tìm thêm trợ giúp khi in manga
Bạn có thể tự tìm hiểu thêm về in ấn, nhưng cần nắm vững những khái niệm kể trên.
Bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà thiết kế đồ họa nếu cần hỗ trợ trong lĩnh vực này. Công việc của họ thường gắn liền với in ấn. Và bạn dễ gặp gỡ họ hơn là họa sĩ truyện tranh/manga thực thụ.
Web Manga
Bạn cũng có thể bỏ qua công đoạn in ấn, mà thay vào đó là đăng tải manga lên mạng. Đây là cách xuất bản manga dễ dàng, ít tốn kém nhất. Tuy vậy, bạn vẫn nên sử dụng kích thước tối ưu trong trường hợp sau này mang đi in.
Bước 8 – Tìm hiểu về các loại bong bóng lời thoại
Bong bóng lời thoại có nhiều loại khác nhau và được sử dụng để củng cố thông điệp mà chúng chứa đựng. Bong bóng lời thoại thường có hình bầu dục đơn giản với đuôi hướng về phía miệng nhân vật. Nếu nhân vật hét lên, bạn nhấn mạnh bằng bong bóng lời thoại với cạnh răng cưa.
Họa sĩ manga đôi khi cũng sử dụng bong bóng lời thoại hơi khác thường một chút. Nói chung, bạn sẽ muốn chọn loại bong bóng lời thoại nhất định, rồi gắn bó với nó trong suốt manga.
Bước 9 – Vẽ manga
Cuối cùng, sau khi đã sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, bạn bắt tay vào vẽ manga.
Đầu tiên, bạn vẽ bằng bút chì, sau đó mới vẽ bằng bút mực.
Bạn có thể vẽ manga bằng bút chấm mực. Nếu trước đây chưa từng sử dụng bút chấm mực, bạn nên luyện vẽ với nó trước khi vẽ manga.
Sau cùng, bạn cần scan các bức vẽ, nghĩa là bạn có thể chỉnh sửa chúng bằng kỹ thuật số. Vì lý do này, bạn mắc sai sót trong quá trình vẽ mực cũng không thành vấn đề to tát.
Hoặc nếu có bảng vẽ và phần mềm phù hợp, bạn có thể chuyển hẳn sang vẽ manga kỹ thuật số. Trong trường hợp này, bạn không cần scan/vẽ manga theo cách truyền thống. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khởi đầu với bản phác thảo thô, rồi sau đó lọc nét. Và vẫn áp dụng những điều đã đề cập trước đó.
Bước 10 – Tiếp nhận phản hồi
Một cách để tiếp nhận phản hồi là cho mọi người xem thiết kế nhân vật và ý tưởng câu chuyện của bạn. Cho người khác xem bản phác thảo để xem những gì diễn ra trong khung hình có thực sự lôi cuốn, hấp dẫn họ không.
Bạn bè vốn ngại mở lời phê bình tác phẩm của bạn, nhưng bạn hãy yêu cầu họ phản hồi trung thực.
Lời phê bình có thể khó chấp nhận, nhưng nếu bạn thực sự nghiêm túc trong công việc, bạn nên sẵn lòng tiếp thu ý kiến của người khác. Đồng thời, đừng quên rằng không phải lời khuyên hoặc phê bình nào từ mọi người cũng đều có giá trị. Cố gắng hỏi ý kiến của nhiều người để có sự nhất trí về tác phẩm của bạn.
Nếu biết ai đó là họa sĩ chuyên nghiệp, bạn có thể nhờ họ giúp đỡ, cho lời khuyên.
Lời kết
Vẽ manga tuy mất nhiều thời gian, nhưng nếu bạn đọc được đến đây, thì chứng tỏ bạn là người kiên trì, bởi bài viết này khá dài. Điều quan trọng khi thực hiện dự án lớn là phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, và đừng vội đi quá nhanh vì bạn có thể bị đuối sức. Mỗi ngày, mỗi tuần thực hiện khối lượng công việc nhất định và gắn bó với nó.
Bài viết tuy hướng dẫn khá chi tiết, song bạn vẫn có thể tìm hiểu thêm nếu nghiêm túc trong việc sáng tác manga của riêng mình.
Tham khảo thêm bài viết khác trên website CMA nếu bạn muốn học vẽ theo phong cách manga và anime.
Nguồn: Anime Outline
Dịch: Toàn Vũ