Sau đây là bài hướng dẫn toàn diện về chọn màu cho người mới biết vẽ manga và anime. Hãy đọc bài viết này nếu bạn chưa biết nhiều về khái niệm bánh xe màu và các tổ hợp màu khác nhau. Đây là những nguyên tắc chọn màu được nhà thiết kế và họa sĩ chuyên nghiệp khuyên dùng.
Màu sắc của nhân vật manga và anime, hoặc thậm chí toàn bộ cảnh truyện, không được lựa chọn ngẫu nhiên. Một số màu sắc nhất định ăn nhập với nhau hơn những màu khác.
Bánh xe màu
Bánh xe màu (color wheel) hiển thị màu sắc dựa trên mối tương quan giữa chúng với nhau.
Bánh xe màu được sử dụng trong bài viết này có lẽ là phổ biến nhất. Bánh xe màu có thể có nhiều phân chia hơn thế, hoặc thậm chí chuyển tiếp mượt mà hơn từ màu này sang màu khác.
Màu sơ cấp
Có ba màu sơ cấp (primary color): đỏ, xanh lam và vàng. Đặc điểm chính để xác định màu sơ cấp là bạn không thể tạo chúng bằng cách pha trộn màu khác.
Màu thứ cấp
Màu thứ cấp (secondary color): được tạo bằng cách pha trộn hai màu sơ cấp. Ví dụ, bạn trộn màu đỏ với màu vàng để tạo ra màu cam, hoặc màu xanh lam với màu vàng để tạo ra màu xanh lá cây.
Màu tam cấp
Màu tam cấp (tertiary color) là sự kết hợp giữa màu sơ cấp và màu thứ cấp. Vì vậy, nếu trộn màu vàng với màu xanh lá cây, bạn sẽ có được màu vàng chanh.
Tô màu cho nhân vật anime
Những ví dụ dưới đây cho thấy nhân vật anime được tô màu như thế nào.
Lưu ý: đối với ví dụ này, màu sắc chỉ thay đổi trên mái tóc, mắt và trang phục. Nửa tô bóng của vòng tròn màu sắc đại diện cho màu sắc được sử dụng cho vùng tô bóng nhân vật.
Cường độ màu sắc
Cường độ màu sắc là độ sáng của màu sắc. Nó chịu ảnh hưởng bởi sắc thái, đổ bóng, và tông màu.
+ Sắc thái (Tint) – Pha thêm màu trắng cho một màu.
+ Đổ bóng (Shade) – Pha thêm màu đen cho một màu.
+ Tông màu (Tone) – Pha thêm màu xám cho một màu (hỗn hợp màu đen và trắng).
Ví dụ trên cho thấy sự khác biệt giữa màu có và không có tông màu.
Khi tô màu cho nhân vật, bạn cần cường độ màu sắc phù hợp.
Màu đậm phù hợp với nhân vật vui vẻ. Màu nhạt phù hợp với nhân vật nghiêm túc.
Thông thường, bạn không muốn sử dụng màu sắc không có tông màu để tô cho nhân vật. Nhưng bạn có thể sử dụng màu đậm hơn nếu muốn một phần trang phục trông như đang phát sáng.
Màu không sắc
“Màu” không sắc (achromatic) là màu đen, trắng và xám, nhưng nó cũng có thể bao gồm màu nâu, màu rám nắng (màu nâu nhạt), cùng với màu rất đậm hay rất nhạt.
Trang phục không sắc khá phổ biến với nhân vật anime. Ví dụ, bộ đồ đen với áo sơ mi trắng.
Màu đơn sắc
Đơn sắc (monochromatic) có nghĩa là một màu. Trong trường hợp này, màu sắc là sự pha trộn của màu đỏ và xanh lam cùng với (tông màu) đen và trắng để tạo ra các biến thể khác nhau của màu hồng.
Nhân vật đơn sắc có lẽ là lựa chọn phù hợp nếu bạn muốn tạo nhân vật nổi bật. Ví dụ, nếu bạn thấy ai đó dạo phố trong trang phục màu đỏ hay vàng rực rỡ, người đó chắc chắn thu hút mọi ánh nhìn hơn những người khác.
Màu bổ túc
Màu bổ túc (complimentary) là những màu nằm đối diện nhau trên bánh xe màu.
Một lần nữa, đây là tổ hợp màu phù hợp cho nhân vật bạn muốn làm nổi bật.
Màu bổ túc xen kẽ
Màu bổ túc xen kẽ (split complimentary color) là phiên bản dịu nhẹ (ít tương phản) của màu bổ túc. Về cơ bản, chúng tạo thành hình chữ “Y” trên bánh xe màu.
Màu bổ túc xen kẽ rất phổ biến với nhân vật anime.
Màu tương đồng
Màu tương đồng (analogous color) cũng là tổ hợp màu phổ biến với nhân vật anime. Đây là những màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu.
Màu tương đồng mang lại vẻ dịu mát, nhẹ nhàng, ít tương phản.
Màu bổ túc bộ ba
Màu bổ túc bộ ba (triadic color) là tổ hợp ba màu trở lên. Những màu này tạo thành hình tam giác trên bánh xe màu. Bạn có thể chọn ba màu bất kỳ miễn là giữ nguyên khoảng cách giữa chúng.
Màu tứ giác
Màu tứ giác (square color) là tổ hợp bốn màu. Về cơ bản, những màu này tạo thành hình tứ giác trên bánh xe màu.
Tổ hợp màu chữ nhật
Giống như màu tứ giác, tổ hợp màu chữ nhật (tetradic color) là tổ hợp bốn màu. Những màu này tạo thành hình chữ nhật trên bánh xe màu.
Màu nóng
Màu nóng là những màu như vàng, đỏ và cam. Về cơ bản, chúng là những màu khiến bạn liên tưởng đến những thứ ấm áp như mặt trời hoặc ngọn lửa.
Kiểu phối màu này đặc biệt hữu ích cho nhân vật fantasy hoặc khoa học viễn tưởng. Ví dụ, nhân vật sở hữu hỏa thuật.
Màu lạnh
Màu lạnh là màu xanh lá, xanh lam và tím. Những màu này thường khiến bạn liên tưởng đến những thứ lạnh lẽo như băng tuyết.
Cũng như tổ hợp màu nóng, tổ hợp màu lạnh thích hợp cho nhân vật fantasy và khoa học viễn tưởng. Ví dụ, nhân vật sở hữu băng thuật.
Lời kết
Còn rất nhiều điều cần biết khi nói về màu sắc, nhưng hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các tổ hợp màu khác nhau. Bạn có thể áp dụng thử những tổ hợp màu này khi tô màu nhân vật anime yêu thích của mình.
Nguồn: Anime Outline
Dịch: Toàn Vũ