Vẽ STORYBOARD cho phim hoạt hình ngắn - Comic Media Academy

Vẽ STORYBOARD cho phim hoạt hình ngắn

08/08/2019

 

 

1. Storyboard là gì?

Storyboard là bản vẽ phác thảo cảnh quay trong kịch bản phim. Sau khi hoàn thành, storyboard giống như một quyển truyện tranh, nhưng không có lời thoại.

Vẽ storyboard là một phần của công đoạn tiền kỳ, bao gồm viết logline, phát triển nhân vật, viết kịch bản, và thiết kế âm thanh.

 

2. Lịch sử ra đời

Walt Disney là người có công khai sinh storyboard hiện đại. Năm 1933, kịch bản phim The Three Little Pigs” (Ba chú heo con) hoàn toàn được vẽ dưới dạng storyboard.

Trước kia, các họa sĩ hoạt hình tại Warner Brothers thường viết những mẩu chuyện rời rạc, rồi tìm cách gắn kết chúng thành câu chuyện mạch lạc.

Ngày nay, storyboard phổ biến trong những xưởng phim hoạt hình lớn và ngành công nghiệp game.

 

3. Storyboard trong phim live action

Vào cuối thập niên 30 của thập kỷ trước, David Selznik thuê William Menzies vẽ storyboard cho bộ phim “Gone With the Wind” (Cuốn theo chiều gió).

Orson Welles, Howard Hughes, và Alfred Hitchcock tiếp bước theo sau, thuê người vẽ storyboard cho những tác phẩm điện ảnh.

Ngày nay, hầu hết đạo diễn nổi tiếng như Stephen Spielberg, George Lucas, anh em nhà Cohen,… đều thuê người vẽ storyboard cho tác phẩm điện ảnh.

 

4. Dự án nhóm

Hầu hết dự án sản xuất phim là dự án nhóm. Storyboard là công cụ truyền đạt mục tiêu của dự án đến tất cả thành viên trong nhóm.

Khi thực hiện dự án cá nhân, họa sĩ cũng vẫn muốn thông qua storyboard để hoạch định dự án, chọn lựa góc quay, định thời (timing),…

 

5. Lợi ích

Tiết kiệm thời gian thảo luận.

Cho phép mọi người chia sẻ ý tưởng trên tinh thần bình đẳng và thúc đẩy sự đồng lòng, nhất trí.

Tạo điều kiện thuận lợi cho chọn lựa giải pháp thay thế.

Hiệu quả, kinh tế, chính xác.

Tạo sự gắn kết giữa các bộ phận, phòng ban.

Giúp phát hiện sớm vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng phát sinh.

Duy trì tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ, và tính nhất quán về mặt hình ảnh.

Có cái để nói chuyện với nhà tài trợ dự án.

 

6. Thiết kế âm thanh

Tiếp sau công đoạn vẽ storyboard là công đoạn ghi âm. Công đoạn ghi âm thường được thực hiện trước tiên, kế đến là công đoạn hoạt hóa (animation) sao cho hình ảnh ăn khớp với âm thanh.

Storyboard giúp diễn viên nắm vai diễn qua phần ghi âm. Phần ghi âm bao gồm lời thoại, thuyết minh, hiệu ứng âm thanh, và âm nhạc.

 

7. Animatic

Animatic là bước kết hợp storyboard với audio track để kiểm tra phần timing.

Thỉnh thoảng, animatic còn kèm theo hoạt hình 2D đơn giản hoặc chuyển động camera.

Hiện nay, nhiều storyboard còn được lồng thêm cả hoạt hình và mô hình 3D đơn giản.

 

8. Tính dễ hiểu

Thông thường, bạn cần chỉnh sửa phần hình ảnh nếu dự án có chỗ khó hiểu đối với người xem.

Thông thường, bạn cần chỉnh sửa phần âm thanh nếu dự án không mang lại cảm xúc cho người xem.

Cố gắng vẽ storyboard sao cho người xem không cần đọc lời thoại mà vẫn hiểu được câu chuyện.

 

9. Tôi có cần phải là họa sĩ hay không?

Vẽ là một phần không thể thiếu trong portfolio của bạn.

Nhiều công việc đòi hỏi bạn phải có kỹ năng vẽ ở mức độ nhất định.

Hầu hết trường mỹ thuật đều yêu cầu học viên (thậm chí cả vẽ 3D) phải biết vẽ.

Tại nhiều trường mỹ thuật, bạn phải vượt qua khóa học vẽ người mẫu thì mới được phép theo học hoạt hình.

 

10. Trang storyboard

Storyboard thường là những bản vẽ phác thảo trên thẻ chỉ mục (4” x 6”) cho dễ thêm bớt, xáo trộn thứ tự khung hình.

Sau khi xây dựng xong câu chuyện, họa sĩ vẽ hình thu nhỏ (thmbnail) vào 9 – 12 khung trên trang storyboard.

Sau khi hoàn thành, production storyboard thường chỉ có 1 – 3 khung trên mỗi trang.

Khung lớn dành cho pan và truck (giải thích sau).

Production storyboard cần bao gồm action và lời thoại.

 

11. Góc quay

Luôn sử dụng loạt cảnh quay từ nhiều góc quay khác nhau, mỗi góc quay hiếm khi kéo dài quá vài giây.

Cố gắng tìm kiếm góc quay ấn tượng, thay vì trực diện.

 

12. Tiêu điểm

Luôn đặt câu hỏi, “Mình muốn hướng sự chú ý của người xem vào đâu?”

Sắp xếp các thành phần hình ảnh sao cho chúng dễ đập vào mắt người xem.

Trong hầu hết trường hợp, không nên đặt chủ thể chính (tiêu điểm) ở ngay giữa khung hình

Áp dụng quy tắc 1/3 để kẻ đường chia khung hình ra thành 9 phần. Cố gắng đặt chủ thể chính (tiêu điểm) tại một trong bốn giao điểm (trái trên, phải trên, trái dưới, phải dưới).

 

13. Vị trí đặt đường chân trời

Trong địa lý, đường chân trời là đường giao nhau giữa bầu trời và mặt đất. Trong nghệ thuật, đường chân trời là đường tầm mắt. Trong cảnh ngoài trời, đường chân trời và đường tầm mắt có thể không phải là một.

Đừng bao giờ để đường chân trời chia đôi khung hình. Trong hầu hết trường hợp, nên hạ đường chân trời thấp xuống.

Đường chân trời chia đôi khung hình

 

 

14. Ống kính camera và phối cảnh

Bạn cần hiểu rõ điểm khác biệt giữa các loại ống kính camera.

Trong 3D, ống kính góc rộng hoặc ống kính tele tỏ ra phù hợp hơn cả.

Kích cỡ ống kính thường được đo bằng đơn vị mm. Ống kính góc rộng: khoảng 12 mm. Ống kính tiêu chuẩn: 24 – 50 mm. Ống kính tele: 100 – 200 mm.

Trong 2D, phối cảnh thay đổi khi vị trí điểm tụ thay đổi.

 

15. Cảnh rộng và cảnh dạo đầu

Cảnh rộng (wide shot) là cảnh quay từ khoảng cách xa để cho thấy chủ thể và khung cảnh xung quanh.

Cảnh dạo đầu (establishing shot) là cảnh cho khán giả biết bối cảnh diễn ra action. Thông thường, khán giả cần nắm rõ bối cảnh ngay từ đầu. Thỉnh thoảng, bạn có thể cố tình che giấu không cho khán giả biết bối cảnh.

 

16. Cảnh viễn

Cảnh viễn (long shot) là cảnh thu gần hơn cảnh rộng, cho khán giả thấy từ đầu đến chân chủ thể, cùng khung cảnh xung quanh chủ thể. Action thường được phản ánh rõ nét nhất trong cảnh toàn thân này.

 

17. Trung cảnh

Trung cảnh (medium shot) là cảnh chỉ cho thấy từ đầu đến thắt lưng chủ thể. Trung cảnh cho phép khán giả thấy rõ sắc mặt và cử chỉ bàn tay của chủ thể.

 

18. Cận cảnh

Cận cảnh (close-up) chỉ cho thấy phần đầu của chủ thể. Nó thường dùng để cho thấy vẻ mặt sợ hãi, giận dữ,… của chủ thể.

Cảnh cực cận (extreme close-up) cho thấy rõ miệng và ánh mắt chủ thể.

 

 

19. Cảnh một người, cảnh hai người, cảnh ba người, cảnh qua vai

Cảnh một người (one shot) là cảnh chỉ có một chủ thể trong khung hình.

Cảnh hai người (two shot) là cảnh có hai chủ thể trong khung hình.

Cảnh ba người (three shot) là cảnh có ba chủ thể trong khung hình. Ba chủ thể tạo thành hình tam giác. Chủ thể chính (tâm điểm) được quay cận cảnh và nằm ở đỉnh tam giác.

Cảnh qua vai (over the shoulder shot). Cảnh hai người, tiêu điểm được đặt vào chủ thể hướng mặt về phía ống kính camera. Khán giả có cảm tưởng như mình nhìn chủ thể này qua con mắt của chủ thể khác.

 

20. Cảnh chen

Cảnh chen (insert shot) là cảnh chi tiết (đồ vật, dòng chữ, hành động hoặc phản ứng của nhân vật,…) chen vào cảnh chính.

 

21. Dutch Angle hay Dutch tilt

Camera được nghiêng ở một góc lệch so với đường nằm ngang, được áp dụng kết hợp với tua nhanh để tạo sự hồi hộp, căng thẳng cho cảnh rượt đuổi, cảnh chiến đấu, cảnh nhân vật trở nên cuồng nộ, mất trí.

 

22. Chuyển động camera: dolly

Dolly là thiết bị di chuyển camera đến gần action để ghi hình cận cảnh.

Trên storyboard, vẽ khung hình “nổi” (floating frame) để biểu thị vị trí cuối cùng. Mũi tên chỉ từ khung hình chính đến khung hình mới biểu thị chuyển động trucking.

Sử dụng mũi tên dày màu trắng để biểu thị chuyển động của camera, mũi tên mảnh màu đen để biểu thị chuyển động của chủ thể.

 

23. Chuyển động camera: pan

Pan là lia camera chầm chậm trên giá đỡ ba chân (tripod) để cho thấy cảnh rộng.

Trên storyboard, vẽ cảnh rộng và sử dụng khung hình “nổi”. Đánh dấu “bắt đầu” và “kết thúc” trên khung hình. Vẽ mũi tên nối liền hai khung hình để biểu thị hướng chuyển động camera.

Kiểu chuyển động này thường không dễ diễn tả trên giấy khổ tiêu chuẩn. Nới rộng khung hình sẽ tốt hơn.

 

24. Chuyển động camera: truck

Truck là chuyển động ngang của camera. Nó cho thấy cảnh rộng giống như pan.

Camera thường đi theo chủ thể, nên background sẽ đi ngang qua khung hình.

Chừa không gian trống trước mặt chủ thể chuyển động.

Trên storyboard, khoanh tròn dòng chữ “BG” và vẽ mũi tên biểu thị hướng chuyển động của background.

Có thể vẽ toàn bộ background nếu cần.

 

25. Chuyển cảnh

Chuyển cảnh là ngầm báo địa điểm mới trong khung hình cuối cùng trước khi cắt cảnh. Ví dụ, cảnh thứ nhất là trường học và cảnh thứ hai là lớp học. Cho thấy lối vào lớp học trước khi chuyển cảnh

Hiệu ứng chuyển cảnh đặc biệt áp dụng cho quãng thời gian trôi qua, cảnh hồi tưởng, cảnh mơ mộng,… Ghi dòng miêu tả trên khung hình: clock wipe hoặc fade to black.

 

* Nguồn: slideplayer

* Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy