BẰNG CÁCH NÀO ONE PIECE VẪN HẤP DẪN NGƯỜI ĐỘC SAU 23 NĂM? - Comic Media Academy

BẰNG CÁCH NÀO ONE PIECE VẪN HẤP DẪN NGƯỜI ĐỘC SAU 23 NĂM?

05/01/2021

Đâu là bí quyết giúp bộ manga đã phát hành đến chương thứ 1000, vẫn lôi cuốn người độc đến vậy? Hãy cùng phân tích cách Eiichiro Oda – tác giả bộ truyện đã làm để giữ cho One Piece luôn tươi mới nhé!

Là một người hâm mộ lâu năm của One Piece, có lẽ đã rất nhiều lần bạn nhận được câu hỏi “Làm thế nào bạn có thể xem nhiều tập truyện như vậy mà không cảm thấy chán?”. Câu trả lời thực ra không quá phức tạp. Nói một cách đơn giản, Eiichiro Oda – thuyền trưởng của con tàu đã đưa chúng ta đi khắp thế giới kì thú của One Piece, tác giả biết cách giữ cho những chuyến du ngoạn của mình luôn thú vị và tươi mới ngay cả khi bộ truyện đã kéo dài 23 năm với gần 1000 chương đã được ra mắt.

Câu chuyện mà One Piece hướng tới là hành trình đi tìm kho báu của băng Mũ Rơm – điều đó có nghĩa Oda hoàn toàn tự do để có thể sáng tác bao nhiêu chương truyện tuỳ thích. Sẽ có người  nghĩ rằng  Oda chỉ đang cố tình kéo dài bộ truyện để  thu nhiều lợi nhuận, nhưng sự thật không hẳn thế. Hành trình hay đích đến, những điều đó đều không phải là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của One Piece. Điểm thu hút lớn nhất chính là việc được chứng kiến băng Mũ Rơm trải qua những gian nan, thử thách và khổ nạn trong hành trình của họ và những kỳ quan của vùng biển Grand Line.

Xây dựng một thế giới hư cấu tuyệt đẹp là một trong những điểm then chốt mang đến thành công cho One Piece. Nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra mỗi địa danh mà Oda tạo nên, chúng đều có những điểm độc nhất vô nhị, không nơi nào giống nơi nào, tạo được những ấn tượng rất riêng, và đó chính là điều mà độc giả tìm kiếm ở tác phẩm.  Ví dụ địa danh đầu tiên của bộ truyện, quần đảo Alabista. Đây là một quốc gia nằm ở sa mạc khô cằn nơi dân chúng đang có sự xung đột với chính phủ vì sự thờ ơ của họ trước nạn hạn hán kéo dài. Tiếp theo là Skypiea, hòn đảo khổng lồ lơ lửng trên mây, nơi từng là một thành phố cổ đại bằng vàng kéo theo mối hận thù truyền kiếp giữa hậu duệ của những người dân vốn được sinh ra ở đây và những “người trời”, những người tin rằng Skypiea là nhà của Chúa. Sau đó trong Water 7, một thành phố đồ sộ được tạo thành từ những kênh đào và đường thuỷ nổi tiếng khắp thế giới, đồng thời là nơi có nhiều thợ đóng tàu lành nghề nhất thuộc công ty The Galley-La. Tuy nhiên, Water 7 hằng năm phải hứng chiu đợt gió mùa Aqua Lagoona, thứ làm tăng dần mực nước biển quanh hòn đảo.

Kỹ năng vẽ đỉnh cao của Oda cũng là một khía cạnh không thể không kể đến. Xuyên suốt bộ manga, chưa bao giờ có sự sụt giảm về chất lượng và thực tế, phong độ của Oda ngày càng chín muồi theo thời gian. Bối cảnh trong One Piece đầy ắp những tiểu tiết và đòi hỏi tác giả phải giàu trí tưởng tượng, chẳng hạn như khi Luffy bày tỏ sự ham muốn được khám phá một nơi nào đó, độc giả có thể cảm nhận rõ ràng “sự mời gọi đầy hấp dẫn” mà những nơi đó tỏa ra. Một khi đã chứng kiến những bông hoa anh đào tuyệt đẹp trong mưa trên vùng đất Wado, người xem chắc hẳn đã đứng ngồi không yên, chờ đợi Oda đưa họ đi khám phá từng ngóc ngách của vùng đất ấy. Hoặc có thể bạn sẽ thích thú với quần đảo Sabaody, một khu rừng ngập mặn giữa biển khơi, được tạo thành từ 79 cây đước khổng lồ và một bầu trời đầy bong bóng. Nổi bật nhất có thể là dòng chảy Kcock-Up dẫn thẳng đến vùng Biển Trắng trứ danh.

Mỗi thành viên của Băng Mũ Rơm đều có những mục đích của riêng họ trong khi  xuôi buồm trên những đám mây. Usopp  muốn “bơi” trên những tầng mây, Luffy và Chopper thì muốn nhún nhảy trên  mây như thể chúng là những tấm đệm lò xo, và bếp trưởng Sanji  lại cố nấu món cá đặc biệt. Chính những chi tiết nhỏ này đã giúp những địa danh trong thế giới bao la của One Piece trở nên chân thật và sinh động đến mức như vượt ra khỏi những trang truyện.

Ngoài ra, dù là hồi truyện cũ nhất hay mới nhất, Oda vẫn giữ nguyên tinh thần mang những thứ mới mẻ đến cho độc giả, xây dựng những bối cảnh độc nhất cho từng quần đảo. Không chỉ đơn thuần là giới thiệu một địa danh mới, Oda còn rất khôn ngoan trong việc lồng ghép cốt truyện mới vào những địa danh này, khiến cốt truyện không hề có cảm giác gượng ép. Ví dụ như phần truyện ở Long Ring Long Land, băng Mũ Rơm đã phải tham gia vào trò chơi mang tên Davey Back Fight, một cuộc so tài giữa những hải tặc, khi họ đã tốn nhiều công sức đối đầu với băng hải tặc Foxy khét tiếng. Chắc hẳn các fan hâm mộ cũng không thể nào quên hồi truyện tại Impel Down, khi Luffy vất vả vượt qua từng tầng ngục với mong muốn giải cứu người anh trai thất lạc lâu năm, Ace, và cuối cùng bất lực nhìn người anh trai ấy ra đi trước mắt mình. Tại đảo Whole Cake, băng Mũ Rơm phải giải cứu chàng “đầu bếp háo sắc” Sanji tại lễ cưới mà anh bị ép buộc phải tham gia, thêm vào đó, họ còn phải cố gắng hạ được Big Mom, một thành viên của Tứ Hoàng. Dù ở bối cảnh nào, lớn hay nhỏ, Oda vẫn không làm độc giả phải thất vọng khi mang đến những cốt truyện mới mẻ, tạo  ấn tượng lâu dài.

Nội dung của từng phần truyện sẽ mang đến từng thông điệp khác nhau tùy vào cách người xem diễn giải và “cảm” nó. Phần truyện tại quần đảo Sabaody, Oda đã nhắc đến sự phân biệt đối xử, định kiến và nạn buôn người một cách cởi mở và chân thật. Còn tại Enies Lobby, Oda lại nêu ra quan điểm rằng “sự tồn tại của một cá thể nào đó không bao giờ là một tội ác” và ai cũng có quyền được tồn tại. Còn về Punk Hazard, Oda lại khơi gợi lòng trắc ẩn của con người khi đối diện với những bước tiến của khoa học kỹ thuật. Nói tóm lại, One Piece luôn mang một số yếu tố chính trị nhất định, và đó cũng là một điểm thu hút giúp câu chuyện của Oda luôn có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Ngoài bối cảnh sống động và nội dung hấp dẫn, các nhân vật mạnh mẽ, đầy cá tính cũng là thỏi nam châm hút fan. Với mỗi phần truyện mới, Oda luôn mang đến cho khán giả nhiều nhân vật khác nhau, đó có thể là những nhân vật chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ mạch truyện hoặc đơn giản chỉ là những nhân vật phụ. Oda cũng rất khôn ngoan trong việc sắp xếp vai trò cho từng nhân vật. Hãy cùng xem qua một trong những phản diện nổi bật nhất, Donquixote Doflamingo. Nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên ở chương 233 trong phần truyện Skypiea. Tuy không có vai trò cụ thể trong những sự kiện tại Skypiea, nhưng Oda vẫn cài cắm và để Donquixote Doflamingo xuất hiện tại một cuộc họp ở Trụ sở Chính phủ Thế giới, Mary Geoise.

Khi Oda dần dần phát triển cốt truyện, từ đây độc  giả  được hiểu rõ về Shibukai này hơn, chẳng hạn như hắn chính là kẻ sở hữu Nhà đấu giá Người tại Sabaody, hay việc hắn nắm trong tay đường dây chế tạo trái ác quỷ nhân tạo tại Punk Hazard. Mãi cho đến hồi truyện chính của Doflamingo tại Dressrosa, hắn mới thực sự trở thành phản diện chính của phần truyện này,  Oda đã xây dựng hình tượng Donquixote Doflamingo rất thành công, giúp khán giả hiểu rõ về vai trò, động cơ của hắn và lí do hắn bị chán ghét. Doflamingo không phải là kẻ phản diện duy nhất được Oda giới thiệu theo cách này. Râu đen, Jimbei và cả Kaido, tất cả những nhân vật then chốt này đều đã xuất hiện thấp thoáng từ những phần truyện trước và về sau mới bộc lộ rõ vai trò của mình trong câu chuyện mà Oda sáng tạo ra.

Nếu sau khi đọc bài viết này bạn nóng lòng muốn tìm hiểu về thế giới của One Piece thì hãy làm ngay đi nhé! Hãy loại bỏ suy nghĩ rằng cốt truyện của One Piece là quá dài để bạn đầu tư thời gian. Tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy một thứ gì đó thú vị trong One Piece, có thể là những bài học về tình bạn, những hoài bão và những chuyến phiêu lưu, lối kể chuyện và xây dựng thế giới tuyệt vời của Oda, hay đơn giản là cách Oda khắc hoạ những nhân vật từ nhiều tầng lớp khác nhau. Hãy tin rằng, sẽ không có bất kì giây phút nào trôi qua một cách buồn chán  khi bạn phiêu lưu trên con tàu của thuyền trưởng Oda.

 * Nguồn: CBR.com

 * Người dịch: Khôi Nguyên