7 sự thật về ngành công nghiệp anime có thể bạn chưa biết - Comic Media Academy

7 sự thật về ngành công nghiệp anime có thể bạn chưa biết

05/05/2023

Tổng quy mô thị trường anime ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ yên, tương đương với hơn 21 tỷ USD, nhưng theo báo cáo mới nhất, ngành công nghiệp này lần đầu tiên có sự thu hẹp sau 10 năm.

Điều đó đánh dấu sự kết thúc của “bong bóng anime” hay mọi người chỉ đang phóng đại và chúng ta có đang thực sự sống trong thời đại hoàng kim của anime?

Bài viết sau đây sẽ tiết lộ 7 sự thật thú vị về ngành công nghiệp anime. Và nếu chịu khó đọc đến cuối bài viết, bạn sẽ biết những người trong ngành kiếm được bao nhiêu tiền.

1) 5/10 phim có doanh thu cao nhất tại Nhật Bản là anime, trong số đó có hai phim dẫn đầu bảng xếp hạng là Kimetsu No Yaiba (Thanh gươm diệt quỷ)Spirited Away (Vùng đất linh hồn).

Kimetsu No Yaiba: Mugen Train (Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận) thu về số tiền 40,32 tỷ yên (350 triệu USD) tại phòng vé Nhật Bản. Trong khi đó, anime có doanh thu cao thứ hai, Spirited Away, kiếm được 31,68 tỷ yên (275.041.008 USD), ít hơn vị trí đầu tiên gần 10 tỷ yên (90 triệu USD).

Anime mang lại doanh thu khổng lồ, nên kinh phí đầu tư ắt hẳn dồi dào phải không? Thật ra thì điều này có thể không đúng như những gì bạn nghĩ.

Bạn có bao giờ nghe đến “lời nguyền của Tezuka” hay chưa?

Osamu Tezuka, tác giả của Astro Boy (Cậu bé tay sắt), được cho là đã bán series của mình qua mạng với giá dao động khoảng 2.000 – 3.000 USD/tập. Về cơ bản, ông bán nó với giá rẻ mạt, và nhiều người cho rằng đây là lý do tại sao ngay cả họa sĩ hoạt hình hiện nay vẫn không được trả lương thỏa đáng, và thiếu kinh phí đầu tư cho nội dung liên quan đến anime.

2) Mặc dù anime mang lại doanh thu khổng lồ tại Nhật Bản, nhưng kinh phí đầu tư trung bình chỉ khoảng 3 – 5 triệu USD/phim. Ví dụ, kinh phí làm phim Your Name (Tên cậu là gì?) – phim có doanh thu cao thứ năm tại phòng vé Nhật Bản – rơi vào khoảng 4 triệu USD. Khi công chiếu phim thu về 358 triệu USD trên toàn cầu. Mức kinh phí này chẳng đáng bao nhiêu so với số tiền 150 triệu USD mà Disney đã bỏ ra để sản xuất phim hoạt hình Bolt (Chú chó Bolt).

3) Năm 2016, có 622 xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản, trong đó có 542 xưởng đặt tại Tokyo. Theo khảo sát mới nhất vào năm 2020, có 811 xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản, 692 xưởng đặt tại Tokyo. Điều này có nghĩa là trong vòng chưa đầy 4 năm, số lượng xưởng phim hoạt hình đã tăng 23,3%.

Có vẻ như mức tăng 23,3% là con số ấn tượng phải không?

Tuy nhiên, nếu bạn xem xét mức tăng 33% từ năm 2011 đến năm 2016, thì dường như 23,3% không phải là con số ấn tượng.

Điều đó có nghĩa nhu cầu sản xuất anime đang giảm?

Sự thật tiếp theo sẽ giúp giải đáp câu hỏi trên.

4) Trước khi tiếp tục, có một câu hỏi dành cho bạn. Bạn thử đoán xem hàng năm có bao nhiêu anime được sản xuất?

Từ năm 2000 đến năm 2010, trung bình có 209 anime được sản xuất mỗi năm, và trong 10 năm tiếp theo, từ năm 2010 đến năm 2020, trung bình có 300 anime được sản xuất mỗi năm.

Như vậy, trong 10 năm qua, số lượng anime được sản xuất mỗi năm đã tăng thêm gần 100 bộ; tuy nhiên, có một mối lo ngại về việc sản xuất anime.

Năm 2016, số lượng anime được sản xuất mỗi năm đạt mức cao nhất với kỷ lục 356 anime. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, con số đó đã giảm. Vào năm 2020, ước tính có 278 anime được sản xuất, tức giảm 22% từ năm 2016 đến năm 2020.

Nguyên nhân có phải do nhu cầu sản xuất anime giảm sút hay không?

Trong năm 2019, sản lượng phim giảm sút có thể là do sụt giảm doanh số tại thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hoãn phát sóng truyền hình tại Nhật Bản.

Vào năm 2020, nhiều anime bị tạm ngừng sản xuất và/hoặc tạm hoãn phát sóng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhu cầu sản xuất anime đang giảm, thực tế là nhu cầu vẫn rất lớn. Ví dụ, KADOKAWA, nhà sản xuất anime isekai (phim hoạt hình có đề tài về xuyên không hoặc chuyển sinh) như Re: Zero (Bắt đầu lại từ thế giới khác), Mushoku Tensei,…, nói rằng họ muốn tăng sản lượng anime từ 33 tựa phim trong năm 2020 lên hơn 40 tựa phim trong năm 2021.

5) Thị trường anime toàn cầu chứng kiến sự tăng trưởng liên tục trong 10 năm qua, nhưng lần đầu tiên sau 11 năm, nó đã thu hẹp so với năm trước. Quy mô thị trường năm 2020 là 2,4 nghìn tỷ yên, giảm 3,5% so với năm 2019. Tổng doanh thu của ngành công nghiệp anime giảm, số lượng xưởng phim hoạt hình được thành lập giảm, và số lượng anime được sản xuất mỗi năm cũng giảm theo. Điều này có nghĩa ngành công nghiệp anime đang đi xuống?

6) Tổng doanh thu của ngành công nghiệp anime tuy giảm, nhưng thị trường anime nói chung bên ngoài Nhật Bản đã tăng trưởng 3,2%, đạt 1,2 nghìn tỷ yên. Năm 2020, quy mô thị trường nước ngoài lần đầu tiên vượt qua thị trường trong nước. Thị trường anime toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2012, và cuối cùng, trong năm 2020, nó đã vượt qua thị trường Nhật Bản.

Thị trường nước ngoài đã tăng trưởng 103,5% trong 8 năm qua, thật khó tin phải không? Hy vọng các công ty Nhật bản sẽ quan tâm hơn nữa đến những fan hâm mộ anime sinh sống ở nước ngoài.

7) Theo báo cáo của Netflix, từ tháng giêng đến tháng chín năm 2020, số lượng hộ gia đình trên toàn thế giới xem ít nhất một tựa phim anime đã tăng 50% lên hơn 100 triệu. Anime có mặt trong top phim hay trên Netflix tại hơn 100 quốc gia.

Crunchyroll ra mắt vào năm 2006, mất khoảng 10 năm để cán mốc 1 triệu người đăng ký.

Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 5 năm từ năm 2016 đến tháng 8/2021, số lượng đăng ký đã tăng từ 1 triệu lên 5 triệu người. Điều này thật điên rồ nếu bạn so sánh với việc họ đã mất 10 năm để đạt 1 triệu người đăng ký đầu tiên.

Như bạn đã thấy, thị trường anime thu hẹp lại một chút vào năm 2020, do việc tạm ngừng sản xuất anime, nhưng thị trường nước ngoài vẫn tăng trưởng, và giờ nó lớn hơn thị trường trong nước. Crunchyroll và Netflix trải qua sự phát triển vượt bậc. Funimation ra mắt ở Châu Mỹ Latinh. Anime Onegai là liên doanh giữa Shueisha, My Theather, Toei Animation, và TV Tokyo, được thành lập tại Mexico. Và ngày càng có nhiều anime được phát hành bên ngoài Nhật Bản.

Sau khi nhìn vào những sự thật trên, liệu bạn có nghĩ rằng ngành công nghiệp anime đang đi xuống? Đây có phải là sự kết thúc của “bong bóng anime”? Hay chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của anime?

Nói đến ngành công nghiệp anime thì không thể không nhắc đến mức lương. Người làm việc trong ngành công nghiệp anime kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Là sinh viên mới ra trường hay người chưa có kinh nghiệm, nếu bạn muốn làm việc tại Aniplex, nhà sản xuất anime Kimetsu No Yaiba, Fate/Zero,… mức lương trung bình rơi vào khoảng 228.000 yên (2.000 USD)/tháng cho vị trí trợ lý sản xuất.

Trong khi đó, KADOKAWA trả cho họa sĩ hoạt hình có kinh nghiệm khoảng 300.000-500.000 yên (2.600- 4.500 USD)/tháng tùy theo năng lực của người đó.