The Breadwinner: Phim hoạt hình về cuộc sống mưu sinh dưới chế độ Taliban - Comic Media Academy

The Breadwinner: Phim hoạt hình về cuộc sống mưu sinh dưới chế độ Taliban

01/06/2022

Với sự trợ giúp của Angelina Jolie, Studio Cartoon Saloon đã thành công trong việc chuyển thể tiểu thuyết bán chạy nhất của tác giả Deborah Ellis.

Khai thác khía cạnh tồi tệ về cuộc sống của người dân dưới thời kỳ Taliban, The Breadwinner không thật sự là tiểu thuyết lý tưởng dành cho thiếu nhi. Nhưng khi cuốn sách được xuất bản vào năm 2000, câu chuyện của cô bé 11 tuổi Parvana sinh sống ở Afghanistan đã gây ra một làn sóng bàn luận mạnh mẽ. Với số lượng tiêu thụ hơn 2 triệu bản và được dịch sang 25 ngôn ngữ khác nhau, The Breadwinner đã chiến thắng hàng loạt giải thưởng danh giá và là động lực để tác giả tạo ra hai phần tiếp theo. The Breadwinner đã được chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 2018, đạo diễn bởi nhà làm phim người Ireland Nora Twomey với sự hỗ trợ từ ngôi sao Hollywood – Angelina Jolie.

Twomey lần đầu biết đến cuốn sách qua lời giới thiệu của một đối tác sản xuất làm việc ở Cartoon Saloon. Twomey cùng cộng sự này là những người đứng sau sự thành công của bộ phim thắng giải Oscar The Secret of Kells và dự án Song of the Sea. Twomey cho hay: “Nghiền ngẫm cuốn sách vào một buổi tối, tôi hoàn toàn bị cuốn theo nhân vật Parvana, và thật sự ấn tượng về cách Deborah Ellis viết cho thế hệ trẻ. Cô ấy không nhấn mạnh và đi sâu vào vấn đề để họ không phải chịu những tác động tiêu cực từ sự phức tạp của chúng”.

Twomey trưởng thành tại Cork (một tỉnh thuộc Ireland) trong giai đoạn khủng hoảng chính trị (hay The Time of Troubles) nên cô rất đồng cảm với nhân vật lẫn câu chuyện trong The Breadwinner. Khi còn là một đứa trẻ, cô đã nghe được những tin tức xã hội và nhận ra sự bất lực và mơ mộng của mình khi cố tìm ra giải pháp cho vấn đề chia cắt giữa hai phe Protestant và Catholic(Tin lành/Kháng cách và Công giáo/Chính thống).

“Bạn biết rằng mâu thuẫn rất phức tạp và hoà bình là một thứ dễ tổn thương, chúng ta càng được giáo dục như là một phần của xã hội thì chúng ta càng nhìn nhận mọi thứ nghiêm túc hơn, và càng cháy lên niềm hi vọng to lớn hơn về việc nghĩ ra giải pháp lâu dài.”

Thật ra đã có một cuộc thảo luận về việc thực hiện thêm phiên bản live-action nhưng Twomey đã được thuyết phục rằng The Breadwinner đã đủ hoàn hảo với phiên bản hoạt hình rồi. Trong khi đạo diễn live-action có thể đã bị thôi thúc thực hiện phiên bản tăm tối hơn để truyền đạt cuộc sống của Parvana ở Kabul, dưới bộ máy phản động Taliban, thì ở phiên bản hoạt hình, Twomey vận dụng sự cân bằng giữa thực tế xã hội và những tư tưởng phi thực tế bằng cách sử dụng phần mềm đồ hoạ TVPaint để tạo ra những hình ảnh đầy sức hút về thị giác.

Câu chuyện theo chân Parvana sau khi cha cô bị bắt bởi quân đội Taliban. Cô bé tự xem mình là một cậu trai, để dễ làm việc và giúp đỡ mưu sinh cho gia đình. Ở Afghanistan, cụm từ “bacha posh” rất phố biến để chỉ những trường hợp này.

“Ở một giai đoạn trong chính quyền Taliban và cả trước đó, nếu gia đình bạn không có nam giới, thì bạn sẽ bị coi khinh theo cách nào đó. Thậm chí còn không thể ra ngoài, bởi bạn phải có một người nam đi cùng để bảo vệ mình.”

Lựa chọn diễn viên cho nhân vật Parvana là một vấn đề nan giải, vì đây là dự án đồng sản xuất giữa Cartoon Saloon và những công ty ở Luxembourg và Canada, Twomey đã tìm kiếm khắp các nước. Thật may mắn khi cô tìm được Saara Chaudry, ca sĩ – diễn viên trẻ người Toronto có dòng máu Afghanistan. Và như một cơ duyên nào đó, Chaudry cũng là một người hâm mộ của cuốn tiểu thuyết từ khi cô lên 9.

Tác giả cuốn tiểu thuyết đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, cô phỏng vấn nhiều phụ nữ Afghanistan tại trại tị nạn ở Pakistan. “The Breadwinner giúp tôi hiểu rằng những cô gái trẻ khắp thế giới đã phải cam chịu như thế nào”. Cũng giống như nhiều bạn đọc giả trẻ của cuốn tiểu thuyết, Chaudry đã thật sự sốc, “Sống ở một nước phát triển hàng đầu, tôi hoàn toàn không biết gì về những nỗi đau này. Nó giúp tôi mở mang tầm nhìn tới một thế giới mới mà tôi chưa từng đặt chân tới. Nó làm tôi muốn giúp đỡ những bạn trẻ đó. Là một người trẻ, tôi không thể tưởng tượng nỗi một người giống mình phải đối mặt với những rắc rối và vấn đề như vậy.”

Thậm chí 14 tháng trước khi Chaudry tham gia bộ phim, Deborah Ellis đã đến trường của cô Trong một buổi hỏi đáp, Chaudry đã hỏi liệu sẽ có một bản điện ảnh của cuốn tiểu thuyết này chứ, mặc dù trong thời gian đó, nó vẫn còn trong giai đoạn thảo luận. Sau đó, thật tình cờ là cô nhận được cuộc gọi từ công ty để đi thử vai.

“Tôi hoàn toàn sục sôi, lúc đó tôi đã quyết tâm rằng “mình phải làm được, mình phải lấy được vai này. Tôi sẽ rất thất vọng nếu mình thất bại. Nhưng tôi cũng nghĩ mọi chuyện đến đều có ý nghĩa của nó”

Twomey và Chaudry được mời phỏng vấn ở khách sạn Mayfair ở Luân Đôn, poster của phim được treo trên tường, tự hào trích dẫn phần credit “Giám đốc sản xuất Angelina Jolie”. Nhà sản xuất phim và nữ diễn viên người Mỹ quyết định tham gia dự án sau khi cô được hai nhà sản xuất Karrim Amer và Jehane Noujaim (nhà sản xuất phim tài liệu The Square năm 2013) giới thiệu kịch bản, cũng như xem qua một số tác phẩm mà Twomey và đội ngũ của cô đã làm.

“Tôi cho rằng cô ấy cảm thấy bản thân có thể giúp được chúng tôi về khía cạnh hình ảnh và muốn chắc chắn rằng chúng tôi có tư duy đúng về vấn đề. Cô ấy đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong việc thu thập tối đa ý kiến của người Afghanistan để phục vụ cho quá trình sản xuất.”

Vậy buổi gặp mặt đầu tiên của họ diễn ra như thế nào?

“Tôi dự định sẽ ở LA công tác nhưng đã ghé qua một chút chỉ vì muốn gặp cô ấy. Và tôi đã có một trải nghiệm kỳ lạ giữa việc thấy cô ấy trên tạp chí và gặp mặt trực tiếp”

 “Trong quá trình sản xuất, cô ấy có gọi đến, gửi lời nhắn cho diễn viên và ekip. Mỗi khi chúng tôi bước vào một giai đoạn nào đó trong quá trình sản xuất, cô ấy sẽ ghi âm lời nhắn và gửi đi, đặc biệt là cho các diễn viên, điều này thật sự tuyệt vời”

Chaudry vẫn còn nhớ rõ tin nhắn của Angelina Jolie. “Cứ như mơ vậy, cô ấy rất thân thiện và tự nhiên. Năng lượng và khí chất của cô ấy như được lan tỏa qua màn hình. Đây là một hình thức cổ vũ tuyệt vời và hiệu quả.”

Ngoài việc là một nguồn động viên vô cùng to lớn của dự án, Jolie còn là một thử nghiệm viên tuyệt vời. Twomey chia sẻ: “Thành thật mà nói thì có thêm một nhà làm phim là nữ giới, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau về những khía cạnh trần tục nhất một cách cởi mở và điều đó giúp ích rất nhiều cho tôi.”

The Breadwinner được đề cử phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Golden Globes và Oscar tổ chức tại Mexico nhưng cuối cùng lại thua bởi tác phẩm Coco của Pixar. Nhưng sự vinh danh cho bộ phim vẫn đến bằng những cách khác.

Trong buổi họp báo Toronto International Film Festival, một cô gái trẻ tên Maria đã phát biểu rằng bộ phim giống như cuộc đời của cô ấy, tuổi thơ của cô giống như đúc nhân vật Parvana, ăn mặc như một cậu nhóc – để có thể tồn tại.

Twomey và các cộng tác viên của mình thậm chí còn tạo ra một khóa hướng dẫn online cho giáo viên và học sinh để khám phá những vấn đề xoay quanh bộ phim. “Đối với tôi, tất cả đều quy về giáo dục. Nó không chỉ là những câu trả lời đơn giản”. Điều cô muốn là tạo ra một bộ phim khuyến khích giới trẻ đặt câu hỏi, thậm chí là thấu hiểu những sự phức tạp của Afghanistan.

Nó là một tham vọng lớn, nhưng Twomey hi vọng rằng “Đừng bao giờ nói nhiều và giải thích quá sâu với những đứa trẻ”. Sự tò mò của chúng sẽ thay chúng ta làm những việc còn lại.