Cái nhìn thực tế về ngành truyện tranh qua chia sẻ của 5 họa sĩ chuyên nghiệp - Comic Media Academy

Cái nhìn thực tế về ngành truyện tranh qua chia sẻ của 5 họa sĩ chuyên nghiệp

14/10/2021

Buổi phỏng vấn năm hoạ sĩ truyện tranh chuyên nghiệp: Ann Maulina, Claudya Schmidt, Daniel Lieske, Marhuerite Sauvage và Ryan Smallman, đã mang lại những chia sẻ hữu ích cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp truyện tranh của riêng mình.

Artwork của Ryan Smallman

Điều gì tạo nên một tác phẩm truyện tranh hay?

Khi được hỏi đến “Điều gì tạo nên một tác phẩm truyện tranh hay”, cả năm hoạ sĩ đều thống nhất trả lời là khả năng truyền tải cảm xúc hoặc thông điệp của tác phẩm đó. Mỗi hoạ sĩ sẽ có một cái nhìn khác nhau để xây dựng nên thế giới truyện tranh và tạo ra những tình huống mới lạ cho người đọc khi thể hiện chúng thông qua việc sử dụng màu sắc trong tác phẩm, biểu cảm và cử chỉ của nhân vật. Điều này đồng nghĩa với việc nếu hoạ sĩ đó có được cái nhìn đa diện, nhiều chiều cũng như tạo ra được những chi tiết sâu sắc cho người đọc thì tác phẩm đấy sẽ “tỏa sáng” với công chúng hơn.

Daniel cũng nhấn mạnh rằng: “Một hoạ sĩ truyện tranh không chỉ đơn thuần chỉ ngồi vẽ truyện tranh. Chúng tôi được học cách kể chuyện “bằng mắt” và kĩ năng này ít nhiều giúp chúng tôi thu được lợi nhuận khi bán một bản thiết kế, một nhân vật hoặc thậm chí là cả một thế giới do mình tưởng tượng ra.” Vậy nên, đừng giới hạn bản thân chỉ hoàn thành những bố cục nhàm chán mà hãy tự tin thể hiện những ý tưởng độc lạ của bạn nữa.

Artwork của Claudya Schmidt

Nội dung hay phong cách nghệ thuật quan trọng như thế nào?

Phong cách nghệ thuật đối với một nghệ sĩ là điều tất yếu, tuy nhiên, trong ngành công nghiệp truyện tranh, việc sở hữu một phong cách nghệ thuật riêng của bản thân không phải là yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công của họa sĩ đó. Cả Ann và Ryan đều cho rằng việc nắm chắc các kiến thức cơ bản quan trọng hơn định hình bản thân ở một phong cách nghệ thuật nào đó vì hầu hết các tác phẩm được vẽ cần phải dung hòa theo yêu cầu của khách hàng.

Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn tầm quan trọng của nội dung và phong cách nghệ thuật trong ngành công nghiệp này. Cả năm hoạ sĩ tuy có những ý kiến riêng nhưng nhìn chung họ vẫn nhấn mạnh phong cách nghệ thuật càng độc đáo, nội dụng càng sáng tạo và nguyên bản có thể giúp các họa sĩ thu hút sự quan tâm và xây dựng thương hiệu mạnh, đặc biệt trên các trang mạng xã hội. Theo đó, một họa sĩ truyện tranh ngày nay có nhiều cơ hội để tự xuất bản và tự bán sán phẩm của riêng mình bởi việc định hình phong cách nghệ thuật và tạo ra một nguyên bản có thể giúp họ hiểu rõ về toàn bộ quá trình sản xuất cũng như một dự án hoàn chỉnh.

Artwork của Daniel Lieske

Bắt đầu những thứ mới luôn đi kèm với những bất ngờ mới

Sản xuất một dự án truyện tranh sẽ tốn rất nhiều thời gian mặc dù hiện nay đã có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới như mô hình 3D, tông màu màn hình kĩ thuật số hay bút vẽ tuỳ chỉnh. Hơn nữa, ngân sách phục vụ cho lĩnh vực truyện tranh chuyên nghiệp không phải là con số nhỏ. Đó là lí do tại sao mà Daniel đã phải chuyển hướng sang tự xuất bản truyện tranh và tham gia các lĩnh vực khác như mỹ thuật ý tưởng (Concept art) và vẽ minh họa (illustration).

Một bất ngờ nữa sẽ khiến những họa sĩ mới cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt đó chính là tính nhất quán trong công việc. Với vốn kinh nghiệm của mình, Ryan khẳng định rằng: “Dù bạn có một phong cách độc đáo, cực kỳ sáng tạo cùng với nhiều kỹ năng tuyệt vời cũng khổng thể hoàn thành công việc với một tốc độ nhất quán.” Vì vậy, nếu ước mơ của bạn là trở thành một nghệ sĩ sáng tạo thì lựa chọn tốt nhất là nên thực hiện điều đó trong một dự án độc lập, nơi bạn làm việc theo tốc độ của riêng mình.

Artwork của Ann Maulina

Những tips nhỏ nhưng hữu ích

Khi phác thảo (sketch), đôi lúc bạn sẽ bị “bí” hoặc “đi lạc” với ý tưởng ban đầu, để khắc phục những điều đó Claudya đã chia sẻ cô thường sử dụng giấy vẽ của mình để vẽ nguệch ngoạc các bố cục hình. Với cô, cái cảm giác khi cô dùng bút chì để “chạm” vào những tờ giấy sẽ mang đến cho cô một góc nhìn, một sự tập trung khác, so với việc sử dụng các công cụ kĩ thuật số.

Bên cạnh đó, Daniel và Ryan cũng chỉ ra rằng là hoạ sĩ thì đừng cố chấp vào những công thức mà người khác nghĩ ra, hãy tin tưởng vào cảm xúc của chính bạn và tìm ra những gì phụ hợp với bản thân. Có như thế bạn sẽ tránh bị cảm giác lặp lại và việc điều hướng sự sáng tạo của bản thân cũng trở nên dễ dàng hơn.

Artwork của Daniel Lieske

Lời khuyên cho người mới bắt đầu

Nếu bạn là một nghệ sĩ mới, hãy dành thời gian thử các phong cách hoặc phương pháp vẽ khác nhau để tìm con đường phù hợp với mình. Nghệ thuật không có tính cạnh tranh mà mỗi người trong đó sẽ có con đường của riêng họ, phát triển theo tốc độ của riêng họ và tạo ra các dự án của riêng họ. Vì mới bắt đầu nên chắc chắn sẽ có nhiều điểm cần phải hoàn thiện, bạn hãy cởi mở với những lời nhận xét mang tính xây dựng và đừng chú trọng quá vào sự hoàn hảo của một tác phẩm để còn có thể tận hưởng quá trình tạo ra tác phẩm đó.

Artwork của Marguerite Sauvage