4 TUYẾN NHÂN VẬT QUAN TRỌNG - Comic Media Academy

4 TUYẾN NHÂN VẬT QUAN TRỌNG KHI VIẾT KỊCH BẢN PHIM ĐIỆN ẢNH

23/02/2021

Một trong những lỗi thường gặp của biên kịch mới vào nghề đó là không xác định được nhân vật chính của câu chuyện, hoặc có quá nhiều nhân vật trong câu chuyện. Điều này không chỉ khiến khán giả gặp khó khăn trong việc ghi nhớ câu chuyện, mà còn khiến ngay cả biên kịch bối rối và bộ phim trở nên lan man.

Knives Out (2019), Director: Rian Johnson

Vì vậy, xác lập tuyến nhân vật trước khi bắt tay vào viết kịch bản phim là công đoạn hết sức quan trọng. Và cho dù phim của bạn là đơn tuyến hay đa tuyến, có một hay nhiều hơn một nhân vật chính thì cũng luôn có 4 tuyến nhân vật quan trọng sau:

1.TUYẾN NHÂN VẬT CHÍNH (NGƯỜI HÙNG – HERO)

Tuyến nhân vật người hùng không nhất định phải là vị anh hùng cứu thế trong câu chuyện, nhưng đó là nhân vật thúc đẩy câu chuyện tiến về phía trước. Nói cách khác, đây là tuyến nhân vật chính, và sau đó mọi xung đột, mâu thuẫn, thất bại, chiến thắng,… phải được xây dựng dựa trên mục tiêu, ước muốn của tuyến nhân vật này.

2.TUYẾN NHÂN VẬT ĐỐI THỦ (PHẢN DIỆN – NEMESIS)

Đây là nhân vật sẽ cản bước người hùng trên con đường đạt được mục tiêu. Nhân vật đối thủ thường là người xấu, nhưng đôi lúc chỉ là những người có tư tưởng đối lập, một đối thủ cạnh tranh, hoặc thậm chí là một người tốt, nhưng bằng một cách nào đó luôn ngăn trở nhân vật chính.

Tuyến nhân vật đối thủ có vai trò rất lớn trong việc quyết định sự hấp dẫn, kịch tính của bộ phim. Thông thường, tuyến đối thủ thường có sức mạnh lớn hơn hoặc bằng tuyến anh hùng, điều này tạo sự thúc đẩy cho anh hùng phát triển, đồng thời tạo nên sự thu hút cho câu chuyện phim.

Một lưu ý khác đó là nhân vật đối thủ phải là hữu hình và là một nhân vật cụ thể, cho dù đối với khán giả, họ chỉ biết đó là “tên cướp”, “kẻ giết người”,… nhưng biên kịch cần phải hình dung thật rõ ràng hình ảnh của nhân vật đối thủ, từ đó xác lập hành động, xung đột phù hợp với nhân vật đã xây dựng.

3.TUYẾN NHÂN VẬT ĐỒNG ĐỘI (NHÂN VẬT PHẢN CHIẾU – REFLECTION)

Đồng đội là những nhân vật hỗ trợ cho nhân vật chính đạt được mục tiêu của mình, người đó có thể giúp nhân vật chính bằng những hành động cụ thể như: cùng chiến đấu, cùng giải mã bí ẩn, cùng kề vai sát cánh,… để đạt được mục tiêu; song, đó cũng có thể là một người bạn để trò chuyện, giúp nhân vật chính nhìn nhận những tổn thương trong quá khứ, đối mặt những mâu thuẫn bên trong, từ đó sẵn sàng thay đổi.

Tuyến đồng đội thường khá dễ xây dựng, nhưng cũng dễ để trở nên nhàm chán. Hãy đặt thêm câu hỏi như: Họ có quá khứ như thế nào? Mối quan hệ khắng khít với nhân vật chính là gì? Ngoài là đồng đội, họ có phải là người thân? Người yêu? Bạn bè? Hay thậm chí từng là kẻ thù của nhau?

4.TUYẾN NHÂN VẬT TÌNH CẢM (NGƯỜI YÊU – ROMANCE)

Cần lưu ý rằng, một nhân vật được xếp vào tuyến nhân vật tình cảm khi mục tiêu của nhân vật chính là có được tình yêu của ai đó chứ không phải bất kì nhân vật nào phát sinh mối quan hệ lãng mạn với nhân vật chính đều được gắn mác lãng mạn. Pepper Potts và Tony Stark trong Iron Man có mối quan hệ tình cảm, trong Pepper Potts là nhân vật đồng đội, vì bộ phim không hề nói đến việc Tony Stark đang cố gắng có được tình yêu của cô ấy.

Tuyến nhân vật tình cảm khá thú vị, vì luôn vừa hỗ trợ, lại vừa gây khó khăn cho nhân vật chính. Thông thường, họ sẽ có những mâu thuẫn với nhân vật chính đến mức không thể dung hoà, những rồi sẽ cùng trải qua hành trình phát triển, thay đổi với nhân vật chính, cuối cùng quay lại cùng nhân vật chính chia sẻ một mục tiêu.

Trong số ít trường hợp, tuyến nhân vật tình cảm đến cuối cùng sẽ rời xa nhân vật chính, nhưng khán giả cần được thuyết phục và đồng cảm bởi sự ra đi này.

Lạc An