HOẠ SĨ TRUYỆN TRANH – NGHỀ TRIỂN VỌNG CẦN ĐƯỢC ĐẦU TƯ - Comic Media Academy

HOẠ SĨ TRUYỆN TRANH – NGHỀ TRIỂN VỌNG CẦN ĐƯỢC ĐẦU TƯ

24/12/2020

Fujiko F Fuijo, Gosho Aoyama, Oda,… là những cái tên nổi danh trong làng hoạ sĩ truyện tranh thế giới với các tác phẩm nổi tiếng: Doraemon, Yaiba, Thám tử lừng danh Conan, One Piece. Vẽ truyện tranh với họ không chỉ là niềm vui, sở thích, mà còn là nghề nghiệp được xã hội công nhận và trân trọng.

Hoạ sĩ truyện tranh, nghề cũ nhưng lạ lẫm trong nước

Thời kì hoàng kim của truyện tranh Mỹ từ những năm 40s và sự lan toả đến Nhật Bản vào những năm 60s là một minh chứng cho lịch sử lâu đời và thành công rực rỡ của ngành công nghiệp truyện tranh trên toàn thế giới. 

Tiếp nối sự thành công đó, kỉ nguyên 4.0 tiếp tục phát triển ngành truyện tranh đa dạng hơn với các thể loại truyện tranh đọc online như Webcomic và Webtoon. Ở nhiều quốc gia, hoạ sĩ truyện tranh được công nhận là một nghề, có trường đại học đào tạo và được cấp bằng cấp theo quy định của chính phủ. Song ở Việt Nam, hoạ sĩ truyện tranh vẫn là một nghề lạ lẫm với nhiều người.

Truyện tranh đang là xu hướng và được ứng dụng ngày càng nhiều

Sự bùng nổ của ngành truyền thông quảng cáo trong những năm gần đây đã trở thành đầu tàu kéo nhiều ngành liên quan cùng phát triển, trong đó có truyện tranh. Khái niệm truyện tranh trở nên phổ biến hơn, gần gũi hơn, và đặc biệt thể hiện tính ứng dụng cao hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống như quảng cáo và giáo dục. Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp được nhiều hình ảnh truyện tranh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như mạng xã hội với mục đích quảng bá cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó.

Ngoài ra, một số khác còn được ứng dụng trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng và dễ hiểu như các chuyển thể nội dung từ MV ca nhạc sang truyện tranh cũng là một xu hướng đang phát triển gần đây.

Truyện tranh Comic Strip quảng cáo dịch vụ Shop Vip GrabExpress
MV Gặp Nhưng Không Ở Lại (Hiền Hồ) phiên bản truyện tranh

Nghề hoạ sĩ truyện tranh ở Việt Nam dù chưa dành được nhiều sự quan tâm và đầu tư như các nước phát triển, song đã bắt đầu manh nha tìm kiếm được cơ hội phát triển cho riêng mình.

Kiếm sống bằng nghề vẽ truyện tranh

Trong những năm gần đây, giới hoạ sĩ chứng kiến sự ra đời của hàng loạt trang web chuyên vẽ Webcomic, Social comic. Một tín hiệu đáng mừng là những hình thức truyện tranh này không ngừng nâng cao về mặt nội dung cũng như hình ảnh; các content được thể hiện bằng hình thức truyện tranh cũng trở nên hấp dẫn hơn; trên các tờ báo lớn, chuyên mục dành riêng cho truyện tranh được xây dựng. Chưa bao giờ, hoạ sĩ truyện tranh có nhiều cơ hội để làm việc và trở nên giàu có như hiện nay.

Vẽ truyện tranh đang trên hành trình trở thành một chuyên ngành chính thức được xã hội công nhận. Hoạ sĩ truyện tranh có kĩ năng tốt hoàn toàn có thể trở nên thành công và nổi tiếng với niềm đam mê của mình.

Comic Media Academy