Những tác phẩm phản ảnh thực tại cuộc sống trong thời buổi Cô-Vy - Comic Media Academy

Những tác phẩm phản ảnh thực tại cuộc sống trong thời buổi Cô-Vy

27/08/2020

Trải dài từ Nam Phi đến tận Canada, các nghệ sĩ đang không ngừng nghỉ cống hiến sức sáng tạo của mình, tạo ra các tác phẩm truyền cảm hứng cho mọi người cùng chung tay chống lại dịch bệnh toàn cầu này.

Link video: Xem tại đây

Đại dịch COVID-19 đến nay vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, khiến phần lớn dân số thế giới vẫn đang sống trong tình trạng cách ly xã hội –  bao gồm những thành viên của cộng đồng nghệ sĩ quốc tế.

Mặc dù một số nghệ sĩ ổn với việc làm việc tại gia một mình, nhưng cũng có phần lớn các nghệ sĩ khác cần đến những sự tương tác thân mật giữa người với người và những kích thích thị giác của thế giới bên ngoài để truyền cảm hứng cho họ trong công cuộc sáng tác.

Trong bối cảnh sự tương tác trực tiếp của con người và việc đi lại giữa các nơi vẫn còn bị hạn chế nghiêm ngặt, một phần các nghệ sĩ đã phải tìm đến những thứ “bên trong” để làm nguồn cảm hứng. Đó có thể là lục lại những mảng ký ức từ sâu trong tiềm thức, hoặc tạo ra những thế giới và cảnh quan hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng, và từ đó rất nhiều tác phẩm phi thường được sinh ra dựa trên đề tài dịch bệnh COVID-19 này.

Nhận ra tiềm năng của giới nghệ sĩ trong thời buổi cách ly, kênh CNN nổi tiếng đã gửi yêu cầu đến 9 nghệ sĩ ở nhiều thành phố lớn khác nhau trên toàn thế giới, tất cả vẫn đang sinh sống và sáng tạo trong tình trạng cách ly, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phản ảnh những khía cạnh trong cuộc sống bị đảo lộn bởi dịch bệnh toàn cầu này. Sau đây, mời các bạn chiêm ngưỡng thành phẩm của họ, và cùng xem họ chia sẻ về quá ý nghĩa đằng sau những tác phẩm của họ nhé!

TORONTO, CANADA : NGHỆ SĨ GARY TAXALI

“Được ở trong nhà, chiềm đắm vào sáng tác nghệ thuật là niềm hạnh phúc thuần khiết” – Gary Taxali

Đại dịch đã khiến mọi người có một cuộc sống “nội tâm” hơn bao giờ hết do đại đa số vẫn đang sống trong tình trạng cách ly xã hội. Đây có lẽ như là một nhịp sống không mấy dễ chịu đối với những người hướng ngoại. Bản thân là một nghệ sĩ, tôi cảm thấy mái ấm của mình chưa phải là nơi tệ nhất để dành toàn bộ thời gian vào, vì đa số các tác phẩm của tôi đều được tôi sáng tác ở nhà của mình. Được ở trong nhà, chiềm đắm vào sáng tác nghệ thuật là niềm hạnh phúc thuần khiết. Không gì tốt hơn cảm xúc này. Nhưng việc ở trong nhà một thời gian dài cũng là nguyên nhân tạo ra sự bất an khi mọi người mất đi sự tương tác với thế giới bên ngoài và khả năng giải lao sau thời gian làm việc mệt nhoài. Vô số những thứ nhỏ nhặt bên ngoài đóng vai trò như những chất xúc tác cần thiết trong phong cách nghệ thuật của tôi. Dù đó có thể là một cuộc trò chuyện mà tôi nghe lỏm được, một tấm biển vẽ tay trên tường nhà đẹp một cách lạ thường, hay thậm chí là một bông hoa nở rực rỡ bất chấp mối nguy hiểm bị chà đạp từ vết nứt của vỉa hè – danh sách nguồn cảm hứng là vô tận. Từ đó, thứ duy nhất tôi cần tiếp nối và tận dụng là những mảng kí ức về những trải nghiệm ấy. Vì thế, tôi có một lòng biết ơn và trân trọng đặc biệt cho những sự vật và sự việc của thế giới bên ngoài.

MOMBASA, KENYA : NGHỆ SĨ ANTHONY MUISYO

“Đây đã là khoảng thời gian tự suy ngẫm – ngẫm về và hiểu được thế giới mà tôi muốn sống” – Anthony Muisyo

Vurugu trong tiếng Swahii có thể hiểu nôm na là hỗn loạn – hỗn loạn được định nghĩa bởi hiểm hoạ mà nhân loại chưa từng phải đối diện, đại dịch COVID-19. Khoảng thời gian bất thường này hẳn đã hình thành một cái gai nhọn trong tiềm thức của chúng ta,  gia tăng nỗi lo âu. Tôi tin rằng đây là một cảm giác mà đại đa số nhân loại đang nếm trải, và đã cố gắng ghi lại nó trong tác phẩm này. Trong thời gian hoàn thiện tác phẩm, tôi đã có cơ hội nhìn vào nội tâm và thắc mắc về những hệ thống mỏng manh, thứ xây dựng nên xã hội bây giờ. Đây cũng là cơ hội giúp tôi nhận thức được đặc ân của mình và tôi nhận ra không cách này thì cách khác, tôi luôn có thể làm tốt hơn trong việc giúp đỡ phát triển xã hội.

Tôi sử dụng những sắc màu tối và trang nghiêm, từ đó phản ánh được những thực tại trong thời điểm dịch bệnh này. Dần dần, tôi càng nhận ra vai trò của việc sử dụng đúng gam màu sắc trong việc truyền tải cảm xúc và đối với tác phẩm này, những màu sắc tôi đã chọn giúp làm nổi bật tính hai mặt của một thực tại đen tối và một tương lai đầy ắp hi vọng, một tương lai được sinh ra sau một khoảng thời gian chết chóc mà ai cũng phải trải qua, nhưng đó là một tương lai “ưu tiên cho nhân loại”.

Đây đã là khoảng thời gian tự suy ngẫm – ngẫm về và hiểu được thế giới mà tôi muốn sống, để đánh giá sâu sắc và trân trọng gia đình và những mối quan hệ xã hội mà tôi có được, và để luôn luôn nuôi dưỡng niềm hi vọng.

SANTIAGO, CHILE : NGHỆ SĨ CAMILO HUINCA

“Tôi đã luôn cần đến sự tương tác xã hội, để nuôi dưỡng những trải nghiệm, kiến thức và tình yêu” – Camilo Huinca

Không nghi ngờ gì nữa, những gì đang diễn ra trên cả thế giới đã là một quá trình hoàn toàn mới của tôi. Mặc dù tôi đã làm việc tại nhà trong nhiều năm trở lại đây, tôi đã luôn cần đến sự tương tác xã hội, để nuôi dưỡng những trải nghiệm, kiến thức và tình yêu.

Công việc của tôi đã cho phép tôi trải nghiệm nhiều quốc gia khác nhau, vì các dự án có tôi tham gia đều được sinh ra và phát triển đều được dựa trên những trải nghiệm của những cung đường mà tôi đã đi. Cũng chính vì thế, việc sử dụng công nghệ để liên lạc có vẻ không còn xa lạ gì với tôi.

Tác phẩm này là một bản chân dung của chính tôi vào tuần trước, phản ánh rằng vào thời buổi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, mạng xã hội đã trở thành công cụ tốt nhất dành cho tôi và những người thân thiết, để chúng tôi có thể nuôi nấng những ý tưởng, những nguồn cảm hứng và trên hết, phần nào giúp chúng tôi có cảm giác gần nhau hơn.

LAUSANNE, THUỴ ĐIỂN : NGHỆ SĨ ROCIO EGIO

“Những ngày vừa qua, tôi đã bước lùi một bước, ngừng phản ứng và kết nối lại” – Rocio Egio

Hạnh phúc là việc tự hào với những gì mình làm được vào mỗi ngày trôi qua. Những ngày vừa qua, tôi đã bước lùi một bước, ngừng phản ứng và kết nối lại. Bằng cách điều chỉnh lại nhịp sống theo hướng tích cực tối giản, tôi đã tập trung hơn vào việc tìm ra tôi là ai, tìm ra những gì thuộc về tôi, một cách hoàn toàn đơn độc. Sự sáng tạo có trong tôi, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tôi và tôi có thể cảm nhận được nó. Chẳng cần phải đi xa, chẳng phải ra ngoài tổ chức một bữa ăn ngon tại nhà hàng, cũng chẳng cần đến những lớp học nhảy. Tất cả những thứ tôi cần cho trí tưởng tượng đều có khi tôi đưa ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Chỉ mình tôi, cùng với những chi tiết nhỏ về cuộc sống hạn hẹp và nghệ thuật.

NAIROBI, KENYA : NGHỆ SĨ KELLY WANJIRA KINYUA

“Giờ đây chúng ta là một dân tộc, chúng ta đều trải qua cùng chung một hiểm hoạ. Ta cần phải bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng” – Kelly Wanjira Kinyua

Tác phẩm này của tôi được lấy cảm hứng từ hành trình đi làm hằng ngày của tôi trong thời buổi dịch bệnh. Matatu và boda boda, những chiếc xe buýt mini và taxi 2 bánh là những loại phương tiện công cộng thiết yếu của phần đông người dân Kenya. Nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó yêu cầu các xe Matatu phải chở ít hành khách hơn so với tải trọng, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn được nhân viên phụ xe cung cấp và đương nhiên, việc đeo khẩu trang là bắt buộc. Giờ đây chúng ta là một dân tộc, chúng ta đều trải qua cùng chung một hiểm hoạ. Ta cần phải bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.

BANGALORE, ẤN ĐỘ : NGHỆ SĨ KASHMIRA SARODE

“Việc sống chung với nhau đã giúp chúng tôi có một nhiệp độ sống lành mạnh hơn trong thời gian khó lường này” – Kashmira Sarode

Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có thể ở nhà cùng với chồng, cùng với hai người bạn và đứa bé ba tuổi của họ. Ngay sau khi chính phủ ban bố tình trạng cách li xã hội, gia đình nhỏ này đã gặp một số khó khăn trong việc tìm căn hộ để ở, và cuối cùng vợ chồng tôi đã rủ họ đến chung nhà với chúng tôi.

Từ đó chúng tôi sống như một đại gia đình, cùng chung nấu nướng, phân chia việc nhà và cùng chăm lo cho những đứa con thơ. Đồng thời, chúng tôi cũng chia ngôi nhà ra thành các khu vực làm việc và vui chơi, nơi chúng tôi quây quần bên nhau sau bữa sáng và sau thời gian làm việc căng thẳng. Mặc dù chúng tôi ai cũng mang niềm nhớ nhung về gia đình thực thụ của mình và chỉ có thể gặp gỡ qua màn hình điện thoại, tôi đã có rất nhiều niềm vui khi việc sống chung với nhau đã giúp chúng tôi có một nhiệp độ sống lành mạnh hơn trong thời gian khó lường này.

SINGAPORE : NGHỆ SĨ ELEN WINATA

“Khoảng thời gian khó khăn đã chiếu sáng lên những đức tính tốt của con người” – Elen Winata

Các dịch vụ thường nhật tại Singapore hầu như đã tạm ngưng hoạt động nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cộng đồng người dân ở đây đã đoàn kết hơn bao giờ hết, và dường như ai cũng quan tâm đến nhau. Chúng tôi có các tình nguyện viên tổ chức những buổi khám sức khoẻ định kì, những chuyến xe phân phát lương thực và nhu yếu phẩm do cộng đồng tổ chức, vô số các doanh nghiệp sản xuất và phát tặng khẩu trang, những người có chuyên môn thì tổ chức các lớp học online để giữ cho mọi người bận rộn,… Khoảng thời gian khó khăn đã chiếu sáng lên những đức tính tốt của con người. Mỗi cá nhân trong chúng tôi đều chung tay vẽ nên một bức tranh lớn lao hơn.

CAPE TOWN, NAM PHI : NGHỆ SĨ OLIVIÉ KECK

“Việc thích nghi với cuộc sống mới đã rất gian nan. Tuy nhiên, tôi tìm thấy sự thanh thản trong việc tạo ra nghệ thuật.”

Tôi may mắn khi có một kho tàng sáng tạo trong tâm trí, nơi giúp làm phân tâm tâm trí tôi khỏi mối nguy mà thế giới đang phải đối mặt. Khá lạ thường khi tôi phải tổ chức buổi triển lãm “In Bloom” của tôi dưới hình thức online, nơi thiếu vắng đi sự tụ họp của khách tham quan và những lời khen chê ở một buổi triển lãm thông thường. Việc thích nghi với cuộc sống mới đã rất gian nan. Tuy nhiên, tôi tìm thấy sự thanh thản trong việc tạo ra nghệ thuật. Chủ nghĩa thoát ly khỏi tạo hoá giúp tôi cân bằng và thư giãn vì những hành động có ý nghĩa trong từng khoảnh khác.

LONDON, ANH QUỐC : NGHỆ SĨ WILFRID WOOD

“Sẽ tuyệt biết bao nếu thế giới chậm lại một chút khi dịch bệnh đã đi” – Wilfrid Wood

Tôi đã tạc nên bức tượng này, chân dung gương mặt của tôi khi mới ngủ dậy, đầu bù tóc rối, mũi ửng đỏ, các nếp nhăn của tuổi tác, tất cả dường như đều bị trọng lực kéo nặng. Được làm từ chất liệu Plasticine (nhựa dẻo), sau vài phút được đun ở trong lò thì nó đã đẹp hơn, một chút ấm và màu mực đã hiện rõ hơn. Vô tình thay cũng để lại các nếp nhăn và vết lõm trên bề mặt. Nhựa dẻo là một vật liệu đơn giản và dễ sử dụng, màu sắc nhẹ nhàng, và tạo hình với nó tốn khá ít thời gian. Nhược điểm duy nhất là… nó không giữ được hình dáng ấy lâu được. Bức chân dung rồi cũng sẽ lụi tàn, rơi rớt thành từng mảnh nhỏ, cũng như bản thân tôi. Đây là một thử thách khá thú vị, khi tôi có dịp để nhìn nhận lại bản thân và lịch sử dài hàng thế kỉ của nghệ thuật tạc tượng chân dung. Tôi đã cố gắng đối mặt với bản thân mà không hề phù phiếm, nhưng cũng không khiến mình trông như một gã lang thang mang nỗi niềm tự ti.

Cách ly xã hội với tôi là một trải nghiệm khá buồn. Tôi khao khát được dành một buổi tối để vui chơi với những tên bạn già, hay chen chúc xô đẩy trên một chuyến xe buýt đến miền Tây của đất nước. Bản thân là một nghệ sĩ, con người là chủ đề và là đam mê của tôi. Tôi không muốn nghệ thuật chỉ có thể được chiêm ngưỡng thông qua màn hình điện tử. Tác phẩm của tôi, cũng như của bao người nghệ sĩ khác, và những vật chất thực thụ, đặc biệt là những bức tượng. Thế nên, tôi luôn thèm khát tổ chức các chương trình, dự các bữa tiệc và vẽ về những con người xa lạ.

Sẽ tuyệt biết bao nếu thế giới chậm lại một chút khi dịch bệnh đã đi. Ít tiêu thụ hơn, ít di chuyển bằng xe và máy bay hơn. Nhưng tôi cá rằng điều đó sẽ không xảy ra đâu. Chúng ta, rồi sẽ làm trái đất nóng lên, đến khi nó làm tất cả chúng ta tan chảy.

 * Nguồn: CNN style

 * Người dịch: Khôi Nguyên