Công việc cụ thể của một Art Director là gì? - Comic Media Academy

Công việc cụ thể của một Art Director là gì?

29/07/2020

Hãy sử dụng những kỹ năng photoshop và hình ảnh của bạn để tạo ra những bước ngoặt nào!

Bạn đã quá thành thạo những kỹ năng đồ hoạ của mình, càng ngày càng chán nản việc dành cả đêm cày cuốc với những ý tưởng? Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc đích thân bạn ngồi vào một chiếc ghế đạo diễn nghệ thuật, chỉ đạo và góp sức cùng các designer khác để chung sức biến những ý tưởng thành những dự án bắt mắt không? Vậy ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi ngồi xuống và lắng nghe một số chuyên gia bàn luận về vị trí Art Director này nhé!

Chính xác thì công việc của một Art Director là gì?

Tuỳ vào lĩnh vực, dự án mà bạn tham gia, vị trí Art Director sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Nhưng trong tất cả lĩnh vực, nhiệm vụ dễ thấy nhất của một Art Director đó chính là xác định hướng đi của dự án, là người quyết định khuynh hướng thiết kế hình ảnh của dự án đó, thường được sử dụng trong báo chí, các trang web, tạp chí, chiến dịch quảng bá, truyền hình. Đôi khi đơn giản chỉ là cho các buổi photo shoot nhưng cũng có thể nâng cao đến mức độ thiết kế video game đấy.

“Mỗi ngày công việc này đều mang đến những điều mới mẻ cho tôi, và đó là lí do mà tôi yêu nó,” đạo diễn nghệ thuật cao cấp tại Browstein Group, một công ty quảng bá truyền thông từ Philadelphia, Kaitlyn Angstadt cho hay. Angstadt thường dành nhiều ngày “chui rúc” trong phòng nhằm tạo ra những concept cho dự án quảng bá, đồng thời chỉ đạo những đầu óc sáng tạo khác tìm cách tạo nên điểm nhấn thương hiệu cho khách hàng hay các bố cục cho những quảng cáo in. Hoặc có những ngày cô sẽ ở studio, giám sát những buổi photo shoot cho sản phẩm, nhằm đảm bảo khái niệm về sản phẩm ấy được hiện thực hóa, bắt mắt và thân thiện với người dùng.

Theo Michael Brittain, đạo diễn nghệ thuật của FX Network, trong suốt những năm tháng làm giám đốc in ấn của kênh truyền hình cáp này, thì điều quan trọng nhất trong công việc của ông là tạo nên những hình ảnh bắt mắt và “ngầu lòi” nhất. Do trách nhiệm của ông là tạo nên những tấm poster trong chiến dịch quảng bá cho các sản phẩm TV, phim ảnh và game. Tất cả các poster đều phải đạt đủ chất lượng bắt mắt và “iconic” để tạo hưng phấn cho khán giả. “Đôi khi công việc của chúng tôi rất khó khăn, vì không dễ dàng gì có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh mà khi nhìn vào, bạn vẫn luôn tự hào khi đã treo nó lên tường, trang trí cho tổ ấm của bạn,” Brittain cho hay, và nay đã là giám đốc sáng tạo của Ignition Creative, một cơ quan marketing tổng hợp có trụ sở tại Playa Vista, bang California.

BẠN CẦN NHỮNG KỸ NĂNG GÌ?

Bạn cần có một trí óc đầy chất xám và tính sáng tạo là điều đầu tiên. “Để tạo ra một thứ gì đó mang ý nghĩa sâu sắc, trước tiên cần hình dung được ý tưởng sâu sắc về sản phẩm đó,” Angstadt cho hay. Cô còn cho rằng “ý tưởng chính là xương sống, là nền tảng cho mọi tác phẩm quảng bá thương mại.”

Một kỹ năng thiết yếu khác đó chính là khả năng giao tiếp tốt. Đội của bạn cần phải hiểu được ý tưởng của bạn và nắm rõ nhiệm vụ mà bạn giap cho mỗi người. Ý tưởng của bạn cần được truyền đạt một cách rõ rệt đến từng thành viên trong đội ngũ sản xuất nhằm không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Sở hữu kiến thức và nền tảng về lịch sử nghệ thuật, nhiếp ảnh, thiết kế đồ hoạ và thuật in ấn cũng là những kỹ năng mà Brittain cho là cần thiết, vì tất cả sản phẩm đều phải thực hiện qua các bước thủ công. Photoshop đã khiến cho việc tiếp cận với nghệ thuật dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng theo Brittain, việc khéo tay và có thể thực hiện công việc theo cách thủ công vẫn có những điểm vượt trội hơn việc cài một ứng dụng cho máy tính của bạn.

AI SẼ LÀ SẾP CỦA BẠN?

Thông thường thì giám đốc điều hành sáng tạo hoặc phó giám đốc sáng tạo là những người sẽ quản lí bạn, nhưng đó cũng là những vị trí bạn có thể leo đến trên nấc thang theo đuổi sự nghiệp Art Director.

CÒN CÓ NHỮNG CHỨC DANH NÀO KHÁC CÙNG MANG TRÁCH NHIỆM TƯƠNG TỰ?

Điều này còn tuỳ thuộc vào hệ thống phân cấp của công ty, nhưng thông thường giám đốc sáng tạo và giám đốc thiết kế cũng là những người cùng chịu trách nhiệm để khái niệm hoá các dự án và hướng dẫn thực hiện chúng.

TÔI CẦN BIẾT TRƯỚC NHỮNG GÌ CHO VỊ TRÍ NÀY?

Là một đạo diễn nghệ thuật, bạn không nên cho phép bản thân lười biếng. Angstadt nói rằng : ”Bạn nên giành mọi lúc bạn có thể để suy nghĩ nên những ý tưởng mới” thế nên việc yêu quí công việc của bạn là một điều khá quan trọng. “Mặt dày” cũng là một điều đáng lưu ý, vì khi đã quyết định chọn nghề nghiệp này, cũng như bao công việc sáng tạo khác, bạn sẽ nhận được khá nhiều lời phê bình, kể cả khi các feedback của khách hàng đôi khi sẽ khiến bạn không đồng tình với họ. Nói đi cũng phải nói lại, nếu đã làm việc quá sức hay trải qua một vài thất bại, bạn cũng nên cho bản thân một thời gian nghỉ ngơi, và biết đâu khi tinh thần và đầu óc đã được thư giãn, bạn sẽ lại có những ý tưởng và thành quả tốt hơn đấy!

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI CÓ THỂ BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC NÀY?

Hãy bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách học tập về Thiết kế đồ hoạ hoặc Mỹ thuật, sau đó hãy tạo cho mình một portfolio trông thật ấn tượng trong mắt của các nhà tuyển dụng tiềm năng bạn nhé!

 * Nguồn: Mediabistro

 * Người dịch: Khôi Nguyên