Cuộc sống hàng ngày của một họa sĩ hoạt hình - Comic Media Academy

Cuộc sống hàng ngày của một họa sĩ hoạt hình

24/06/2020

Một ngày thường nhật của một hoạ sĩ hoạt hình thường rất đặc biệt. Tính chất công việc của họ đòi hỏi kỹ năng đồ hoạ cực cao, tính kiên nhẫn và khả năng thổi hồn vào tác phẩm. Nhằm tạo ra những hoạt ảnh động, những thước phim chất lượng và sống động thì những hoạ sĩ cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn và có những trải nghiệm mà ít ai có được. Ngày hôm nay hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những nhiệm vụ, công cụ và cách thức làm việc trong một ngày của một hoạ sĩ hoạt hình nhé.

MỤC TIÊU, THỬ THÁCH VÀ DEADLINE

Một ngày của một hoạ sĩ hoạt hình chắc chắn chứa rất nhiều hoạt động đòi hỏi nhiều chất xám và tâm hồn nghệ thuật, vì cốt lõi của công việc này là sự sáng tạo. Thiết kế hoạt hình có thể có nhiều nghĩa, lúc thì dựng hình, lúc thì lên màu, hay đơn giản là cố gắng động não để khai thác hết toàn bộ tiềm năng trong ý tưởng mới mà họ nghĩ ra. Đây có thể là công việc mơ ước của rất nhiều người, nhưng bạn phải nhớ rằng, không phải lúc nào cũng chứa đầy niềm vui.

Đa cố các hoạ sĩ này đều làm việc cho các công ty truyền thông hoặc sản xuất phim ảnh. Các công ty này hoạt động trong một thị trường mang tính cạnh tranh vô cùng cao, nơi thời gian là vàng là bạc. Và cũng vì thế, các hoạ sĩ nhiều lúc phải làm việc dưới những áp lực vô cùng nặng nề do hạn chế về thời gian. Ngoài những nhược điểm kể trên, trở ngại duy nhất mà đa số các hoạ sĩ cũng đều ngán ngẩm nhưng cũng tự nể phục bản thân họ, đó chính là họ đã hình thành được tính kiên nhẫn hơn người. Tính kiên nhẫn là thứ thiết yếu bắt buộc mọi hoạ sĩ phải có, do phải lặp đi lặp lại nhiều tác vụ tẻ nhạt nhằm tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Các thử thách và hoạt động mà các hoạ sĩ phải “vật lộn” cùng hằng ngày, thường là hoàn thành xong những thành phần nhỏ trong một dự án lớn hơn. Lấy ví dụ là một chương trình hoạt hình trên TV, khi các hoạ sĩ phân chia công việc của mỗi người, và mỗi hoạ sĩ lại dành hàng giờ đồng hồ để vẽ một đoạn ảnh động, nhằm ghép lại thành một tập phim hoàn chỉnh. Trải qua một số công cuộc chỉnh sửa, vượt qua khâu kiểm duyệt thì sản phẩm của nhóm hoạ sĩ sẽ được bật đèn xanh để đưa đi công chiếu.

CÔNG CỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP

Các hoạ sĩ hoạt hình của những năm về trước đã gặp nhiều trở ngại về công cụ và phương pháp sáng tạo, nhưg xã hội càng ngày càng phát triển, và dường như mọi thứ đã thay đổi. Nhờ những phát triển về công nghệ máy tính và chương trình dựng phim, các hoạ sĩ hoạt hình ngày càng được tiếp cận với những công nghệ cà công cụ giúp công việc của họ ngày càng dễ dàng hơn, đi kèm với chất lượng tốt hơn.

VẼ 2D BẰNG TAY

Mọi người thường nghĩ đến các ảnh động 2D được vẽ bằng tay khi nói đến thiết kế hoạt hình. Và đây vẫn là một phương pháp vẽ thiết yếu trong thiết kế hoạt hình thời hiện đại. Từ trang này đến trang khác được chồng nối đuôi nhau, cộng với tốc độ trình chiếu, từ đó có thể tạo thành một thước phim mà người ta gọi là “hoạt ảnh”. Ngày nay, thông thường sau khi hoàn thành các bức vẽ, chúng sẽ được quét thông qua máy tính, xử lí thêm một số bước và từ đó cho ra thành quả.

VẼ 2D TRÊN MÁY TÍNH

Cũng tương tự như vẽ tay 2D, nhưng nếu vẽ trên máy tính sẽ có một số điểm khác biệt. Các hoạ sĩ hoạt hình có thể dùng những công cụ kỹ thuật số để trực tiếp thiết kế và tạo hiệu ứng trên màn hình máy tính. Quá trình này vẫn bao gồm những khung hình được nối đuôi nhau để tạo thành thước phim, nhưng tất cả đều ở dạng kỹ thuật số và có thể dễ dàng chỉnh sửa hơn.

LÀM HOẠT HÌNH STOP-FRAME

Khi làm hoạt hình stop-frame (hay còn lại là stop-motion) , các hoạ sĩ phải vẽ nên từng khung hình riêng biệt bằng cách sử dụng các ảnh riêng biệt của các vật thể và chủ thể 3D. Về cơ bản, một khung ảnh sẽ được dựng thông qua các phần mềm 3D, sau đó được chụp ảnh lại, xây dựng lại với kết cấu chi tiết và sống động hơn, tạo tiền đề cho các khung hình sau. Và cũng như nguyên lý cơ bản của một thước phim, các khung hình sẽ được cộng lại thành một đoạn hoạt ảnh, và phương pháp này thường được sử dụng trong dựng phim, hoạt hình, quảng cáo trên truyền hình…

LÀM HOẠT HÌNH TRÊN MÁY TÍNH

Cuối cùng, công nghệ làm hoạt hình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là làm hoạt hình trên máy tính, hay được gọi ngắn gọn là CG. Trong hoạt hình CG, các hoạ sĩ sử dụng những phầm mềm và phần cứng tối tân và hiện đại nhất. Dù công nghệ CG vẫn đòi hỏi một số tác vụ thủ công và sự sáng tạo của người hoạ sĩ, máy tính có thể đảm nhận những tác vụ khác  trong quá trình tạo ra sản phẩm, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn.

CÁC KỸ NĂNG VÀ PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG

Phần lớn các kỹ năng đều xuất phát từ bên trong, nhưng những phẩm chất mới là điều phân loại ra được đâu là một hoạ sĩ chuyên nghiệp và đâu là một hoạ sĩ trung bình. Theo thiên hướng tự nhiên, một hoạ sĩ hoạt hình xuất sắc cần có tính kiên nhẫn cao, và có thể thực hiện nhiều dự án lặp đi lặp lại. Đồng thời, họ sở hữu trí óc sáng tạo có thể cho ra các sản phẩm mới mẻ hơn, từ một ý tưởng hoàn toàn mới hay dựa trên ác bản thảo cũ. Sự chú ý đến chi tiết và kỹ năng sắp xếp  cũng vô cùng hữu ích.

Xét về trình độ giáo dục, các hoạ sĩ hoạt hình có rất nhiều loại bằng cấp từ vô số các học viện khác nhau. Cử nhân Mỹ thuật hoặc Thạc Sĩ Mỹ thuật Hoạt hình và Hiệu ứng là các bằng cấp với chương trình giáo dục hữu ích nhất, khi vừa đào tạo kỹ năng hội hoạ, vừa đào tạo việc sử dụng phần mềm máy tính trong quá trình sáng tác. Nhưng cũng không thể phủ nhận, các hoạ sĩ sở hữu những bằng cấp khác từ những chương trình đào tạo khác cũng có thể xây dựng được sự nghiệp trong thị trường béo bở này, vì những thứ quan trọng nhất chính là đam mê, khả năng hội hoạ thiên bẩm, và tinh thần dấn thân theo đuổi con đường mình chọn.

CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN DÀNH CHO HOẠ SĨ HOẠT HÌNH

Có rất nhiều nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhà làm phim tham khảo và tìm kiếm sự hỗ trợ. Cụ thể hơn, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 3 tổ chức, đã được xây dựng xung quanh ngành công nghiệp hoạt hình và mà bạn có thể xem qua:

International Animated Film Society: thành lập được gần 40 năm, đây là tổ chức xã hội đã thúc đẩy sự vận động của ngành công nghiệp hoạt hình, thông qua những nỗ lực trong giáo dục, nhận thức cộng đồng, công nhận những thành tựu của ngành công nghiệp này. Ai cũng có thể tham gia cộng đồng này và nhận được nhiều đặc quyền từ nó.

Society for Animation Studies: thành lập vào năm 1987, mục tiêu của nhóm này, ngoài sự vận động chung, là nhằm bảo tồn giá trị lịch sử hoạt hình và các giả thuyết của nó. Đăng kí hội viên cũng sẽ có nhiều lợi ích cho bạn, nhưng cũng không cần thiết đối với một số cá nhân.

Women in Animation: cũng như tên gọi của tổ chức, ngoài việc vận động cho hoạt hình nói chung, mà còn đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình làm hoạt hình. Mục tiêu của nhóm hiện tại, là tạo nên một môi trường sản xuất hoạt hình có 50% là nữ giới. Có rất nhiều cách hỗ trợ cho tổ chức, và không bắt buộc bạn phải là thành viên mới có thể đóng góp.

Hoạt hình là một lĩnh vực công việc lớn, và không ngừng phát triển. Một ngày điển hình ở đây bao gồm thỏa mãn vấn đề thời gian, áp dụng sự sáng tạo và chất xám của người hoạ sĩ, mang đến những sản phẩm có hồn và sinh động cho người khác thưởng thức.

Bạn có thắc mắc gì không? Đừng ngần ngại để lại bình luận để góp ý cho chúng tôi nhé!

 * Nguồn: DegreeQuery

 * Biên dịch: Khôi Nguyên