Một nửa Ranma và câu chuyện về công chúa manga Rumiko Takahashi - Comic Media Academy

Một nửa Ranma và câu chuyện về công chúa manga Rumiko Takahashi

01/07/2016

Rumiko Takahashi là một trong những họa sĩ vẽ truyện tranh xuất sắc nhất và giàu có nhất Nhật Bản hiện nay. Mặc dù là nữ giới nhưng bà lại chuyên sáng tác manga thể loại shounen chứ không phải shoujo. Bà được độc giả ưu ái đặt cho biệt danh là “Công chúa manga“.

Rumiko

Rumiko Takahashi sinh ngày 10/10/1957, chào đời tại Niigata, Nhật Bản. Theo một bài viết, vào thuở nhỏ niềm yêu thích manga của Rumiko không hơn gì so với những đứa trẻ khác, luôn mê mẩn manga và cô cũng hay vẽ manga nguệch ngoạc vào các trang vở của mình nhưng chưa hề nghĩ gì đến việc sẽ trở thành một mangaka chuyên nghiệp. Tuy nhiên trong một bài phỏng vấn năm 2000, chính Takahashi Rumiko lại khẳng định: “Tôi luôn muốn trở thành một họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp, ngay từ khi tôi còn là một đứa con nít.” Rumiko khá kiệm lời, chỉ hay dõi mắt quan sát cuộc sống quanh mình từ dáng vóc, ăn mặc, cử động đến cảm xúc của mọi người… Đó chính là nền tảng cho những series manga chinh phục độc giả sau này. Thời sinh viên bà lấy bút danh là Kemo Kobiru.

Rumiko mangaka nổi tiếng của Nhật Bản

Con đường sáng tác bắt đầu từ khi bà vào học khoa văn của trường Đại học Nihon Josei (Đại học Phụ nữ Nhật Bản) và tham gia Gekiga Sonjuku, một trường nổi tiếng về manga theo trường phái kịch họa do magaka lừng danh Koike Kazuo sáng lập. Chính nhờ sự hướng dẫn của Koike mà Rumiko đã học được rất nhiều kiến thức quan trọng cũng như nâng cao “tay nghề” của mình lên rất nhiều, đặc biệt là hiểu được tầm quan trọng về tính cách đa dạng của các nhân vật, từ đó hình thành nên phong cách xây dựng nhân vật độc đáo của mình. Và kể từ lúc đó, cô sinh viên Rumiko đã bắt đầu tìm được công việc mà mình thật sự yêu thích.

Năm 1976, Rumiko chính thức bước vào con đường của một mangaka chuyên nghiệp, khởi đầu bằng việc xuất bản các truyện ngắn trong tập san của Câu lạc bộ Manga trường Nihon Josei. Các tác phẩm đầu tay của cô lúc đó có thể kể đến như là Thus A Half of Them Are GoneBye-Bye Road. Phải nói, sự lựa chọn để trở thành một mangaka chuyên nghiệp của Rumiko là một quyết định hết sức khó khăn. Cô đã gặp không ít trở ngại, từ kinh phí cho đến việc thiếu vắng sự ủng hộ của gia đình. Đồng thời, tính cạnh tranh của công việc này thật sự rất cao, thêm nữa ở Nhật Bản, thất bại trong tìm kiếm việc làm sẽ ảnh hưởng cực lớn đến tương lai. Cụ thể là, nếu Rumiko không tìm được công việc cho mình, chỉ trong vòng vài năm, cô sẽ không còn có cơ hội đó nữa vì khi đó, Rumiko sẽ bị các mangaka trẻ hơn nhưng năng lực không hề kém cạnh qua mặt. Và ở Nhật Bản các sinh viên chưa ra trường thường đăng ký trước công việc của mình với các công ty, vì vậy họ thường không có đủ chỗ cho những người xin việc khác, dù có bằng cấp đi chăng nữa.

Hồi tưởng lại thời gian này, Rumiko nói rằng:      

“Khả năng thành công là có, nhưng cũng có nhiều khó khăn sẽ đến với bạn. Đúng là ở Nhật Bản thì bạn có nhiều cơ hội thành công hơn, nhưng khi bạn thất bại thì sẽ mất tất cả. Vì vậy bạn phải quyết định và theo đuổi quyết định đó. Trong trường hợp của tôi, thành công không đến ngay mà nó cần thời gian trước khi mọi việc bắt đầu diễn ra trôi chảy. Tất nhiên, cách tốt nhất để tìm ra giải pháp là cứ theo đuổi nó, chờ một vài năm và luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra với mình.”

Phong cách sống và làm việc của nữ họa sĩ truyện tranh Rumiko

Trái với nhiều mangaka khác, Rumiko Takahashi trực tiếp giới thiệu manga và anime của mình tới độc giả phương Tây. Rào cản văn hóa và hình thức tiếp thị kém chính là một trở ngại không nhỏ cho các mangaka. Tuy nhiên, Rumiko đã vượt qua những thử thách đó bằng khá nhiều hoạt động mở rộng và chủ động hợp tác với các nhà sản xuất cả bên trong lẫn bên ngoài Nhật Bản (như Shonen Sunday, TMS Entertainment, Viz MediaSunrise…). Chỉ sau một thời gian ngắn, manga của Rumiko đã nhanh chóng lên ngôi và chiếm được nhiều cảm tình của độc giả nước ngoài, bằng chứng là Giải thưởng Inkpot tại Hội nghị Truyện tranh San Diego đã trao cho bà vào năm 1994.

Trái hẳn với tiếng tăm vang dội của những “đứa con tinh thần”, Rumiko ngoài đời khá lặng lẽ, đơn giản, e dè nhưng thân thiện và rất có sức thu hút. “Công chúa manga” thích xem truyện tranh, sách, kịch Takarazuka, đội bóng chày Hanshin Tigers, nhấm nhi cafe bằng ngón tay út, mì yakisoba, một vật nuôi như P-chan (con heo đen do Hibiki biến thân trong Một nửa Ranma) và được bay! Hâm mộ văn hóa Trung Hoa và Đông Nam Á, du lịch cũng là một sở thích lớn của bà. Tuy nhiên, lịch làm việc căng thẳng không cho phép bà tự do tự tại quá lâu.

Inuyasha Truyện tranh nổi tiếng của Rumiko Takahashi

Về phong cách sáng tác, Rumiko là một trong số ít những mangaka có thể xây dựng mạch truyện với lượng nhân vật cực kỳ đông đảo nhưng luôn đem lại tươi mới và phong phú cho cuốn truyện. Dù là nam hay nữ, hầu hết các nhân vật của Rumiko Takahashi đều có tính cách đa dạng mà đặc trưng, vui nhộn, hấp dẫn, trẻ mãi không già và thiếu hoàn thiện. Họ chưa hẳn là người tốt, nhưng cũng không phải kẻ xấu, mà đơn giản chỉ là những nhân vật rất con người, đôi khi kì quái với đủ thứ tình cảm vui buồn yêu ghét… Chính những nhược điểm ấy vô tình lại đẩy mạnh tính hài hước cho câu chuyện và sự đồng cảm lớn từ phía độc giả. Họ xuất hiện, diễn xuất rồi biến mất trong những tình huống đặc biệt đầy bất ngờ, đôi khi trớ trêu đến ngớ ngẩn.

Nói về phong cách làm việc của Rumiko, ít ai có thể ngờ được một xưởng vẽ mỗi tháng ra đều đặn cả 100 trang truyện mà hoàn toàn được vẽ và tô màu bằng tay! Không chỉ nổi tiếng về tài năng, Rumiko còn là một mangaka nổi danh là tuyệt đối giữ uy tín. Bà tiết lộ: “Cách tốt nhất để tránh được thảm họa trễ hẹn là hoàn tất công việc càng sớm càng tốt. Lúc đó những biên tập báo sẽ không tới gõ cửa làm phiền bạn nữa, và bạn sẽ có cuộc sống yên ổn”

Một điều đặc biệt là đến nay Rumiko vẫn chưa lập gia đình (dù đã bước qua cái tuổi ngũ tuần), vì “Takahashi đã dành trọn cuộc đời mình cho manga − tình yêu của mình”. Nếu được chọn lại từ đầu, bà vẫn sẽ chọn làm mangaka.

Những thành tựu đạt được

Trải qua nhiều thử thách và khó khăn, từ gia đình đến môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, Rumiko với niềm đam mê không bao giờ tắt của mình đã hoàn toàn chứng minh được tài năng của bà. Ngay từ những tác phẩm đầu tay vào năm 1977-1978, tài năng của bà đã được mọi người nhìn nhận và được đánh giá là “ngôi sao” làm chấn động làng manga Nhật Bản.“Chúng tôi biết bà ấy sẽ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Đó chỉ là vấn đề thời gian. Nét vẽ và cốt truyện của bà có cái gì đó rất đặc biệt”, lời của nữ nhà văn Hikawa Reiko, bạn học của Takahashi ở Gekiga Sojuku). Giải Nghệ sĩ mới (New Artist Award) cùng hai giải thưởng Manga Shogakukan đã chứng minh tài năng cũng như ảnh hưởng to lớn của bà trong làng manga.Một nửa Ranma Rumiko

Những tác phẩm của Rumiko luôn đạt được những hit cao và thu hút đông đảo các otaku Nhật Bản. Tổng cộng đã có hơn 100 triệu ấn phẩm bán ra tại Nhật Bản và 170 triệu ấn phẩm trên toàn thế giới. Doanh số của Một nửa Ranma bán ra tính đến tập 4 đã lên tới 4 triệu bản, và khi tập 4 được phát hành lần đầu thì tập 1 đã bán hết veo. Bộ đĩa laser Urusei Yatsura toàn tập, giá đến 2600 USD một bộ, nhưng sau một tuần tung ra thị trường đã hết nhẵn. Mezon Ikkoku còn thành công hơn, doanh số của nó hơn Urusei Yatsura đến 80%. Fan club của Urusei Yatsura có thời điểm đã có tới 25 vạn thành viên, Vì vậy, không ngạc nhiên khi Rumiko là một trong những mangaka có thu nhập cao nhất, năm 2004 số thuế thu nhập của bà đã lên tới 142,7 triệu yên Nhật (1,3 triệu USD).

Manga và anime của Takahashi Rumiko không chỉ thành công ở Nhật Bản mà còn thành công ở các nước khác, không chỉ ở phương Đông mà cả ở Hoa Kỳ, các nước phương Tây và các nước châu Mỹ Latinh. Một điều đặc biệt là mặc dù trong các manga của Rumiko có chứa rất nhiều chi tiết văn hoá truyền thống Nhật Bản xa la với văn hoá Âu Mỹ, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến số hit của các tác phẩm của Rumiko. Theo Animerica, “Kể từ lần đầu tiên Viz cho phát hành Urusei Yatsura khoảng 5 năm trước, rất nhiều công ty đã cho xuất bản một loạt các manga Nhật Bản bằng tiếng Anh. Một số bán rất chạy… trong số đó, tác phẩm của bà (Rumiko) trở nên phổ biến nhất…”. Giải thưởng Inkpot Award tại Hội nghị Truyện tranh San Diego năm 1994 là biểu hiện của sự thành công này.

 Đoàn Hạnh tổng hợp

>>> Tìm hiểu thêm: Oda Eiichiro – Tác giả bộ manga One Piece ăn khách nhất Nhật Bản