Mộ Đom Đóm - Một trải nghiệm xem phim đau đớn tột cùng - Comic Media Academy

Mộ Đom Đóm – Một trải nghiệm xem phim đau đớn tột cùng

17/10/2020

Khi nhắc đến việc thưởng thức một bộ phim anime, hẳn khán giả sẽ luôn mong chờ đến một trải nghiệm đầy thư giãn. Những câu chuyện đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, những nhân vật vô tư được vẽ bắt mắt và những phân cảnh đầy hài hước,…

Thế nhưng, tại sao vẫn chứa đựng đầy đủ những yếu tố kể trên, trải nghiệm xem Mộ đom đóm lại đau đớn đến như vậy?

Câu chuyện của Mộ đom đóm được lấy bối cảnh vào cuối thời Thế Chiến thứ 2 tại nước Nhật, kể về hành trình sinh tồn của hai đứa trẻ mồ côi là Seita và cô em gái Setsuko, sau sự ra đi của người mẹ trong một cuộc oanh tạc của quân Mỹ xuống thành phố Kobe. Phim đơn giản là một câu chuyện sinh tồn, phơi bày những hiện thực tàn khốc của chiến tranh dưới góc nhìn của những đứa trẻ. Đây là một tác phẩm lên án những sự thật nghiệt ngã của chiến tranh, với lối kể chuyện vô cùng bi đát. Vậy, lối kể chuyện của phim ra sao mà đã khiến hàng triệu khán giả phải vỡ oà đến thế?

Đầu tiên, hãy nói về phân cảnh mở đầu của phim.

Ngày 21 tháng 9 năm 1945 … đó là ngày mà tôi đã chết.

Đó chính là lời thoại đầu tiên của phim. Ta có thể thấy một Seita gầy trơ xương, đang nằm hấp hối trên sàn của ga tàu lửa Sannomiya, cùng với linh hồn của cậu. Không lâu sau đó, cô em gái của cậu cũng xuất hiện, và ta cũng không khó đoán được số phận của hai đứa trẻ này ngay từ những phút đầu tiên của phim: rằng chúng sẽ chết. Theo đánh giá của một nhà phê bình trên Rotten Tomatoes, đây là một phần mở đầu vô cùng thành công và mạnh mẽ bởi những gì nó tiết lộ, khiến toàn bộ cốt truyện dù ra sao thì số phận của hai nhân vật chính cũng đã được an bài. Chính vì một khởi đầu quá nặng nề và táo bạo, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của khán giả, rằng qua từng giây từng phút, từng phân cảnh trôi qua dù vui tươi hay đau buồn, thì cái chết của hai đứa trẻ này lại càng cận kề hơn.

Tiếp theo, chính những khoảnh khắc tươi cười, những niềm hạnh phúc nhỏ bé do đạo diễn Takahata Isao lồng ghép tinh tế vào lại chính là nhân tố khiến trải nghiệm xem tác phẩm này của ông lại đau buồn đến vậy. Có thể kể đến như khoảnh khắc Seita và Setsuko nô đùa trong chiếc bồn tắm bé tẹo,  hay lúc mà hai đứa trẻ hồn nhiên trú mưa dưới một chiếc ô rách nát nhưng vẫn ngân lên những giai điệu hạnh phúc, và những màn đêm u tối bị xua tan bởi ánh sáng của những chú đom đóm. Tất cả những giây phút tươi đẹp ấy, cùng với tiếng cười hồn nhiên của cô bé Setsuko lại càng khiến khán giả chạnh lòng hơn.

Khán giả trong khi xem qua những phân cảnh kể trên thì đồng thời lại phải ghi nhớ một sự thật rằng đây là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh, rằng mẹ của hai đứa trẻ này đã chết, và sớm muộn gì thì Seita và Setsuko cũng sẽ chịu chung số phận. Có thể nói ông Takahata Isao là một đạo diễn vô cùng thông minh những cũng rất tàn nhẫn, khi đã tra tấn cảm xúc của khán giả như vậy.

Nỗi buồn ẩn chứa trong Mộ đom đóm là vô cùng chân thật và bằng một cách nào đó, chắc hẳn hầu hết khán giả sau khi thưởng thức tác phẩm này xong cũng khó có thể tìm được những từ ngữ phù hợp để miêu tả cảm xúc của họ. Bộ phim đã để lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khó tả mà hầu hết những lời phê bình và bình luận trên các diễn đàn cũng không thể lột tả hoàn toàn nỗi buồn của phim.

Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert đã nhận xét về Mộ đom đóm rằng : ”Đây là một trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ đến mức bạn phải suy nghĩ lại về khái niệm hoạt hình.”  Thông điệp và cảm xúc mà phim đã truyền tải chắc hẳn cũng đã vượt xa nhận thức chung của khán gỉa về phim hoạt hình. Như đã nêu trên, đây là một tác phẩn lên án những tội ác của chiến tranh thông qua góc nhìn của những đứa trẻ. Với một chủ đề không mới nhưng lại sở hữu lối kể chuyện độc nhất vô nhị, những giá trị mà Mộ đom đóm mang lại chắc chắn còn đáng giá hơn một số phim truyền hình đầy drama dành cho người lớn khác. Một tác phẩm xuất sắc!

 * Nguồn: medium.com

 * Người dịch: Khôi Nguyên