33 bước để thiết kế nhân vật hấp dẫn - Comic Media Academy

33 bước để thiết kế nhân vật hấp dẫn

15/09/2016

Thiết kế nhân vật hấp dẫn và sở hữu một kịch bản sắc sảo là chìa khóa thành công của bất kỳ tác phẩm truyện tranh, hoạt hình, game hoặc điện ảnh. Nhân vật trước tiên phải thu hút ngay từ khi còn nằm trên bảng mô tả của nhà biên kịch. 33 bước thiết kế nhân vật sau đây là không-thể-thiếu để xây dựng nhân vật thành công.

1. Đề ra mục tiêu: đề ra một mục tiêu/ước mơ/khát vọng cho nhân vật không chỉ làm nhân vật trở nên có ý nghĩa hơn, mà còn giúp bạn triển khai câu chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Đề ra động cơ: đề ra động cơ thúc đẩy nhân vật hành động hướng đến mục đích, thực hiện ước mơ của mình. Động cơ đó có thể xuất phát từ những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, ăn năn, hối hận, hoặc từ những tính cách xấu như kiêu hãnh, tự phụ, hoặc tham lam, hoặc cũng có khi từ những cảm xúc tích cực như yêu thương, quyết tâm, nhiệt huyết… Nhưng dù là vì lý do nào đi nữa, chính động cơ đó sẽ làm cho hành động của nhân vật trở nên thực hơn, đáng tin hơn, dễ đồng cảm hơn.

33 bước để sáng tác nhân vật hay 1

3. Đề ra vai trò: hãy nghĩ đến vai trò của nhân vật trong câu chuyện. Liệu bạn tạo ra nhân vật để xây dựng xung đột cho cốt truyện, hay là để nhân vật trải qua quá trình trưởng thành hơn về mặt cảm xúc? Nếu nhân vật của bạn không đảm nhận vai trò hợp lý nào, sự tồn tại của họ sẽ trở nên vô nghĩa.

4. Đề ra nỗi sợ: sợ hãi là cảm xúc mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Nỗi sợ là chất xúc tác tạo ra sự thiếu tự tin, bốc đồng hoặc xung đột, nhờ vậy mà câu chuyện của bạn sẽ thu hút hơn, cốt truyện sẽ triển khai thuận lợi hơn. Nhưng nhớ đừng để nhân vật của bạn lúc nào cũng chìm đắm trong nỗi sợ, hãy để họ hành động để vượt qua nó nữa nhé.

5. Đề ra khiếm khuyết: trên đời, cái gì quá hoàn hảo, quá hoàn thiện thì rất nhàm chán. Chính sự không hoàn thiện mới khiến chúng ta trở nên “con người” hơn. Do đó, hãy để cho nhân vật của bạn có một hoặc nhiều khuyết điểm, không chỉ là về thể chất hay vẻ bề ngoài, mà còn có thể là một tính cách xấu, một địa vị thấp kém trong xã hội, hay phải sinh sống trong những điều kiện khắc nghiệt nào đấy.

6. Đề ra tiểu sử: hãy viết về tiểu sử nhân vật của bạn. Chính hoàn cảnh trong quá khứ sẽ làm nên tính cách của nhân vật, cũng như ảnh hưởng đến những lựa chọn của họ trong câu chuyện.

7. Đề ra bối cảnh hiện tại: đừng chỉ toàn viết những câu chuyện hồi tưởng trong quá khứ, hãy để nhân vật của bạn sống trong hoàn cảnh hiện tại. Đề ra cho nhân vật của bạn một mục tiêu, một sứ mệnh, hay một chuyến du hành, để từ đó họ có cơ hội phát triển, trưởng thành lên.

8. Đề ra tính cách: đừng để nhân vật của bạn trở nên vô hồn, nhạt nhẽo. Hãy tạo cho họ một tính cách thật phức tạp bằng cách thêm thắt nhiều tính cách trái ngược, nội tâm mâu thuẫn… và quan trọng nhất là tránh để cho nhân vật trở nên rập khuôn, sáo rỗng nhé.

 

9. Đề ra sở thích: một nhân vật chẳng yêu thích hay hào hứng với bất cứ điều gì thì sẽ rất nhàm chán. Hãy để nhân vật của bạn phát cuồng vì một điều gì đó, dù cho đó là điều mà độc giả ghét đi chăng nữa. Sự nhiệt huyết sẽ làm nhân vật bạn hấp dẫn hơn, dù cho sở thích đó là gì đi nữa.

10. Đề ra tật xấu: hầu hết mọi người ai cũng có một cái tật khó bỏ nào đấy. Mà tật càng lạ thì càng thú vị. Hãy cho nhân vật của bạn một vài tật xấu để giúp họ nổi bật hơn so với đám đông.

11. Đề ra tên họ: hãy đặt cho nhân vật bạn cái tên với ẩn ý. Cái tên đó có thể là ngầm chỉ về một thời kỳ, ám chỉ một sở thích, hay trở thành điềm báo cho những hành động của nhân vật trong tương lai.

12. Đề ra ham muốn: lòng ham muốn chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân vật phát triển. Nó có thể khiến nhân vật của bạn tiến bước đến mục đích, hoặc khiến họ trở nên sa ngã.

13. Đề ra tình yêu: nếu nhân vật của bạn không hề biết yêu thương thì làm sao bạn có thể khiến độc giả đồng cảm hay yêu thích nhân vật đó được? Nhân vật của bạn không nhất thiết phải suốt ngày tươi cười, ôm ấp, nắm tay nắm chân tình tứ, họ chỉ cần có lòng yêu thương một người nào đó thôi cũng đủ để độc giả bồi hồi cảm thông rồi.

14. Phức tạp hóa nhân vật: một nhân vật luôn khiến độc giả phải luôn ngạc nhiên vì hành động của mình. Hãy làm cho nhân vật của bạn có nhiều tầng sâu tính cách và động cơ phức tạp, sau đó từ từ lộ ra cho độc giả biết.

15. Làm nhân vật trở nên độc nhất vô nhị: đừng để nhân vật của bạn trở nên tầm thường giống hệt như bao nhiêu nhân vật trong những câu chuyện khác. Hãy khiến họ trở nên độc nhất vô nhị bằng cách đề ra mục tiêu, động lực, tính cách thật khác thường, thật mới lạ, có một không hai.

16. Làm nhân vật trở nên thông minh: sự ngu ngốc không thể quyến rũ người đọc như cái cách mà sự thông minh mang lại. Bạn cần một nhân vật đủ thông minh, nhạy bén, đủ tiềm lực để đương đầu với kẻ ác trong câu chuyện.

17. Làm nhân vật trở nên dễ đồng cảm: một nhân vật quá lạnh lùng sắt đá sẽ khiến độc giả khó có thể đồng cảm được với họ. Ít nhất hãy cho nhân vật của bạn một tính cách, một hoàn cảnh, một động cơ mà người khác có thể hiểu và cảm thông.

33 bước để sáng tác nhân vật hay 2

18. Để nhân vật nếm mùi thất bại: nếu nhân vật của bạn lúc nào cũng thành công với mọi thứ, thì cốt truyện của bạn sẽ chẳng tiến triển được bao nhiêu. Đôi khi bạn cũng cần cho nhân vật của bạn thất bại, nản chí, buông xuôi, thậm chí sa ngã, lạc lối. Chính sự thất bại, gục ngã sẽ khiến cho những thành công sau đó của nhân vật trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều.

19. Khiến nhân vật phải chịu đau khổ: độc giả càng thấy nhân vật phải chịu khổ bao nhiêu thì họ sẽ càng thương nhân vật lúc thành công bấy nhiêu. Cho nên trên cương vị tác giả, đôi khi bạn cần phải đóng vai ác khiến cho nhân vật của bạn đau khổ chịu đựng nhiều trắc trở, chông gai. Điều đó có thể không dễ dàng gì (dù một số người lại cảm thấy vui khi hành hạ nhân vật của mình), nhưng việc cho nhân vật của bạn vượt qua giai đoạn dầu sôi lửa bỏng sẽ giúp họ trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn.

20. Buộc nhân vật phải phấn đấu: thành công của nhân vật không phải sẵn có. Để đạt đến ước mơ, nhân vật của bạn phải đổ mồ hôi, phấn đấu, rèn luyện ngày đêm, cũng như chiến đấu để giành lấy chiến thắng.

21. Tìm giới tính cho nhân vật: thật ra giới tính nhân vật không quá quan trọng đến sự thành bại của tác phẩm. Chỉ là nhiều khi trong đầu bạn nghĩ đến một nhân vật nam chính, nhưng có thể nhân vật nam đó lại không thích hợp như bạn tưởng, và ngược lại. Cho nên, bạn nên dành thời gian suy nghĩ đến những tình tiết mà nhân vật sẽ trải qua, sau đó lựa chọn xem giới tính nào phù hợp hơn cho câu chuyện của mình.

22. Tìm nhãn quan riêng cho nhân vật: mọi người trên đời ai cũng có quan điểm, cách nhìn riêng về cuộc sống. Nhân vật của bạn cũng vậy. Những yếu tố như cách giáo dục, tôn giáo, đạo đức, niềm tin, quan niệm xã hội v.v… sẽ ảnh hưởng đến cách mà họ nhìn nhận về thế giới. Hãy dành thời gian đào sâu các yếu tố này, để khi đọc, độc giả sẽ hiểu hơn về suy nghĩ của nhân vật.

23. Tìm khuôn mẫu cho nhân vật: nhân vật của bạn hướng nội hay hướng ngoại? Rụt rè hay hoạt bát? Thích khám phá hay tận hưởng an nhàn? Hãy nghĩ đến tất cả vai trò của nhân vật trong câu chuyện. Rốt cuộc họ là ai? Khi ứng xử, họ có bộc lộ thẳng thắn cái tôi của mình ra không, hay là che đậy mọi thứ bên dưới lớp mặt nạ?.

24. Tìm tiếng nói cho nhân vật: tùy vào môi trường lớn lên cũng như cách giáo dục mà người ta ăn nói khác nhau. Liệu nhân vật của bạn có giọng nói đặc trưng vùng miền, hay dùng từ ngữ địa phương không? Họ có dùng biệt ngữ, tiếng lóng không, hay nói năng đúng ngữ pháp, ngữ điệu thông thường?.

25. Tìm thái độ cho nhân vật: thái độ của nhân vật phần lớn phụ thuộc vào nhãn quan của nhân vật về thế giới. Những điều họ được dạy và tin tưởng vào sẽ thúc đẩy hành động của họ. Vậy thái độ của họ thế nào? Lạc quan, bi quan, hay vô cùng thực tế? Họ đối xử với người khác thế nào? Tôn trọng, cảm thông, hay là nhỏ nhen, hằn học?.

33 bước để sáng tác nhân vật hay 3

26. Tìm cho nhân vật một chốn bình yên: mọi người ai cũng có một chốn bình yên, nơi mà họ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, nơi mà họ có thể sống đúng với con người của mình. Hãy nghĩ ra một chốn như thế cho nhân vật của bạn, rồi dẫn dắt họ tìm về nơi ấy. Việc đó sẽ tạo điều kiện cho độc giả thấy được con người thật của nhân vật.

27. Tìm chỗ dựa cho nhân vật: nhân vật của bạn sẽ trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, họ cần người ở bên yêu thương, an ủi, động viên, dẫn dắt họ vượt qua chông gai. Hãy tìm ra những nhân vật làm chỗ dựa cho nhân vật chính của bạn và đưa họ vào cốt truyện.

28. Tìm trực giác cho nhân vật : mọi người ai cũng có trực giác, linh tính, và thường hành động theo đó. Hãy thêm điều này cho nhân vật của bạn. Dù nhân vật không hành động theo trực giác đi nữa, thì nó cũng góp phần thể hiện thêm tính cách của họ, hoặc tạo ra xung đột, đem đến sự hồi hộp cũng như báo trước những chuyện sắp xảy ra trong tương lai.

29. Tìm giới hạn cho nhân vật: mọi người ai cũng có thời điểm không chịu nổi mọi thứ và trở nên suy sụp. Hãy để độc giả của bạn nhìn thấy thời điểm đó của nhân vật, họ sẽ hiểu hơn về nhân vật đó.

30. Tìm nơi nương tựa cho nhân vật: nhân vật của bạn cũng cần một ai đó hoặc một mái nhà để trú ngụ, giúp họ cảm thấy được che chở, an toàn và bình yên. Hãy cho nhân vật của bạn có được điều này, để họ được tiếp sức và có thêm động lực trước khi phải chiến đấu trong phần cao trào nhất của câu chuyện.

31. Tìm cho nhân vật con đường chuộc tội: nhân vật của bạn sẽ có lúc sa ngã, bị ép phải làm những chuyện gây hại cho người khác, hoặc tự bản thân họ quyết định làm điều xấu đó. Nhiệm vụ của bạn là giúp nhân vật tìm ra con đường chuộc lại lỗi lầm. Họ sẽ nhận lỗi thế nào? Họ sẽ sửa sai ra sao? Hãy suy nghĩ về điều đó.

32. Tìm vinh quang cho nhân vật: sau chặng đường gian nan, nhân vật của bạn đã chín chắn, trưởng thành hơn bao giờ hết. Đa số trường hợp họ sẽ trở thành một con người tốt hơn. Hãy thể hiện nó ra cho độc giả biết, đồng thời cho nhân vật của bạn ăn mừng vì điều đó.

 

33. Tìm câu chuyện cho nhân vật: Đến đây rồi thì bạn đã đi được 32 bước sáng tác ra một nhân vật thật hay. Tuy nhiên 32 bước đó vẫn chỉ là những đoạn liệt kê, cứ đọc đi đọc lại chúng sẽ không đưa nhân vật của bạn đến với độc giả đâu. Nhiệm vụ của bạn là kể ra một câu chuyện thật hấp dẫn, sao cho nhân vật của bạn có thể tỏa sáng trong đó. Rốt cuộc nhân vật đó là ai? Từ đâu tới? Điều gì đã xảy ra với họ? Họ đã phạm sai lầm gì, đã vượt qua thử thách ra sao? Họ đã phấn đấu ra sao, suy sụp thế nào? Họ đã nhận ra điều gì, và làm cách nào để lấy lại động lực? Cuộc tranh đấu của họ diễn biến ra sao? Họ đã chiến thắng như thế nào? Bây giờ, sau tất cả, họ đã trở thành loại con người gì?.

Đó mới chính là câu chuyện của nhân vật, một câu chuyện thật tuyệt vời lay động trái tim độc giả với xuất phát điểm là từ 33 phần liệt kê phía trên.

Người dịch: Cao Vy 

Nguồn: http://www.shesnovel.com/blog/write-stronger-characters