ViVi Võ Hùng Kiệt - Họa sĩ của tuổi thơ - Comic Media Academy

ViVi Võ Hùng Kiệt – Họa sĩ của tuổi thơ

09/05/2015

Hơn 50 năm cầm cọ và không ngừng sáng tác những kiệt phẩm cho đời, tài hoa của họa sĩ ViVi – Võ Hùng Kiệt được thể hiện trên nhiều thể loại mỹ thuật tạo hình.Nhưng đối với thế hệ trẻ trước 1975, họa sĩ ViVi là một người bạn quen thuộc, được nhắc đến với những truyện tranh và tranh bìa tuyệt đẹp trên các tờ báo Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Bạn Trẻ một thời. Và thực không có gì đáng ngạc nhiên khi trong lòng những người mến mộ, ông được mệnh danh là họa sĩ của tuổi thơ.

>>> Truyện tranh – Giáo dục nội dung và thẩm mĩ cho trẻ!

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Với thiếu nhi thì truyện tranh tác động đến tâm lý không nhỏ. Rất nhiều thế hệ đã lớn lên gắn bó với những tác phẩm truyện tranh để trở thành người biết ước mơ và dám hành động, là cá nhân sống có ích cho xã hội. Cái công của người họa sĩ vẽ truyện tranh lớn là vậy. Và ngoài vẽ truyện tranh, thì những tác phẩm lớn ở thể loại mỹ thuật khác của họa sĩ ViVi đã được mến mộ khắp năm châu. Thế nhưng họa sĩ ViVi lại chia sẻ nhẹ nhàng: “Chú tự nhận xét mình nhỏ nhoi như bút ký ViVi (Việt Nam & Vĩnh Long) và chuyên vẽ tranh thiếu nhi, cũng như truyện con nít chứ có chi lớn lao đâu.”

Người họa sĩ có cuộc đời lớn là thế, mà lặng lẽ, khiêm nhường là thế. Người ở lại trong lòng các em nhỏ, và cả những người lớn đã từng là trẻ con mãi mãi bởi lẽ “Vẽ truyện tranh cho thiếu nhi là một niềm đam mê.”

41 avatar

Chân dung tự họa của họa sĩ ViVi. (Ảnh: internet)

Phỏng vấn họa sĩ ViVi, để giữ lại tính chân thực và sự thân tình trong nội dung chia sẻ, tôi xin phép được giữ lại cách xưng hô “chú-cháu” trong những câu hỏi đáp. – Tuệ An.

Tuệ An: Thưa chú ViVi, trước năm 1975, rất nhiều người trẻ đã hâm mộ những bức tranh vẽ của chú dành cho thanh thiếu niên trên các tạp chí Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, và chú còn cộng tác vẽ truyện tranh cho hai nhật báo là Dân Chủ và Độc Lập.

Chú bắt đầu vẽ thể loại truyện tranh là từ bao giờ? Chú có thể chia sẻ những kỷ niệm của chú với truyện tranh ạ?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Mến chào Tuệ An, tôi bắt đầu vẽ truyện tranh khi còn là học sinh tiểu học, vẽ để chuyền tay cho anh em cùng lớp xem cho vui. Đến năm 1958 mới chính thức đăng trên tờ báo Tuổi Xanh với truyện “Cọp Vằn Cóc Tía”, “Xã Hội Kiến”…

Tuệ An: Chú có thể chia sẻ cho chúng cháu biết đôi điều về truyện tranh Việt Nam thời kỳ chú còn ở trong nước? Ngoài truyện tranh Việt trên hai nhật báo là Dân Chủ và Độc Lập, thì truyện tranh Việt còn có trên các báo nào nữa và ở những hình thức nào ạ (theo các kỳ vài trang, góc truyện tranh, hay cuốn truyện,..)

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Phần tôi, trên nhật báo Độc Lập là tranh truyện dài, mỗi ngày đăng một trang và ngày hôm sau đăng tiếp. Trên nhật báo Dân Chủ, mỗi ngày đăng một góc tranh (ba hoặc bốn tranh một hàng trọn kỳ) chuyện sinh hoạt đời thường, ngày đêm của một cặp vợ chồng: “Chuyện Nàng Hương”… Ngoài ra, tôi cũng vẽ tranh truyện cộng tác với các tờ tuần san, bán nguyệt san Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Bạn Trẻ… và cùng góp tranh minh họa đen trắng cho các sách giáo khoa của các nhà xuất bản Khai Trí, Quê Hương, Cành Hồng, Nhật Tảo, Sống Mới, minh hoạ màu cho sách tiểu học trường Claire Joie (chi nhánh của trường Regina Mundi). Và tôi còn vẽ bìa cho các nguyệt san Công Giáo: Tinh Thần, Trái Tim Đức Mẹ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Ngoài truyện tranh Việt trên hai nhật báo Dân Chủ và Độc Lập, truyện tranh trong thời gian trước 1975 còn có nhiều lắm. Khi tôi còn bé thường hay xem những tập truyện cổ tích bằng tranh vẽ do họa sĩ Thiếu Linh (vẽ bằng bút lông) và Hương Hội (vẽ bằng bút sắt). Khổ sách truyện này lớn cỡ báo Saigon Tiếp Thị, ngoại trừ bìa màu, các minh họa nguyên trang một hình đen trắng. Một loạt sách phát hành trước thời tranh truyện.

Sau đó, khoảng thập niên 60 – 70 tranh truyện thực sự khởi sắc qua phụ bản hằng tuần của nhật báo Ngôn Luận, đó là  hàng loạt tranh truyện “Bé Ngôn Bé Luận”, “Chúa Đảo Mai Sơn” qua nét vẽ độc đáo, thần kỳ và linh động của  họa sĩ Văn Hiếu (rất xứng đáng bậc thầy về tranh truyện). Ngoài ra còn có họa sĩ Văn Đạt với nét vẽ chân phương, đơn giản dễ thương qua những trang tranh truyện trên tờ Măng Non. Họa sĩ Nguyễn Thọ với những tranh truyện “Ác Quỷ Truyền Kiếp”, “Ma Cà Rồng” (dự theo các phim Dracula) đăng tên tạp san Bạn Trẻ….

41 (3)

Ngoài những tập san trên, còn có rất nhiều tập tranh truyện phát hành hàng ngày (?) không  có in tên người chịu trách nhiệm xuất bản. Sao chép hay đồ lại các tranh truyện nước ngoài như: TinTin, Lucky Luke, Xì Trum (Stroumph), Charlot, Chú Thòòng… Loạt tập tranh truyện này in lem nhem, thay lời cẩu thả (không phải dịch hay chuyển ngữ) rẻ tiền… chỉ bày bán ở các sạp hay lề đường, không bán trong nhà sách.

Tuệ An: Lúc đó chú tự viết kịch bản và vẽ hay người viết kịch bản là người khác ạ? Và nếu là người khác thì người viết kịch bản cho chú là ai ạ?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Trước năm 1975, tôi vừa vẽ tranh vừa viết lời. Còn từ 1975 – 1980, tôi vẽ theo kịch bản của các nhà văn (như Thái Thăng Long, Nam Thanh, Phùng Thái,…) cho các báo thiếu nhi.

Tuệ An: Chú đánh giá như thế nào về vai trò của người viết kịch bản và người vẽ truyện tranh?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Người viết kịch bản và người vẽ tranh quan trọng như nhau, bổ sung cho nhau… Một lời văn, họa sĩ truyện tranh có thể phác họa hàng chục bức hình cũng chưa đủ, ngược lại một nét vẽ cũng có thể diễn đạt nguyên một đoản văn.

Tuệ An: Chỉ một khoảng thời gian ngắn khi còn trẻ chú vẽ truyện tranh mà thôi, sau này thì hướng đi của chú là sáng tác hội họa và điêu khắc. Vậy với góc độ của một người làm mỹ thuật, chú đánh giá về người họa sĩ vẽ truyện tranh như thế nào so với sáng tác những loại hình mỹ thuật khác?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Với tôi vẽ truyện tranh cho thiếu nhi là một niềm đam mê. Ra nước ngoài tôi mới sáng tác tranh mỹ thuật nhiều hơn, vì khi còn trong nước tôi chỉ đem thời giờ miệt mài vẽ tranh truyện cho thiếu nhi thôi. Thế nên theo tôi nghĩ người vẽ truyện tranh cho thiếu nhi rất xứng đáng là một nghệ sĩ ngang vai với họa sĩ sáng tác tranh mỹ thuật vị nghệ thuật, vì đem khả năng phục vụ cho thiếu nhi, cho mọi tầng lớp xã hội với một loại hình mỹ thuật vị nhân sinh…

41 (1)

Ngoài vẽ truyện, họa sĩ ViVi còn vẽ tem thư. (Ảnh: internet)

Tuệ An: Truyện tranh nước nhà sau này, bị ảnh hưởng và chi phối rất nhiều bởi truyện tranh nước ngoài, trước là comic của Tây Âu, rồi sau đến Manga của Nhật Bản, ManHwa của Hàn Quốc, Manhua của Trung Quốc, thực sự truyện tranh Việt bị chèn ép thị trường và chưa có được tiếng nói, đường đi… Chú có thể đóng góp những ý kiến riêng, chúng ta nên làm như thế nào để phát triển truyện tranh Việt?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Nhân tài Việt Nam ta nhiều lắm, giỏi lắm. Ý kiến riêng của tôi là chúng ta nên động viên, khuyến khích họ bằng cách mở những cuộc thi: Thi viết truyện cho thiếu nhi, thi vẽ tranh truyện. Các nhà xuất bản chọn những truyện hay, có nội dung tốt, có nhiều hoạt cảnh hay rồi mời một số họa sĩ tạo hình cho các nhân vật… Ban biên tập của nhà xuất bản phối hợp với nhà văn cùng họa sĩ làm việc chung với nhau, trao đổi, phân cảnh, phác thảo… Không khác các hãng quay một cuốn phim truyện, người họa sĩ hay nhà văn cũng giống một nhà đạo diễn (nếu họa sĩ có khả năng phân cảnh, dựng hình thì tốt nhất). Với đường nét đặc thù rất Việt Nam, không trùng lặp hoặc ảnh hưởng những tranh truyện nước ngoài.

Ở Sài Gòn (Tôi không ở các thành phố khác nên không biết) có họa sĩ có tài với quá trình diễn tả tranh truyện hay, như họa sĩ Nguyễn Tài, Văn Minh… sau này có rất nhiều họa sĩ chuyên vẽ tranh truyện rất khá như Vũ Xuân Hoàn, Thành Phong, Lê Mạnh Cương, Hoàng Nam Việt, Nguyễn Quang Huy…. Nên tụ họp tất cả để cùng thảo luận một hướng sáng tác tranh truyện của Việt Nam. Tôi tin chắc chắn anh chị họa sĩ sẽ  đạt được rất tuyệt. 

Tuệ An: Cháu được biết, ở Mỹ có nhóm Viettoon cũng đang làm truyện tranh Việt cho trẻ em là Việt Kiều Mỹ và trẻ em bản xứ nhằm giới thiệu về văn hóa, con người, và đất nước Việt Nam. Chú suy nghĩ ra sao về vai trò chuyển tải tình yêu quê hương đất nước và những thông điệp khác qua truyện tranh?

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Như tôi trình bày ở trên. Một nét vẽ có thể diễn đạt cả một đoạn văn, vậy một hình minh họa trong trang truyện tranh cho độc giả nhận biết được nhân vật trong truyện đang đóng vai gì, đang làm gì…

Thế nên bất cứ một trang tranh truyện cũng có thể truyền đạt một thông điệp nào đó cho độc giả, về quê hương, gia đình, bằng hữu, tình yêu, giáo dục, luân lý…

Tranh truyện bắt mắt, thu hút người xem, thấy và hiểu nhanh hơn đọc một trang truyện văn.

Hy vọng tranh truyện Việt Nam sớm khởi sắc.

Tuệ An: Cảm ơn chú rất nhiều ạ.

ViVi – Võ Hùng Kiệt: Cám ơn Tuệ An và kính chào độc giả.

 Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM