Lịch sử Truyện tranh và Phim hoạt hình Nhật – Kỹ năng trong manga và anime - Comic Media Academy

Lịch sử Truyện tranh và Phim hoạt hình Nhật – Kỹ năng trong manga và anime

07/05/2015

Trong quá trình nghiên cứu kỹ năng đọc viết và giá trị của việc đọc tự nguyện, nhà nghiên cứu Stephen Krashen phát hiện ra rằng truyện tranh là một kho từ vựng không được mọi người công nhận, là công cụ rèn luyện kỹ năng đọc viết, và là nguồn khích lệ niềm đam mê đọc truyện.

lich su truyen tranh 1

Phòng đọc cho trẻ em tại bảo tàng truyện tranh của Nhật (Ảnh: Internet)

Theo Krashen, truyện tranh không đơn thuần mang tính giải trí dành cho trẻ em, nó còn cung cấp vốn tự vựng nhiều hơn gần 20% so với sách thiếu nhi, và hơn 40% so với cuộc đối thoại giữa trẻ em và người lớn. Việc đọc theo sự lựa chọn riêng có giá trị vun đắp niềm đam mê đọc truyện và lòng tự tin nơi trẻ nhỏ (Krashen 1993). Hình ảnh trong truyện tranh giúp độc giả nắm bắt nội dung miêu tả hoặc ngữ cảnh mà không cần diễn giải dài dòng. Khi Michele Gorman nghiên cứu mối liên kết giữa kỹ năng đọc viết và tiểu thuyết hình ảnh, cô nhận thấy tiểu thuyết hình ảnh thu hút độc giả qua việc giúp họ rèn luyện kỹ năng đọc viết và liên kết lời thoại với khung hình (Gorman 2003). Cùng một nội dung, nếu diễn đạt bằng hình ảnh sẽ dễ tiếp thu hơn so với diễn đạt bằng văn xuôi (Versaci 2001).

Chúng ta rõ ràng đang sống trong thế giới đa phương tiện. Trẻ em lớn lên cùng với các kỹ năng mà thế hệ đi trước không có, từ học vẽ chuyên nghiệp, sử dụng vi tính cho đến sáng tác truyện dựa trên video ca nhạc. Các bậc phụ huynh có thể ngồi đánh vật với hàng đống từ viết tắt trong bức tin nhắn nhanh (instant messaging), trong khi con em họ lại không thể tưởng tượng nổi thế giới sẽ ra sao nếu thiếu nó. Giới tuổi teen dành phần lớn thời gian trong đời cho việc đọc kể truyện, gởi tin nhắn nhanh, chơi video game, và truy cập Internet. 89% khách truy cập mạng là teen, với 81% lên mạng để chơi game (so với 56% trong năm 2000) (Pew Internet Life and American Life Project, tháng 7/2005), 57% tạo nội dung online (2/5 teen chia sẻ nội dung do mình sáng tác, chẳng hạn như blog và trang Web, và 1/5 remix nội dung từ nhiều nguồn online khác nhau). Đọc truyện truyền thống gặp phải sự cạnh tranh rất lớn với những phương tiện kể trên, và teen đang học cách chọn lựa phương tiện yêu thích để kể chuyện (Pew Internet Life and American Life Project, tháng 11/2005).

lich su truyen tranh 2

Ảnh minh họa

Truyện tranh và tiểu thuyết hình ảnh đòi hỏi kỹ năng liên kết nội dung miêu tả, lời thoại, hình ảnh, ký hiệu, và khung hình thành câu chuyện mạch lạc với nhiều tình tiết sinh động phức tạp (McCloud, 1993). Giả sử bạn yêu cầu một độc giả đọc thử lần đầu cuốn truyện manga nào đó, người đó sẽ lúng túng không biết đích xác nhân vật nào với nhân vật nào, chuyện gì đã xảy ra, xảy ra như thế nào, và tại sao. Nhưng cũng cuốn truyện ấy đưa cho độc giả thông minh, người đó sẽ thích ứng nhanh hơn, biết rút ra thông tin và đầu mối trực quan cần thiết để sáng tác thành câu chuyện (Lyga, 2004). Sự thích ứng liên quan đến kinh nghiệm mà độc giả từng trải qua với phương tiện nghe nhìn (visual media). Kỹ năng nghe nhìn (visual literacy) là lĩnh vực mới phát triển; nó sở dĩ được quan tâm là do thế hệ trẻ thích ứng rất dễ dàng với tín hiệu trực quan, trong khi các bậc phụ huynh lại không biết cách sáng tác câu chuyện dễ đọc từ nhiều nguồn khác nhau.

Truyện tranh và tiểu thuyết hình ảnh là những ví dụ tiêu biểu về việc kết hợp kỹ năng nghe nhìn với kỹ năng đọc viết truyền thống. Kỹ năng truyện tranh – tức kỹ năng xem diễn biến trong khung hình – là kỹ năng mới kết hợp đầu mối trực quan với đầu mối văn bản. Đọc truyện tranh là hoạt động mang tính chất học hỏi đối với thế hệ trẻ lớn lên trong thế giới luôn đan kết giữa hình và chữ. Việc có trình độ hiểu biết hay không tùy thuộc vào độc giả có kinh nghiệm đọc truyện tranh hay chưa. Vì vậy, độc giả từng đọc truyện tranh từ nhỏ, khi mới đến với manga, sẽ đi trước một bước so với độc giả mới đọc lần đầu. Các thế hệ lớn lên trong những năm 1940 – 1960 đa số đọc truyện tranh từ nhỏ, nhưng những thế hệ sau này, đặc biệt từ những năm 1980 trở đi, lại ít đọc truyện tranh và tiểu thuyết hình ảnh. Đọc truyện tranh trở thành hoạt động mang tính đam mê, và nhiều độc giả từ bỏ đọc truyện sau khi lớn lên. Giới trẻ ngày nay lớn lên cùng với video game, chương trình truyền hình, và Internet, nên chúng thường có khuynh hướng ưa chuộng thể loại mới so với cha mẹ chúng ngày xưa (Gorman, 2003).

lich su truyen tranh 3

Giới trẻ Nhật say sưa đọc truyện (Ảnh: Internet)

Độc giả Nhật Bản nổi tiếng về đọc truyện mọi lúc mọi nơi – trên xe lửa hoặc trong giờ nghỉ giải lao – với tốc độ nhanh đến khó tin. Họ thường chỉ mất có 20 phút để đọc xong cuốn tạp chí truyện tranh dày hơn 300 trang, tức cứ 4 giây là đọc xong một trang. Đây dường như là điều không thể đối với độc giả truyện văn xuôi, hoặc thậm chí cả độc giả truyện tranh Mỹ – độc giả làm sao có thể nắm hết thông tin trên trang truyện chỉ trong bốn giây ngắn ngủi? Đọc manga rõ ràng khác với đọc truyện tranh Mỹ. Giới trẻ phương Tây dường như cũng đang trên đà đọc truyện manga nhanh chẳng thua kém gì các fan Nhật.

Trong khi tất cả truyện tranh đều kể chuyện bằng ngôn ngữ trực quan (visual language) quen thuộc, từ khung thoại và hiệu ứng âm thanh cho đến quy ước nghệ thuật, thì manga lại sử dụng ký hiệu khác hẳn rất khó hiểu đối với độc giả nước ngoài. Cũng như chúng ta biết ký hiệu bóng đèn trên đầu nhân vật có nghĩa là gì trong truyện tranh, độc giả Nhật Bản biết ký hiệu xịt máu mũi có nghĩa như thế nào trong manga. Một ký hiệu có thể dễ hiểu đối với độc giả thuộc nền văn hóa này, nhưng lại khó hiểu đối với độc giả thuộc nền văn hóa khác. Một trong những rào cản lớn nhất khiến độc giả nước ngoài không hiểu các ký hiệu sử dụng trong manga chính là sự bất đồng về văn hóa, và độc giả nước ngoài cần trải qua quá trình tìm hiểu mới giải mã được chúng.

lich su truyen tranh 4

Học sinh thư giãn đọc truyện trong giờ giải lao (Ảnh: Internet)

Manga có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ điện ảnh hơn là ngôn ngữ truyện tranh. Do các họa sĩ truyện tranh Nhật chịu ảnh hưởng của hoạt hình 2D và điện ảnh Hollywood của những năm 1930 – 1940, nên cách trình bày của họ mang đậm phong cách điện ảnh hơn hầu hết truyện tranh Mỹ. Muốn thực sự hiểu rõ về manga, chúng ta phải đi tìm nguồn gốc của chúng qua các bộ phim, chương trình truyền hình, và truyện tranh.

Đừng quên rằng không có phương tiện mới nào thay thế được phương pháp đọc sách truyền thống – chúng chỉ thêm vào cái đã có mà thôi. Nếu giới trẻ tìm đọc những thể loại truyện mà chúng ta ít biết đến, với tư cách là thủ thư, chúng ta phải buộc lòng thỏa hiệp với chúng, và một trong những cách tiến đến thỏa hiệp là tìm hiểu và sưu tầm tiểu thuyết hình ảnh, nhất là manga.

Robin E. Brenner
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM