Kinh doanh truyện tranh tìm lại thời hoàng kim

Kinh doanh truyện tranh tìm lại thời hoàng kim

05/05/2015

Sự kiện ký kết giữa Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty xuất bản Shogakukan, cùng ông Fujiko F. Fujio-tác giả của truyện tranh Doremon, về việc dịch và xuất bản bộ truyện này tại Việt Nam vào năm 1993 đã mở một lối đi mới cho sáng tác và kinh doanh truyện tranh tại Việt Nam.

Và ảnh hưởng rõ nét nhất của thủ pháp học vẽ truyện tranh theo phong cách Nhật Bản phải kể đến bộ truyện Thần Đồng Đất Việt, do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Phan Thị phối hợp thực hiện. Có thể nói, đây là bộ truyện đầu tiên ở Việt Nam được vẽ theo thủ pháp này và rất thành công.

Việt Nam có hơn 20 nhà xuất bản sách dành cho thiếu niên và nhi đồng. Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, số lượng truyện tranh chiếm tỷ lệ khoảng 35-40% trong tổng số 1.500 – 1.800 đầu sách xuất bản hàng năm, đây cũng là số lượng đầu sách xuất bản tương đối ổn định trong vòng 5 năm trở lại đây của Kim Đồng.

kinh doanh truyen tranh 1

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới làm sách, sau khi rộ lên với một số tác phẩm truyện tranh gây chú ý như Thần Đồng Đất Việt, Long Thần Tướng, Dũng sĩ Hesman…, truyện tranh Việt Nam lại có phần chìm lắng. Một số đã phải đình bản, số khác thì cố gắng tạo ra những sản phẩm ăn theo.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị cho biết ngoài đầu truyện thành công Thần Đồng Đất Việt, công ty còn phát triển thêm những nhánh truyện dùng tuyến nhân vật Thần Đồng Đất Việt như Thần Đồng Đất Việt Khoa học, Toán học, Mỹ thuật, Chém gió, Hoàng Sa-Trường Sa… Dự án Thần Đồng Đất Việt Hoàng sa -Trường sa đã khởi động được một năm, 3 tháng phát hành một tập vì cần thời gian nghiên cứu cứ liệu lịch sử. Thần Đồng Đất Việt lúc mới ra phát hành 70.000-100.000 bản in, bây giờ phát triển thành 5, 6 phiên bản nên tính tổng thể tất cả thì sản lượng phát hành tăng với trước đây.

Gần đây bộ truyện tranh Dế Rô Bốt của Phan Thị cũng đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng vì bị cho rằng ăn theo bộ truyện tranh nổi tiếng Doremon. Giải thích về điều này, bà Hạnh giải thích mèo là linh vật của người Nhật, còn dế là con vật thân thuộc được thiếu nhi yêu thích, đưa vào văn học Việt Nam. Mèo Doremon có túi thần kỳ cùng những bửu bối đại diện cho nền khoa học tiên tiến của Nhật Bản, trong khi Dế Rô Bốt có tài ảo thuật giống như người Việt Nam khéo léo về thủ công mỹ nghệ. Những bửu bối được biến hóa có sẵn trong cổ tích Việt Nam được đưa vào câu chuyện như nồi cơm Thạch Sanh, giếng thần, cây tre trăm đốt… “Truyện phát hành một tập/tháng, kể từ tháng 9 này mới tăng lên 2 tập/tháng. Trong thời gian tới Phan Thị sẽ phát triển làm truyền thông, quảng bá cho tập truyện này để tăng số lượng phát hành và cơ sở phân phối”, bà Hạnh cho biết.

Ngoài doanh thu bán truyện, các hoạt động ăn theo cũng đang được khai thác triệt để.

Phan Thị Mỹ Hạnh, Công ty Phan Thị cho biết thêm, trước đây hình ảnh Thần Đồng Đất Việt được kết hợp với Công ty Vĩnh Tiến sản xuất dòng tập vở rất thành công. Nhưng vì hợp đồng bản quyền không được tôn trọng nên dự án dừng lại. Hiện nay, các cơ sở cũng chuộng in hình logo tư nhân hoặc lấy hình ảnh Disney hay của Nhật Bản có tầm phủ lớn hơn. Vì vậy thương hiệu và hình ảnh truyện tranh Việt Nam cần có những đơn vị làm cầu nối giữa cơ sở truyện tranh và các doanh nghiệp. Hiện Phan Thị đang có chiến lược tạo ra những sản phẩm để đi chào hàng, giới thiệu đến các doanh nghiệp.

Gần đây, tác phẩm Học sinh chân kinh của nhóm tác giả B.R.O cũng gây được nhiều sự chú ý của lứa tuổi học sinh nhờ vào nội dung hài hước và phù hợp tâm lý. Hoàng Anh Tuấn, thành viên của B.R.O tiết lộ nhóm anh đã mất 6 năm để tìm hiểu thị trường và nắm bắt tâm lý độc giả, sau đó mất thêm 2 năm để hoàn thiện kịch bản mới có thể cho ra đời tác phẩm hiện nay: “Ở Việt Nam việc xuất bản có khá nhiều quy trình gây khó khăn cho người sáng tác. Sáng tác truyện tranh không chỉ là vẽ mà là cả một quy trình. Nếu bạn xây dựng được một quy trình từ thăm dò thị trường, xây dựng kịch bản, sáng tác và đưa đến độc giả thì tác phẩm đó mới thành công”.

Ngoài việc phân phối với giá bìa 35.000 đồng, Học sinh chân kinh còn tiến hành khảo sát thị trường, thăm dò trên cộng đồng mạng để sản xuất những mặt hàng ăn theo như áo thun, ly sứ, tập vở… Trong đó, mặt hàng bán chạy nhất là áo thun với giá bán 120.000 đồng/áo. Đặc biệt, sản phẩm in các câu nói được các bạn trẻ rất yêu thích, như “mất ngủ vì không có đối thủ”… luôn được đặt hàng nhiều.

kinh doanh truyen tranh 2

Thị trường truyện tranh gần đây cũng chứng kiến sự quay trở lại của nhiều đầu truyện tranh từng nổi đình đám.

Truyện tranh Long Thần Tướng được đăng trên tạp chí Truyện tranh Trẻ của Nhà xuất bản Trẻ từ tháng 12/2004 và kéo dài 15 chương, cho đến khi tạp chí này ngừng xuất bản vào tháng 7/2005. Trong 10 năm qua, đã có nhiều nhà xuất bản đề nghị tái bản Long Thần tướng, nhưng nhóm tác giả không đồng ý và gần đây chọn cách gây quỹ kêu gọi cộng đồng để cho ra mắt bộ truyện.

Dựa trên những tính toán chi phí từ sáng tác đến những công đoạn khác nhau như thiết kế, vận chuyển, phát hành, giấy phép, truyền thông… nhóm tác giả kêu gọi ủng hộ trên mạng Facebook đủ 300 triệu đồng sẽ tiến hành xuất bản tập đầu tiên.

Họa sĩ vẽ truyện tranh Thành Phong chia sẻ lý do khiến anh lựa chọn hình thức xuất bản mới mẻ này ở Việt Nam vì việc tìm kiếm nhà đầu tư hoặc một tổ chức để đầu tư vào sản xuất truyện tranh là gần như bất khả thi. Các nhà xuất bản thực sự không hứng thú nhiều với các dự án truyện tranh trong nước bởi mức độ rủi ro khá cao. Vậy nên anh đã chọn cách tiếp cận độc giả, những người sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, với việc tự xoay vốn này, đội ngũ họa sĩ sẽ không phải chịu bất kỳ sự chi phối từ một nhà xuất bản nào. Họ có thể phát triển, sáng tạo và toàn quyền quyết định kênh phát hành cho mình. Thành Phong cho biết tập đầu tiên của Long Thần Tướng sẽ ra mắt vào đầu tháng 10 tới với khoảng 5.000 bản in.

“Hiện giờ thị trường truyện tranh cũng đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng hầu hết cũng do các tác giả tự thân vận động. Ngoại trừ một vài công ty truyện tranh như Phan Thị thì ít có đơn vị lớn sản xuất truyện tranh của tác giả Việt Nam. Nếu các nhà xuất bản có chính sách hỗ trợ, lên kế hoạch phát hành, bán và marketing cho truyện tranh thì sẽ giúp đỡ cho các tác giả rất nhiều”, họa sĩ này chia sẻ.

Gần đây, họa sĩ Hùng Lân, cha đẻ của bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman nổi tiếng một thời đã thông báo về việc tái bản lại bộ truyện tranh của mình. Ông cho biết mới ký hợp đồng với một đối tác ở TP.HCM và khẳng định trong tháng 10 tới sẽ phát hành mỗi tuần một tập như ngày xưa. Truyện được họa sĩ Hùng Lân sáng tác từ năm 1992 đến năm 1996 với độ dài 159 tập, mỗi tập 72 trang. Nội dung của Dũng sĩ Hesman được phóng tác theo bộ phim hoạt hình Voltron – Defender of the Universe. Tuy nhiên, phim chỉ kéo dài 4 tập, nội dung của 155 tập còn lại đã được tác giả Hùng Lân sáng tác thêm. Số lượng xuất bản của truyện đạt tới hơn 160.000 bản/ tập, một con số đáng mơ ước của bất kỳ bộ truyện tranh Việt nào hiện nay.

Giám đốc một nhà xuất bản nhận định, trước sự cạnh tranh của truyện tranh ngoại, truyện tranh trong nước vẫn yếu thế, lép vế. Chưa kể, những truyện tranh Nhật Bản làm mưa làm gió cách đây 10 năm như Doremon, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng… giờ đây vẫn luôn được trưng bày ở vị trí trung tâm tại các nhà sách. Bình quân mỗi tập truyện giá 18.000 đồng, nếu có in màu và bìa rời thì giá hơn 20.000 đồng. Đa phần truyện tranh Việt Nam khiêm tốn với 2.000-5.000 bản, trong khi đó những truyện tranh nước ngoài ăn khách phát hành 100.000 bản là chuyện bình thường.

Khó khăn của truyện tranh trong nước còn đến từ các website chia sẻ truyện tranh online lậu khiến thị trường truyện tranh truyền thống vốn đã ít ỏi nay lại bị thu hẹp hơn. Thêm vào đó là tình trạng xuất bản truyện tranh không bản quyền vẫn tiếp diễn tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà xuất bản thực thi nghiêm túc bản quyền với những người làm sách lậu.

CMA – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM