Khát nguồn nhân lực truyện tranh Việt

“Khát” nguồn nhân lực truyện tranh Việt

10/06/2015

Đã từ lâu, thị trường truyện tranh Việt Nam bị lấn lướt bởi “quốc đảo hình vòng cung”. Khi nền truyện tranh Việt Nam còn chưa kịp định hình về phong cách thì Manga (Truyện tranh Nhật) đã hút hồn trẻ em Việt từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình, Gíám đốc Công ty Phan Thị cho rằng: “Thật tâm mà nói, thất bại lớn nhất của tôi trong suốt chặng đường theo đuổi lý tưởng này chính là nguồn nhân lực…”(*). Có chăng, đây là nguyên nhân khiến truyện tranh Việt Nam có khoảng lùi rất xa so với mặt bằng chung của nền truyện tranh thế giới? 

Nghề cần người…

Trước khi đón chào công dân thứ 90 triệu, Việt Nam vẫn là một quốc gia có dân số đông đứng thứ 14 trên thế giới, đứng thứ 8 ở Châu Á và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Bên cạnh số lượng dân số đông, Việt Nam còn là một quốc gia có “cơ cấu dân số vàng”, với tỷ lệ thanh-thiếu niên từ 10-24 tuổi chiếm gần 40% dân số, chưa kể đến những đứa trẻ dưới 10 tuổi. Do đó, nhu cầu đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình và giải trí bằng phương tiện kĩ thuật số là rất lớn. Trong khi đó, thị trường ngành truyện tranh của Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ, các tác phẩm ghi dấu ấn của truyện tranh Việt vẫn còn khan hiếm. Có thể thấy, truyện tranh tại Việt Nam đang bị đè nén bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nền truyện tranh thuần Việt vẫn chưa có được chỗ đứng trên “sân chơi” của mình chính là nguồn nhân lực.

Hình 1 - Khát nguồn nhân lực Truyện tranh Việt

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình, Gíám đốc Công ty Phan Thị – người nhiều năm gắn bó với nền truyện tranh thuần Việt (Ảnh: CMA)

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh – người gắn bó với bộ truyện tranh đầu tiên mang thương hiệu Việt, cũng là người đang dốc sức phát triển Viện Truyện tranh và Hoạt hình – trăn trở: “Thật tâm mà nói, thất bại lớn nhất của tôi trong suốt chặng đường theo đuổi lý tưởng này chính là nguồn nhân lực. Sáng tác truyện tranh vừa khó vừa khổ, vẽ một cuốn sách cũng không kiếm được nhiều tiền so với vẽ bìa, thiết kế logo… Cũng nhiều người có năng lực nhưng ý tưởng, quan điểm sáng tác và mục đích không gặp nhau. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng tìm kiếm những dự án thay thế, tiếp nối. Phan Thị đã đi trên hành trình này nhiều năm, gặp không ít rủi ro, nhưng chúng tôi muốn kiến tạo nên một nền công nghiệp truyện tranh đúng nghĩa. Tôi tin chúng ta sẽ làm được.”(*)

Truyện tranh là một ngành công nghệ giải trí mà Việt Nam chưa “chạm” tới khi nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để lật đổ sức ảnh hưởng từ manga của Nhật, manhwa của Hàn Quốc, manhua của Trung Quốc, comics của phương Tây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, truyện tranh Việt không chỉ tồn tại ở mức độ “cầm chừng” như trước, nhưng đã có sự khởi sắc với sự ra đời của những bộ truyện mới, đặc biệt là bộ truyện Long Thần Tướng, Học sinh chân kinh… Tuy nhiên, một bộ Thần Đồng Đất Việt hay Long Thần Tướng vẫn là chưa đủ để giúp truyện tranh Việt chiếm lĩnh thị trường vốn thuộc về mình. Truyện tranh vẫn là một “nghề” đang “cần người” và thật-nhiều-người để phát triển nền truyện tranh thuần Việt.

“Phao cứu sinh” cho ngành truyện tranh Việt

Để giải quyết bài toán khó này, ngày 04/08/2014, Viện Truyện tranh và Hoạt hình (trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam) ra đời như một chiếc “phao cứu sinh” cho tương lai của ngành truyện tranh Việt. Đây là bước đi đầu tiên mà những người tâm huyết thực hiện để lấy lại quyền làm chủ của mình.

Hoc ve truyen tranh o tphcm

Lớp học vẽ truyện tranh tại Viện truyện tranh và phim hoạt hình (Ảnh: CMA)

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Từ lâu, chúng ta chỉ có trường dạy vẽ, không có nơi nào dạy sáng tác truyện tranh. Nguồn nhân lực trẻ ra đời vẽ giỏi nhưng không phải ai cũng có tư duy sáng tạo truyện. Viện ra đời sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, khi đã đào tạo một cách chính quy nguồn nhân lực thì sẽ phát triển được đồng bộ các ngành, không chỉ truyện tranh mà còn phim hoạt hình, kịch bản và thiết kế mỹ thuật game.”

Thực tế đã chứng minh cho lời chia sẻ của bà Hạnh là hoàn toàn có cơ sở. Khi ở Việt Nam, người ta biết đến tên tuổi của các họa sĩ nhiều hơn là họa sĩ vẽ truyện tranh. Họa sĩ vẽ truyện tranh là lĩnh vực tuy cũ nhưng lại mới so với người Việt. Bởi lẽ, một tác phẩm truyện tranh không chỉ cần được làm mới về hình ảnh, mà còn đòi hỏi phải mới lạ về nội dung. Đây là một thị trường mới, cần xác định hướng đi. Điều này đã được thể hiện rõ trong quan điểm của Họa sĩ – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hoàng (Nguyên hiệu trưởng ĐH Mỹ Thuật TPHCM): “Viện Truyện tranh và Hoạt hình ra đời tạo ra nhiều hướng đi mới cho giới họa sĩ Việt Nam. Bên cạnh các lĩnh vực mỹ thuật, hội họa truyền thống, người họa sĩ có thể tham gia làm việc ở các dự án truyện tranh, hoạt hình, game. Hướng đi này rất thực tế, vì truyện tranh, hoạt hình và game luôn đổi mới từng ngày.”

Công thức mới cho bài toán khó

Đáp ứng nhu cầu “cần người” của ngành truyện tranh thuần Việt. Mới đây, Viện Truyện tranh và Hoạt hình triển khai khóa học vẽ truyện tranh chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê nghề vẽ truyện tranh có cơ hội “sống” với nghề.

Đặc biệt, để nhanh chóng đáp ứng nhân lực cho ngành vẽ truyện tranh và hoạt hình đang còn nhiều “lỗ hổng” trên thị trường, Viện truyện tranh và Hoạt hình mở các lớp học hệ Trung cấp chuyên nghiệp 9+3 và Trung cấp chuyên nghiệp 12+2 với mục đích rút ngắn thời gian học tập cho các bạn trẻ. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ mới tốt nghiệp THCS hoặc THPT làm quen sớm với công việc của một họa sĩ truyện tranh, một nhà làm phim hoạt hình hay một chuyên gia thiết kế game ngay khi còn trên ghế nhà trường. Đây là kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà không phải môi trường học tập nào cũng có thể thực hiện được.

HÌNH 3 - Khát nguồn nhân lực Truyện tranh Việt

Bạn Lương Duyên, học viên của Viện Truyện tranh và Hoạt hình trong giờ học làm phim hoạt hình tĩnh vật – đất sét (Ảnh: CMA)

Các hệ đào tạo của Viện Truyện tranh và Hoạt hình là sự kết hợp của công thức “học + làm = công việc”. Bên cạnh đó, học viên cũng là nguồn nhân lực mà Viện Truyện tranh và Hoạt hình đầu tư, đào tạo để phục vụ cho sự phát triển của ngành truyện tranh thuần Việt trong tương lai.

Để nền công nghiệp truyện tranh Việt Nam đuổi kịp nền truyện tranh thế giới, cách duy nhất là rút ngắn thời gian. Phát triển chương trình học theo hệ Trung cấp chuyên nghiệp là cách thức đào tạo có mới có hiệu quả để nhanh chóng bắt kịp với xu hướng phát triển của thời đại. Đây là một con đường mới trong nhiều con đường giúp người thích vẽ truyện tranh và phim hoạt hình có thể tiếp cận với nghề nghiệp mà mình yêu thích trong thời gian ngắn nhất.Đây cũng là phương án mà ông Lý Hiển Long – Thủ tướng đương nhiệm của Singapore – kêu gọi người dân trong đất nước ông suy nghĩ với lời phát biểu: “Là một xã hội, chúng ta phải luôn ủng hộ, hỗ trợ và loại bỏ các thành kiến với nhau. Chúng ta không nên đánh giá con người thông qua những bằng cấp trên giấy mà phải bằng kỹ năng và sự đóng góp của họ”.(**)

HÌNH 4 - Khát nguồn nhân lực Truyện tranh Việt

Một trong số những tác phẩm Illustration nổi tiếng
của họa sĩ Nguyễn Thanh Nhàn (Ảnh: Thanh Nhàn)

Họa sĩ Nguyễn Thanh Nhàn là người minh chứng rất rõ cho sự thành công trong nghề bằng con đường vừa học vừa làm. Ngay từ khi bước chân lên TPHCM, Anh đã đến với con đường của một họa sĩ vừa học, vừa làm tại Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị. Sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi đã giúp anh trở thành họa sĩ thành danh với những tác phẩm Illustration nổi tiếng. Bên cạnh đó, anh cũng không-thua-kém-ai khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM với tấm bằng loại ưu. Điều đó chứng tỏ, con đường Trung cấp chuyên nghiệp không làm mất đi giá trị nghề nghiệp mà người đi theo con đường này vẫn nghĩ. Con đường này tạo cơ hội cho người “dám” bước đi cùng nó cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp sớm hơn trước khi họ sở hữu một tấm bằng mà họ mong muốn. Tuy nhiên, sẽ có bao nhiêu người dám mạo hiểm với tương lai của mình như thế?”.

Nền truyện tranh Việt vẫn sẽ “khát” nếu như sự nỗ lực của Viện Truyện tranh và Hoạt hình trong việc thay đổi cơ cấu đào tạo không được hưởng ứng. Vấn đề nhân lực vẫn là một bài toán khó cho nền truyện tranh thuần Việt khi muốn đứng dậy làm chủ sân nhà.

Mộng Diệp

Nguồn tham khảo:
(*) http://phunuonline.com.vn/giai-tri/nghe-si-cua-thang/ba-phan-thi-my-hanh-toi-muon-kien-tao-mot-nen-cong-nghiep-truyen-tranh-dung-nghia/a129281.html
(**) http://cafebiz.vn/nhan-vat/thu-tuong-singapore-ly-hien-long-hay-tu-bo-y-dinh-vao-dai-hoc-va-di-hoc-nghe-20150511100835349.chn
(***) http://idesign.vn/content/an-tuong/minh-hoa-illus/nguyen-thanh-nhan-va-cac-tac-pham-illustration-tuyet-voi/