Tezuka Osamu - "Bố Già" Của Nền Truyện Tranh Nhật

Tezuka Osamu – “Bố Già” Của Nền Truyện Tranh Nhật

14/05/2015

Tezuka Osamu là một trong những họa sĩ vẽ truyện tranh bìa đỏ (red book), ông được xem là “bố già” của nền truyện tranh Nhật. Tezuka bắt đầu sự nghiệp trong ngành truyện tranh bìa đỏ, và trở thành họa sĩ có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tạp chí truyện tranh.

Ông có sức ảnh hưởng mạnh đến thế hệ họa sĩ vẽ truyện tranh sau này, trong số đó có người tiếp nối con đường sự nghiệp của ông, song cũng có người chống lại phong cách nghệ thuật của ông. Chính ông là người đã xác định những đặc điểm chính của manga hiện đại (Schodt, 1983; Gravett, 2004).

hoa-si-TezukaHọa sĩ Tezuka Osamu

Cảm hứng điện ảnh

Tezuka tin rằng có thể khai thác thể loại truyện tranh một cách sáng tạo hơn trước đây, và quyền tự do sáng tác truyện tranh bìa đỏ đã cho phép ông thử nghiệm kỹ thuật này. Khác với các họa sĩ chịu ảnh hưởng từ truyện tranh truyền thống, Tezuka chủ yếu chịu ảnh hưởng từ điện ảnh. Ông lớn lên cùng với điện ảnh, và đặc biệt rất yêu thích những bộ phim hoạt hình đời đầu của anh em nhà Fleischer – tác giả của bộ phim hoạt hình Betty Boop và Popeye the Sailor Man (Thủy thủ Popeye) – và của hãng Walt Disney.

popeye-the-sailor-manPopeye the Sailor Man

Ông bị mê hoặc bởi lối kể chuyện trong điện ảnh và bắt đầu sử dụng khung hình trên giấy giống như khung nhìn từ máy quay phim. Ông áp dụng các kỹ thuật điện ảnh như quay quét, thu phóng, và cắt cảnh. Tuy nhiên, nhận thức của ông về điện ảnh không dừng lại ở mức độ trực quan, ông còn vận dụng hiệu ứng âm thanh trong truyện tranh để tạo ấn tượng như thật cho cảnh chiến đấu và âm thanh hàng ngày, từ tiếng vải sột soạt cho đến tiếng nước chảy nhỏ giọt. Tuy nhiên, việc ứng dụng kỹ thuật điện ảnh cũng góp phần kéo dài câu chuyện ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang giấy, dài hơn nhiều so với trước đây, nên quy ước về việc kéo dài câu chuyện vẫn thông dụng trong manga/anime (Schodt, 1996).

betty-boopBetty Boop

Các loại câu chuyện

Theo Tezuka, truyện tranh có thể được sử dụng để kể đủ loại câu chuyện, từ phiêu lưu mạo hiểm cho đến hài hước. Những câu chuyện kể của ông thường có cốt truyện dài, đi sâu vào phát triển nhân vật, và chú trọng yếu tố thời gian. Ví dụ, trong Kimba the White Lion (Sư tử trắng Kimba), chú sư tử con lớn lên thành một sư tử trưởng thành thay vì giữ nguyên hình hài một cách không tự nhiên như cậu bé trong Fuku-chan. Astro Boy(Siêu nhân nhí Astro) – truyện phiêu lưu mạo hiểm thuộc thể loại hành động/khoa học viễn tưởng với nhân vật chính là một cậu bé người máy – kể về sự xung đột giữa con người với máy móc cùng những mối nguy hiểm tiềm tàng khi công nghệ vượt lên trên giá trị đạo đức xã hội. Princess Knight (1953) mở ra trào lưu sáng tác nhân vật nữ mắt to quả cảm cải trang thành hiệp sĩ giải cứu vương quốc của mình trong shơjo manga (manga dành cho con gái).

>>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D

astro-boy

Astro Boy

Bên cạnh đó, Tezuka còn bắt chước phong cách nghệ thuật của các họa sĩ hoạt hình phương Tây thuộc thế hệ đi trước, kể cả phong cách vẽ nhân vật mắt to trong Betty Boop và Mickey Mouse (Chuột Mickey), rồi kết hợp với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản để cho ra đời phong cách riêng vô cùng giản dị. Mỗi họa sĩ có cách hiểu riêng về quy ước manga, và Tezuka khởi đầu bằng thiết kế nhân vật manga. Những tác phẩm đầu tay của ông, từ Astro Boy (1952) đến Kimba the White Lion (1954), luôn thể hiện tính cách mạng trong việc kết hợp phong cách giản dị với hình ảnh được biên tập kỹ lưỡng (Schodt, 1983).

Việc Tezuka đến với lĩnh vực làm phim hoạt hình bắt nguồn từ nguồn cảm hứng điện ảnh, và trong những năm 1950, ông lại làm thêm cuộc cách mạng nữa trong lĩnh vực này. Tác phẩm đầu tay của ông, Astro Boy, sau khi ra mắt công chúng vào năm 1963, đã trở thành một trong những chương trình truyền hình được yêu thích nhất tại Nhật Bản. Ông là người sáng tác truyện kiêm đạo diễn hoạt hình thiên tài (Schodt, 1996).

Theo Robin E. Brenner