Osamu Tezuka – Sinh ra để trở thành họa sĩ truyện tranh - Comic Media Academy

Osamu Tezuka – Sinh ra để trở thành họa sĩ truyện tranh

11/05/2015

Tuổi thơ tôi ngập tràn kỉ niệm với truyện tranh, từ truyện trong nước cho đến truyện nước ngoài… Với tôi, được đọc những tập truyện không đơn thuần chỉ giải trí mà còn học được nhiều bài học sâu sắc chứa đựng trong từng hình ảnh.

>>> Truyện tranh những năm 60 qua chia sẻ của họa sĩ Tu Mi – Nguyễn Trọng Khôi 

Tôi từng biết tại Nhật Bản, ngành truyện tranh sẵn sàng mở rộng cánh cửa vinh quang cho bất cứ ai biết khai thác đúng xu hướng của thị trường. Nhưng để tồn tại lâu dài thì đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và khả năng làm việc cật lực. Hàng năm tại Nhật có hàng trăm hoạ sĩ cho ra mắt truyện tranh. Tuy nhiên, trong số họ chỉ một vài người thành công. Thật may rủi!

Osamu- Tezuka (1)

Osamu Tezuka (1926-1989)

Lúc bé tôi không thể nhớ chính xác tên từng tác giả của những bộ truyện mình đọc, chỉ biết trong lòng luôn khâm phục và ngưỡng mộ người đã tạo nên những tác phẩm truyện tranh xuất sắc như vậy. Đến giờ tôi còn mường tượng rất rõ cảm giác của mình vào hằng tuần luôn ngóng chờ những tập truyện Astro Boy, Bác sĩ quái dị Black Jack, Phượng Hoàng hay Sư tử trắng Kimba phát hành. Và mãi đến khi công nghệ thông tin phát triển, qua tìm hiểu tôi mới biết về cuộc đời người họa sĩ mình từng hâm mộ. Đó chính là Osamu Tezuka!

Khi quyết định chọn Osamu Tezuka để viết trong cuộc thi “Những nhân vật thành danh trong ngành công nghiệp truyện tranh” tôi đã rất xúc động bởi cả cuộc đời của ông đã cống hiến và hi sinh hết mình cho truyện tranh. Ngay ở giây phút cuối cùng còn sống ông cũng không từ bỏ niềm đam mê mãnh liệt được vẽ và sáng tác truyện. Có thể nói Osamu Tezuka là người sinh ra để trở thành họa sĩ truyện tranh. Vì sao ư!? Hãy để tôi kể câu chuyện về cuộc đời của ông và bạn sẽ hiểu được vì sao như vậy.

Osamu Tezuka (03/11/1928 – 09/02/1989) là một hoạ sĩ vẽ truyện tranh, một nhà sản xuất, đạo diễn hoạt hình và là một bác sĩ đã hoàn thành bằng PhD về chuyên ngành y học tại Đại học Osaka.

Osamu Tezuka sớm bộc lộ tài vẽ truyện tranh từ rất sớm, vào năm 9 tuổi khi các bạn cùng trang lứa còn “ăn chưa no, lo chưa tới” thì ông đã sáng tác bộ truyện đầu tiên về chính mình với tựa đề “Pin Pin Namachan”. Với khả năng thiên bẩm và quá trình sáng tác truyện tranh ngay từ khi còn bé của Osamu Tezuka đã giúp ông có được kinh nghiệm vẽ truyện tranh.

Osamu- Tezuka (2)

Osamu Tezuka thời trẻ 

Nét đặc trưng về những đôi mắt lớn của các nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản là do ông khởi xướng, dựa vào các nhân vật hoạt hình bấy giờ như Betty Boop và chuột Mickey của Walt Disney. Một dấu khá ấn tượng khẳng định khả năng vượt trội của ông chính là bộ “Complete Manga Works of Tezuka Osamu” có khoảng 400 phần, hơn 80.000 trang.

Khác hẳn với Manga vẫn còn ở thuở sơ khai và bị coi là hình thức giải trí cấp thấp thời bấy giờ, nhưng Osamu Tezuka chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi nghề bác sĩ mà lại chọn làm hoạ sĩ. Mặc dù ông đã có giấy hành nghề của một bác sĩ – nghề được coi là cao quí và hái ra tiền.  Không chỉ đơn giản rằng việc mình yêu thích vẽ truyện tranh, mà Osamu Tezuka còn tin rằng ông mang một sứ mệnh “Phải thay đổi hình ảnh của truyện tranh, Manga trong con mắt người dân Nhật Bản”. Hơn nữa, với nghề bác sĩ, ông suy nghĩ có thể cứu được một thế hệ, nhưng với Manga ông có thể truyền đạt tư tưởng của mình với nhiều thế hệ sau. Ông cũng không hề bỏ phí kiến thức mình từng được học mà tận dụng chính những kiến thức ấy để đầu tư cho quá trình sáng tác vẽ truyện khiến các tác phẩm của ông rất đậm tính nhân văn sâu sắc.

Ngoài việc học tập xuất sắc trở thành tiến sĩ ngành Y khoa, Osamu Tezuka còn có những hiểu biết ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như văn học, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh. Ông tin rằng “Truyện tranh không hề độc lập mà có liên quan rất nhiều đến các môn nghệ thuật khác, vì mọi môn nghệ thuật đếu nhằm một mục tiêu là đánh vào các giác quan của con người. Một nghệ sĩ truyện tranh thường phải có đầu óc phối cảnh của một đạo diễn phim, phải có một khả năng dẫn dắt truyện của một nhà văn. Nếu ở một tầm cao hơn, khi hiểu được rằng người đọc thường có rất nhiều “âm thanh” trong đầu khi đọc truyện tranh, hiểu biết về âm nhạc cũng có thể trở thành một thế mạnh. Và thường thì ngoài việc cấu trúc như một tác phẩm điện ảnh, một bộ truyện tranh cũng có thể đc xây dựng như một vở kịch sân khấu”. Chính suy nghĩ đặc biệt của Osamu Tezuka và niềm đam mê với truyện tranh kết hợp các môn nghệ thuật phương Tây, đặc biệt Walt Disney, mà cảm xúc những bộ truyện của ông trở nên sinh động đến vậy dù chỉ bằng những đường nét đơn giản.

Osamu- Tezuka (3)

Osamu Tezuka và các nhân vật ông đã tạo ra

Một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời của Osamu Tezuka đó chính là tác phẩm đầu tiên của ông là Shintakarajima được xuất bản vào năm 1947 đã có tầm ảnh hưởng lớn đột phá đến ngành công nghiệp truyện tranh của Nhật thời đó và ngay cả bây giờ. Chính tác phẩm đã tạo nên bước ngoặc khiến Osamu Tezuka quyết định trở thành họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp.

Nói đến các họa sĩ truyện tranh Nhật thời nay, ít hay nhiều người cũng phải thừa nhận tầm ảnh hưởng của Osamu Tezuka đối với họ thế nào. Trong ngành truyện tranh ở Nhật người ta ví Osamu Tezuka cũng giống như Walt Disney với thế giới phương Tây vậy. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên lắm khi biết hãng Walt Disney đã vay mượn ý tưởng từ tác phẩm “Sư tử trắng Kimba” của ông đã tạo nên kiệt tác điện ảnh “Vua Sư Tử” đã từng vang bóng một thời và được xếp vào hạng 14 trong danh sách “Các bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại” (thống kê của Wikipedia vào năm 2011).

Osamu Tezuka thật sự rất tài năng ở mọi lĩnh vực. Bạn sẽ phải khâm phục bởi ngoài công việc sáng tác truyện tranh nhờ kiến thức y học của mình, ông còn lãnh đạo xưởng phim hoạt hình Mushi Pro, đây cũng là mô hình tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình truyền hình ở Nhật Bản.

Hơn tất cả, Osamu Tezuka là 1 người làm việc với tinh thần tham công tiếc việc. Ông làm việc không mệt nghỉ. Trong suốt 40 năm sự nghiệp ông đã vẽ hơn 150.000 trang, ước tính trung bình hơn 10 trang/ngày. Chưa kể ông làm việc với hơn 15 bộ hoạt hình, trong đó có bộ Astro Boy kéo dài tới hơn 100 tập. Ngoài ra bên cạnh việc sáng tác truyện tranh ông còn thường xuyên xuất hiện trên TV, radio và đi tới nhiều nơi để diễn thuyết, viết sách, báo về truyện tranh và hoạt hình. Nhìn lại thì thật khó tin nhưng ông đã làm việc với hiệu suất như vậy! Ngay cả khi 3 tuần trước khi mất Osamu Tezuka vẫn say mê làm việc, chỉ đến khi ông không còn sức để ngồi nữa thì ông mới dừng việc.

Rõ ràng, với những gì Osama Tezuka đã cống hiến cho nền công nghiệp truyện tranh, người dân Nhật coi ông như một biểu tượng văn hoá lớn. Osamu Tezuka còn được ví như “thánh truyện tranh” hay “ông tổ của Manga”. Tại Nhật Bản có hẳn một bảo tàng mang tên ông. Tất cả mọi thứ trưng bày được thiết kế để thể hiện được hết những gì ông theo đuổi suốt sự nghiệp đối với nền công nghiệp truyện tranh.

Osamu- Tezuka (4)

Một góc bên trong viện bảo tàng Osamu Tezuka 

Quả thật đến với nền công nghiệp truyện tranh rất gian nan và đầy những khó khăn. Nhưng trên hết, với óc sáng tạo phong phú, sự chăm chỉ, khả năng thiên bẩm cùng với niềm tin mãnh liệt về truyện tranh đã tạo nên một Osamu Tezuka thành công. Và cuộc đời sự nghiệp của Osamu Tezuka đã tạo nên động lực rất lớn đến những ai muốn theo đuổi và thực hiện niềm đam mê đối với truyện tranh.

Lê Nguyễn Thảo Ngọc

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM