Matt Groening – “Cha đẻ” của The Simpsons nổi tiếng - Comic Media Academy

Matt Groening – “Cha đẻ” của The Simpsons nổi tiếng

06/06/2016

Matthew Abram “Matt” Groening sinh ngày 15/02/1954, là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa, nhà sản xuất, làm phim hoạt hình và diễn viên lồng tiếng người Mỹ. Ông là tác giả đã tạo ra bộ truyện tranh Life in Hell (1977-2012), loạt phim truyền hình Futurama (1999-2003, 2008-2013)The Simpsons. Trong đó, The Simpsons đã trở thành bộ phim truyền hình giờ vàng dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Matt Groening

Matt Groening đã giành được 12 giải Emmy, 10 cho The Simpsons và 2 cho Futurama. Năm 2002, ông đoạt giải thưởng của Hội vẽ tranh biếm họa quốc gia Reuben cho Life In Hell. Bên cạnh đó, ông cũng giành được Comedy Award cho “những đóng góp xuất sắc cho bộ phim hài” trong năm 2004. Ông đã nhận được một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood vào ngày 14/02/2012.

Bắt đầu từ Life In Hell

Life In Hell

Năm 1977, Matt Groening cho ra bộ truyện Life In Hell. Bộ truyện được lấy cảm hứng từ việc ông chuyển đến thành phố vào năm đó và mô tả về cuộc sống ở Los Angeles cho những người bạn của ông. Bộ truyện kể về những gì xảy ra xung quanh công việc, tình yêu, trường học của những người trẻ lúc đó.

Vào năm 1978, Matt Groening đã bán bộ truyện tranh đầu tiên của mình, tác phẩm Life in Hell cho Wet Magazine. Bộ truyện bán được 250 tờ hàng tuần và đã gây chú ý với James L.Brooks, nhà sản xuất phim Hollywood. Năm 1985, Brooks đã liên lạc với Matt Groening để mời ông về làm việc tại đài truyền hình FOX, phát triển một loạt tiểu phẩm hoạt hình ngắn cho chương trình The Tracey Ullman Show. Ban đầu, Brooks muốn Groening phát triển ý tưởng từ bộ truyện Life in Hell. Tuy nhiên, vì lo sợ mất quyền sở hữu nhân vật, Groening đã quyết định tạo ra một cái gì đó mới hơn và ông bắt đầu xây dựng một phim hoạt hình về gia đình, The Simpsons.

Thành công với The Simpsons

The Simpsons

Là một chương trình hoạt hình nhưng The Simpsons đã châm biếm nhiều khía cạnh của cuộc đời, đặc biệt là lối sống của tầng lớp lao động và trung lưu tại Mỹ, văn hóa Mỹ và xã hội Mỹ nói chung. Bộ phim được chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều ngôn ngữ và được xem là một trong những sản phẩm văn hóa đại chúng xuất khẩu quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ. Cho đến thời điểm hiện tại, The Simpsons đã có trên 500 tập.

Tuy nhiên chương trình cũng gây ra nhiều cuộc tranh luận vì hình ảnh nghịch ngợm, không chịu học hành của Bart trong phim. Một số nhóm phụ huynh và thủ cựu cho rằng nhân vật hoạt hình như Bart là một gương xấu cho trẻ em. Cựu đệ nhất phu nhân Barbara Bush, trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo People, đã cho rằng chương trình này là chương trình “ngu xuẩn” nhất mà bà từng xem và đã bị chương trình châm biếm ngay sau đó. Tuy nhiên, sau này bà đã thay đổi ý kiến và đề cao chương trình.  

Matt Groening và các nhân vật trong phim hoạt hình The Simpsons

9/2/1997, The Simpsons đã vượt qua The Flintstones để trở thành chương trình hoạt hình chiếu vào khung giờ có nhiều người xem nhất. Qua nhiều năm, hầu hết mọi nhân vật chính của The Simpsons đã xuất hiện trên bìa của nhiều nguyệt san. Chương trình này đã đoạt kỷ lục với số người nổi tiếng lồng tiếng lên đến trên 300 người.

The Simpsons là một trong những biểu tượng dễ nhận ra nhất đối với người Mỹ. Tuy hình thức là hoạt hình nhưng để hiểu sâu các điều khôi hài trong chương trình đòi hỏi khán giả phải có kiến thức về lịch sử, khoa học, văn học, triết học,… Vì thế, chương trình chẳng những được trẻ em ưa thích mà còn được giới trí thức tán thưởng. Chương trình đã được nhiều nhà phê bình đề cao từ lúc ban đầu và một số tác giả đã viết sách nghiên cứu so sánh chương trình này với nhiều tư tưởng triết học.

Homer Simpson

Nhiều câu nói từ The Simpsons đã được lặp lại nhiều lần và trở thành quen thuộc với người Mỹ. (từ D’oh được Homer thường thốt lên đã trở thành một từ chính thức trong từ điển tiếng Anh Oxford)

Trong số phát hành năm 1998 viết về các thành tích trong các môn nghệ thuật và giải trí trong TK20, tuần báo Time đã gọi The Simpsons là chương trình truyền hình hay nhất trong thế kỷ. Đồng thời trong số báo đó, Bart Simpson cũng được đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là nhân vật giả tưởng duy nhất trong danh sách này.

>>> Tìm hiểu thêm: Hanna & Barbera – Cặp đôi tài năng của làng hoạt hình thế giới 

Nguồn: wikipedia.org