Ông vua trong ngành hoạt hình – Sức mạnh của Pixar | cmavn

Ông vua trong ngành hoạt hình – Sức mạnh của Pixar

27/07/2015

Trong những năm gần đây, danh tiếng hoàn hảo của hãng phim Pixar đang bắt đầu có dấu hiệu tuột dốc. Trong khi “Cars 2” (2011), “Brave” (2012) và “Monster University” (2013) đều đạt được lượng doanh thu phòng vé cao, nhưng so với những tiêu chuẩn cao ngất trời của Pixar, những bộ phim này có vẻ vẫn chưa đáp ứng được phần nào mong đợi của khán giả, và thiếu mất bàn tay của những thiên tài đã sáng tạo nên những bộ phim kinh điển như “Toy Story”, “Monster Inc.”, “Finding Nemo” và “Up”.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (1)

Danh tiếng hoàn hảo của hãng phim Pixar đang bắt đầu có dấu hiệu tuột dốc

>>> Có thể bạn quan tâm đến Khóa học làm phim hoạt hình 3D

Điểm đặc trưng của những bộ phim thuộc Pixar là luôn thúc đẩy ranh giới của phim hoạt hình truyền thống và pha trộn với những nội dung có ý nghĩa sâu rộng cùng yếu tố của một xã hội hiện thực, như hoàn cảnh của chú cá mồ côi mẹ trong “Finding Nemo”, hay cậu bé hướng đạo sinh thừa cân và bị tẩy chay trong “Up”. Không hãng phim nào khác có thể tranh đua với Pixar về mặt sáng tạo và đổi mới, và kể từ được trao giải thưởng Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất lần đầu tiên vào năm 2001, hãng tiếp tục được trao thêm không dưới bảy lần sau đó. Nhưng mọi điều tốt đẹp cũng sẽ đến hồi kết, và sau phần tiếp theo khá mờ nhạt “Monsters University” ra mắt vào năm 2013, mọi người bắt đầu tự hỏi có phải tất cả những ý tưởng lớn của Pixar đã bị sử dụng cạn kiệt.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (2)

Sau “Monsters University”, mọi người tự hỏi dường như các ý tưởng lớn của Pixar đã bị sử dụng cạn kiệt.

Nhưng thật ra đó chỉ là sự suy đoán của một số người, bởi vì bộ phim mới nhất của hãng, Inside Out, hóa ra lại được áp dụng một cốt truyện đặc biệt và mang nhiều tầng lớp ý nghĩa. Bộ phim tập trung phần lớn vào tâm trí của một cô bé 11 tuổi tên Riley khi cuộc sống hạnh phúc của cô với cha mẹ đang bị đe dọa vì cả gia đình chuyển từ Minnesota đến thành phố San Francisco sinh sống.

Cô đơn giữa thành phố xa lạ, Riley nhớ bạn bè và trường lớp của mình, cảm thấy bực bội với cha của mình khi chuyển đến California để mở một công ty công nghệ cao. Và ở trong tâm trí của Riley là một trận đấu giữa những cảm xúc của cô bé, với Niềm Vui (Amy Poehler lồng tiếng) chống lại những suy nghĩ tiêu cực của Nỗi buồn, Sợ hãi và Giận dữ để bảo vệ hạnh phúc của Riley.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (3)

Cuộc chiến cảm xúc bên trong của RiLey

Cốt truyện có vẻ khá khó hiểu và xa rời thực tế, nhưng đạo diễn kiêm biên kịch của Pixar, Pete Docter, và đội ngũ nhân viên của mình đã sáng tạo nên một bộ phim tuyệt vời mang nhiều màu sắc của niềm vui, hạnh phúc và một chút khoảng khắc đen tối. Thực ra, “Inside Out” không khác gì một bộ phim về tuổi mới lớn, nhưng với một nét tinh tế và độc đáo chưa từng xuất hiện trong bất cứ bộ phim nào trước đây.

Pixar đã thắp sáng những ngày hè tại rap chiếu phim của phần lớn khán giả yêu thích phim hoạt hình trong gần 20 năm trở lại đây, và nền điện ảnh sẽ trở nên tâm tối hơn nếu không có sự góp mặt của hãng. Nhưng ít ai biết Pixar được thành lập với nhiều ý định khác nhau, và chỉ trở thành hãng phim sản xuất phim hoạt hình một cách vô tình.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (4)

Pixar đã thắp sáng những ngày hè tại rap chiếu phim của phần lớn khán giả yêu thích phim hoạt hình trong gần 20 năm trở lại đây.

Hãng ban đầu được gọi là The Graphics Group, công ty được thành lập vào năm 1979 thuộc Lucasfilm do George Lucas đứng đầu. Sau sáu năm làm việc tại vị trí chuyên phụ trách đồ họa thuộc bộ phận máy tính, The Graphics Group được Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, mua lại. Ông đổi tên thành Pixar, và biến công ty thành công ty máy tính cao cấp sáng chế những đổi mới về phần cứng.

Sản phẩm cốt lõi của họ là máy tính chuyên thiết kế đồ họa Pixar tự động hóa quá trình sản xuất hoạt hình 2D và khách hàng chủ lực của họ là Disney. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa bao giờ bán chạy và để thúc đẩy doanh số bán hàng, nhân viên của Pixar, John Lasseter, bắt đầu tạo ra các đoạn hoạt hình ngắn để trình diễn khả năng của máy.

Năm 1991, sau sự cắt giảm nhân viên tại bộ phận máy tính của Pixar, công ty đã kí một hợp đồng trị giá 26 triệu USD với Disney để sản xuất ba bộ phim hoạt hình dài bằng máy tính với John Lasseter ở vị trí giám đốc sáng tạo. Và bộ phim đầu tiên của Pixar chính là “Toy Story”.

Toy Story 3

Một cảnh trong bộ phim hoạt hình Toy Story

Các ý tưởng trong “Toy Story” được dựa trên một đoạn hoạt hình ngắn mà Lasseter đã tạo vào năm 1988 để tăng doanh thu cho phần mềm làm phim mới, “Tin Toy”, kể về cuộc hành trình của món đồ chơi ban nhạc một người và nổ lực thoát khỏi tầm tay của một đứa bé phá hoại. “Tin Toy” đã giúp Pixar đoạt giải Oscar lần đầu tiên cho hạng mục phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (6)

“Tin Toy” đã giúp Pixar đoạt giải Oscar lần đầu tiên cho hạng mục phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

Sau một đàm phán căng thẳng với giám đốc điều hành của Disney, Jeffrey Katzenberg, ông lớn trong ngành hoạt hình đồng ý sử dụng lại cốt truyện cũ, nhưng những bản thảo ban đầu đều bị loại bỏ vì không phù hợp. Lasseter cùng với hai nhân viên khác của Pixar là Pete Docter và Andrew Stanton sáng tạo nên một câu chuyện mới dựa trên hình tượng món đồ chơi trong “Tin Toy” và con rối nói bằng bụng, từ đó Woody được ra đời.

Ban đầu, Katzenberg nghĩ rằng ý tưởng của họ sẽ không thành công, và khuyến khích họ sửa đổi thành một câu chuyện kể về một bộ đôi kì lạ. Và Woody trở thành một anh hùng, phải miễn cưỡng đồng hành cùng với đối thủ của mình, Buzz Lightyear, một chú robot vũ trụ tự phụ, để cứu những món đồ chơi khác khỏi chủ của họ, Andy. Giá trị cốt lõi của “Toy Story” là ý tưởng độc đáo khi mọi đồ chơi đều sống cho những khoảng khắc mà trẻ em cùng chơi đùa với chúng, và đối diện với nỗi sợ sẽ bị bỏ rơi.

Nhưng công tác hoàn thành bộ phim không hề dễ dàng chút nào, bởi vì đây là bộ phim đầu tiên được áp dụng công nghệ vẽ bằng máy tính, và quá trình sản xuất đã phải trì hoãn nhiều lần vì những vấn đề về kỹ thuật và những bất đồng về sáng tạo.

Các nhà làm phim đã phải mất bốn năm mới có thể cho ra mắt một “Toy Story” hoàn chỉnh, và Pixar đã tiêu tốn rất nhiều tiền khiến Steve Jobs nghiêm túc xem xét đến chuyện rao bán hãng. Nhưng khi “Toy Story” cuối cùng được ra mắt vào tháng 12/1995, sự thành công vang dội của phim (thu về hơn 365 triệu USD trên toàn thế giới và thay đổi bộ mặt ngành hoạt hình) đã đưa Pixar thành doanh nghiệp chuyên sản xuất phim điện ảnh nổi bật thời bấy giờ.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (7)

Sự thành công của Toy Story đã đưa Pixar thành doanh nghiệp chuyên sản xuất phim điện ảnh nổi bật thời bấy giờ

Nhưng điều thật sự đáng chú ý về Pixar là cách họ đề ra những tiêu chuẩn và hướng tới thành công ban đầu với sự hoàn mỹ nhất quán trong từng bộ phim. Kinh nghiệm với “Toy Story” đã thuyết phục Lasseter và đội của ông lập nên một môi trường làm việc đoàn thể tại Pixar nơi đạo diễn và các nhà làm phim hoạt hình làm việc trên những dự án khác nhau và sau đó chia sẻ ý tưởng của mình với các đồng nghiệp để cùng nhau đánh giá và tìm ra hướng giải quyết thích hợp để phát triển những ý tưởng đó. Mọi người đều hiểu nhau và phối hợp nhịp nhàng với nhau, đó là lý do tại sao những bộ phim của Pixar chưa khi nào khiến khán giả thất vọng.

Năm 1999, Lasseter đạt được thành tích đáng chú ý khi cho ra mắt “Toy Story 2” và đạt được nhiều thành công hơn cả phiên bản gốc trước đó. Hai năm sau, Pete Docter sáng tạo một bộ phim thần tiên hiện đại “Monster Inc.” kể về một thế giới tưởng tượng tồn tại song song với thế giới của con người, nơi những quái vật duy trì thành phố của mình dựa vào tiếng hét của những đứa trẻ sợ hãi. Nhưng khi một cô bé bước vào thế giới của họ thông qua một cánh cổng trong tủ đồ phòng ngủ thì đến lượt các loài quái vật phải bỏ chạy.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (8)

Các quái vật đáng yêu trong Monsters Inc

“Monster Inc.” thu về hơn 600 triệu USD doanh thu phòng vé, nhưng thành tích của phim đã bị lấn át bởi sự thành công của “Finding Nemo”, một bộ phim sắc sảo ra mắt vào năm 2003, kể về chuyến hành trình tìm con của một chú cá hề. Thỏa mãn được trí tưởng tượng của cả thế giới, bộ phim thu về gần 1 tỷ USD tại phòng vé và có lượng DVD bán ra cao nhất mọi thời đại.

Pixar là nơi nuôi dưỡng những tài năng về đạo diễn và kịch bản, chính vì thế những bộ phim tinh vi, được đầu tư kỹ lưỡng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Trong phim hoạt hình hành động “Incredibles” (2004) của Brad Bird, một siêu anh hùng bị buộc phải nghỉ hưu mong mỏi tìm mọi cách để phá vỡ sự gò bó ở vùng ngoại ô và tiếp tục chống lại cái ác cùng người bạn đồng hành của mình.

Nhưng dự án Pixar tiếp sau đó của ông, “Ratatouille”, thậm chí còn hoàn hảo hơn, một câu chuyện thần kì hài hước về chú chuột cống tại Paris mơ ước trở thành một đầu bếp lừng danh.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (9)

Ước mơ thành đầu bếp của một chú chuột trong “Ratatouille”

Bộ phim “Cars” do John Lasseter đạo diễn cũng nhanh chóng thu về 500 triệu USD và dành được nhiều yêu mến của những khán giả nhỏ tuổi. Hãng phim còn vươn rộng khả năng của mình vượt qua khỏi ranh giới của ngành hoạt hình với những tính năng tinh vi đáng kinh ngạc thông qua “WALL-E” (2008) và “Up” (2009). Với “WALL-E” của đạo diễn Andrew Stanton, các nhà làm phim đã sáng tạo nên một thế giới loài người trong tương lai khi trái đất là một vùng đất đầy rác thải và không sinh vật nào sinh sống, chỉ có một chú robot xử lý rác thải vô vọng bị bỏ rơi trên Trái Đất và vô tình bị cuốn vào tình yêu với nàng robot Eve quyến rũ trong mắt cậu.

cma-ong-vua-trong-nganh-hoat-hinh-suc-manh-cua-Pixar (10)

Wall-E, một chú robot xử lý rác thải vô vọng bị bỏ rơi trên Trái Đất

“Up”, câu chuyện mê hoặc của đạo diễn Pete Docter với sự lồng tiếng của Ed Asner cho nhân vật Carl Fredricksen, một ông già sống ẩn dật trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ đang bị đe dọa sẽ bị gỡ bỏ vì những tòa nhà cao tầng hiện đại khác. Ông đã hứa với người vợ quá cố là một ngày nào đó, họ sẽ cùng khám phá Nam Mỹ, và với sự đồng hành của một cậu bé hướng đạo sinh mũm mỉm tên Russell, Carl dùng một chùm bóng bay khổng lồ để biến ngôi nhà của mình thành một phi thuyền thần kỳ.

UP

Carl Fredricksen và Russell trong “Up”

Qua đó có thể thấy, đội ngũ của Pixar với năng lực tuyệt vời đã sáng tạo nên những câu chuyện phi thường, phức tạp, nhiều tầng lớp ý nghĩa những không thiếu những thước phim hài hước, gần gũi đã thu hút nhiều sự chú ý và lòng yêu mến với khán giả trung tâm của họ, chính là trẻ em. Và với “Inside Out”, họ đã làm được điều đó một lần nữa.

Yến Nhi dịch (Independent.ie)