Inside Out và 8 bài học thực tiễn về cảm xúc - Comic Media Academy

Inside Out và 8 bài học thực tiễn về cảm xúc

29/06/2015

Trong mỗi chúng ta có bao nhiêu cảm xúc thật sự tồn tại? Và những kí ức quý báu có thể biến mất vĩnh viễn hay không? Mới đây, trang The Hollywood Reporter đã thống kê những bài học quý giá được gửi gắm qua bộ phim hoạt hình đang gây sốt và thành công nhất mà Pixar vừa ra mắt gần đây – “Inside Out”.

Inside out

“Inside Out” đã chính thức trở thành bộ phim thành công nhất của hãng phim nổi tiếng Pixar, và cũng là một trong những bộ phim hoạt hình có tính giáo dục cao được giới chuyên môn đánh giá và nhận xét.

Bộ phim xoay quanh cuộc sống trong trí óc của cô bé Riley 11 tuổi khi cô bé chuyển nhà đến một thành phố mới cùng với cha mẹ, và cùng với những cảm xúc của mình: Joy (Amy Poehler lồng tiếng), Sadness (Phyllis Smith), Fear (Bill Hader), Anger (Lewis Black) và Disgust (Mindy Kaling).

Trong suốt quá trình làm phim, biên kịch và đạo diễn Pete Docter đã tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học nổi tiếng Paul Ekman, người tiên phong cho các công trình nghiên cứu về cảm xúc của con người, và Dacher Keltner, đồng giám đốc của Trung tâm Khoa học Greater Good và giáo sư tâm lý học của trường Đại học California, Berkeley. Chính điều này đã tạo nên một bộ phim cảm động, chạm đến trái tim của từng khán giả.

Và nhờ sự phân tích của các chuyên gia hàng đầu của các ngành khác nhau, The Hollywood Reporter đã có thể đưa ra những bài học thực tiễn được lồng ghép trong từng thước phim, liên quan đến cảm xúc, ký ức và tâm trí con người.

Inside Out Pixar

Con người không chỉ tồn tại 5 cảm xúc cơ bản.

Mặc dù bộ phim chỉ có 5 tuyến nhân vật đặc trưng cho từng cảm xúc, nhưng theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Paul Ekman, nếu phân tích theo biểu cảm cảm gương mặt sẽ dễ dàng nhận thấy cảm xúc thứ sáu, đó là sự ngạc nhiên. Nhưng trong những nghiên cứu gần đây lại cho rằng chỉ có 4 cảm xúc cơ bản bất kể văn hóa và ngôn ngữ của từng nước. Nhà tâm lý học và nhà văn chuyên viết sách cho thiếu nhi Frank Sileo cho biết: “Theo những đề tài nghiên cứu này, thì giận dữ (anger) và khó chịu (disgust) có nhiều điểm tương đồng với nhau, cũng như sợ hãi (fear) và ngạc nhiên (surprise). Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng sự khác biệt giữa giận dữ và khó chịu, cũng như giữa ngạc nhiên và sợ hãi là do tác động của xã hội, chứ không dựa vào mặt sinh học.”

Và những cảm xúc phức tạp khác nhau không chỉ là sự kết hợp của những cảm xúc cơ bản. Gail Heyman, giáo sư tâm lý học tại trường đại học California, San Diego, chuyên gia nghiên cứu sự phát triển của trẻ em về nhận thức xã hội, cũng chỉ ra rằng: “Ví dụ, để có thể xấu hổ, tội lỗi hay tủi thẹn, bạn cần phải có những kỹ năng nhận thức nhất định, bao gồm một giác quan của bản thân mà người khác có thể nhận biết và đánh giá.”

Khả năng xác định và quản lí cảm xúc được gọi là trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EQ). Theo lời của chuyên gia về sự phát triển của trẻ Denise Daniels, “Vào khoảng 2 tuổi, trẻ em bắt đầu phát triển một vài từ vựng để mô tả cảm nhận của mình, vì vậy việc cha mẹ dạy cho con cái những kỹ năng trí tuệ cảm xúc rất quan trọng, để con có những công cụ cần thiết để điều khiển những cảm xúc thăng trầm trong cuộc sống.”

>>> Có thể bạn quan tâm: Khóa học làm phim hoạt hình 2D

Với mỗi người khác nhau sẽ có một cảm xúc khác nhau đóng vai trò trung tâm.

Trong “Inside Out”, các nhà làm phim đặt Joy (niềm vui) đại diện cho Riley, nhưng theo các chuyên gia, tính khí bẩm sinh của con người không phải lúc nào cũng lạc quan, vui tươi. Và khi “trung tâm điều khiển”, được mô tả trong phim là một loạt những đòn bẩy và phím nút để các cảm xúc có thể điều chỉnh hành vi của con người, không được quan tâm đến sẽ khiến họ cảm thấy thờ ơ, như cô bé Riley trong phim khi phải di chuyển đến một thành phố xa lạ. Nhưng theo nhà tâm lý học Emily Roberts, “Thờ ơ không phải là một cảm xúc, và nó bắt nguồn từ sự trầm cảm hay cảm giác mệt mỏi, không thể kiếm soát tình huống của một người. Không ai có thể duy trì trạng thái thờ ơ lâu dài. Nhìn bề ngoài có thể họ tỏ ra như thế, nhưng thật chất họ đang có một cuộc chiến nội tâm về nhiều điều khác nhau trong cuộc sống.”

Inside Out Disney

Tại sao những cảm xúc bên trong đều hỗn loạn?

Trong khi Joy (niềm vui) và Sadness (nỗi buồn) bị lạc trong mê cung của trí óc, thì Fear (sợ hãi), Anger (giận dữ) và Disgust (khó chịu) lại rơi vào hoảng loạn, như mô tả những việc có thể xảy ra khi con người trải qua những ký ức đau thương. “Có những ký ức cần nhiều thời gian để nhận biết những cảm xúc hỗn hợp khác nhau,  xử lý và lưu trữ vào bộ nhớ.” Nhà trị liệu tâm lý Fran Walfish cho biết, “Đôi khi, chúng ta phải trải qua những cảm xúc khác nhau cho đến khi chúng ta xác định đó là ký ức hạnh phúc hay nỗi sợ hãi.”

Có những ký ức không phải lúc nào cũng chính xác.

Bộ phim đã phát họa tỉ mỉ quá trình củng cố trí nhớ được tiến hành mỗi đêm trong trí óc con người, và được chuyển đổi thành một chuỗi những ký ức lâu dài, và sau đó được lưu trữ trong mê cung đầy màu sắc và khó hiểu của Riley. Nhưng khi những ký ức được nhớ lại, thì những cảm xúc liên kết với họ sẽ thay đổi, như khi Sadness biến một ký ức vui tươi với màu vàng hạnh phúc thành màu xanh ảm đạm. John Wixted, giáo sư tâm lý  tại đại học California, San Diego cho biết, “Để trả lời câu hỏi chúng ta có thể tin tưởng những kí ức của mình đúng hay không, tôi sẽ nói có, tuy nhiên không thể tin 100% bởi vì ký ức đó có thể thay đổi tùy theo trí óc con người.”

>>> Có thể bạn quan tâm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D

Những kí ức không bị xóa bỏ hoàn toàn.

Công việc của những “forgetter” (lãng quên) trong phim là xóa bỏ những kí ức vô dụng như các sự việc quen thuộc diễn ra thường ngày hay các kiến thức lỗi thời không cỏn áp dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, những lý ức đó không biến mất hoàn toàn mà được chồng chất tại khu vực bãi chứa trong bộ não của Riley. “Những ký ức cũ không được kết nối với bất kì cảm xúc nào sẽ ít được nhớ đến,” Nhà trị liệu tâm lý Judy Rosenberg cho biết.

Bộ não sẽ che giấu những suy nghĩ đáng sợ.

Trong phim có cảnh Joy và Sadness lang thang vào một hang động tối tăm, nơi cất giữ những suy nghĩ đáng sợ nhất của Riley. Trong khi bộ não không hoàn toàn lưu trữ những ký ức đáng sợ như vậy, thì hạch hạnh nhân trong não con người lại chứa đựng những thuộc tính cảm xúc của họ. “Nếu không có các hạch hạnh nhân, chúng ta vẫn có thể nhớ đến những sự việc xảy ra thường ngày, nhưng như thế các ký ức đáng sợ cũng không còn hiện diện trong trí não con người.” Giáo sư John Wixted giải thích.

Ngoài ra, ông cũng nói thêm, “Khi con người bị một suy nghĩ đau buồn áp đảo, họ sẽ trấn áp chúng, dù chỉ trong vô thức, để đối phó với cảm giác choáng ngợp do những suy nghĩ này mang lại.”

Inside Out memory

>>> Có thể bạn quan tâm: Khóa học làm phim hoạt hình tĩnh vật – đất sét

Đảo nhân cách sẽ không bao giờ biến mất.

Bộ phim giới thiệu đến khán giả các khái niệm về “bộ nhớ lõi”, mô tả khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời của Riley và hình thành những đặc điểm tính cách khác nhau của cô bé, như cô rất yêu môn khúc côn cầu, quý trọng bạn bè, trung thực, vui tính và gần gũi với gia đình. Nhà tâm lý học Emily Roberts cho biết, “Những đặc điểm tính cách này có thể phát triển hoặc biến mất theo thời gian, nhưng chúng sẽ luôn là một phần của mỗi con người, dù họ có thích chúng hay không.”

“Inside Out” chỉ là sự khởi đầu.

Trong phim, Riley chỉ là một cô bé 11 tuổi, và các nhà làm phim có thể tận dụng điều này để ra mắt phần tiếp theo khi cô bé trở thành thanh thiếu niên. Theo lời các nhà tâm lý học, bộ não của thanh thiếu niên sẽ thay đổi các hoạt động trong hạch hạnh nhân, và họ sẽ tìm tòi những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, vì thùy não trước của họ, nơi phán đoán các hậu quả, chưa hoàn toàn phát triển, chính vì thế, lứa tuổi thanh thiếu niên có khuynh hướng cảm thấy mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro mà không xem xét đến hậu quả.

Yến Nhi dịch (Hollywoodreporter.com)
Comic Media Academy –
Trường học vẽ truyện tranh, học làm phim hoạt hình duy nhật tại Việt Nam