25 bộ phim hoạt hình hay nhất thế kỉ 21 (Phần 1) - cmavn.org

25 bộ phim hoạt hình hay nhất thế kỉ 21 (Phần 1)

21/07/2015

Ngành công nghiệp hoạt hình trong vòng 15 năm trở lại đây đã trải qua nhiều sự thay đổi, từ sự kết hợp phi thường của người khổng lồ Disney với Pixar, sau đó là sự thành công vang dội và nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi thắng Oscar cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất của hãng phim Studio Ghibli, cho đến sự vượt trội quy mô lớn về chất lượng đã tạo nên thương hiệu của DreamWorks và những hãng phim đầy triển vọng khác đang trên đà phát triển.

Tất cả những yếu tố trên đã kết hợp với nhau để mang tới một xu hướng mới trong nghệ thuật làm phim hoạt hình, hoạt hình 3D với nội dung đa dạng cùng nhiều phong cách đặc trưng cho từng hãng phim. Với số lượng phim hoạt hình đồ sộ, các tuyệt phẩm đặc sắc từng tạo được nhiều tiếng vang lớn và mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa, trang IndieWire đã thống kê lại 25 bộ phim nổi bật biểu trưng cho ngành công nghiệp hoạt hình thế kỉ 21. Bây giờ, chúng ta hãy cùng đến với các bộ phim hoạt hình từ vị trí 16-25 nhé! 

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21 (1)

25. “Lilo & Stitch” (2002)

Khoảng thời gian vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 được xem là thời kì ảm đạm nhất của hãng phim Disney. Những bộ phim được ra mắt trước kỷ nguyên “Frozen” hầu như không đạt được doanh thu phòng vé mà hãng mong muốn, trong đó có thể nói đến sự thất bại của những bộ phim như “Brother Bear” và “Home On The Range”. Tuy vậy, Disney vẫn tạo được nhiều dấu ấn trong thời gian này khi cho ra mắt “Lilo & Stitch”, và bộ phim trở thành điểm sáng lớn trong lịch sử phát triển của hãng, cùng với bộ phim hài hước “The Emperor’s New Groove”.

“Lilo & Stitch” tập trung vào tình bạn của cô bé Lilo với một thí nghiệm thiên hà đang trên đường bỏ trốn. Với cốt truyện quen thuộc với khán giả, đạo diễn Chris Sanders và Dean DeBlois (nổi tiếng với bộ phim “How To Train Your Drangon”) đã thổi nhiều sự độc đáo, hài hước vào phim như sự nghịch ngợm dễ thương của Stitch, phong cảnh mang đậm chất Hawaii, cũng như mối liên kết đầy tình thương giữa Lilo và chị gái. Có thể “Lilo & Stitch” không được xem là một trong những bộ phim tiêu biểu cho thời kì vàng son của Disney vào cuối những năm 90, nhưng bộ phim vẫn mang lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả, với tuyến nhân vật kì lạ nhưng đáng yêu cùng với cốt truyện thu hút, hài hước.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-lilo-and-stitch

Mời các bạn cùng xem trailer của bộ phim hoạt hình “Lilo & Stitch”

24. Winnie the Pooh (2011)

Đối với mỗi thế hệ đi trước, họ sẽ cảm thấy trẻ em ngày nay đang bỏ lỡ một phần nào đó của tuổi thơ mình khi thế giới công nghệ hiện đại đang ngày một trở nên phổ biến. Nhưng bộ phim hoạt hình vẽ tay của Disney, “Winnie the Pooh” do Don Hall và Stephen J Anderson đạo diễn, đã thu hút nhiều sự chú ý từ khán giả. Với các nhân vật quen thuộc từ cuốn sách cùng tên của nhà văn A.A.Milne, cùng với nét vẽ đơn giản nhưng mềm mại, thể hiện rõ nét sự duyên dáng, đáng yêu của những nhân vật trong phim, các nhà làm phim của Disney đã mang đến với khán giả một niềm say mê tìm đọc sách, tiếp xúc với các nhân vật trên trang giấy qua từng con chữ và thỏa sức sáng tạo của mình. Tuy vậy, có thể những khán giả từng gắn bó với những tập phim ngắn về chú gấu Pooh đã được phát sóng trước đó của Disney sẽ cảm thấy thất vọng vì bộ phim không mang nhiều dấu ấn của hãng. Nhưng “Winnie the Pooh” sẽ khiến khán giả chìm đắm trong thế giới ngọt ngào, nhẹ nhàng cùng những nhân vật ngộ nghĩnh được yêu thích qua nhiều thời kì và gắn liền với tuổi thơ của hầu hết mọi đứa trẻ qua từng trang sách của A.A.Milne.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-winnie-the-pooh

Trailer phim hoạt hình “Winnie the Pooh”

23. “Rango” (2011)

Ngay cả khi loạt phim “Pirates of the Caribbean” không tạo được nhiều dấu ấn vẫn được khán giả chào đón nồng nhiệt, vì thế không có gì ngạc nhiên khi đạo diễn Gobe Verbinski và diễn viên nổi tiếng Johnny Depp cùng hợp tác một lần nữa và cho ra mắt một bộ phim hoạt hình mới với nội dung hoàn toàn mới lạ so với những tác phẩm quen thuộc của Disney. Pha trộn Chinatown với nét văn hóa của miền tây hoang dã, cùng nhân vật chính là một chú tác kè hoa (Johnny Depp lồng tiếng), do nhầm lẫn nên được phong là anh hùng vì cứu giúp thị trấn thoát khỏi hạn hán. Các diễn viên sẽ diễn tập trong trang phục giống với các nhân vật trong phim (điều hiếm khi được áp dụng trong thế giới phim hoạt hình), sau đó được thổi hồn vào từng thước phim bằng những kỹ xảo hiệu ứng của Industrial Light & Magic. “Rango” đã nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim được yêu thích, được đánh giá cao, mang đến cho khán giả một hành trình đầy thú vị và hài hước.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-Rango

Trailer phim hoạt hình “Rango”

22. “A Town Called Panic” (2009)

Dựa trên loạt phim truyền hình của Pháp và là bộ phim hoạt hình stop-motion đầu tiên được công chiếu tại Cannes, “A Town Called Panic” do hai đạo diễn người Bỉ Stéphane Aubier và Vincent Patar ấn hành, kể về câu chuyện hài hước giữa Cowboy (một cao bồi đồ chơi bằng nhựa), Indian (một người da đỏ đồ chơi) và Horse (một chú ngựa cũng là đồ chơi bằng nhựa). Mong muốn tổ chức sinh nhật cho Hosre của Cowboy và Indian gặp phải khó khăn khi đơn hàng đặt 50 miếng gạch bị nhầm lẫn thành 50 triệu miếng, vì thế cả ba đã xây dựng một bức tường lớn nhưng lại bị đánh cắp bởi những sinh vật biển hiểm độc. Với quyết tâm đi tìm những kẻ phá hủy, cả ba đã trải qua những đêm đông lạnh rét, ở trên trời, dưới lòng đất và trong rừng rậm sâu hun hút. Mặc dù có cốt truyện có vẻ hơi ngớ ngẩn, bộ phim vẫn có nét hấp dẫn của riêng mình, nổi bật lên tình bạn của Cowboy, Indian và Horse với nhiều tình huống hài hước và độc đáo.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-a-town-called-panic

Trailer phim hoạt hình “A town called Panic”

21. “Millennium Actress” (2001)

Mặc dù chỉ có trong tay 4 tác phẩm hoàn thiện và qua đời vào năm 2010 khi chỉ mới 46 tuổi, Satoshi Kon đã chứng minh ông là một trong những nhà làm phim anime thành công nhất từ trước đến nay. Khi nhắc đến ông, khán giả hâm mộ sẽ nhớ đến hai bộ phim hoạt hình nổi bật “Tokyo Godfathers” và “Paprika”, nhưng bộ phim đã trở thành tuyệt phẩm gắn liền với tên tuổi của ông lại chính là “Millennium Actress”, bộ phim thứ hai do ông đạo diễn và được ra mắt vào năm 2001. Không như những bộ phim hoạt hình điển hình khác của cả Mỹ và Nhật, bộ phim được đánh giá mang sắc thái trưởng thành, chín chắn hơn với cốt truyện hấp dẫn về một ngôi sao phim điện ảnh đã giải nghệ quay một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình thông qua ký ức của cô. Mang nhiều dáng vẻ và hình thái khác nhau, cô kể lại câu chuyện cuộc đời mình ở nhiều vai diễn đa dạng màu sắc. Bộ phim đã khắc họa rõ nét các chủ đề yêu thích của đạo diễn Satoshi Kon về bản chất của thực tại và sức mạnh nghệ thuật hội họa.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-Millennium-Actress

Trailer phim hoạt hình “Millennium Actress”

20. “Monster House” (2006)

Được xem là bộ phim performance-capture (ghi nhận lại các chuyển động của vật thể bằng công nghệ kỹ thuật số) hay nhất của đạo diễn Robert Zemeckis, với bầu không khí u ám, đáng sợ bao trùm lên bộ phim, “Monster House” là bộ phim hiếm hoi khi kết hợp phong cách ma quái của đạo diễn Tim Burton và kỹ xảo làm phim gây cấn của đạo diễn Steven Spielberg. Được chắp bút bởi người sáng tạo nên “Community” Dan Harmon và Rob Shrab, bộ phim kể về 3 người bạn điều tra về ngôi nhà kì bí trong xóm với một loạt những sự kiện bí ẩn xảy ra xung quanh đó. Bộ phim hấp dẫn với nhiều tình huống li kỳ thật sự thu hút được những khán giả đam mê phim hoạt hình và một chút hơi hướng kinh dị trong đó.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-Monster- House

Trailer phim hoạt hình “Monster House”

19. “How To Train Your Dragon” (2010)

Hãng phim DreamWorks Animation nổi tiếng với sự đa dạng về những thể loại phim hoạt hình khác nhau, từ những bộ phim gần như là hoàn hảo (“Kung Fu Panda”, “Shrek”), mang tính giải trí cao (“Madagascar 3”) cho đến những tác phẩm không được đánh giá cao (“Shark Tale”, “Shrek 3”). Nhưng dù thu lại được số lượng lớn doanh thu phòng vé, hãng phim DreamWorks luôn là cái bóng của Pixar. Cho đến khi “How To Train Your Dragons” được ra mắt và tạo nên tiếng vang lớn. Bộ phim tập trung vào mối quan hệ của cậu bé người Viking với chú rồng của mình, cùng với công nghệ 3D đẹp mắt, thế giới được xây dựng trong phim hùng vĩ kết hợp với những hiệu ứng đặc sắc. Và không như những bộ phim trước đó của DreamWorks khi chỉ tuyển trọn những ngôi sao nổi tiếng để đóng các nhân vật của mình, với “How To Train Your Dragon”, các nhà làm phim đã tập trung vào nội dung của phim và kết quả là một thắng lợi tuyệt đối.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-How-To-Train-Your-Dragon

Trailer phim hoạt hình “How to train your dragon”

18. “Finding Nemo” (2003)

Với phần tiếp theo được dự kiến ra mắt vào năm sau, “Finding Dory”, Pixar một lần nữa gợi nhớ khán giả đến bộ phim hoạt hình được yêu thích đã được phát hành trước đó vào năm 2003, “Finding Nemo”. Dù như thế nào, thì bản đầu tiên luôn tạo được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả nhất và gần như được xem là một phép lạ trong thế giới phim hoạt hình. Cốt truyện tập trung vào một người cha bảo vệ quá mức đứa con duy nhất của mình khỏi những hiểm nguy của đại dương bao la, để rồi cơn ác mộng thật sự trở thành sự thật khi cậu con trai bị bắt mất trước mắt mình. Cả bộ phim được bao trùm một bầu không khí vui tươi, màu sắc cùng những nhân vật đáng yêu. Khán giả dễ dàng cảm nhận được tình cảm gia đình, bạn bè cảm động được lồng ghép trong từng thước phim, từng bước rút ngắn khoảng cách của một người cha yêu thương con nhưng bảo vệ quá mức với một người con ưa thích mạo hiểm nhưng mang một trái tim dễ bị tổn thương. Và dù những phần tiếp theo của bộ phim có thành công hay không, thì “Finding Nemo” vẫn được đánh giá là một bộ phim kinh điển của Pixar cũng như ngành công nghiệp phim hoạt hình.

cma-25-phim-hoat-hinh-hay-nhat-the-ky-21-Finding-Nemo

Trailer phim hoạt hình “Finding Nemo”

17. “Monsters Inc.” (2001)

Sau sự thành công của hai phần đầu tiên trong loạt phim “Toy Story” và “A Bug’s Life”, “Monsters Inc.” được giới phê bình đánh giá là một tuyệt phẩm khác của Pixar. Giống với “Toy Story”, bộ phim dựa trên ý tưởng về những con quái vật núp dưới gầm giường hay trong tủ quần áo mà những đứa trẻ hay tưởng tượng ra để phát họa nên chuyến phiêu lưu của hai nhân vật chính đáng yêu là Mike Wasowski, Sully và cô bé Boo. Mặc dù hình ảnh không hoàn hảo như những bộ phim sau này của Pixar, “Monster Inc.” vẫn được các nhà làm phim thiết kế lộng lẫy, với cốt truyện cảm động hoàn toàn thỏa mãn người xem. Và phần tiếp theo “Monsters University” được ra mắt gần đây vẫn tạo được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, phần nào chứng tỏ sức mạnh của bộ phim về những quái vật đáng yêu này.

MONSTERS, INC. 3D

Đây là trailer của phim hoạt hình “Monsters Inc.”

16. “Toy Story 3” (2010)

Ra mắt sau đúng một thập kỷ kể từ “Toy Story 2”, “Toy Story 3” được xem là một trong những bộ phim hay nhất của ngành công nghiệp phim hoạt hình, chứng minh cho sự thành công vượt bậc của Pixar. Thay vì ngủ vùi trong vinh quang, đội ngũ sáng tạo của John Lasseter, Andrew Stanton và đạo diễn Lee Unkrich đã biến đổi mọi thứ, để thời gian trôi qua cho đến khi Andy đến tuổi vào đại học. Cuộc phiêu lưu ở phần này đặc biệt hơn khi các nhà làm phim lồng ghép những pha mạo hiểm chân thực với một chút tối tăm khi các nhân vật quen thuộc đi tìm kiếm những tâm hồn khao khát tình yêu thương, mang khán giả lớn tuổi trở về với tuổi thơ của mình, bởi vì bộ phim không tập chung vào những món đồ chơi bằng nhựa, mà họ muốn truyền tải thông điệp về một thời thơ ấu đã qua.

cma-25-phim-hot-hinh-hay-nhat-the-ky-21-Toy-Story-3Trailer của phim hoạt hình “Toy Story 3”

Tiếp theo >> 25 bộ phim hoạt hình hay nhất thế kỷ 21 (Phần 2)

Yến Nhi dịch (Indiewire.com)